Đánh giá ngành ngân hàng: Khó khăn trong ngắn hạn, tốt về sau

KIS & VNDirect & Rồng Việt

17/07/2023 10:53

Thông tư 06/2023/TT-NHNN yêu cầu nhiều biện pháp kiểm soát hơn đối với hoạt động cho vay

bank-aug18-1629261852.jpeg

Ngân hàng lớn tăng trưởng cao, ngân hàng nhỏ chật vật

Thêm yêu cầu đối với hoạt động cho vay

Theo Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, Thông tư 06/2023/TT-NHNN yêu cầu nhiều biện pháp kiểm soát hơn đối với hoạt động cho vay so với Thông tư 39/2016/TT-NHNN, dẫn đến quy trình sàng lọc giải ngân khoản vay dài hơn, đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) có khẩu vị rủi ro thấp.

Tuy nhiên, về lâu dài, điều này giúp nâng cao chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng và hiệu quả sử dụng dòng vốn cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, Thông tư cũng bổ sung các quy định mới về cho vay qua kênh điện tử theo xu hướng chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng.

Các quy định nổi bật đáng chú ý bao gồm cấm cho vay với mục đích phi kinh doanh và các giao dịch không được kiểm soát/không rõ ràng; bổ sung phương án, dự án cho cá nhân vay mua bất động sản (BĐS) phục vụ nhu cầu đời sống; cụ thể hơn các quy định nội bộ trong toàn bộ quy trình và quản lý cho vay, đặc biệt là kiểm soát cho vay liên quan đến BĐS, đầu tư chứng khoán, hợp tác công tư, nhu cầu vốn phục vụ đời sống có giá trị lớn.

Tạo điều kiện cho vay để trả nợ

Bên cạnh đó, Thông tư 06 tạo điều kiện thuận lợi hơn: (1) cho vay để trả các khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm; (2) cho vay để trả nợ trước hạn nếu đáp ứng đầy đủ yêu cầu và không chỉ giới hạn phục vụ cho HĐKD.

Một số điểm nổi bật như sau: Tăng cường kiểm soát: 1) Bổ sung các phương án, dự án phục vụ nhu cầu đời sống liên quan đến BĐS (điểm c, khoản 6, điều 2) 2) Bổ sung quy định cấm cho vay không nhằm mục đích kinh doanh, giao dịch không rõ ràng/không kiểm soát được (Điều 08) 3) Thêm quy định nội bộ về tiêu chí, quy trình cho vay và quản trị rủi ro (điều 22) Giảm bớt kiểm soát: 1) Giảm bớt hạn chế cho vay để hoàn trả các khoản vay hiện có (Khoản 6, Điều 8) 2) Cho phép sử dụng đồng tiền khác để trả nợ (khoản 2, điều 11) 3) Bổ sung quy định mới về cho vay qua kênh điện tử (mục 3).

Cập nhật ngày 3/3/2023: khó khăn dần hiện hữu

Cho vay doanh nghiệp chiếm ưu thế

Cuối Q1/23, tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ tăng 2,1% so với đầu năm (thấp hơn đáng kể so với mức 5-6% các quý cùng kỳ trước). Các ngân hàng thương mại (NHTM) có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp (KHDN) lớn đã đạt tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành (TCB, HDB, VPB, TPB, MSB).

Ngược lại, tín dụng tại các NH cho vay cá nhân (KHCN) ghi nhận giảm/chậm lại so với đầu năm (ACB, VIB, STB… hình 2). Nền kinh tế suy yếu đã ảnh hưởng lên thu nhập cũng như khả năng trả nợ của KHCN, theo đó làm giảm nhu cầu vay và các NH sẽ thận trọng hơn khi giải ngân cho nhóm này. Ngược lại với KHDN, cụ thể là BĐS với vấn đề thanh khoản trước đó đang rất cần thêm dòng tiền để đảo nợ/tài trợ HĐKD (tín dụng kinh doanh BĐS tăng 6,5% so với đầu năm).

Tăng trưởng huy động có sự phân hóa rõ rệt

Bên cạnh việc cắt giảm chi tiêu, KHCN sẽ có xu hướng tăng “gửi tiết kiệm” trong môi trường lãi suất cao và kinh tế suy yếu (tiền gửi cá nhân tiếp tục đà tăng trưởng cho đến tháng 2/2023). Trong khi đó, tiền gửi KHDN tiếp tục sụt giảm đáng kể cùng thời điểm.

