Lợi nhuận ngân hàng chững lại song vẫn cao đáng mơ ước so với các ngành khác

Yuanta & VNDIRECT

17/10/2021 09:23

Nguyên nhân khiến lợi nhuận các nhà băng sụt giảm do tăng trưởng tín dụng chậm lại và biên lãi thuần giảm vì phải giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

money-usd-1626827275.jpeg

 

 

Nhiều ngân hàng tiếp tục lãi cao

So với nửa đầu năm, tăng trưởng lợi nhuận của nhiều ngân hàng đã chững lại, nhưng mức tăng hai chữ số vẫn là điều mơ ước của nhiều doanh nghiệp.

Mùa công bố báo cáo tài chính quý III bắt đầu dần hé lộ bức tranh hoạt động của ngành ngân hàng. Nếu so với mức tăng trưởng của chính những nhà băng này trong nửa đầu năm, sự chững lại đã xuất hiện trên những chỉ tiêu tài chính quan trọng, đặc biệt là lợi nhuận. Kết quả cũng trùng với dự báo của giới phân tích do lo ngại ảnh hưởng của đợt bùng phát Covid-19 lần thứ tư.

Dù vậy, những con số tăng trưởng của nhóm nhà băng tầm trung và thấp, vẫn vượt trội so với phần còn lại của thị trường.

Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) là nhà băng đầu tiên công bố kết quả 9 tháng, với lợi nhuận trước thuế đạt 4.350 tỷ đồng, hoàn thành 75% kế hoạch và tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm trước. Nếu xét riêng quý III, tốc độ tăng lợi nhuận của TPBank có phần chững lại, đạt khoảng 36%, so với mức tăng 48% trong nửa đầu năm.

Động lực tăng trưởng của ngân hàng này vẫn đến từ hoạt động kinh doanh chính, với tổng thu nhập hoạt động đạt 9.868 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng trong ba quý khoảng 15%.

Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) cho biết đã hoàn thành 82% kế hoạch sau 9 tháng. Theo đó, nhà băng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 6.000 tỷ đồng, tăng 36% cùng kỳ và vượt mức lợi nhuận cả năm 2020. Tuy nhiên, cũng như TPBank, tốc độ tăng trưởng trong quý III của HDBank đã chững lại, chỉ đạt hơn 20%, so với mức tăng 44% trong nửa đầu năm.

So với TPBank và HDBank, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) có phần tích cực hơn về tăng trưởng. Nhà băng này ghi nhận lợi nhuận 9 tháng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Biên độ tăng, thậm chí, còn cao hơn lũy kế lợi nhuận 6 tháng đầu năm, cho thấy mức tăng trưởng quý III vượt đỉnh.

Ở nhóm ngân hàng quy mô nhỏ, biên độ tăng có phần ấn tượng hơn, một phần do mức nền thấp của năm trước. Ngân hàng Quốc Dân (NCB) và Ngân hàng Kiên Long (KienLongBank) cùng ghi nhận mức tăng trưởng tính bằng lần trong 9 tháng.

Trong đó, lợi nhuận của NCB từ đầu năm đạt hơn 200 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần cùng kỳ năm trước. Riêng quý III, ngân hàng này báo lãi gần 80 tỷ đồng, gấp 16 lần quý III/2020. Đóng góp cho mức tăng trưởng ấn tượng của NCB chủ yếu là mức nền lợi nhuận thấp của những năm trước.

Trong 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần, "nồi cơm" chính của ngân hàng, tăng hơn 30%, giúp lợi nhuận thuần từ kinh doanh đạt hơn 530 tỷ đồng, tăng gần 45%. Việc trích lập các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc của NCB giảm mạnh, riêng quý III đã không còn ghi nhận, song chi phí dự phòng rủi ro lại tăng lên tương ứng. Tổng mức trích lập trong 9 tháng đạt hơn 320 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với cùng kỳ.

Với KienLongBank, lần đầu tiên nhà băng này ghi nhận lợi nhuận gần chạm tới nghìn tỷ đồng trong ba quý đầu năm, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng đầu năm, thu thập lãi thuần đến từ hoạt động tín dụng của KienLongBank tăng hơn 90% so với cùng kỳ lên gần 1.520 tỷ đồng, dù ngân hàng này gần như không tăng trưởng tín dụng. Theo đó, mức tăng lãi thuần do tỷ trọng dư nợ vay có sự điều chỉnh, tăng cho vay xây dựng và cho vay bất động sản.

Mới đây, ngân hàng này cũng thay đổi hàng loạt chức danh chủ chốt. Trong đó, ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch Sunshine Group được bổ nhiệm vào vị trí Phó tổng giám đốc.

