Kết quả kinh doanh MSB (Maritime Bank): 9 tháng 2023 lợi nhuận 5.223 tỷ đồng, tăng 8,3%

HỒNG MƠ

25/10/2023 13:41

Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã công bố kết quả kinh doanh quý gần nhất.

 

msb-1689839208.jpg
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB - sàn HOSE)

Lũy kế 9 tháng, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đạt 5.223 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế, tăng 8,3% cùng kỳ.

Mức lợi nhuận này đạt 83% kế hoạch năm. Kết thúc 9 tháng, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của ngân hàng đạt 9.567 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022. Thu nhập lãi thuần đạt hơn 6.800 tỷ đồng, tăng 9% so với 9 tháng đầu năm trước.

Đẩy mạnh nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng nhằm bù đắp các tác động của thị trường lên tín dụng, tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập đạt gần 29%, tăng hơn 6% cùng kỳ. Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.315 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ 2022, trong đó doanh thu từ dịch vụ thanh toán chiếm tỷ trọng 43% trong tổng doanh thu phí dịch vụ. Đại diện đơn vị cho biết, đây là kết quả từ quá trình chuyển đổi số của MSB trong mục tiêu gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt gần 1.031 tỷ đồng, tăng 16% so cùng kỳ năm trước. Nhờ doanh thu tăng cao hơn mức tăng 8% của chi phí hoạt động, tính đến 30/9, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ghi nhận 31,6%, thấp hơn mức 34,8% cùng kỳ năm ngoái.

Tổng tài sản tại ngày 30/9 của ngân hàng đạt trên 249.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2022. Tổng dư nợ tín dụng khách hàng đạt gần 141.244 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm; tập trung những lĩnh vực ít biến động như thương mại công nghiệp nhẹ, hàng tiêu dùng. Tiền gửi khách hàng đạt 129.618 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm trước.

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi (CASA) đạt 27,71%, đánh dấu sự hồi phục sau hai quý nghịch chiều. Đại diện ngân hàng phân tích, điều này đến từ biến động lãi suất huy động cùng việc triển khai hiệu quả các sản phẩm có hàm lượng số hóa cao, phù hợp thị hiếu khách hàng.

Trong quý III, hưởng ứng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, MSB đã ba lần hạ lãi suất cho khách vay vốn. Dù điều này tác động trực tiếp tới biên lãi ròng (NIM), MSB vẫn giữ chỉ số này đạt 4,11%, giảm nhẹ so với năm 2022.

Kết thúc quý III, tỷ lệ nợ xấu NPL riêng lẻ giữ mức 1,7% trước CIC và 1,96% sau CIC. Ngân hàng cho biết có nhiều hoạt động nhằm kiểm soát nợ xấu để củng cố sức mạnh bảng cân đối trước tác động của thị trường.

Ngân hàng duy trì tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) đạt 68,6%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (MTLT) đạt 29,18%, thấp hơn yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Chỉ số an toàn vốn hợp nhất (CAR) của MSB giữ mức 12,6%.

Kết quả kinh doanh MSB (Maritime Bank): 6 tháng 2023 lợi nhuận hợp nhất 3.548 tỷ đồng

Kết thúc 6 tháng đầu năm, Lợi nhuận hợp nhất trước thuế Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB - sàn HOSE) đạt 3.548 tỷ đồng, hoàn thành 56% kế hoạch năm

Tổng cho vay khách hàng lũy kế 6 tháng đạt gần 136.600 tỷ đồng, tăng trưởng đạt 13,2% kể từ đầu năm 2023, cao hơn mức trung bình toàn ngành, với sự đóng góp lớn từ các phân khúc chiến lược như khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tiền gửi khách hàng lũy kế 6 tháng ghi nhận gần 126.300 tỷ đồng, tăng nhẹ 7,8% so với cuối năm 2022, trong đó tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi ký quỹ có sự tăng trưởng tốt khi tăng lần lượt 24% và 30%.