Dù thanh khoản trên thị trường liên NH đã dồi dào trở lại, kênh tiền gửi khách hàng hiện vẫn chiếm phần lớn trong tổng huy động của các NH. Theo đó, xu hướng nói trên sẽ có lợi cho thanh khoản của các NH có tỷ trọng tiền gửi lớn đến từ KHCN và hệ số LDR cao như STB, ACB, VCB…

NH nào sẽ hạn chế được rủi ro NIM thu hẹp?

NIM trung bình của 25 NH niêm yết giảm 18 điểm cơ bản trong Q1/23 do các NH đã phải hi sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ KH. Hơn nữa, NIM của 1 số NHTM như TCB, TPB, VPB, MBB… giảm đáng kể do TPDN và cho vay tiêu dùng (2 lĩnh vực có lợi suất cao hơn các khoản vay thông thường) đang khó khăn.

Xu hướng tăng cho vay KHDN và huy động từ KHCN sẽ duy trì tới khi lãi suất hạ nhiệt rõ rệt và nền kinh tế có sự phục hồi (ít nhất đến Q3/23). Vì vậy trong 2023, NIM của các NHTM (1) cho vay KHDN và nắm giữ TPDN trong danh mục tín dụng và (2) huy động chỉ phụ thuộc vào tiền gửi KH, sẽ giảm mạnh hơn toàn ngành.

Ngược lại, nhóm NH tập trung cho vay bán lẻ và có nguồn huy động đa dạng (từ liên NH, KHCN, CASA cao…) như VIB, HDB, MBB… sẽ hạn chế được rủi ro NIM thu hẹp. Riêng với STB, NIM sẽ cải thiện đáng kể nhờ không còn áp lực thoái lãi dự thu.

Chất lượng tài sản vẫn là yếu tố đáng quan tâm nhất

Theo số liệu từ NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đã tăng lên mức 2,9% cuối Q1/23 (so với 2% cuối 2022). Đa số các NH đều ghi nhận tỷ lệ NPL tăng và LLR giảm so với quý trước (hình 13 & 14). Nhắc lại, khó khăn từ thị trường BĐS vẫn là một thử thách lớn cho triển vọng ngành NH khi lĩnh vực này chiếm đến 21% tín dụng hệ thống vào cuối 2022. NH với bộ đệm dự phòng tốt và danh mục cho vay không tập trung vào BĐS như VCB, ACB… sẽ hạn chế được rủi ro hiện tại.

Tuy vậy,  áp lực trích lập dự phòng cũng như rủi ro nợ xấu của các NH, cụ thể như TCB, MBB, VPB… được giảm bớt trong thời gian tới, khi dòng tiền của các DN BĐS có thể cải thiện phần nào nhờ các chính sách hỗ trợ được ban hành (hình 19) và một số các dự án BĐS được tháo gỡ pháp lý.

Cập nhật ngày 3/3/2023: dè dặt mục tiêu lợi nhuận

Mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên ngành ngân hàng đang đến gần cũng là thời điểm các nhà băng bắt đầu công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023. Theo tài liệu dự kiến trình cổ đông, các ngân hàng đều đưa ra kế hoạch tương đối thận trọng trong năm tài chính 2023 với mục tiêu kết quả kinh doanh không có nhiều đột biến so với cùng kỳ.

Trong năm nay, các chỉ tiêu cơ bản mà Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) đưa ra đều dự kiến tăng trưởng so với năm ngoái, điển hình như tổng tài sản đạt 205.000 tỷ đồng, tăng 15,4%; huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá đạt 155.000 tỷ đồng, tăng 12,8%; dư nợ cho vay cá nhân, tổ chức kinh tế đạt 132.000 tỷ, tăng 10,4% nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng theo quy định của NHNN và tỷ lệ nợ xấu kiểm soát không vượt quá 3%.

Đánh giá về môi trường kinh doanh năm nay, lãnh đạo NamABank cho biết kinh tế thế giới được dự báo bắt đầu đi vào chu kỳ kiểm soát lạm phát và khủng hoảng, trần lãi suất các khu vực sẽ có xu hướng giảm.

Trong nước, Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,5% và lạm phát duy trì mức 4,5%. Ngành ngân hàng theo đó sẽ triển khai những chính sách phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi đồng thời đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng trên.

Tuy nhiên, nhà băng này chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.400 tỷ đồng, dựa trên cơ sở tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch đề ra và phù hợp quy định NHNN. Nếu so với số thực hiện được của năm 2022, con số này chỉ tăng gần 6%.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế từ 32% năm 2022 xuống 15% năm nay, tương đương mức lãi trước thuế kế hoạch 12.200 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong năm liền trước, dù một số chỉ tiêu tài chính như tổng tài sản, dư nợ tín dụng và huy động vốn chỉ hoàn thành dưới 90% kế hoạch đề ra, VIB vẫn đặt tham vọng tăng trưởng các chỉ tiêu này năm nay trên 25%.

