Cập nhật cổ phiếu BAV: Thủ tướng yêu cầu các bộ gỡ khó cho Bamboo Airways

MĂNG GIANG

20/08/2023 09:32

Thủ tướng yêu cầu các bộ gỡ khó cho Bamboo Airways về vấn đề vốn, chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư mới, tăng quy mô đội tàu bay.

 

bamboo-airway-duoc-vinh-danh-1613969551.jpg

Tiếp viên của Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).

Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, cũng như các đơn vị liên quan xem xét, hỗ trợ xử lý các vướng mắc nhằm giúp Bamboo Airways phát triển. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm liên quan việc duy trì điều kiện hoạt động của hãng bay này để đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động vận tải hàng không dân dụng.

Với Bộ Tài chính, Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong việc chuyển nhượng cổ phần cho nhóm nhà đầu tư mới kéo dài do phải phối hợp giải quyết với nhiều bên liên quan như nhà đầu tư cũ, ngân hàng, các cơ quan nhà nước... Ông cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải quyết các vướng mắc trong việc thẩm định đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư cho phép tăng quy mô đội tàu bay của Bamboo Airways lên trên 30 chiếc đang bị kéo dài. Việc này làm chậm quá trình phục hồi, phát triển, cũng như làm mất cơ hội kinh doanh của Bamboo Airways.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước làm việc với Bamboo Airways để tháo gỡ khó khăn về vốn và tham gia cổ phần của các ngân hàng có đủ điều kiện. Trong trường hợp vượt thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước cần báo cáo để Chính phủ xem xét, quyết định.

Thủ tướng yêu cầu các bên báo cáo kết quả xử lý vấn đề này trước ngày 15/9.

Thời gian qua, sau giai đoạn chuyển giao nhà đầu tư, Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là về tài chính. Giữa tháng trước, thị trường cũng xuất hiện tin đồn Bamboo Airways xin Chính phủ bảo hộ phá sản, nhưng ngay sau đó lãnh đạo hãng đã phủ nhận thông tin này.

Hồi đầu tháng 7, Bamboo Airways đã gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo về tình hình hoạt động, các khó khăn của doanh nghiệp này. Trước kiến nghị của hãng, ông Phạm Minh Chính yêu cầu Bamboo Airways cần nỗ lực tái cơ cấu, vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn mạnh, chủ động báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc.

Cập nhật ngày 12/7/2023: CEO Nguyễn Minh Hải xin nghỉ sau 2 tháng nhậm chức

Ông Nguyễn Minh Hải - người được kỳ vọng giúp Bamboo Airways có lãi - vừa xin từ nhiệm dù mới nhận vị trí CEO cuối tháng 5. Thông tin này vừa được Bamboo Airways phát đi cuối ngày 11/7. Ông Nguyễn Ngọc Trọng - Phó chủ tịch - sẽ kiêm vai trò CEO.

Như vậy, ông Nguyễn Minh Hải rời "ghế nóng" tại Bamboo Airways sau chưa đầy hai tháng. Trước đó, hồi cuối tháng 5, ông Hải được bổ nhiệm làm CEO hãng hàng không này thay cho ông Nguyễn Mạnh Quân.

Ông Nguyễn Minh Hải, CEO Bamboo Airways chia sẻ trước cổ đông tại phiên họp thường niên sáng 21/6. Ảnh: BAV

Ông Nguyễn Minh Hải chia sẻ trước cổ đông tại phiên họp thường niên sáng 21/6 khi còn là tân CEO Bamboo Airways. Ảnh: BAV

Sinh năm 1972, ông Hải là cử nhân ngành Quản lý kinh doanh du lịch tại Đại học Kinh tế Quốc dân, có 25 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không. Ông từng làm Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines (giai đoạn tháng 4/2015 đến tháng 1/2019), Tổng giám đốc Cambodia Angkor Air.

Tại phiên họp thường niên tháng trước, ông Hải đã đại diện ban điều hành Bamboo Airways trình bày khá chi tiết với cổ đông về kế hoạch phát triển, tái cấu trúc hãng dưới thời nhà đầu tư mới – Tập đoàn Him Lam. Trong đó, ông tập trung nói nhiều về việc làm thế nào để Bamboo Airways kinh doanh có lãi để đáp ứng yêu cầu từ nhà đầu tư.