Tổng thu thuần của MSB trong 6 tháng đầu năm đạt gần 6.400 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh mẽ hơn 86%, tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động đạt trên 31%. Điều này cũng cho thấy sự nỗ lực của MSB trong việc chuyển đổi và đa dạng hóa cơ cấu nguồn thu, đặc biệt trong hoàn cảnh các hoạt động kinh doanh dựa trên cho vay đang có nhiều biến động bất lợi.

Thu nhập lãi thuần tăng ổn định nhờ cơ chế cho vay linh hoạt, chất lượng tệp khách hàng tốt và quản trị nguồn vốn kinh doanh hiệu quả. Trên cơ sở đó, biên lãi ròng NIM lũy kế 4 quý gần nhất của Ngân hàng đạt 4,26%, tiếp tục ổn định ở mức cao trên thị trường.

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Ngân hàng đạt hơn 237.800 tỷ, tăng 11,8% so với thời điểm 31/12/2022.

Chỉ số chi phí trên doanh thu (CIR) tính đến cuối tháng 6 là 30,41%. Nhờ chiến lược điều phối nhịp nhàng giữa quản lý chi phí và gia tăng hiệu quả sinh lời, lợi nhuận hợp nhất trước thuế lũy kế 6 tháng của MSB đạt 3.548 tỷ đồng, tương đương 56% kế hoạch năm.

Về các chỉ số an toàn hoạt động, tỷ lệ nợ xấu (NPL) riêng lẻ tại 30/6/2023 của MSB được kiểm soát ở mức 1,73%. Để đảm bảo các quy chuẩn về an toàn hoạt động và trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ tái cơ cấu do Covid-19, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho những kịch bản bất lợi hơn trong thời gian tới, ngân hàng cũng chủ động trích lập dự phòng đầy đủ cho các rủi ro tín dụng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ dư nợ trên huy động (LDR) và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (Mtlt) cũng được duy trì và củng cố khi lần lượt đạt 68,31% (so với giới hạn 85%) và 31,92% (so với yêu cầu 37%). MSB cũng ghi nhận chỉ số an toàn vốn (CAR) riêng lẻ ở mức cao, đạt 12,7%.

Kết quả kinh doanh MSB (Maritime Bank) quý 1/2023: Lợi nhuận trước thuế 1.526 tỷ đồng

Lợi nhuận trước thuế quý I/2023 của MSB đạt 1.526 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2022.

Tổng thu nhập hoạt động của MSB đạt gần 2.900 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, thu nhập lãi thuần chiếm 75%, đạt hơn 2.150 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, dựa trên việc kiểm soát danh mục tín dụng và được dẫn dắt bởi biên lãi thuần ở mức 4,39%. Thu nhập ngoài lãi cán mốc 710 tỷ đồng, ghi nhận tăng trưởng tốt từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư khi lãi thuần mảng này tăng 52% so với thời điểm kết thúc quý 1/2022.

Theo số liệu vừa công bố, tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE: MSB) đạt gần 235.500 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2022. Cho vay khách hàng đạt gần 137.000 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với 31/12/2022. Đảm bảo đúng định hướng của ngân hàng về việc phân phối rủi ro, tập trung phát triển tệp khách hàng cá nhân có tính bền vững cao, tỷ trọng cho vay giữa cá nhân và doanh nghiệp của ngân hàng vẫn theo tỷ lệ 30% -70% trong tổng dư nợ tín dụng.

Tiền gửi khách hàng đạt trên 126.000 tỷ đồng, tăng 8% so với thời điểm cuối năm ngoái. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm tăng 32%.

Với việc quản trị rủi ro, ngân hàng giữ quan điểm thận trọng, duy trì tốt các chỉ số an toàn. Tỉ lệ nợ xấu riêng lẻ của MSB tại ngày 31/3/2023 là 1,42%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Thông tư 41 ở mức 11,55%. Ngân hàng cũng duy trì thanh khoản dồi dào khi tỷ lệ dư nợ trên huy động (LDR riêng lẻ) đạt mức 68,8% (so với giới hạn 85%) và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của mảng ngân hàng được kiểm soát ở mức 28,8% (so với yêu cầu 37%). Tỷ lệ nợ tái cơ cấu còn 1.366 tỷ đồng, giảm so với cuối năm 2022.