Trong khi đó, ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đã công bố mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay tăng tối thiểu 12%, ước vượt 41.000 tỷ đồng. Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận này cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng 39% (đạt 36.700 tỷ đồng) mà nhà băng này ghi nhận được năm 2022 tính riêng kết quả tại ngân hàng mẹ.

Năm 2023, Vietcombank cũng đạt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 9%, tín dụng tăng 12,8% trong đó chưa loại trừ dư nợ 51.000 tỷ đồng dự kiến bán cho một tổ chức tín dụng yếu kém nhận chuyển giao bắt buộc trong năm.

Diễn biến tương tự cũng ghi nhận tại Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) với mục tiêu lãi trước thuế năm nay đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 35%. Nhà băng này vẫn đặt kỳ vọng giữ tốc độ tăng trưởng hai con số nhưng trên thực tế, mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với kết quả đã đạt được trong năm vừa qua. Năm 2022, Eximbank lãi trước thuế 3.709 tỷ đồng, tăng tới 207% so với năm 2021.

Từ cuối năm 2022, NHNN cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, đồng thời đề xuất xử lý các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất.

Theo các chuyên gia phân tích, điều này có thể gây khó khăn trong việc huy động vốn cho các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ do không còn lợi thế cạnh tranh về lãi suất đối với các ngân hàng lớn.

Trong khi đó, việc giới hạn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo lộ trình của NHNN cũng gây áp lực huy động các nguồn vốn dài hạn hơn (trái phiếu, vốn chủ sở hữu…) tại các ngân hàng.

Cập nhật ngày 30/12/2022: Sóng gió vẫn tiếp diễn trong năm 2023

Trước bối cảnh thị trường BĐS tiếp tục trầm lắng trong năm 2023, các ngân hàng sẽ ưu tiên cân bằng chất lượng tài sản và tăng trưởng lợi nhuận. Tăng trưởng LN của ngành sẽ chậm lại . Tuy vậy, rủi ro đã được phản ánh đáng kể vào định giá của toàn ngành.

Việc NHNN tăng mạnh 200 điểm cơ bản lãi suất điều hành sẽ tác động tiêu cực đến NIM của các ngân hàng khi chi phí vốn tăng và lãi suất cho vay khó có thể theo kịp. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản (BĐS) và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tiếp tục khó khăn sẽ tác động xấu lên chất lượng tài sản cũng như tình hình thanh khoản của các ngân hàng. Ngoài ra, câu chuyện tăng vốn sẽ lại là một chủ đề đáng chú ý trong năm tới, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh. Nhìn chung, tăng trưởng LN của ngành sẽ giảm tốc và đạt 10-11% svck trong năm 2023-24 (từ mức 32% svck năm 2022) do tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.

Thận trọng hơn trong nửa đầu năm, lạc quan hơn vào nửa cuối năm

Chúng tôi giữ lập trường thận trọng với triển vọng ngành ngân hàng trong nửa đầu năm 2023 do căng thẳng thanh khoản và rủi ro TPDN vẫn hiện hữu. Khoảng 46 nghìn tỷ đồng TPDN đáo hạn trong 6T23 sẽ là một thử thách lớn lên hệ thống tài chính. Tuy vậy, sang nửa cuối năm, tình hình sẽ trở nên khả quan hơn khi lãi suất và căng thẳng tỷ giá được dịu bớt; và vấn đề thanh khoản cũng được giải quyết phần nào nhờ Chính phủ đẩy mạnh các gói đầu tư công. Rủi ro giảm giá: (1) lãi suất tăng cao hơn dự kiến, (2) nợ xấu tăng cao hơn dự kiến, (3) khó khăn trên thị trường BĐS và TPDN tiếp tục kéo dài.

Thị trường điều chỉnh mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho ngành ngân hàng

“Khác nhau ở góc nhìn, người lạc quan sẽ nhìn bức tranh với gam màu tươi sáng hơn”. Hệ thống ngân hàng đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây, và ngân hàng vẫn là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Do đó, định giá ở mức thấp nhất lịch sử (1,1 lần P/B năm 2023) đang mở ra một cơ hội đầu tư hết sức hấp dẫn. Với bối cảnh hiện tại, chúng tôi ưu tiên các ngân hàng có khả năng phòng thủ trước những biến động (quản trị rủi ro tốt và cho vay BĐS hạn chế), điển hình như VCB và ACB. Tuy vậy, một khi sóng gió qua đi, chúng tôi có phần ưu tiên những ngân hàng có định giá rẻ, bộ đệm vốn vững chắc và có tỷ trọng cho vay BĐS và TPDN lớn trong danh mục tín dụng, điển hình như TCB và VPB.

