Kết quả kinh doanh QCG (Quốc Cường Gia Lai): quý IV gánh lợi nhuận cả năm 2023

CTCP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý vừa qua với các số liệu quan trọng về doanh thu và lợi nhuận cùng các chỉ tiêu liên quan khác.

 

qcg-1622112657.jpeg

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) cùng ông Nguyễn Quốc Cường (con trai).

CTCP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với doanh thu thuần gần 155 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2022.

Cơ cấu doanh thu quý cuối năm ngoái của doanh nghiệp địa ốc này đã dịch chuyển theo hướng tăng mạnh nguồn thu bất động sản từ 19 tỷ đồng lên 71 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn thu bán điện gần như đi ngang, đạt 52 tỷ đồng.

Trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thì việc được hoàn nhập chi phí bán hàng, cộng với việc giảm được một nửa chi phí lãi vay đã giúp Quốc Cường Gia Lai báo lãi sau thuế gần 14 tỷ đồng trong quý cuối năm ngoái, cải thiện đáng kể so với số lỗ gần 10 tỷ đồng cùng kỳ.

Đáng chú ý, chính khoản lợi nhuận trong quý cuối năm ngoái đã gánh toàn bộ kết quả lợi nhuận trong năm 2023 của nhà phát triển bất động sản này, giúp công ty thoát lỗ và báo lãi ròng hơn 10 tỷ đồng trong cả năm. Dù vậy, mức lợi nhuận này vẫn giảm 68% so với kết quả năm 2022.

Bên cạnh đó, doanh thu trong cả năm 2023 của công ty này cũng giảm gần 3 lần xuống còn 432 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh kể trên, doanh nghiệp của gia đình bà Nguyễn Thị Như Loan đã không hoàn thành kế hoạch doanh thu 900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 40 tỷ đồng đặt ra hồi đầu năm.

Tính đến cuối năm 2023, giá trị danh mục hàng tồn kho của Quốc Cường Gia Lai vẫn còn hơn 7.000 tỷ đồng - chiếm hơn 93% tài sản ngắn hạn và chiếm 73% tổng tài sản.

Thực tế kể từ năm 2018 đến nay, danh mục tồn kho của đại gia phố núi này luôn duy trì trên mức 7.000 tỷ đồng.

Ở chiều nguồn vốn, Quốc Cường Gia Lai có tổng nợ phải trả hơn 5.200 tỷ đồng, giảm gần 7% so với đầu năm. Trong đó, gần 4.300 tỷ đồng là các khoản phải trả ngắn hạn khác bao gồm 2.883 tỷ đồng tiền nhận của Sunny cho dự án Phước Kiển, còn lại là các dự án khác.

Cập nhật 6 tháng 2021: doanh thu và lợi nhuận tiếp tục suy yếu

Trong giai đoạn thiếu hụt lượng căn hộ để bán, cả doanh thu và lợi nhuận của Quốc Cường Gia Lai đều giảm mạnh. Nguyên nhân còn lại là ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Báo cáo tài chính quý II năm nay của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) cho thấy sau đà phục hồi kết quả kinh doanh năm 2020, doanh nghiệp bất động sản phố núi này lại rơi vào giai đoạn suy giảm hoạt động khi doanh số bất động sản lao dốc.

Cụ thể, tính riêng quý II, công ty gia đình ông Nguyễn Quốc Cường chỉ ghi nhận gần 204 tỷ đồng doanh thu thuần, thấp hơn 78% so với cùng kỳ năm trước. Thay đổi này tương đương mức giảm ròng hơn 740 tỷ đồng trong giai đoạn tháng 4-6 vừa qua.

Nguyên nhân chủ yếu khiến doanh thu thuần công ty lao dốc do lượng căn hộ bàn giao trong quý hạn chế khiến số thu từ kinh doanh bất động sản giảm tới 80%, chỉ mang về 182 tỷ đồng quý này, trong khi cùng kỳ mang về 934 tỷ.

Đà suy giảm của doanh thu cũng kéo theo lợi nhuận gộp của Quốc Cường Gia Lai trong quý gần nhất giảm một nửa so với cùng kỳ, đạt 44 tỷ đồng.

Do không còn nguồn thu lớn từ chuyển nhượng vốn góp, doanh thu hoạt động tài chính quý gần nhất của công ty đã giảm 96%, đạt chưa tới 1 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay) vẫn ở mức trên 10 tỷ.