Kết quả kinh doanh MSB (Maritime Bank) quý 4/2022 lợi nhuận 5.787 tỷ đồng, tăng 14%

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4 và cả năm 2022.

Điểm đáng chú ý trong bản báo cáo tài chính này là việc bất chấp bối cảnh lãi suất huy động tăng cao, MSB vẫn ghi nhận biên lãi ròng (NIM) ở mức tăng trưởng tốt so với năm trước và hiệu quả, đạt khoảng 4,5%.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của MSB đạt hơn 213.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 5% so với năm trước. Trong đó, cho vay khách hàng đạt hơn 119.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 19% so với 2021. Bên cạnh đó, tiền gửi huy động từ khách hàng ghi nhận trên 117.000 tỷ đồng, tăng khoảng 24%.

Với chiến lược kinh doanh đa dạng hóa nguồn doanh thu, tổng thu nhập thuần của ngân hàng tại 31/12/2022 đạt gần 10.700 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi thuần đạt hơn 8.300 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước và vẫn giữ vị trí là động lực tăng trưởng chính.

Đặc biệt, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối chiếm trên 1.000 tỷ đồng, gấp hơn 2,6 lần so với cả năm 2021. Nếu loại bỏ khoản doanh thu khác trong năm 2021 từ ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền với Prudential, năm 2022 vừa qua, MSB vẫn giữ mức tăng trưởng khá ấn tượng từ hoạt động kinh doanh dịch vụ ngân hàng cốt lõi.

Kết thúc năm 2022, lợi nhuận trước thuế của MSB đạt hơn 5.787 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 14% so với năm 2021 và đạt hơn 85% kế hoạch.

Song song với tăng trưởng, an toàn hoạt động tiếp tục được MSB duy trì và củng cố, tuân thủ chặt chẽ các quy định từ Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, tỷ lệ dư nợ trên huy động (LDR riêng lẻ) đạt mức 68,77% (so với giới hạn 85%) và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của mảng ngân hàng được kiểm soát ở mức 23,57% (so với yêu cầu 37%). Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất theo thông tư 41 đạt 12,33%. Tỷ lệ nợ xấu (NPL của mảng ngân hàng) theo thông tư 11/NHNN đang ở mức 1,21%, dư nợ tái cơ cấu chỉ còn khoảng 1.400 tỷ đồng.

Cũng trong quý 4/2022, ngân hàng đã hoàn thành việc tăng vốn điều lệ lên mốc 20.000 tỷ đồng.

msb-linh-ceo-1616573308.jpeg

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB  

Kết quả kinh doanh MSB (Maritime Bank) quý 3/2022: Lợi nhuận 1.489 tỷ, tăng 47,4%

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE: MSB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022. Theo đó, CASA của ngân hàng tiếp tục trong nhóm dẫn đầu thị trường, đạt 38,25%. Tỉ lệ nợ xấu theo thông tư 11/NHNN chỉ 1,08%.

Kết thúc quý 3/2022, tổng tài sản MSB đạt trên 194.000 tỷ đồng. Cho vay khách hàng ghi nhận hơn 112.100 tỷ đồng, tăng 14% so với quý 3/2021.

Lũy kế 9 tháng, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó thu nhập lãi thuần đạt hơn 6.200 tỷ đồng, tăng 38% so với 9 tháng năm 2021. Tổng thu nhập từ các hoạt động cốt lõi khác như hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư đạt hơn 2.500 tỷ, chiếm đến 32% tổng thu nhập hoạt động.

Đặc biệt, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối lũy kế đạt gần 889 tỷ đồng, tăng 215% so với cùng kỳ năm trước, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư lũy kế đạt 813 tỷ đồng, tăng trưởng 346% so với 2021.

