Đánh giá cổ phiếu VIB (Ngân hàng Quốc tế): Tăng trưởng tín dụng khó khăn

KIS & VNDirect & Bản Việt

29/07/2023 09:32

Chi phí dự phòng tăng là tác nhân kìm hãm đà tăng lợi nhuận. VIB đang giao dịch ở mức PB là 1.63 lần, thấp hơn mức trung bình ngành.

vib-ju8-1623126371.jpeg
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) 

Tăng trưởng tín dụng khó khăn

VIB đã công bố KQKD với LNTT 2Q23 tăng 7% n/n (đạt 2,948 tỷ đồng) nhờ (1) tăng trưởng thu nhập lãi thuần (+19% n/n); (2) OPEX kiểm soát tốt (CIR 2Q23 là 29% so với 2Q22 là 33%). Tuy nhiên, chi phí dự phòng gia tăng (+137% n/n) lại là tác nhân kìm hãm đà tăng của lợi nhuận. Luỹ kế, LNTT 1H23 tăng 12% n/n đạt 5,642 tỷ đồng, hoàn thành 46% kế hoạch năm 2023.

Tổng tín dụng 2Q23 đi ngang khi chỉ tăng 0.8% kể từ đầu năm (so với 1Q23 là giảm 1.3% kể từ đầu năm), nguyên nhân chủ yếu do sự sụt giảm tại phân khúc bán lẻ (chiếm 87% tổng dư nợ; và giảm 2.5% kể từ đầu năm) trong bối cảnh suy thoái kinh tế.

Ban lãnh đạo kỳ vọng tăng trưởng tín dụng nhanh hơn trong 2H23 và mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 15% - 20% nhờ tình hình kinh tế thuận lợi hơn. Theo VIB, NHNN phê duyệt cấp tín dụng lần 2 với hạn mức 14.25%.

Biên lãi thuần 2Q23 tăng nhẹ lên 4.7% (so với 4.4% trong 2Q22 và 4.7% trong 1Q23) nhờ việc điều chỉnh giảm đồng thời lãi suất huy động và cho vay. Dự kiến biên lãi thuần sẽ duy trì ở mức khoảng 4.5% trong 2H23, theo thông tin từ ngân hàng. NFI suy giảm - NFI 2Q23 và 1H23 lần lượt giảm 13% n/n (còn 786 tỷ đồng) và giảm 10% n/n (còn 1,404 tỷ đồng) do giảm thu phí từ hoạt động bảo hiểm.

Trong năm 2023, Bancasurance đã tái ký hợp đồng với Prudential. Phí trả trước được phân bổ trong suốt thời hạn hợp đồng.

OPEX 2Q23 và 1H23 tăng lần lượt 4% n/n và 5.5% n/n. Nhờ quản lý chi phí hiệu quả, CIR giảm từ 34% trong 1H22 xuống 30% trong 1H23. Theo quan điểm của ban lãnh đạo, CIR 2023 có thể kiểm soát ở mức 30% (so với CIR 2022 là 34%).

Chất lượng tài sản

Nợ xấu (NPL) 2Q23 giảm nhẹ xuống 2.45%, so với 1Q23 là 2.6% và NPL tại cuối năm 2022 là 1.79%. Ban lãnh đạo cho rằng NPL 2023 có thể được kiểm soát ở mức 2% với triển vọng thị trường phục hồi.

Khuyến nghị

Theo Công ty Chứng khoán KIS thì cổ phiếu VIB đang giao dịch ở mức PB là 1.63 lần, thấp hơn mức trung bình của các đơn vị cùng ngành là 1.65 lần (tiềm năng tăng giá 1.2%) và thấp hơn mức trung bình 5 năm là 1.84 lần.

Cập nhật ngày 4/2/2023: lợi nhuận có thể giảm tốc, giá mục tiêu 27.000 đ/cp

LN ròng của VIB trong Q3/22 tăng gấp đôi svck nhờ NIM cải thiện mạnh mẽ và thu nhập từ phí phục hồi trở lại từ mức nền thấp trong Q3/21 (do ảnh hưởng bởi Covid-19).