Không chỉ ban điều hành, HĐQT hãng hàng không này cũng có những xáo trộn dù mới kiện toàn hồi giữa tháng 6. HĐQT Bamboo Airways đã chấp thuận đơn xin từ nhiệm của 4 thành viên, gồm Chủ tịch Oshima Hideki, Phó chủ tịch thường trực Nguyễn Ngọc Trọng và hai phó chủ tịch Doãn Hữu Đoàn, Phan Đình Tuệ.

Chủ tịch mới của Bamboo Airways là ông Lê Thái Sâm – người trước đó giữ vai trò thành viên HĐQT. Hiện tại, ông Sâm nắm giữ hơn 50% cổ phần tại Bamboo Airways. Ông Oshima Hideki giữ chức vụ Phó chủ tịch thường trực HĐQT, ông Lê Bá Nguyên và ông Nguyễn Ngọc Trọng làm Phó chủ tịch.

Bamboo Airways nói rằng việc điều chỉnh cơ cấu HĐQT và ban tổng giám đốc là một phần trong tiến trình kiện toàn bộ máy nhân sự và đẩy nhanh công cuộc tái cơ cấu tổ chức.

Cập nhật ngày 19/6/2023: sếp phó của Sacombank được đề cử qua HĐQT

Hai cổ đông lớn tại Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) Lê Thái Sâm (nắm 38,28% vốn) và Doãn Hữu Đoàn (nắm 16,85% vốn) vừa có đơn đề cử 7 ứng viên vào HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Trong đó, ông Sâm và ông Đoàn tự ứng cử nhiệm kỳ mới và đề cử ông Nguyễn Ngọc Trọng, Lê Bá Nguyên. Cả 4 ứng viên này đều vừa xin từ nhiệm vai trò thành viên HĐQT Bamboo Airways nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Nhóm cổ đông lớn này cũng giới thiệu 3 ứng viên khác là ông Phan Đình Tuệ, Trần Hòa Bình và Hideki Oshima. Trong đó, ông Tuệ vừa thôi chức Phó tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) từ ngày 15/6. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục giữ vai trò thành viên HĐQT tại nhà băng này nhiệm kỳ 2022 - 2026.

Sinh năm 1966, ông Tuệ có kinh nghiệm gần 40 năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Tại Sacombank, ông làm phó tổng giám đốc từ giữa năm 2012.

Ông Hideki Oshima sinh năm 1962 từng giữ chức cựu Giám đốc khối Quan hệ quốc tế và liên minh hàng không của Japan Airlines - hãng bay lớn thứ hai Nhật Bản. Hồi tháng 5, Chủ tịch Bamboo Airways Nguyễn Ngọc từng cho biết ông Oshima sẽ tham gia vào HĐQT và ban điều hành của hãng bay này. Ngoài Oshima, một người Nhật khác là cựu Chủ tịch Japan Airlines Masaru Onishi cũng dự kiến giữ vai trò Cố vấn cao cấp cho HĐQT Bamboo Airways.

Còn ông Trần Hòa Bình, sinh năm 1975, thường trú tại phường 11, quận Phú Nhuận, TP HCM.

bav-tue-stb-1687142657.jpg

Ông Phan Đình Tuệ xuất hiện vai trò Phó tổng giám đốc Sacombank tại một sự kiện tháng 6/2022.  

Cập nhật ngày 16/6/2023: Toàn bộ HĐQT xin nghỉ

Trong bộ tài liệu chuẩn bị cho phiên họp đại hội đồng cổ đông tuần tới, Bamboo Airways cho biết đã nhận đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT của các ông Nguyễn Ngọc Trọng, Doãn Hữu Đoàn, Lê Bá Nguyên, Lê Thái Sâm và Nguyễn Mạnh Quân.

Để đảm bảo HĐQT hoạt động liên tục, Bamboo Airways sẽ trình cổ đông thông qua miễn nhiệm chính thức 5 thành viên này tại phiên họp thường niên hôm 21/6. Sau đó, công ty sẽ bầu HĐQT mới, nhiệm kỳ 2023-2028 với 7 thành viên.

Trong các thành viên vừa xin từ nhiệm, ông Trọng là Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways từ tháng 8/2022. Sinh năm 1957, ông đã gắn bó với hãng hàng không này từ ngày đầu thành lập và cũng là phó tổng giám đốc đầu tiên của Bamboo Airways từ năm 2018.