Lợi nhuận trước thuế quý 3 của ngân hàng đạt 1.489 tỷ đồng, tăng 47,4% so với quý 3/2021. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng cán mốc 4.824 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021, thực hiện hơn 70% kế hoạch năm đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Kết quả kinh doanh MSB (Maritime Bank): lãi trước thuế 6 tháng gần 3,336 tỷ đồng

Theo BCTC hợp nhất quý 2/2022, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HOSE: MSB) báo lãi trước thuế 6 tháng gần 3,336 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, MSB thu về gần 4,024 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 39% so cùng kỳ. Lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 74%, chỉ còn thu hơn 580 tỷ đồng, do giảm thu từ nghiệp vụ ủy thác và đại lý. 

Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản của MSB giảm 4% so với đầu năm, chỉ còn 195,057 tỷ đồng. Trong đó, cho vay các TCTD khác giảm 30% (còn 9,514 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 9% (110,470 tỷ đồng),… 

Tổng nợ xấu tại ngày 30/06/2022 giảm 6% so với đầu năm, chỉ còn gần 1,663 tỷ đồng. Trong đó, giảm mạnh nhất là nợ dưới tiêu chuẩn. Kết quả kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 1.74% đầu năm xuống còn 1.5%. 

Năm 2022, MSB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 6,800 tỷ đồng. Như vậy, Ngân hàng đã thực hiện được 49% chỉ tiêu sau nửa đầu năm. 

Kết quả kinh doanh MSB (Maritime Bank) quý 1/2022: lợi nhuận 1.500 tỷ đồng, tăng 30%

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa chia sẻ về kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2022. Theo đó, về kết quả hoạt động kinh doanh, tổng thu nhập thuần hợp nhất của MSB đạt 2.406 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, dẫn dắt bởi sự tăng trưởng ở cả thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi.

Thu nhập lãi thuần đạt hơn 1.964 tỷ đồng, tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập ngoài lãi ghi nhận sự đóng góp lớn từ kinh doanh ngoại hối khi lãi thuần mảng hoạt động này đạt 246 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập từ phí đạt 336 tỷ đồng, tăng mạnh 174% so với cùng kỳ 2021 với động lực chính đến từ phát hành thẻ tín dụng, dịch vụ bảo hiểm và hoạt động thanh toán. Bên cạnh đó, tỷ lệ chi phí trên doanh thu (CIR) của MSB tiếp tục giảm xuống còn 30,8% từ mốc 37,1% cuối năm 2021 nhờ việc số hóa các quy trình giúp tăng năng suất lao động và gia tăng thu nhập mạnh hơn gia tăng chi phí.

Dựa trên sự đa dạng nguồn doanh thu và tối ưu chi phí, kết thúc quý I/2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MSB đạt gần 1.500 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021.

Với bảng cân đối kế toán, tính đến 31/3/2022, tổng cho vay khách hàng hợp nhất đạt 110.600 tỷ đồng, tăng gần 24% so với cùng kỳ 2021và gần 9% so với 31/12/2021. Tổng tiền gửi từ khách hàng hơn 96.203 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước. Số dư CASA tăng từ mức 35,8% của cuối năm 2021 lên mức 38,3% tại thời điểm 31/3/2022.

Quý I/2022 cũng ghi nhận sự tăng trưởng về số lượng khách hàng của MSB khi tổng số khách hàng cá nhân và doanh nghiệp của ngân hàng lần lượt đạt gần 3,1 triệu và 64.000, tăng 24% và 10% so với cùng kỳ 2021.

Kết quả kinh doanh MSB (Maritime Bank) năm 2021: lợi nhuận tăng gấp đôi  

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE: MSB) vừa công bố kết quả kinh doanh trước kiểm toán năm 2021. Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt 5.168 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước.

Một số chỉ tiêu khác cũng đã hoàn thành ở mức cao như tổng tài sản đạt 203,7 nghìn tỷ, tăng hơn 15% so với đầu năm, vượt con số kế hoạch là 190 nghìn tỷ, vốn điều lệ tăng 30% lên 15.275 tỷ đồng.