Đáng chú ý, do hoạt động kinh doanh chính là bất động sản suy giảm trong quý, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của Quốc Cường Gia Lai đều giảm mạnh trong quý II.

Tuy nhiên, doanh nghiệp bất động sản phố núi này vẫn phải đối mặt với quý suy giảm lợi nhuận thứ 3 liên tiếp với chỉ 8,6 tỷ đồng sau thuế, thấp hơn 17% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong 6 quý gần nhất của Quốc Cường Gia Lai.

Tính chung nửa đầu năm nay, hoạt động của nhà phát triển bất động sản này cũng ghi nhận xu hướng tương tự quý II, khi doanh thu thuần giảm 46% và lợi nhuận ròng giảm 32% so với cùng kỳ, đạt lần lượt 550 tỷ và 28 tỷ đồng.

Đây cũng là mức lợi nhuận bán niên thấp nhất mà Quốc Cường Gia Lai ghi nhận được kể từ năm 2015 đến nay.

Tính đến cuối tháng 6, doanh nghiệp bất động sản phố núi này có tổng tài sản hơn 9.900 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, 72% tổng tài sản của công ty này là hàng tồn kho, bao gồm bất động sản dở dang đang xây dựng.

Một điểm đáng chú ý khác là khoản mục người mua trả tiền trước của Quốc Cường Gia Lai đến cuối tháng 6 đạt 749 tỷ đồng, tăng gần 350 tỷ so với đầu năm.

Đây chính là phần tiền người mua nhà tại các dự án của công ty đã đặt cọc để chờ nhận nhà, tuy nhiên đến thời điểm lập báo cáo tài chính, công ty chưa hoàn thiện và bàn giao nhà cho người mua.

Hiện công ty cũng đang có 4.300 tỷ đồng nợ phải trả ngắn hạn khác, trong đó có trên 2.880 tỷ đồng là tiền nhận của Sunny cho dự án Phước Kiển và gần 805 tỷ tiền mượn của các bên liên quan như Công ty CP Bất động sản Hiệp Phúc, Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh Nhà Phạm Gia, và cả các cá nhân như ông Lại Thế Hà, bà Lại Thị Hoàng Yến, bà Nguyễn Ngọc Huyền My và bà Nguyễn Thị Như Loan.

Theo báo cáo quản trị của Quốc Cường Gia Lai, gia đình bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, vẫn là nhóm cổ đông lớn nhất với trên 55% vốn sở hữu. Trong đó, cá nhân bà Loan sở hữu 101,9 triệu cổ phiếu QCG, tương đương 37% cổ phần đang lưu hành.

Ông Nguyễn Quốc Cường (con trai) hiện chỉ sở hữu 537.500 cổ phiếu QCG, trong khi con gái và 2 em ruột của bà Loan đang nắm tổng cộng 49,14 triệu đơn vị.

Ước tính, lượng cổ phiếu QCG gia đình bà Loan nắm giữ hiện có giá thị trường vào khoảng 1.040 tỷ đồng.

qcg1-1622112657.jpeg

 

Cập nhật quý 1/2021: lợi nhuận chưa đến 20 tỷ, giảm 36%

Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2021 của Công ty Quốc Cường Gia Lai (QCG) cho thấy doanh thu thuần của công ty đạt 347 tỷ đồng, tăng 326,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán ghi nhận 273 tỷ đồng, tăng 333,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận gộp tăng mạnh 301% so với cùng kỳ, đạt 73,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của QCG lại giảm 36% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ đạt 19,4 tỷ đồng. Nguyên nhân là chi phí bán hàng tăng gấp 3 lần (24 tỷ đồng) và chi phí quản lý tăng trên 240% so với cùng kỳ (gần 10 tỷ đồng).

Lượng tiền mặt của QCG trong quý đầu năm nay cũng khá thấp. Đến cuối tháng 3/2021, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp còn 25,2 tỷ đồng, giảm mạnh so với đầu kỳ là 40,5 tỷ đồng trong khi nợ tài chính ghi nhận 484 tỷ đồng, khiến hệ số khả năng thanh toán ở mức thấp.

Doanh nghiệp vẫn đang nợ 1.234 tỷ đồng mượn từ các công ty và cá nhân liên quan. Trong đó, đáng chú ý là khoản nợ với bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc QCG (107 tỷ đồng), ông Lại Thế Hà, Chủ tịch HĐQT (45 tỷ đồng), bà Nguyễn Ngọc Huyền My, con gái bà Loan (11 tỷ đồng).