Theo đó, LN ròng 9T22 đạt 6,2 nghìn tỷ đồng (+46,3% svck), hoàn thành 78% dự phóng của chúng tôi. Dư nợ tín dụng tăng 12,6% so với đầu năm tính đến cuối Q3/22. VIB cho biết ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức tín dụng hiện có, và khả năng tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ đạt mức 14,5% svck.

Dự báo LN ròng năm 2022 của VIB sẽ tăng 30% svck nhờ NIM cải thiện, thu nhập từ phí tăng mạnh và chi phí tín dụng giảm.

Thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó trong bối cảnh lãi suất tăng cao

Cho vay mua nhà là mảng cho vay chính của VIB (chiếm ~46% danh mục), và đây là động lực giúp VIB cải thiện NIM trong 9T22. Lãi suất vay mua nhà đã tăng mạnh từ nửa cuối 2022 và đạt ~12% cuối Q3/22 (so với mức ~10% năm ngoái).

Tuy vậy, khi tín dụng vẫn hạn hẹp và việc phát hành trái phiếu ngày càng khó khăn, lãi suất vay mua nhà đã tiếp tục tăng mạnh và chạm mức 15-16% tính đến thời điểm này.

Bối cảnh lãi suất và giá nhà cao như hiện tại sẽ làm giảm nhu cầu mua nhà một cách đáng kể (thực tế điều này đã xảy ra – tham khảo báo cáo ngành BĐS mới nhất của chúng tôi, trang thứ 3 tại đây để có thêm chi tiết).

Theo đó, khả năng triển khai cho vay của VIB sẽ chậm lại; Mặt khác, với danh mục cho vay BĐS lớn, VIB sẽ khó nhận được hạn mức tín dụng cao trong năm sau.

Tăng trưởng LN của VIB sẽ giảm tốc trong 2023-24

VNDirect ước tính tăng trưởng tín dụng của VIB đạt 10-15% trong 2023-24 (tăng trưởng kép 2019-21: 25%). Hơn nữa, với môi trường lãi suất cao và căng thẳng thanh khoản tiếp diễn, rủi ro NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng sẽ hiện hữu. Vì vậy, tăng trưởng LN ròng của VIB sẽ giảm tốc (15-18% trong 2023-24; tăng trưởng kép 2019-21: 40%).

Tuy vậy, về dài hạn, chúng tôi vẫn ưa thích VIB với vị thế tốt trong xu hướng phát triển ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam. Nhờ tập trung vào cho vay mua nhà và mua xe – 2 mảng có tiềm năng lớn hiện nay, VIB đã vươn mình và trở thành top 5 các ngân hàng có tỷ suất sinh lời cao nhất với NIM và ROE trung bình 2019-21 lần lượt là 4,1% và 29%.

Hạ giá mục tiêu xuống 27.000 đ/cp

VNDirect hạ P/B mục tiêu xuống 1,5 lần từ 2,0 lần để phản ánh những khó khăn của ngành. Cùng với tỷ trọng 50% của phương pháp thu nhập thặng dư (COE: 16,7%, LTG: 3%), chúng tôi đưa ra giá mục tiêu mới là 27.000 đồng/cp. VIB hiện đang giao dịch ở mức P/B 2023 rất thấp chỉ 1,1 lần – cho thấy rủi ro đã được phản ánh vào giá.

Rủi ro giảm giá gồm (i) lãi suất tăng cao hơn dự kiến, (ii) nợ xấu tăng cao hơn dự kiến và (iii) khó khăn trên thị trường bất động sản kéo dài.

Cập nhật ngày 8/6/2021: giá hiện ở mức cao so với giá trị thực, khuyến nghị BÁN

Công ty Chứng khoán Bản Việt dự phóng Tổng LNST sau lợi ích CĐTS tăng 27,7% trong giai đoạn 2021-2025, chủ yếu là do cắt giảm chi phí dự phòng sau khi ban lãnh đạo phản hồi những lo ngại của cổ đông về tỷ lệ bao phủ nợ (LLR) ở mức thấp hiện tại.

Cụ thể lãnh đạo cho rằng ngân hàng hiện không có ý định tăng tỷ lệ LLR khi VIB cho biết rằng khoảng 96% các khoản vay của ngân hàng được đảm bảo bằng TSĐB với tỷ lệ chiết khấu cao (so với kỳ vọng trước đây của chúng tôi là VIB sẽ gia tăng dự phòng trong 3 năm tới).