Cập nhật ngày 30/4/2022: các ngân hàng lớn tăng trưởng cao, ngân hàng nhỏ chật vật

Sự phân hoá mạnh mẽ trong tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng đã công bố KQKD Q1/2022 phù hợp với dự báo. Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong Q2/2022.

Lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng tư nhân đang tăng lên. Điều này cũng được phản ánh qua việc lãi suất huy động bình quân tăng trong Q1/2022 so với Q4/2021. Trong khi đó, các ngân hàng quốc doanh vẫn duy trì mức lãi suất kể từ giữa năm 2021. Tốc độ tăng lãi suất huy động đang chững lại tại các ngân hàng tư nhân hàng đầu, do đó, kỳ vọng lãi suất huy động niêm yết tương đối ổn định trong Q2/2022. Lãi suất vẫn sẽ tăng từ mức hiện nay trong giai đoạn cuối năm.

Giữa những lo ngại đang gia tăng và tác động đến giá cổ phiếu, một số ngân hàng đã công bố kết quả hoạt động Q1/2022, cho thấy rằng ​​tăng trưởng lợi nhuận phân hoá như dự báo ​​trong Báo cáo Chiến lược năm 2022.

Với khoảng 9 ngân hàng công bố báo cáo tài chính tại thời điểm thu thập dữ liệu, ước tính tăng trưởng tổng thu nhập lãi thuần bình quân của nhóm này là 21%, tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng 36% và tăng trưởng LNTT đạt 70%. Trong đó, VPB công bố lợi nhuận tăng trưởng bất thường nhờ khoản phí trả trước bancassurance.

Sự tăng trưởng của các cấu phần thu nhập cho thấy sự đóng góp lớn của thu nhập ngoài lãi, hệ số CIR và chi phí tín dụng. Thu nhập lãi thuần tăng trưởng mạnh mẽ tại các ngân hàng tư nhân lớn do tăng trưởng tín dụng cao so với đầu năm và sự chênh lệch giữa tốc độ mở rộng tín dụng và huy động tiếp diễn.

Các ngân hàng tư nhân lớn đã bổ sung một lượng trái phiếu doanh nghiệp đáng kể. TCB, VPB và TPB tăng số dư trái phiếu doanh nghiệp thêm 38 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ trong hệ thống ngân hàng là 274 nghìn tỷ đồng. Mức tăng trong số dư trái phiếu doanh nghiệp của ba ngân hàng này tương đương với 14% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn ngành.

Điều này có thể gây ra một số lo ngại do các sự kiện gần đây liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Các ngân hàng được NHNN giám sát chặt chẽ về mặt phát hành trái phiếu doanh nghiệp và cho vay bất động sản. Danh mục trái phiếu đang tư vấn, bảo lãnh phát hành đã bị chậm lại tại một số ngân hàng đầu tư hàng đầu. Hạn mức tín dụng cho các khoản vay doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã được giới hạn.

Tuy nhiên, đà ​​tăng trưởng tín dụng của ngành vẫn bền vững (19/04/22: 6,37% YTD, 16,0% YoY, cao nhất kể từ đầu đại dịch). Tăng trưởng mạnh đến từ cả các khoản cho vay ngắn hạn (6,84% YTD) và dài hạn (5,86% YTD, trong đó các khoản vay mua nhà và ô tô đóng góp đáng kể). Điều này cho thấy hoạt động giải ngân vẫn diễn ra bình thường ở hầu hết các ngân hàng. Tuy nhiên, chính sách tín dụng có thể đã được thay đổi theo định hướng bán lẻ và cho các doanh nghiệp vay không vì mục đích kinh doanh bất động sản.

Việc rà soát gắt gao này là một biện pháp để hạn chế sự kiện “tê giác xám”. Rủi ro đã bị ngó lơ trong nhiều năm. Tất cả các ngân hàng đều ít nhiều liên quan đến lĩnh vực bất động sản, khiến nó có thể trở thành rủi ro hệ thống. Tuy vậy, mức độ, quy mô và hình thức liên quan đến bất động sản là khác nhau giữa các ngân hàng. Với bộ đệm vốn cũng vậy.

