Cập nhật cổ phiếu OIL (PV Oil): bị đưa vào diện cảnh báo

CHIỀU THU

23/03/2023 13:44

Cập nhập thông tin cổ phiếu và hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil - Mã chứng khoán: OIL).

 

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố quyết định đưa cổ phiếu Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil - Mã chứng khoán: OIL) đang giao dịch trên sàn UPCoM vào diện cảnh báo từ ngày 23/3.

Lý do báo cáo tài chính kiểm toán năm của PV Oil bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên. Công ty phải có văn bản giải trình và đưa ra phương án khắc phục trong thời hạn 15 ngày.

Ý kiến thứ nhất là khoản đầu tư vào CTCP Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí (chủ đầu tư Dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ) với giá trị gần 273 tỷ đồng tại cuối năm ngoái. Kiểm toán không thu thập được đầy đủ các thông tin về những thay đổi phần vốn góp.

Khoản đầu tư này phát sinh từ trước thời điểm cổ phần hóa PV Oil (năm 2015). Hiện dự án đã dừng thi công và đang được xem xét phương án phá sản theo quy định pháp luật.

Thứ hai là khoản phải thu khác từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với số tiền gần 170 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ tại Tổng công ty Petec trong giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp giai đoạn 2010-2011 và đang chờ các cấp thẩm quyền.

Dựa trên các thông tin hiện có, đơn vị kiểm toán không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về giá trị ghi sổ của khoản phải thu nói trên nên không xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu.

Ý kiến ngoại trừ cuối cùng liên quan đến giá trị của các lô đất của PV Oil Sài Gòn. Đây là 6 lô đất đầu tư để xây dựng cửa hàng bán lẻ xăng dầu với tổng số tiền gần 30 tỷ đồng nhưng chưa hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng sang tên hoặc chưa được gia hạn thời gian thuê đất.

Dựa trên các thông tin hiện có, đơn vị kiểm toán không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về quyền sử dụng đất và thời gian thuê đất nên không xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu hay không.

Trong thông cáo mới phát hành, PV Oil cho biết các điểm kiểm toán ngoại trừ nêu trên là những vấn đề xảy ra từ trước cổ phần hóa, đã tồn tại trên báo cáo tài chính ngay từ khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần.

"PV Oil đã có nhiều nỗ lực để giải quyết, tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan liên quan đến cơ chế, chính sách của nhà nước nên các vấn đề này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm", thông cáo viết.

Doanh nghiệp xăng dầu còn nhấn mạnh các điểm ngoại trừ nói trên đều không ảnh hưởng trọng yếu đến định hướng kinh doanh và cũng không ảnh hưởng đến việc tồn tại của cổ phiếu OIL.

Kết quả kinh doanh vẫn được cải thiện theo thời gian, nhất là trong 2 năm vừa qua khi PV Oil vẫn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận hợp nhất tăng trưởng, thị phần tiếp tục được mở rộng trên thị trường.

Doanh nghiệp còn đang hướng tới mục tiêu đưa cổ phiếu OIL lên niêm yết tại sàn Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) để tăng tính thanh khoản và giá trị cổ phiếu.

Đối với các ý kiến kiểm toán ngoại trừ, PV Oil nói sẽ tích cực làm việc, kiến nghị mạnh mẽ hơn nữa với các cơ quan quản lý nhà nước để tìm kiếm giải pháp xử lý triệt để và quyết liệt làm việc với các địa phương nhằm hoàn thiện thủ tục pháp lý các lô đất.

Hiện PV Oil vẫn còn lỗ lũy kế hơn 185 tỷ đồng nhưng đã giảm đáng kể so với mức 1.676 tỷ đồng trước cổ phần hóa. Doanh nghiệp cho biết phần lỗ lũy kế còn lại sẽ được dứt điểm trong thời gian ngắn tới.

Vốn điều lệ của PV OIL hiện đạt 10.342 tỷ đồng (tương ứng hơn 1,03 tỷ cổ phiếu đang niêm yết); trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là công ty mẹ nắm 80,52% vốn. Trên thị trường, mã chứng khoán OIL đang giao dịch quanh mốc 8.700 đồng/cổ phiếu.

Cập nhật ngày 28/4/2022: cân nhắc cho phép sạc điện ở cây xăng

Trong phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 28/4, nhiều cổ đông Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil, mã chứng khoán OIL) quan tâm tới xu hướng chuyển đổi nhiên liệu từ xe chạy xăng sang xe điện sẽ ảnh hưởng ra sao tới hoạt động kinh doanh của PVOil tới đây.

Ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐTV PVOil nói xu hướng chuyển đổi này là tất yếu và chắc chắn ảnh hưởng tới các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như PVOil trong 5-10 năm tới.

"Chúng tôi vẫn đang theo dõi xu hướng này, và tranh thủ cơ hội hợp tác với các đối tác để chuyển đổi cây xăng truyền thống thành các trạm dịch vụ vừa cung cấp xăng dầu, vừa là trạm sạc cho xe điện. Hoặc có thể chuyển đổi hoàn toàn một số cây xăng dầu truyền thống thành các trạm sạc xe điện để bắt kịp xu hướng chuyển đổi mới", ông nói.

Hiện Chính phủ nhiều nước và các hãng sản xuất ôtô toàn cầu đã đưa ra chính sách, chiến lược cũng như thời gian cho việc 'khai tử" xe chạy xăng để chuyển sang xe điện. Ở trong nước đã có hãng sản xuất ôtô tuyên bố dừng sản xuất xe chạy xăng dầu từ cuối năm 2022 để chuyển hẳn sang xe điện.

Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chuyển đổi năng lượng này nhưng quá trình này diễn ra nhanh hay chậm thì còn phụ thuộc vào chính sách và phát triển hạ tầng trạm sạc.

Tại đại hội, các cổ đông cũng chất vấn ban lãnh đạo PVOil về kế hoạch phi xăng dầu tại các cây xăng. Đây là kế hoạch này từng nhiều lần được lãnh đạo PVOil đề cập các năm trước nhưng tới nay vẫn chưa triển khai rộng.

Theo Chủ tịch PVOil, kế hoạch mở các cửa hàng tiện ích, phát triển dịch vụ phi xăng dầu vẫn được doanh nghiệp này theo đuổi. Trước đây, họ kết hợp cùng đối tác bán lẻ triển khai nhưng do khác biệt về chiến lược nên hai bên chưa tìm được tiếng nói chung. Do đó, PVOil quyết định tự phát triển mô hình này. Nửa cuối năm ngoái, hai cửa hàng tiện ích tại các trạm xăng dầu đầu tiên ở Hà Nội đã được PVOil đưa vào thử nghiệm.

Theo ông Dương, với việc sở hữu trực tiếp hơn 630 cửa hàng xăng dầu, doanh nghiệp này có lợi thế lớn khi bước chân vào lĩnh vực bán lẻ thông qua mở cửa hàng bán lẻ hay chuỗi cửa hàng tiện lợi.

"Sau nửa năm 'chạy', kết quả kinh doanh khá khả quan và chúng tôi sẽ mở rộng dịch vụ này nhưng làm thận trọng, phát triển tới đâu chắc tới đó", ông Dương nhấn mạnh.

Ngoài chiến lược phát triển, nhiều cổ đông quan tâm tới việc thoái vốn tại Tổng công ty Thương mại kỹ thuật và Đầu tư (PETEC), cũng như chờ đợi kế hoạch chuyển sàn của cổ phiếu OIL để có vốn hoá tốt hơn.

Ông Lê Văn Nghĩa, thành viên HĐQT, chia sẻ thoái vốn tại PETEC là một trong những nhiệm vụ của kế hoạch tái cấu trúc được chú trọng trong năm nay. Quá trình định giá tại đây đã tiến hành xong, nhưng mấu chốt để thoái vốn được tại PETEC là phải hoàn thành quyết toán cổ phần hoá doanh nghiệp này.

Hồ sơ quyết toán đã được các bộ, ngành thông qua và công tác quyết toán Chính phủ giao Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì cùng các bộ, ngành thực hiện. Nhưng tới giờ vẫn chưa có tiến triển gì mới, chưa có mốc thời gian hoàn thành cụ thể.

Một cổ đông đặt câu hỏi, lỗ luỹ kế của doanh nghiệp gần hết, khi nào cổ phiếu của PVOil được chuyển sàn, niêm yết tại HoSE. Trả lời, ông Nghĩa cho biết một cổ phiếu muốn niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) thì phải đủ 3 điều kiện, là hết lỗ luỹ kế trên báo cáo tài chính hợp nhất, không còn điểm loại trừ trên báo cáo tài chính và ROE năm gần nhất từ 5% trở lên.

Hiện PVOil chưa đạt được các điều kiện này khi còn khoản lỗ luỹ kế hơn 400 tỷ đồng trên báo cáo tài chính hợp nhất, dù công ty mẹ đã hết lỗ luỹ kế. "Nếu hoàn thành kế hoạch năm 2022, thị trường ổn định, năm nay sẽ hết lỗ luỹ kế", ông Nghĩa nói.