Ông Lê Bá Nguyên và ông Doãn Hữu Đoàn giữ vai trò Phó chủ tịch HĐQT hãng. Trong đó, ông Nguyên là anh vợ của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Hiện tại, ông Nguyên là Chủ tịch HĐQT FLC. Ông Đoàn tham gia vào HĐQT Bamboo Airways tháng 8 năm ngoái và cũng giữ chức phó tổng giám đốc thường trực hãng bay này.

Ông Nguyễn Mạnh Quân từng làm CEO Bamboo Airways từ tháng 7/2022 nhưng đã xin từ nhiệm vai trò này vào cuối tháng trước.

Còn ông Lê Thái Sâm, thành viên HĐQT tại cả FLC và Bamboo Airways, là người cho hãng bay này vay tín chấp hơn 7.700 tỷ đồng. Hồi đầu tháng 5, FLC công bố nghị quyết chuyển nhượng hơn 400 triệu cổ phần Bamboo Airways (BAV), tỷ lệ 21,7% vốn sang cho ông Sâm. Trước khi được FLC chuyển nhượng cổ phần, ông đã nắm 231,7 triệu cổ phần BAV, tương đương 12,53% vốn điều lệ của hãng. Như vậy, ông Sâm có thể sở hữu hơn 34% vốn Bamboo Airways.

Bên cạnh HĐQT, Bamboo Airways cũng sẽ miễn nhiệm 3 thành viên ban kiểm soát là ông Trần Anh Tuấn, Phạm Văn Phùng và Nguyễn Đăng Khoa. Công ty sẽ bầu 3 thành viên để thay thế cho ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028.

Hiện tại, Bamboo Airways chưa công bố danh sách ứng viên để bầu tham gia HĐQT và ban kiểm soát nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, giữa tháng trước, ông Nguyễn Ngọc Trọng cũng đưa ra chỉ báo về việc thay máu nhân sự cấp cao trong bối cảnh Bamboo Airways cải tổ mạnh mẽ sau khi FLC thoái vốn.

Theo ông Trọng, Bamboo Airways có thể có những thay đổi quyết liệt ở cả các vị trí cấp cao trong HĐQT và ban điều hành. Trước mắt, ông Hideki Oshima, cựu Giám đốc khối Quan hệ quốc tế và liên minh hàng không của Japan Airlines sẽ tham gia HĐQT Bamboo Airways và ban điều hành. Ông Masaru Onishi, cựu Chủ tịch Japan Airlines sẽ giữ vai trò Cố vấn cao cấp cho HĐQT Bamboo Airways. Japan Airlines là hãng bay lớn thứ hai tại Nhật Bản. Cuối năm 2019, Japan Airlines cũng từng đề nghị Bamboo Airways hợp tác sâu rộng trong cuộc gặp giữa lãnh đạo hai hãng ở Hà Nội.

Hiện tại, hoạt động của Bamboo Airways do CEO Nguyễn Minh Hải điều hành. Ông Hải được bổ nhiệm làm CEO thay ông Nguyễn Mạnh Quân hồi cuối tháng 5. Với 25 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không, ông từng làm Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines (giai đoạn tháng 4/2015 đến tháng 1/2019), Tổng giám đốc Cambodia Angkor Air.

Ông Hải cho biết Bamboo Airways đang trong quá trình hoàn tất chuyển đổi sở hữu từ nhà đầu tư cũ sang nhà đầu tư mới, việc tái cơ cấu tổ chức sẽ cần thời gian. Theo ông, việc tái cấu trúc "rất bài bản", bao gồm chiêu mộ, tuyển dụng những nhân sự cao cấp giàu kinh nghiệm từ các hãng hàng không quốc tế để bổ sung nguồn lực cho Bamboo Airways.

bav-bamboo-hdqt-2023-3075-1686736615-1686800416.jpg

5 thành viên HĐQT Bamboo Airways nhiệm kỳ 2019 - 2024. Ảnh: BAV

Cập nhật ngày 29/5/2023: NCB sẽ khẩn trương bán 203 triệu cổ phần để thu hồi vốn

Ngân hàng Quốc dân (NCB) cho biết đang cần khẩn trương đẩy nhanh xử lý 203 triệu cổ phần Bamboo Airways để sớm thu hồi vốn.