Năm 2021, tín dụng của MSB tăng trưởng trên 20% theo chỉ tiêu được NHNN cấp, kết hợp với cơ cấu nguồn vốn hiệu quả, nhờ đó thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 6.112 tỷ đồng tăng gần 30% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng hơn 58% trong cơ cấu tổng thu nhập thuần của ngân hàng.

Đặc biệt nguồn thu ngoài lãi tăng trưởng 92% so với năm 2020 với sự đóng góp mạnh mẽ từ tăng trưởng từ doanh thu hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và góp vốn mua cổ phần. Tiền gửi khách hàng tăng hơn 8% đạt 94.616 tỷ đồng trong đó Casa chiếm tỷ trọng khoảng 36%, nằm trong top của thị trường các ngân hàng.

Về nợ xấu, tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đứng ở mức 1,15% - con số thấp nhất trong nhiều năm gần đây.  Ngay từ quý 1, ngân hàng đã hoàn thành sớm cả 3 trụ cột của Basel II và bắt đầu áp dụng chuẩn mực Basel III trong quản trị rủi ro. Hệ số CAR theo số liệu riêng lẻ của MSB kết năm 2021 đạt 11,24%. 

Một trong những yếu tố khiến lợi nhuận tăng là do chi phí vốn được cải thiện nhờ số hóa. Sau khi ngân hàng số Tnex đi vào động được gần hai năm, MSB đã đạt được môt số kết quả ban đầu khá tích cực, kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu 3 triệu người dùng sau 3 năm đầu và góp phần giảm CIR của ngân hàng xuống dưới 45% vào năm 2023.

Kết quả kinh doanh MSB (Maritime Bank): 9 tháng lợi nhuận 4.100 tỷ, EPS 3.554 đ/cp

Kết thúc quý III, hoạt động kinh doanh của MSB ghi nhận tăng trưởng ổn định, vượt qua giai đoạn nhiều khó khăn và thách thức. Cụ thể, tổng thu nhập thuần của ngân hàng lũy kế 9 tháng đạt hơn 7.556 tỷ đồng, tăng hơn 61% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần (NII) đạt hơn 4.445 tỷ đồng, tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm 2020.

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ của MSB hết quý III đạt 2.445 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ, đóng góp chính vẫn là nguồn thu từ hoạt động Bancas. Nhờ dịch vụ ngân hàng điện tử được đẩy mạnh trong giai đoạn dịch bệnh, kết hợp nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn và hầu hết miễn phí, CASA của MSB trong quý III đạt 29.254 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 31,09% trên tổng tiền gửi và ký quỹ, thuộc top cao của thị trường.

Với kết quả kinh doanh tăng trưởng khả quan ở hầu hết mảng chính, lũy kế 9 tháng, mảng ngân hàng riêng của MSB đạt trên 4.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp hơn 2,5 lần cùng kỳ, vượt kế hoạch lợi nhuận hợp nhất của năm 2021 (3.200 tỷ đồng).

Chỉ số ROAA và ROAE tính đến 30/9 đều khả quan, tương ứng đạt 2,15% và 20,98%. Với lãi cơ bản của mỗi cổ phiếu 4 quý gần nhất khoảng 3.554 đồng, trên cơ sở mức giá đóng cửa MSB ngày 16/10 đạt 22.050 đồng/cổ phiếu, chỉ số PE của ngân hàng đạt 6,2 lần - mức hấp dẫn so với các ngân hàng đang niêm yết.

Tính đến hết ngày 30/9, tổng tài sản của MSB đạt hơn 195.000 tỷ đồng, tăng hơn 10,5% so với đầu năm, vượt kế hoạch 190.000 tỷ đồng tổng tài sản hợp nhất cả năm 2021.

Ngân hàng cũng vừa hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 15.275 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 30%.