Ngoài ra, doanh nghiệp này vẫn còn các điểm loại trừ trên báo cáo tài chính là phần quyết toán cổ phần hoá tại PETEC, một số thủ tục đất đai của PVOIl Sài Gòn...

Vì thế, lãnh đạo doanh nghiệp này cho hay, ngay khi đáp ứng được các điều kiện niêm yết trên sàn HoSE, sẽ cân nhắc tới việc chuyển sàn cho cổ phiếu OIL.

Năm nay, PVOil đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 45.000 tỷ đồng, lãi trước thuế 500 tỷ. Các kịch bản này được tính toán trên giá dầu 60 USD một thùng.

Tuy nhiên, nhờ giá dầu tăng nên quý I, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu gần 23.290 tỷ đồng, tăng 98% cùng kỳ 2021. Lợi nhuận trước thuế đạt 353 tỷ đồng, tăng 71% cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, công ty mẹ ghi nhận lãi trước thuế 294 tỷ đồng, tăng 42% cùng kỳ và đạt 73% kế hoạch năm.

Việc mở mới cửa hàng xăng dầu cũng đạt được một nửa kế hoạch trong 3 tháng đầu năm, với 22 cửa hàng xăng dầu, nâng tổng số cửa hàng thuộc hệ thống lên 633 cửa hàng.

Cập nhật ngày 14/6/2021: Cấm nhân viên tranh thủ chạy Grab, PVOil bị PVN 'chấn chỉnh'

Trong văn bản gửi các đơn vị trực thuộc ngày 14/6, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam Đoàn Văn Nhuộm nhắc nhở các đơn vị, yêu cầu người lao động không làm thêm những công việc có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 như shipper, taxi công nghệ, bán hàng...

Nếu thực sự có nhu cầu phải làm thêm các công việc này, nhân viên PVOil được yêu cầu làm đơn xin nghỉ việc để tổng công ty, đơn vị xem xét hỗ trợ một lần theo quy định.

Yêu cầu này của lãnh đạo PVOil đưa ra sau khi có nhân viên làm thêm lái xe taxi công nghệ vô tình chở F0, làm nhiều người trong đơn vị và gia đình trở thành F1, F2... phải cách ly, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh và cuộc sống nhiều người liên quan.

Chia sẻ với người lao động, lãnh đạo PVOil cho biết đang từng bước khắc phục khó khăn để vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh, vừa phòng, chống dịch hiệu quả. "Bằng khả năng, tổng công ty đang cố gắng tạo mọi điều kiện để người lao động có việc kinh doanh và cuộc sống ổn định bình thường nhất", văn bản của PVOil nêu.

Một cây xăng của PVOil tại TP HCM. Ảnh: PVOil

Một cây xăng của PVOil tại TP HCM. Ảnh: PVOil

Ngày 14/6, ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch HĐQT PVOil nói, văn bản lãnh đạo PVOil đưa ra không phải với mục đích sa thải người lao động. "Khó khăn thực sự nhưng tới giờ chúng tôi vẫn đảm bảo thu nhập cho người lao động, chưa sa thải bất kỳ ai và chưa nợ lương của anh em đồng nào", Chủ tịch PVOil chia sẻ.

"Chúng tôi muốn nhắc nhở, chấn chỉnh người lao động trước diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh, khi trong hệ thống đã có nhiều F1, F2 phải cách ly, ảnh hưởng lớn tới chuỗi sản xuất, kinh doanh. Đây là việc bảo vệ sức khoẻ của tập thể, số đông người lao động trong hệ thống", ông giải thích.

Theo ông Dương, PVOil đang chịu tác động nặng nề từ Covid-19. Đợt dịch lần thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4 đã khiến họ sụt giảm 40% sản lượng bán do nhiều tỉnh, thành phố phải giãn cách xã hội, nhu cầu đi lại giảm nên tiêu thụ xăng dầu sụt giảm.

Thừa nhận nội dung nêu tại văn bản chưa được "mềm mỏng", khéo léo nhưng lãnh đạo PVOil cho rằng, yêu cầu này là để người lao động chia sẻ với khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp, cũng như nâng cao trách nhiệm, tuân thủ chặt chẽ việc "ở nhà là an toàn".

Tới đêm 14/6, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - công ty mẹ của PVOil, đã yêu cầu doanh nghiệp này rút lại văn bản trên.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: [email protected]. Trân trọng.