Đến cuối quý I, hàng tồn kho của Quốc Cường Gia Lai ghi nhận 7.122 tỷ đồng, chủ yếu đến từ chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến các dự án. Nợ phải trả của doanh nghiệp hơn 5.790 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là khoản nợ gần 2.883 tỷ đồng từ đối tác Sunny Land do trước đây QCG nhận tiền hợp tác dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM.

Công ty Quốc Cường Gia Lai (mã QCG)

Được thành lập vào năm 1994 (tiền thân là công ty chuyên cung cấp gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ chế biến và các sản phẩm gỗ xuất khẩu, bàn ghế ngoài trời, trang trí nội thất...). Hiện nay, Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai đã phát triển trở thành một trong những tập đoàn có uy tín trong các lĩnh vực bất động sản, cao su, thủy điện, gỗ và xây dựng.

Bất động sản
Trải qua hơn 16 năm hình thành và phát triển ngành bất động sản, Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai đã luôn nỗ lực hoàn thành mục tiêu mang lại cho khách hàng những sản phẩm bất động sản phong phú về chất lượng cũng như những vị trí đắc địa bậc nhất TP. HCM và Đà Nẵng. Quốc Cường Gia Lai tự tin vào sức mạnh và khối lượng quỹ đất đang sở hữu tại Trung tâm TP. HCM như Quận 1, 3, 7, Bình Chánh, Nhà Bè…

Ngành cao su
​Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai đã chính thức đầu tư và phát triển ngành cao su từ năm 2008 tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Để mở rộng quy mô phát triển ổn định và tăng sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, tập đoàn Quốc Cường Gia Lai đã triển khai đầu tư dự án trồng cao tại Campuchia. Tính đến nay, Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai đã đi vào khai thác mũ từ năm 2013 với năng suất 100% trên 7.000 ha.

Thủy điện

Với mong muốn mang lại nguồn cung cấp điện cho hệ thống điện Việt Nam, tập đoàn Quốc Cường Gia Lai đã chính thức đầu tư vào lĩnh vực Thủy điện. Năm 2012, tập đoàn đã khai thác 3 tổ máy của dự án thủy điện Lagrai 1 với công suất 10,8 MW. Tiếp nối thành công của dự án thủy điện Lagrai 1, tập đoàn đã mạnh dạn đầu tư vào dự án thủy điện Lagrai 2; Pleikeo và Anyun Trung.

Ngành gỗ​

Trong suốt hơn 24 năm hình thành và phát triển, đến nay ngành gỗ của tập đoàn Quốc Cường Gia Lai đã tạo được uy tín trên thị trường, được khách hàng trong nước tin tưởng. Với đội ngũ nhân viên am hiểu chuyên môn, tay nghề cao; máy móc thiết bị hiện đại; cùng bề dày kinh nghiệm nhiều năm trong ngành chế biến gỗ, tập đoàn Gia Lai đã cung cấp hơn 100.000 m2 gỗ dùng để sản xuất các sản phẩm cửa, kệ bếp, tủ âm tường và nội thất cho các công trình, căn hộ, biệt thự, nhà phố….

Ngành xây dựng

​Với mong muốn chính đội ngũ Quốc Cường Gia Lai xây dựng và phát triển các dự án bất động sản, tập đoàn Quốc Cường Gia Lai đã thành lập ngành xây dựng năm 2007. Những công trình xây dựng của Quốc Cường Gia Lai đã được hoàn thành với đủ loại hình như văn phòng cho thuê; căn hộ; biệt thự; nhà phố liên kế…

CÔNG TY CỔ PHẦN QUỐC CƯỜNG GIA LAI

Nguyễn Chí Thanh, P. Trá Bá, TP. Pleiku, Tỉnh Gia Lai, Việt Nam
T: (+84 059) 3 820 046 - 3 820 061 Fax: (+84 059) 3 820 549
W: quoccuonggialai.com.vn

VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN

26, Trần Quốc Thảo, P.6, Quận 3, TP.HCM
T: 08 3930 5704 Fax: 08 3930 5903 -E: [email protected]
W: www.quoccuonggialai.com.vn

Link nội dung: https://www.vinabull.vn/cap-nhat-co-phieu-qcg-quoc-cuong-gia-lai-6-thang-2021-doanh-thu-va-loi-nhuan-tiep-tuc-suy-yeu-a1164.html