Trong Báo cáo Chiến lược năm 2022,  tốc độ tăng trưởng bảng cân đối giữa các ngân hàng sẽ tiếp tục phân hoá mạnh năm 2022 và lợi thế sẽ nghiêng về phía các ngân hàng lớn. Từ KQKD Q1/22 của một số ngân hàng, động lượng phù hợp với kỳ vọng này ở các ngân hàng tư nhân hàng đầu trong khi các ngân hàng nhỏ hơn có mức tăng trưởng âm.

Tính theo năm, hạn mức tăng trưởng tín dụng cao năm 2021 và tốc độ mở rộng tín dụng mạnh mẽ trong Q1/22 đã mang lại tăng trưởng tín dụng tốt tại các ngân hàng tư nhân lớn, hỗ trợ thu nhập lãi thuần. Mặc dù có sự phục hồi trong Q1/22, tốc độ tăng trưởng huy động của các ngân hàng lớn này vẫn chậm hơn quá trình mở rộng tín dụng. Điều này cũng đã hỗ trợ NIM.

Sự phân hoá trong tăng trưởng lợi nhuận giữa các ngân hàng sẽ tiếp tục trong Q2/22, trước khi toàn ngành được hưởng lợi từ nền so sánh thấp và hạn mức tăng trưởng tín dụng thường được nâng lên trong nửa cuối năm 2022.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động tiếp tục không đồng đều là một trong các nguyên nhân khiến NIM của một số ngân hàng mở rộng trong Q1/22.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, tăng trưởng huy động đang tăng trở lại với tốc độ ổn định. Lãi suất sẽ tăng trong nửa sau năm 2022, thúc đẩy tăng trưởng huy động cao hơn.

Giai đoạn mới của chi phí huy động vốn?

Triển vọng về NIM là tương đối phân hoá. Diễn biến lãi suất trong Q1/22 đã chứng minh điều này. 5 trong số 9 ngân hàng công bố BCTC tại thời điểm chúng tôi cập nhật dữ liệu có NIM giảm theo quý. 3 trên 4 ngân hàng có NIM mở rộng là ngân hàng nhóm 1 – ngân hàng tư nhân quy mô lớn.

Lãi suất huy động trong Q1/22 tăng trung bình 3 điểm cơ bản so với Q4/21. Lợi suất cho vay bình quân giảm 8 điểm cơ bản. Điều này dẫn đến việc thu hẹp chênh lệch lãi suất thị trường 1 của nhiều ngân hàng. Lãi suất huy động tăng mạnh nhất tại TCB (29 điểm cơ bản), VPB (19 điểm cơ bản) và TPB (14 điểm cơ bản). Những ngân hàng này cũng có mức tăng trưởng tiền gửi cao nhất.

Chỉ có 3/9 ngân hàng giảm lãi suất huy động bình quân theo quý. Lợi suất cho vay tăng mạnh nhất tại VPB (55 điểm cơ bản). VPB là ngân hàng duy nhất có lợi suất cho vay tăng trưởng dương trong quý 1/2022. Lợi suất cho vay giảm mạnh nhất theo quý ở BAB, tiếp theo là TPB. Điều này giải thích cho sự thu hẹp liên tục ở NIM (hàng quý) của TPB.

Lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng tư nhân đang tăng lên. Điều này được phản ánh qua việc lãi suất huy động bình quân tăng trong Q1/22 so với Q4/21. Trong khi đó, các ngân hàng quốc doanh vẫn duy trì mức lãi suất kể từ giữa năm 2021. Tốc độ tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng tư nhân hàng đầu đang chững lại, do đó, kỳ vọng lãi suất huy động niêm yết khá ổn định trong Q2/2022. Về phía cuối năm, dự kiến lãi suất vẫn sẽ tăng so với mức hiện nay.

Các ngân hàng tư nhân đã tích cực hơn trong việc thu hút tiền gửi do quy mô nhỏ hơn. Lãi suất huy động niêm yết bình quân đạt mức thấp vào cuối năm 2021, trước khi tăng trở lại. Tốc độ tăng lãi suất gần đây đã chậm lại, nhưng Công ty Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng đà tăng sẽ quay trở lại trong nửa cuối năm 2022.

Cập nhật ngày 4/4/2022: dự báo lợi nhuận quý 1/2022 không đạt kỳ vọng

Các ngân hàng cho biết tình hình kinh doanh trong quý I/2022 đã cải thiện so với quý trước nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng. Dự báo tình hình sẽ cải thiện hơn trong quý II và cả năm 2022

Đây là thông tin được các nhà băng chia sẻ trong cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý II/2022 do Vụ dự báo, thống kê (thuộc Ngân hàng Nhà nước) thực hiện.