Nội dung này đang được NCB xin ý kiến đại hội đồng cổ đông bằng văn bản. Trong số 203 triệu cổ phần này, một số là tài sản đảm bảo của FLC cho các khoản vay của Bamboo Airways tại NCB. Ngoài NCB, FLC và cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cũng từng dùng cổ phần của Bamboo Airways để thế chấp cho các khoản vay tại OCB, Sacombank.

Ngân hàng phải xin ý kiến cổ đông do giá trị chuyển nhượng số cổ phần trên tạm tính đến ngày 28/4 lớn hơn 20% vốn điều lệ của NCB tại báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán.

Theo phương án NCB đề xuất, giá chuyển nhượng 203 triệu cổ phần Bamboo Airways bằng dư nợ gốc và lãi của khoản vay thế chấp, cộng thêm lãi phát sinh trong thời gian chờ nhận thanh toán. Phương thức chuyển nhượng theo hình thức thỏa thuận. Mức giá chuyển nhượng cụ thể chưa được tiết lộ.

"Việc chuyển nhượng theo phương thức thoả thuận, với giá chuyển nhượng như đề xuất sẽ giảm thiểu chi phí và thời gian thực hiện, sớm thu hồi đủ vốn cho NCB", ngân hàng giải thích trong tờ trình cổ đông.

Tính đến thời điểm đầu tháng 5, số cổ phần NCB sở hữu tương đương 11% vốn của hãng hàng không Bamboo Airways. Sắp tới, Bamboo Airways dự kiến phát hành thêm 1,15 tỷ cổ phần, tương ứng tăng vốn thêm 11.500 tỷ đồng. Trong đó, 772 triệu cổ phần phát hành, tương ứng giá trị 7.720 tỷ đồng để hoán đổi cho chủ nợ. 378 triệu cổ phần phát hành cho nhà đầu tư chiến lược. Hiện tại, vốn điều lệ của hãng bay này là 18.500 tỷ đồng.

Thời gian tới, Bamboo Airways có thể có những thay đổi quyết liệt ở cả vị trí cấp cao trong HĐQT và ban điều hành. Giữa tuần qua, hãng bổ nhiệm cựu sếp Vietnam Airlines Nguyễn Minh Hải làm CEO thay cho ông Nguyễn Mạnh Quân.

Trước đó, Bamboo Airways cũng công bố ông Hideki Oshima, cựu Giám đốc khối Quan hệ quốc tế và liên minh hàng không của Japan Airlines sẽ tham gia HĐQT Bamboo Airways và ban điều hành. Ông Masaru Onishi, cựu Chủ tịch Japan Airlines sẽ giữ vai trò Cố vấn cao cấp cho HĐQT Bamboo Airways.

Cập nhật ngày 19/5/2023: bổ nhiệm Phó tổng Vietnam Airlines Nguyễn Minh Hải làm CEO mới

HĐQT Bamboo Airways vừa bổ nhiệm ông Nguyễn Minh Hải làm CEO thay ông Nguyễn Mạnh Quân từ ngày 24/5.

Theo Bamboo Airways, ông Nguyễn Mạnh Quân đã gửi đơn xin từ nhiệm vị trí tổng giám đốc. Ông Quân đảm nhiệm vai trò này từ tháng 7/2022. Trước đó, ông làm phó tổng giám đốc từ tháng 7/2020 và phó tổng giám đốc thường trực tháng 9/2020.

Dưới sự lãnh đạo của ông Quân, Bamboo Airways đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động khai thác, kinh doanh. Bất chấp khó khăn từ dịch bệnh Covid-19, Bamboo Airways đã thiết lập các mốc doanh thu cao trong nửa cuối năm 2022 nhờ phương án khai thác và kinh doanh sáng tạo. Hết quý I/2023, công suất khai thác đội tàu bay của hãng đạt tiệm cận 100%.

Thay thế ông Quân là ông Nguyễn Minh Hải. Sinh năm 1972, ông Hải là cử nhân ngành Quản lý kinh doanh du lịch tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông Hải có 25 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không. Ông từng làm Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines (giai đoạn tháng 4/2015 đến tháng 1/2019), Tổng giám đốc Cambodia Angkor Air.

bav-ceo-1684808057.png

Ông Nguyễn Minh Hải từng làm Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines

Cập nhật ngày 19/5/2023: đón cựu lãnh đạo Japan Airlines gia nhập HĐQT

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways cho biết hãng bay này sắp có những thay đổi trong bộ máy nhân sự lãnh đạo cấp cao.

