Mua đất nền ở tỉnh, giờ cắt lỗ nửa tỷ đồng vẫn khó bán

CHIỀU THU

06/07/2021 19:13

Thanh khoản đất nền khắp nơi đều sụt giảm kể cả khi nhiều nhà đầu tư rao bán cắt lỗ nửa tỷ đồng mỗi lô đất.

Đầu năm 2021, khi cơn sốt đất nền đang ở đỉnh điểm, giá một số lô đất tại khu đấu giá Tiên Phong - Nội Hoàng (Bắc Giang), nằm gần Khu công nghiệp Vân Trung mỗi ngày tăng đến 50 triệu đồng. Thấy vậy, anh Đức (Yên Dũng, Bắc Giang) rót vốn mua một số lô đất nền 90m2, mặt tiền 5m với giá 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, ngay sau đó, giá đất nền khu vực này không tăng mà có xu hướng giảm. Sau vài tháng chào bán mà không có người mua, anh Đức quyết định bán cắt lỗ xuống 2 tỷ, song vẫn chưa thanh khoản được.

Khu vực xã Nội Hoàng, Yên Dũng từng là điểm nóng nhất về giao dịch, mua bán đất tại Bắc Giang. Ảnh chụp tháng 3/2021. Ảnh: Quốc Phương.

Khu vực xã Nội Hoàng, Yên Dũng từng là điểm "nóng" nhất về giao dịch, mua bán đất tại Bắc Giang. Ảnh chụp tháng 3/2021. Ảnh: Quốc Phương.

Theo anh Tuấn, một môi giới địa ốc tại Bắc Giang, không riêng khu vực Tiên Phong - Nội Hoàng, đất nền quanh khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên) đều là khu vực sốt đất mạnh hồi đầu năm, đến nay cũng có xu hướng đi ngang hoặc giảm giá, thanh khoản xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm.

"Bắc Giang là tâm dịch, các nhà đầu tư ngoại tỉnh từ Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng... không thể về xem đất. Trong khi đó, người dân, nhà đầu tư địa phương thì kinh tế bị ảnh hưởng do công việc đình trệ", anh Tuấn cho hay. Khi số ca bệnh tại Bắc Giang giảm xuống, môi giới này đang tìm cách tìm kiếm và chăm sóc khách thông qua kênh online nhưng tình hình thanh khoản vẫn chưa được cải thiện.

Tại một số địa phương ít chịu ảnh hưởng của Covid-19, thị trường cũng có dấu hiệu ảm đạm. Như tại Vĩnh Phúc, anh Huy đầu tư 3 lô đất nền. Đầu tháng 6, khách mua đặt cọc và hẹn 5 ngày sau sẽ thanh toán hết để làm thủ tục chuyển nhượng. Tuy nhiên, hai ngày sau, bên mua lại lấy lý do "phải đi cách ly" để bỏ cọc, giao dịch thất bại. Sau khi rao bán lại thì cả một tháng nay, lô đất của anh Huy thường được trả giá thấp hơn 300 triệu đồng so với mức anh kỳ vọng.

Tại Thái Nguyên, giá đất nền tại một số khu vực không có nhiều biến động, lượng khách giảm. Theo anh Quân, nhân viên kinh doanh một sàn bất động sản tại TP Thái Nguyên, thanh khoản tháng 6 của đơn vị này đạt 20 giao dịch, chỉ bằng 40-45% so với quý I khi những tháng đỉnh điểm lên đến 50-55 lô. Cũng bởi thanh khoản thấp, chủ đầu tư một số dự án tại Thái Nguyên đẩy mạnh truyền thông để gia tăng sức hút với giới đầu tư.

Theo báo cáo quý II của Batdongsan.com.vn, sau khi đạt đỉnh trong tháng 3, từ nửa cuối tháng 4, mức độ quan tâm đến thị trường bất động sản có dấu hiệu sụt giảm, cùng với sự hạ nhiệt của cơn sốt đất nền. Nhu cầu tìm kiếm của toàn thị trường tháng 4 giảm gần 18% so với tháng 3. Phân khúc đất nền giảm mạnh nhất, gần 21%. Trong đó, các tỉnh thành có mức giảm mạnh nhất là Hải Phòng (34%), Bắc Ninh (29%), Đà Nẵng (21%), đều là những khu vực xảy ra sốt đất với lượt quan tâm đạt đỉnh trong quý I. Những điểm nóng ở khu vực phía Nam trong 3 tháng đầu năm như Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đều suy giảm mức độ quan tâm vào tháng 4.