Cập nhật trước đó: Lợi nhuận ngành ngân hàng có thể giảm 19% trong quý III/2021

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam - Yuanta Research cho biết tăng trưởng tín dụng trong các tháng của quý III năm nay đã chậm lại rõ rệt do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4. Đi kèm với xu hướng tín dụng tăng chậm trong quý III là biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng cũng được dự báo giảm.

Lý do chính dẫn đến xu hướng này là nhiều nhà băng đã phải cắt giảm lãi suất để hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tuy nhiên, thanh khoản hệ thống đã cải thiện đáng kể từ đầu tháng 6, với lãi suất cho vay qua đêm giảm khoảng 0,86 điểm %.

 

Yuanta Research cho rằng dự phòng quý III của ngành ngân hàng có thể tăng 20% so với quý liền trước, đặc biệt là nhóm nhà băng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu tương đối thấp trước đó như VPBank, Eximbank, SHB, MSB hay VIB (hiện đều dưới 100%).

Các chuyên gia tại đây cho rằng chất lượng tài sản của các ngân hàng bị suy giảm là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp diễn và giãn cách xã hội hiện nay. Tuy nhiên, Thông tư 14/2021 của NHNN gia hạn thời gian tái cơ cấu nợ đến ngày 30/6/2022 thay vì 31/12/2021 sẽ giúp nợ xấu được công bố có thể ở mức thấp.

Dù vậy, Yuanta Research cho rằng các số liệu liên quan đến nợ xấu sẽ được các ngân hàng ghi nhận thận trọng hơn trong quý này nhằm hạn chế khả năng suy giảm chất lượng tài sản trong tương lai.

Với các ước tính kể trên, lợi nhuận quý III của ngành ngân hàng có thể giảm 19% so với quý II do tăng trưởng cho vay thấp và chi phí dự phòng cao hơn.

Đáng chú ý, việc tăng trích lập dự phòng sẽ tác động nhiều hơn đối với các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp. Trong khi đó, Vietcombank, Techcombank, MBBank và ACB hiện là nhóm 4 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất ngành, đều đạt trên 200%.

Ngân hàng đang thừa vốn mà không thể cho vay

Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, hầu hết doanh nghiệp (DN) trong nước đã phải lên kế hoạch tăng dự trữ nguồn nguyên liệu sản xuất từ 3-6 tháng để giảm nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu, đứt gãy chuỗi sản xuất. Điều này đặc biệt cần đối với DN sản xuất hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm.

Dù Ngân hàng Nhà nuớc (NHNN), bộ ngành chức năng đã đề nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng hỗ trợ DN, nhưng ghi nhận từ thực tế cho thấy,  mức giảm lãi suất vay từ nhiều ngân hàng vẫn rất khiêm tốn, dao động từ 0,2-0,5%. Thậm chí, có những ngân hàng không áp dụng mức giảm nào với lý do việc kinh doanh đang gặp khó…

Tất nhiên, ngân hàng có lý lẽ của họ, nhưng một trong những giải pháp tháo gỡ vướng mắc này là vừa mới đây TPHCM đã kiến nghị NHNN cho phép áp dụng điều chỉnh nâng hạn mức định giá tài sản thế chấp từ 70% như hiện nay lên 85% với những DN đang làm ăn có uy tín, khả năng thu hồi vốn trong tương lai, Nếu được NHNN chấp thuận, đây sẽ là cơ sở quan trọng để các ngân hàng điều chỉnh hạn mức cho vay, giúp DN có thêm vốn lưu động, đưa ngay vào sản xuất. 

Tuy nhiên, đó cũng chưa phải là vấn đề bất cập nhất. Tại một số địa phương, nguồn vốn cho vay kích cầu đầu tư khá lớn nhưng lại không thể cho DN vay vì… quy định không cho. Như tại TPHCM, có nguồn vốn của chương trình kích cầu thông qua đầu tư, DN có thể vay lên đến 200 tỷ đồng/dự án với lãi suất rất thấp so với lãi suất vay ngân hàng. Thế nhưng, do quy định nguồn vốn này chỉ hỗ trợ vay cho DN có nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất, cải tạo hoặc thay mới công nghệ, máy móc, trang thiết bị, quy trình sản xuất, nên không thể cho DN vay vốn lưu động để mua nguyên vật liệu.

Trong bối cảnh hiện nay, DN rất khó để nghĩ đến việc đầu tư mở rộng sản xuất, trước mắt chỉ có thể tập trung tăng vốn lưu động để duy trì sản xuất. Nguồn vốn có nhưng không thể cho vay, trong khi nhiều DN đang rất cần. Đây là việc cần điều chỉnh ngay để kịp thời hỗ trợ DN, trước khi DN đuối sức.

Những cổ phiếu dự báo có kết quả kinh doanh Quý 3/2021 tốt, lợi nhuận cao

Những cổ phiếu dự báo có kết quả kinh doanh Quý 3/2021 tốt, lợi nhuận cao

Yuanta & VNDIRECT
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: [email protected]. Trân trọng.