Cụ thể, cuộc khảo sát được thực hiện với toàn bộ tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam với tỷ lệ trả lời đạt 94%.

Theo đó, các ngân hàng đánh giá tình hình kinh doanh của hệ thống trong quý I năm nay đã có sự cải thiện so với quý trước nhưng chưa đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, hầu hết tổ chức tín dụng (73-80%) kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện hơn trong quý II và cả năm 2022 với mức độ cải thiện cao hơn so với năm 2021.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các nhà băng đều đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh trong quý I có tăng trưởng nhưng chưa đạt được như kỳ vọng.

Trong quý tiếp theo, gần 60% tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng so với quý I. Trong đó, khoảng 57% ngân hàng dự báo kết quả kinh doanh tăng nhẹ, 34% ngân hàng kỳ vọng không đổi và 9% ngân hàng lo ngại kết quả kinh doanh suy giảm nhẹ.

Các ngân hàng cũng điều chỉnh giảm kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của năm 2022 so với kỳ điều tra trước, với gần 90% ngân hàng dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng dương so với năm 2021 (giảm 5 điểm % so với tỷ lệ kỳ điều tra trước). Bên cạnh đó, vẫn có 6% ngân hàng dự báo lợi nhuận suy giảm trong năm nay và 5% dự báo không đổi.

Về vấn đề nợ xấu, trái với dự báo nợ xấu tăng nhẹ trong quý IV/2021, nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong quý I năm nay đã được các tổ chức tín dụng nhận định có chiều hướng giảm nhẹ và kỳ vọng tiếp tục giảm trong quý tiếp theo.

Sau quý I với kỳ vọng huy động vốn toàn ngành tăng 2,6%, các ngân hàng tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng huy động vốn đạt bình quân 3,6% trong quý II và tăng 11,4% trong cả năm này. So với kỳ điều tra trước, mức tăng trưởng huy động dự kiến cả năm này đã giảm 0,7 điểm %.

Tương tự ở chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, trong quý I các ngân hàng dự báo chỉ tiêu này có thể tăng tới 5,3%, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,95% cùng kỳ năm 2021. Sang đến quý II, các ngân hàng kỳ vọng chỉ tiêu này tăng thêm 4,8% và sẽ đạt 14,1 % trong cả năm 2022. So với dự báo cả năm tại kỳ điều tra trước, kỳ vọng của các ngân hàng với tăng trưởng tín dụng toàn ngành không đổi.

Cũng tại báo cáo điều tra này, các tổ chức tín dụng cho biết thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý I vừa qua vẫn duy trì ở trạng thái tốt, nhưng đã thu hẹp nhẹ so với cuối quý IV/2021 với cả tiền Đồng và ngoại tệ. Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là nhu cầu trả lương, thưởng và thanh toán của doanh nghiệp tăng cao trước và sau Tết Nguyên đán.

Sang quý II, các tổ chức tín dụng dự kiến tình hình thanh khoản sẽ cải thiện cao hơn và tiếp tục cải thiện hơn trong cả năm 2022 so với năm 2021 đối với cả tiền Đồng và ngoại tệ.

Về lãi suất, mặt bằng lãi suất huy động - cho vay được các ngân hàng kỳ vọng không đổi hoặc chỉ tăng rất nhẹ 0,03-0,06 điểm % trong giai đoạn tháng 4-6 tới và tăng 0,13-0,18 điểm % trong cả năm 2022. Trong đó, mức tăng chủ yếu tập trung ở lãi suất huy động.

Cập nhật ngày 28/2/2022: Nợ xấu ngân hàng có thể tăng mạnh vào nửa cuối năm 2022

Theo Ngân hàng nhà nước, cuối năm 2021 tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9%. Tỷ lệ nợ xấu gộp tăng mạnh lên mức 7,31% cuối năm 2021 từ mức 5,1% cuối năm 2020.

Mặc dù nửa đầu năm 2022, tình hình nợ xấu sẽ vẫn chưa có nhiều áp lực do Nghị quyết 42 vẫn có hiệu lực. Tuy nhiên Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu nợ của Ngân hàng nhà nước sẽ chỉ có hiệu lực tới 30/6/2022

 

Nhiều chuyên gia tài chính nhận định tình hình nợ xấu có thể diễn biến theo chiều hướng bất lợi vào nửa cuối 2022. Cụ thể theo TS. Cấn Văn Lực nhận định nợ xấu nội bảng được dự báo có thể lên mức 2,3 – 2,5% và nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% năm 2022 và có thể còn ở mức cao hơn từ năm 2024.