Bước sang tháng 5, dịch bệnh như một cú bồi khiến thị trường bất động sản thêm trầm lắng. Tuy đã trải qua nhiều đợt dịch trước đó và có kinh nghiệm thích nghi, thị trường đất nền vẫn hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đa nguồn lây và đa biến chủng. Mức độ quan tâm đến phân khúc đất, đất nền tiếp tục sụt giảm mạnh. Các tỉnh, thành có mức độ quan tâm giảm sâu nhất là Bắc Giang (49%), Bắc Ninh và Hà Nam (46%), Vĩnh Phúc (38%), Đà Nẵng (36%), Quảng Nam (35%) cũng là những địa phương ghi nhận nhiều ca nhiễm cộng đồng trong đợt bùng phát dịch vừa qua.

Đại diện Colliers Việt Nam cũng cho biết lượng thông tin truy vấn về đất nền đã giảm từ 15-20% so với tháng trước đó. Tại TP HCM và tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An hay Bà Rịa - Vũng Tàu, các thông tin tìm kiếm về đất nền giảm khoảng 10-12% trong giai đoạn tháng 4-5/2021.

Trao đổi với kênh dữ liệu bất động sản Vhome, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, đơn vị hoạt động tại TP HCM và Bình Dương cho biết, thực trạng đất nền giảm sức hút là dễ hiểu trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. "Hiện tại, mọi bên tham gia vào thị trường, từ chủ đầu tư, nhà đầu tư, khách hàng... đều có xu hướng phòng thủ. Tuy nhiên, thực trạng này không phản ánh rằng đất nền khu vực, địa phương đó ít tiềm năng hay kém hấp dẫn", ông Phúc nói. Vị này cho rằng để đầu tư giai đoạn dịch bệnh, nhà đầu tư cần xác định bài toán trung và dài hạn, tránh đầu tư lướt sóng, ngắn hạn.

Đại lộ Bình Dương, nơi thị trường bất động sản đang trầm lắng. Ảnh: Uniland.

Đại lộ Bình Dương, nơi thị trường bất động sản đang trầm lắng. Ảnh: Uniland.

Lý giải về xu hướng này, ông Nguyễn Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Công ty Soho Vietnam cho rằng, thị trường đất nền chậm lại ngoài lý do tác động bởi làn sóng Covid-19 lần thứ 4, còn có một vài nguyên nhân khác. Thứ nhất, theo ông hiện những dự án đất nền có pháp lý đầy đủ ngày càng ít đi. Bên cạnh đó, từ năm ngoái, khi lãi suất ngân hàng xuống thấp, nhiều người đã rút tiền tiết kiệm để đầu tư bất động sản, nguồn tiền nhàn rỗi giờ đây vơi dần, không được rót vào ồ ạt như trước.

"Ngoài ra, trước đó, cơ quan quản lý cũng đã có chính sách để kìm hãm sự nóng sốt của thị trường nên nhà đầu tư chùn tay hơn. Một số thị trường trước đây sốt nóng, tăng quá cao so với giá trị thực thì giờ đây sẽ phải giảm cả về thanh khoản và giá bán", ông Cần cho biết.

Trong bối cảnh đất nền ở một số thị trường có dấu hiệu giảm giá, chuyên gia này khuyến nghị nhà đầu tư cũng không nên nóng vội bán cắt lỗ ngay. Theo ông, với những người đầu tư bất động sản bằng tiền có sẵn sẽ không chịu áp lực về dài hạn thì không nên nghĩ đến chuyện cắt lỗ. Bởi theo ông, giá bất động sản ở một số khu vực mỗi năm vẫn có thể tăng 10-15% một năm. Còn những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, chịu áp lực nợ thì cũng nên đánh giá tiềm năng các tài sản để tái cấu trúc danh mục đầu tư, cân nhắc lô nào nên giữ lại và nơi nào thì bán cắt lỗ.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: [email protected]. Trân trọng.