Nâng dự phóng LNST sau lợi ích CĐTS năm 2021 lên 6,9% chủ yếu do (1) tăng 3,9% dự báo thu nhập lãi ròng (NII) năm 2021 sau khi tăng dự báo NIM 12 điểm cơ bản và (2) giảm 1.2% chi phí dự phòng năm 2021 do điều chỉnh giảm dự báo tỷ lệ nợ xấu 10 điểm cơ bản.

ROE và ROA dự phóng năm 2021 đạt lần lượt là 29,4% và 2,24% so với trung vị các ngân hàng tư nhân là 21,2% và 1,63%.

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng định giá của VIB hiện đang ở mức khá cao với P/B dự phóng năm 2021 là 3,46 lần so với mức trung vị của các ngân hàng tư nhân là 2,06 lần.

Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Quốc Tế Việt Nam (VIB)

Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Quốc Tế Việt Nam thành lập ngày 18/9/1996, bắt đầu đi vào hoạt động với số vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng và 23 cán bộ nhân viên.

Đến ngày 31/12/2020, vốn điều lệ đạt hơn 11.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 17.972 tỷ đồng và tổng tài sản đạt 244.000 tỷ đồng.

VIB hiện có hơn 9.400 cán bộ nhân viên phục vụ gần 3 triệu khách hàng tại 165 chi nhánh và phòng giao dịch ở 27 tỉnh/thành trọng điểm trong cả nước.

Kiên định với chiến lược trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu về quy mô và chất lượng, VIB hiện có tỷ trọng bán lẻ thuộc top đầu ngành với gần 90% danh mục tín dụng và dẫn đầu thị phần trong nhiều mảng như cho vay mua nhà, mua ôtô, thẻ tín dụng...

Mảng thẻ tín dụng ghi nhận sự ra mắt của các dòng thẻ dẫn đầu xu thế. Chi tiêu của khách hàng qua thẻ tín dụng VIB tăng trưởng khoảng 9 lần, từ gần 9.000 tỷ đồng năm 2018 lên đến mức 75.000 tỷ đồng năm 2022, đồng thời đứng đầu thị phần MasterCard tại Việt Nam.

Các gói tài khoản Sapphire cùng ứng dụng ngân hàng số MyVIB 2.0 là những sản phẩm, dịch vụ nổi bật góp phần giúp VIB tăng 1 triệu khách hàng mới, chạm mốc 4 triệu sớm hơn dự kiến. Tỷ lệ giao dịch trên nền tảng số năm qua đạt hơn 130 triệu lượt, tăng 73% so với năm 2021, tăng 26 lần sau 5 năm và chiếm đến 93% tổng lượng giao dịch bán lẻ.

Báo cáo phân tích, đánh giá độc lập của Moody’s và Credit Suisse phát hành đầu năm 2023 cho biết, VIB là ngân hàng có bảng cân đối tài sản vững mạnh, trong đó, tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và cho vay đầu tư bất động sản trên vốn chủ sở hữu ở mức thấp.

Trong giai đoạn tiếp theo, VIB đặt ra các chỉ tiêu tăng trưởng bền vững, tiên phong về nền tảng quản trị vững mạnh, dẫn đầu về số hóa và nhất quán với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu về chất lượng và quy mô tại Việt Nam. Ngân hàng đặt mục tiêu thu hút 10 triệu khách hàng đến năm 2026, lợi nhuận tăng trưởng kép 20% - 30% giai đoạn 2022-2026.

Chiến lược cho giai đoạn chuyển đổi 2022 - 2026, Hội đồng quản trị VIB xác định 7 định hướng chiến lược gồm: Bộ sản phẩm toàn diện và vượt trội; Giải pháp sáng tạo, cá thể hóa cho khách hàng và đối tác; Công nghệ và ngân hàng số xuất sắc; Phát triển con người VIB; Thương hiệu hàng đầu; Đi đầu trong việc ứng dụng các chuẩn mực quốc tế; Quản trị rủi ro và tuân thủ vững mạnh.

KIS & VNDirect & Bản Việt
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: [email protected]. Trân trọng.