Kết quả kinh doanh MSB (Maritime Bank) quý 2/2021: lợi nhuận 6 tháng tăng 220%

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (HoSE: MSB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 với lợi nhuận 6 tháng tăng 220%, cơ bản hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, quý II/2021, thu nhập lãi thuần của MSB tăng 36% dso với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.476 tỷ đồng. Vượt trội nhất là lãi từ dịch vụ đạt tới 2.074 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần cùng kỳ năm ngoái. Kinh doanh ngoại hối cũng khả quan khi mang về 97,4 tỷ đồng tiền tiền lãi cho ngân hàng (cùng kỳ lỗ 1,3 tỷ đồng). Riêng mảng kinh doanh chứng khoán và hoạt động khác lỗ tổng cộng 350 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí trên 1.000 tỷ đồng (tăng 62,5%), lợi nhuận thuần trước dự phòng rủi ro của MSB đạt 2.213 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý, ngân hàng chỉ phải trích lập dự phỏng rủi ro 241 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong quý II/2021 đạt 1.972 tỷ đồng, tăng 188% (tức tăng 2,9 lần) so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MSB đạt 3.199 tỷ đồng, tăng 220% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành gần 98% kế hoạch cả năm. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 46%, lãi thuần từ dịch vụ tăng 575%, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 98%.

Lãi dịch vụ của ngân hàng tăng mạnh chủ yếu nhờ nghiệp vụ ủy thác và phí dịch vụ đại lý bảo hiểm. Thu nhập từ nghiệp vụ này tăng tăng 51 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, thu từ dịch vụ ngân quỹ, dịch vụ khác đều tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh MSB (Maritime Bank) quý 1/2021: lợi nhuận tăng gấp 4 lần 

Với đà hồi phục của nền kinh tế, MSB đạt được kết quả kinh doanh khởi sắc ngay trong quý đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 1.147 tỷ đồng, gấp 4 lần số liệu cùng kỳ năm trước, tổng tài sản ở mức xấp xỉ 187 nghìn tỷ.

Trong quý I/2021, MSB đã ghi nhận tổng doanh thu thuần hơn 2.064 tỷ đồng, tăng 63,4% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 1.419 tỷ đồng, tăng 58,8% và đóng góp 68,7% tổng doanh thu thuần của MSB. Tăng trưởng của thu nhập lãi thuần chủ yếu đến từ việc MSB tăng trưởng tệp khách hàng và quy mô danh mục cho vay.

Bên cạnh điểm sáng từ tăng trưởng lãi thuần, chi phí hoạt động của MSB cho thấy dấu hiệu tích cực khi giảm mạnh 20% về mức 712,9 tỷ. Tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập (CIR) giảm về mức 34.5% so với mức 70% quý I/2020.

Từ những tăng trưởng tích cực trên, MSB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.147 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2020, đạt 35% kế hoạch lợi nhuận năm 2021 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua (3.280 tỷ). Đến ngày 31-3, Ngân hàng chưa ghi nhận khoản thu nhập phí từ việc ký kết hợp đồng bảo hiểm với Prudential. Đây cũng là quý kinh doanh có lợi nhuận cao nhất của ngân hàng trong nhiều năm qua.

Đến cuối tháng 3, tiền gửi của khách hàng tại MSB đạt khoảng 91,8 nghìn tỷ, tăng gần 5% so với đầu năm và tăng 12,6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 15,88% so với đầu năm và tăng 68,68% so với cùng kỳ năm trước, đạt 29,7 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32,34% trong tổng tiền gửi.

Tăng trưởng tín dụng quý I cũng đạt 10,49%, tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng phát triển dài hạn và phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch như y tế, giáo dục, năng lượng tái tạo… Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 3 ở mức 1,95%, kiểm soát chặt chẽ dưới 2% tổng dư nợ cho vay, MSB cũng là những ngân hàng có nợ quá hạn liên quan Covid-19 phải cơ cấu thấp nhất thị trường Trong đó, tính đến hết quý I/2021, số dư nợ được ngân hàng cơ cấu theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13-3-2020 của NHNN là 472 tỷ, tương đương số dư nợ liên quan đến khách hàng được cơ cấu là hơn 1.200 tỷ đồng.

Tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 tại ngày 31-3 đạt 9,64%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 32,24%, tuân thủ các tiêu chuẩn của Ngân hàng Nhà nước. Các tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROAE) và tổng tài sản (ROAA) lần lượt là 16,36% và 1,56%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) cộng dồn 4 quý gần nhất đạt 2.500 đồng/ cổ phiếu.

Với diễn biến giao dịch tích cực kể từ khi niêm yết, cổ phiếu MSB cũng đạt các tiêu chí lựa chọn và lọt rổ VN Diamond trong đợt xét duyệt tháng 4-2021 với tỷ trọng khoảng 1,6% danh mục. Cổ phiếu MSB niêm yết từ tháng 12-2020 và hiện đang giao dịch ở mức giá quanh 21.000 - 22.000 đồng, tăng trưởng 46% so với giá tham chiếu ngày chào sàn. Theo thống kê giá cổ phiếu ngành ngân hàng thì mức giá giao dịch hiện tại của MSB thấp hơn trung bình thị trường khi định giá theo PE và PB (các chỉ số định giá phổ biến của thị trường chứng khoán).

Kế hoạch trả cổ tức 30% bằng cổ phiếu của MSB đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua và dự tính triển khai trong quý III/2021 khi có phê duyệt của cơ quan quản lý.

Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB) 

Thành lập năm 1991, MSB là ngân hàng TMCP đầu tiên ra đời trong thời kỳ kinh tế mở cửa và phát triển của Việt Nam. Trải qua 29 năm hình thành và phát triển, mang trong mình sức mạnh tập thể và tinh thần tiên phong của các cổ đông sáng lập, MSB không ngừng tạo lập nhiều cột mốc mang tính đột phá trong ngành tài chính ngân hàng. Mạng lưới của MSB bao gồm trên 260 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc và có giao dịch với hơn 8,000 ngân hàng đại lý tại trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. MSB hiện có gần 5.100 cán bộ, phục vụ trên 2,4 triệu khách hàng cá nhân, 58,000 khách hàng doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vừa và lớn.

MSB và công ty bảo hiểm Prudential đã ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền trong vòng 15 năm với mức phí trả trước (Upfront fee) theo Công ty Chứng khoán Vietcombank - VCBS đánh giá có thể lên đến 3.500 tỷ đồng. Hợp tác bancassurance này được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho MSB.

Lãnh đạo MSB cũng cho biết họ là một trong các ngân hàng chịu tác động ít nhất từ nợ quá hạn do Covid-19. Nợ quá hạn cơ cấu theo Thông tư 01 chỉ hơn 470 tỷ, ở mức thấp nhất hệ thống. Với mức này, mức thoái lãi theo Thông tư 01 chỉ 42 tỷ đồng.

Tại đại hội, lãnh đạo ngân hàng cũng phủ nhận hoàn toàn tin đồn sáp nhập Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vào MSB. Có một số số lãnh đạo MSB sang làm việc tại PGBank nhưng họ đều đã kết thúc hợp đồng lao động tại MSB.

Trong năm 2021, lãnh đạo MSB cho biết đang làm việc với một đối tác nước ngoài và gần như xong giai đoạn DD (Due Diligence) để định giá lại công ty tài chính FCCom. Ban giám đốc ngân hàng cho biết, việc thoái vốn hoàn toàn khỏi công ty tài chính sẽ mang lại khoản lợi nhuận tương đối lớn.

Sau khi chính thức niêm yết trên sàn HOSE, năm 2021 hứa hẹn sẽ là một năm tăng trưởng vượt bậc với nhiều điểm sáng trong hoạt động của ngân hàng.

Bên cạnh việc thu hút được lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn, lãi suất cho vay đầu ra giảm với tốc độ chậm hơn lãi suất huy động giúp cho MSB có được nguồn thu nhập dồi dào từ nửa cuối năm 2020, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khi bước sang 2021. 

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: [email protected]. Trân trọng.