Cụ thể, ông Hideki Oshima, cựu Giám đốc khối Quan hệ quốc tế và liên minh hàng không của hãng Hàng không Japan Airlines, sẽ tham gia HĐQT Bamboo Airways và giữ chức vụ lãnh đạo cao cấp.

Bên cạnh đó, ông Masaru Onishi - cựu Chủ tịch Japan Airlines - sẽ đảm nhiệm vị trí Cố vấn cao cấp của HĐQT Bamboo Airways.

Trước đó vào năm 2019, Japan Airlines và Bamboo Airways từng có buổi gặp gỡ với mục tiêu trao đổi, thảo luận hợp tác toàn diện giữa hai hãng hàng không.

Sắp tới, theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, Bamboo Airways sẽ tập trung mở rộng mạng bay quốc tế, trong đó ưu tiên kết nối với các sân bay lớn tại châu Á, châu Âu, châu Úc...

Để làm được điều này, ông cho hay cả bộ máy quản trị và điều hành sẽ có sự cải tổ đi sâu vào thực chất. Trong đó, không loại trừ cả những chuyển dịch quyết liệt nhất nếu cần thiết, cả ở các vị trí cấp cao trong HĐQT và Ban điều hành.

Tiến trình tái cấu trúc theo hướng tinh gọn bộ máy, phân công nhiệm vụ rõ ràng giữa HĐQT và Ban điều hành. Thành phần ban Tổng giám đốc cũng sẽ được bổ sung và đổi mới để tạo động lực phát triển. Các hội đồng chuyên môn mới sẽ được thành lập, phụ trách các nghiệp vụ trọng yếu như: An toàn - an ninh - kỹ thuật; khai thác và dịch vụ; kinh doanh...

Việc tinh chỉnh lại bộ máy lãnh đạo cũng là tiền đề của Bamboo Airways thực hiện mục tiêu gia nhập liên minh hàng không, cân nhắc cả các phương án liên doanh, hợp tác với các hãng bay uy tín quốc tế.

bav-japanese-1684478163.jpg

Ông Hideki Oshima, cựu Giám đốc khối Quan hệ quốc tế và liên minh hàng không của Japan Airlines tham gia HĐQT Bamboo Airways

Cập nhật ngày 9/5/2023: cổ đông bất ngờ cho tăng vốn, lớn hơn cả Vietnam Airlines

Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra ngày 9/5, cổ đông của Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã biểu quyết thông qua việc ủy quyền cho Hội đồng Quản trị thực hiện các thủ tục cần thiết nhằm triển khai phương án phát hành cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ.

Theo đó, Bamboo Airways dự kiến phát hành 1,15 tỷ cổ phần riêng lẻ, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, tương ứng giá trị cổ phần phát hành theo mệnh giá là 11.500 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của hãng sẽ đạt mức 30.000 tỷ đồng.

Điều này đồng nghĩa với việc Bamboo Airways sẽ vượt qua Vietnam Airlines (22.144 tỷ đồng) để trở thành hãng hàng không có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways cho biết ban lãnh đạo đang tiếp tục thực hiện các bước của quá trình tái cấu trúc hệ thống, cũng như huy động nguồn lực để hướng tới chinh phục các mục tiêu lớn đã đề ra trong dài hạn.

Đặc biệt, nguồn vốn mới sẽ giúp Bamboo Airways giảm dư nợ cũ, tiếp tục đẩy nhanh và mạnh kế hoạch gia tăng số lượng đội tàu bay, mở rộng mạng bay quốc tế, bổ sung lựa chọn dịch vụ hàng không chất lượng.

Cũng tại đại hội, ông Lê Thái Sâm, Thành viên HĐQT Bamboo Airways cho biết tổng số tiền nợ gốc và lãi mà Bamboo Airways đang nợ cá nhân ông tính đến ngày 10/4 là 7.727 tỷ đồng. Ông Sâm đã ký nhiều hợp đồng cho Bamboo Airways vay tiền mặt (không lãi suất, lãi thấp và không tài sản đảm bảo) để giúp hãng vượt qua giai đoạn khó khăn về tài chính.

Ông Sâm cũng cho biết đang trực tiếp sở hữu 243,7 triệu cổ phần BAV tại Bamboo Airways, tương ứng 12,53% vốn.