Nghị quyết 42 sắp hết hiệu lực, trong trường hợp không có hướng dẫn và quy định xử lý nợ xấu rõ ràng, hoặc tiếp tục gia hạn nghị quyết sẽ dẫn đến sự bất ổn cho hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung.

Cập nhật ngày 5/1/2022: Cổ phiếu ngân hàng còn sóng năm 2022?

Chiếm khoảng 30% vốn hóa VN-Index và 1/4 vốn hóa toàn thị trường, cổ phiếu ngành ngân hàng đã và đang đóng vai trò quan trọng đối với thị trường chứng khoán trong nước 2 năm gần đây.

Trong giai đoạn chỉ số VN-Index tăng mạnh từ đáy 660 điểm hồi cuối tháng 3/2020 lên vượt mốc 1.400 điểm vào giữa năm 2021, cổ phiếu ngân hàng cũng là nhóm đóng vai trò chính hỗ trợ mức tăng trưởng này.

Theo đó, trong giai đoạn chỉ số VN-Index tăng hơn 112% này, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã ghi nhận mức tăng 3-4 lần thị giá như VPB (VPBank) tăng 315%; TCB (Techcombank) tăng 290%; MBB (MBBank) tăng 270%; CTG (VietinBank) tăng hơn 200%...

Tuy nhiên, nửa sau năm 2021 lại chứng kiến nhóm cổ phiếu ngân hàng đứng ngoài xu hướng tăng của thị trường. Trong khi thị trường chung vẫn duy trì tăng trưởng và chinh phục mốc 1.500 điểm, hầu hết cổ phiếu ngân hàng lại ghi nhận diễn biến trái ngược.

Tính riêng nửa cuối năm 2021, chỉ số VN-Index vẫn tăng gần 20% từ đáy giữa tháng 7, nhưng hàng loạt cổ phiếu ngân hàng lại giảm 2 chữ số như BID (BIDV) giảm 24,3%; CTG (VietinBank) giảm 19,6%; TCB (Techcombank) giảm 13,8%; SHB (Ngân hàng SHB) giảm 13,6%; VCB (Vietcombank) giảm 12,6%; VPB (VPBank) giảm 10,5%; MBB (MBBank) giảm 10,4%...

Theo thống kê, có tới 17/27 cổ phiếu ngân hàng ghi nhận xu hướng giảm giai đoạn này

Nói với Zing, giám đốc môi giới một công ty chứng khoán tại Hà Nội cho biết có 2 lý do để giải thích việc cổ phiếu ngân hàng suy yếu trong nửa cuối năm 2021, bao gồm cả kỹ thuật và cơ bản.

Dưới góc độ kỹ thuật, cổ phiếu ngân hàng đa số đều có khối lượng lưu hành lớn, từ năm 2020 đến giữa năm 2021 đã có những mã tăng gấp 2-3 lần thị giá. Nhìn lại lịch sử giá với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, mức tăng kể trên là một thành tích rất lớn và đã đạt kỳ vọng lợi nhuận của nhiều nhà đầu tư.

Vì vậy, ở mặt bằng giá hiện nay, nhiều nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư lớn đã thỏa mãn lợi nhuận và tiến hành bán ra cổ phiếu. Điều này dẫn tới lượng cổ phiếu bán ra lớn trong khi thị trường không có khả năng hấp thụ tương đương, dẫn tới giá không thể bật lên.

“Nói theo góc độ chuyên ngành thì cổ phiếu ngân hàng đã bị các nhà đầu tư lớn phân phối ra. Trong giai đoạn này, phần lớn cổ phiếu nằm trong tay các nhà đầu tư nhỏ lẻ và khi nhà đầu tư lớn không mua vào thì cũng không có đủ động lực để đẩy giá đi lên”, vị này nói.

Dưới góc độ phân tích cơ bản, vị giám đốc môi giới cho biết các nhà đầu tư đánh giá lợi nhuận ngành ngân hàng đã đạt đỉnh trong giai đoạn 2020 và nửa đầu năm 2021. Vì vậy trong nửa cuối năm 2021 và 2022, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận ngành đã không còn cao.

Ngành ngân hàng cũng chịu áp lực giảm lãi suất từ cơ quan quản lý khiến biên lợi nhuận giảm, dẫn tới tăng trưởng lợi nhuận không còn cao như trước.

Nói theo góc độ chuyên ngành thì cổ phiếu ngân hàng đã bị các nhà đầu tư lớn phân phối ra

Bên cạnh đó, tín dụng dự kiến vẫn tăng trong thời gian tới nhưng không còn mạnh như trước cũng tác động tới triển vọng lợi nhuận ngành này.

Theo bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research, từ quý IV/2020 đến quý II/2021, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng ở mức rất cao, thậm chí cao hơn nhiều so với trước dịch Covid-19 (năm 2019). Qua đó tác động tích cực đến giá cổ phiếu ngân hàng giai đoạn này.

Tuy nhiên, đến quý III và IV/2021, mức tăng trưởng so với cùng kỳ đã chậm dần do các đợt bùng phát dịch Covid-19 mới, ảnh hưởng tới lợi nhuận chung toàn ngành và tác động tiêu cực lên giá cổ phiếu.

Năm 2021, tính chung cả nhóm, tốc độ tăng giá năm 2021 là 36,1% trong khi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận mới đạt 32,8%. Một số ngân hàng có tốc độ tăng giá cổ phiếu vượt tăng trưởng lợi nhuận như VCB, TCB, BID, VPB, CTG, MBB, ACB, VIB…

Ngoài ra, định giá cổ phiếu ngân hàng nửa cuối năm 2021 đã ở mức cao theo cả P/B và P/E đều ở vùng cao hơn so với trung bình 3 năm gần nhất.

Với các diễn biến vĩ mô từ cuối quý IV/2021 và nửa đầu năm 2022, mức tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng so với cùng kỳ có thể tiếp tục chậm do mức nền so sánh cao của quý IV/2020 và nửa đầu năm 2021.

“Với triển vọng tăng trưởng trong 3-6 tháng tới không còn hấp dẫn như nửa đầu năm 2021, sức hút của cổ phiếu ngân hàng cũng giảm đi”, bà Phương nhận định.

Trong cả năm 2022, giám đốc SSI Research cho rằng triển vọng ngành ngân hàng sẽ phụ thuộc vào mức độ mở cửa trở lại cũng như tốc độ hồi phục của nền kinh tế.

Nếu giả định mở trở lại các đường bay quốc tế vào nửa cuối năm 2022 và không còn giãn cách xã hội nghiêm ngặt như năm 2021, triển vọng của ngành ngân hàng cũng sẽ sáng hơn trong nửa cuối năm 2022.

Nửa đầu năm 2022, bức tranh hồi phục của ngành chưa rõ ràng, nợ xấu vẫn là ẩn số. Đến nửa cuối năm, dự kiến ngành ngân hàng sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ hơn, các ngân hàng cũng sẽ phân hoá rõ rệt.

Trong khi đó, vị giám đốc môi giới công ty chứng khoán tại Hà Nội cho rằng sau 6 tháng tích lũy, những ngân hàng có dư địa tăng trưởng tín dụng lớn trong năm nay có khả năng cổ phiếu vẫn tạo sóng.

Tuy nhiên, để đánh giá cổ phiếu ngân hàng có thể tăng tích cực được như giai đoạn 2020-2021 hay không cần có các giả định về kỹ thuật và cơ bản xảy ra.

Trong đó, muốn cổ phiếu tăng giá phải đáp ứng đủ 2 yếu tố là cầu cao hơn cung và bức tranh lợi nhuận toàn ngành tích cực.

“Cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ tăng trong năm 2022 nhưng dư địa không mạnh. Nếu muốn thị giá tăng vọt như trước, kỳ vọng lợi nhuận cũng phải tăng vọt, nhưng với bức tranh vĩ mô hiện tại không cho phép ngành ngân hàng làm điều đó”, ông nói.

Vị này cho rằng xác suất để cổ phiếu ngân hàng tăng đột biến trong năm nay chỉ vào khoảng 30%, trong khi dự báo tăng chung cùng với thị trường khoảng 50% và khả năng đi ngang hoặc giảm chỉ là 20%.

Còn theo các chuyên gia phân tích tại VNDirect, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong năm nay nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh, nhu cầu phục hồi và các chính sách tài khóa hỗ trợ. Trong đó, ngân hàng sẽ là đại diện tiêu biểu cho sự hồi sinh kinh tế.

Về dòng tiền, thanh khoản thị trường tăng ổn định trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp sẽ còn kéo dài, nên cổ phiếu ngân hàng sẽ là một trong những nhóm ngành được hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng này với việc chiếm 1/4 vốn hóa toàn thị trường.

Tuy vậy, các chuyên gia tại đây cũng dự báo tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng năm 2022 nhiều khả năng sẽ chậm lại và rủi ro chính đối với ngành là việc xuất hiện các biến thể mới của dịch Covid-19, cản trở sự hồi phục của nền kinh tế và lạm phát cao hơn cản trở việc mở rộng cho vay.

KIS & VNDirect & Rồng Việt
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: [email protected]. Trân trọng.