Mới đây, FLC cũng đã công bố nghị quyết chuyển nhượng hơn 400 triệu cổ phần BAV, tương ứng 21,7% vốn Bamboo Airways cho ông Sâm, đổi lại là tập đoàn sẽ được thanh lý toàn bộ nghĩa vụ nợ với cá nhân này.

Như vậy, gộp cả phần FLC vừa chuyển nhượng, ông Lê Thái Sâm có thể nắm giữ hơn 34% vốn Bamboo Airways.

Liên quan tới tỷ lệ sở hữu của các cổ đông tại Bamboo Airways, mới đây, Ngân hàng Quốc dân (NCB) cũng cho biết ngân hàng đang nắm giữ 203 triệu cổ phần BAV, tương đương 11% vốn Bamboo Airways, và ngân hàng đã có kế hoạch bán toàn bộ lượng cổ phần này để thu hồi nợ.

Cập nhật ngày 8/5/2023: FLC chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho chủ nợ Lê Thái Sâm

FLC vừa thông qua hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần BAV sang ông Lê Thái Sâm - người cho FLC vay tín chấp.

Thông tin này được Công ty cổ phần Tập đoàn FLC công bố cuối ngày 8/5 - vài giờ trước khi Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tổ chức cuộc họp đại hội cổ đồng bất thường lần hai vào sáng 9/5.

Phiên họp này của Bamboo Airways nhằm mục đích trình cổ đông phương án phát hành thêm khoảng 957 triệu cổ phần, tương ứng số vốn tăng 9.570 tỷ đồng. Trong đó, 772 triệu cổ phần, tương ứng số tiền 7.720 tỷ đồng để tái cấu trúc khoản vay, hoán đổi các khoản nợ thành cổ phần theo thỏa thuận của chủ nợ với công ty. Đề xuất này tại phiên họp lần một hồi đầu tháng 4 đã không được đại hội đồng cổ đông Bamboo Airways thông qua.

Theo nghị quyết do Chủ tịch FLC Lê Bá Nguyên ký, HĐQT FLC sẽ thông qua toàn văn dự thảo hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng cổ phần Bamboo Airways (BAV) cho ông Lê Thái Sâm. HĐQT FLC cũng thông qua dự thảo văn bản thoả thuận và các phụ lục đính kèm đến việc ông Sâm tài trợ không hoàn lại cho FLC một khoản tiền. Khoản tiền này giúp FLC thực hiện các nghĩa vụ tài chính đến hạn, giải chấp các tài sản thuộc sở hữu của tập đoàn đang được cầm cố, thế chấp.

bav-lethaisam-1683592842.jpg

Ông Lê Thái Sâm (ngoài cùng bên phải) thời điểm ra mắt cùng HĐQT mới của Bamboo Airways tháng 8/2022. Ảnh: BAV

Cùng với đó, HĐQT FLC đồng ý uỷ quyền toàn bộ và không huỷ ngang trong mọi trường hợp quyền cổ đông của Tập đoàn FLC tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông Bamboo Airways cho ông Sâm, tương ứng với toàn bộ số cổ phần BAV thuộc sở hữu của FLC.

Tại phiên họp bất thường hồi tháng 3 của FLC, ông Lê Bá Nguyên đã thông báo về việc sẽ bán cổ phần sở hữu tại Bamboo Airways trong quá trình tái cấu trúc. FLC đã đầu tư 4.015 tỷ đồng vào Bamboo Airways, tương ứng 400 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 21,7% vốn điều lệ của hãng hàng không này.

Sau biến cố của các lãnh đạo cấp cao FLC, ông Sâm được bầu làm thành viên HĐQT doanh nghiệp này hồi tháng 7 năm ngoái. Ông chỉ được FLC giới thiệu "là người am hiểu sâu sắc về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam" và "có nhiều quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn". Đến giữa tháng 8/2022, ông Sâm tiếp tục được bầu làm thành viên HĐQT tại Bamboo Airways.

Trong báo cáo tài chính gần nhất được FLC công bố - quý III/2022, tập đoàn này ghi nhận vay ông Sâm tín chấp hơn 620 tỷ đồng với 4 hợp đồng vay có thời hạn 12 tháng, lãi suất 7% mỗi năm. Các khoản vay trên được thực hiện rải rác từ tháng 4 đến tháng 6/2022.

Theo nghị quyết mới, HĐQT FLC thông qua thanh lý hợp đồng vay vốn, thanh toán bù trừ công nợ giữa tập đoàn và ông Lê Thái Sâm. Ngoài ông Sâm, FLC cũng đồng ý thanh lý hợp đồng vay, thanh toán bù trừ công nợ với bà Cao Ngọc Kim Ngân - người cũng cho FLC vay tiền.

flc-bamboo1-1618499565.jpeg

Bamboo Airways

Cập nhật ngày 8/5/2023: Ngân hàng NCB tính bán 203 triệu cp, gần 11%

Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB) dự kiến bán 203 triệu cổ phần, tương đương gần 11% vốn tại Bamboo Airways.

Theo nghị quyết vừa công bố, Ngân hàng NCB sẽ xin ý kiến cổ đông bằng văn bản trong tháng 5 về thương vụ chuyển nhượng trên.

Hiện tại, Bamboo Airways có vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng, tương ứng 1,85 tỷ cổ phần. Như vậy, 203 triệu cổ phần Bamboo Airways mà NCB muốn bán xấp xỉ 11% vốn của hãng hàng không này.

NCB dự kiến thực hiện giao dịch với giá chuyển nhượng bằng dư nợ gốc và lãi của khoản vay thế chấp bằng 203 triệu cổ phần Bamboo Airways, cộng thêm lãi phát sinh trong thời gian chờ nhận thanh toán.

Trong số 203 triệu cổ phần này, một số là tài sản đảm bảo của FLC cho các khoản vay của Bamboo Airways tại NCB. Ngoài NCB, FLC và cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cũng từng dùng cổ phần của Bamboo Airways để thế chấp cho các khoản vay tại OCB, Sacombank.

Cập nhật ngày 11/4/2023: cổ đông không tán thành chào bán cổ phần riêng lẻ để tăng vốn

Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB) dự kiến bán 203 triệu cổ phần, tương đương gần 11% vốn tại Bamboo Airways.Cuộc họp đại hội cổ đông bất thường của Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt sáng 10/4 có 93 cổ đông tham dự với hơn 1,73 tỷ cổ phần, chiếm khoảng 93% cổ phần có quyền biểu quyết. Phiên họp nhằm mục đích trình cổ đông thông qua phương án chào bán cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ Bamboo Airways.

Trong đó, hãng muốn phát hành 772 triệu cổ phần, tương ứng mệnh giá 7.720 tỷ đồng để tái cấu trúc khoản vay, hoán đổi các khoản nợ thành cổ phần theo thoả thuận của chủ nợ với công ty. Giá phát hành và tỷ lệ hoán đổi dự kiến là 10.000 đồng một cổ phần, tương đương tỷ lệ 1:1, nghĩa là 10.000 đồng nợ được hoán đổi thành 1 cổ phần phát hành thêm. HĐQT Bamboo Airways xin đại hội đồng cổ đông uỷ quyền quyết định danh sách chủ nợ và khoản nợ được hoán đổi cổ phần.

Cùng với đó, Bamboo Airways cũng muốn phát hành thêm 185 triệu cổ phần, tương ứng mệnh giá 1.850 tỷ đồng cho nhà đầu tư mới. Toàn bộ số cổ phần phát hành thêm này được ưu tiên chào bán cho cổ đông hiện hữu của công ty theo tỷ lệ sở hữu hiện có với giá phát hành dự kiến 10.000 đồng/cổ phần.

Như vậy, tổng lượng cổ phần Bamboo Airways muốn phát hành thêm khoảng 957 triệu đơn vị, tương ứng số vốn tăng 9.570 tỷ đồng. Sau phát hành, số lượng cổ phần của hãng bay này dự kiến tăng lên hơn 2,8 tỷ, tương ứng vốn điều lệ trên 28.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo kết quả kiểm phiếu được công bố lúc hơn 11h, hơn 979 triệu cổ phần có quyền biểu quyết không tán thành (tương ứng tỷ lệ 56,42%) với phương án phát hành này. Do vậy, Bamboo Airways chưa thể thực hiện chào bán cổ phần để tăng vốn điều lệ như dự kiến.

Chủ tịch Bamboo Airways Nguyễn Ngọc Trọng cho biết sẽ làm việc lại với các cổ đông có tỷ lệ sở hữu lớn và sẽ trình đại hội đồng cổ đông thông qua phương án tăng vốn tại cuộc họp gần nhất. Theo lãnh đạo hãng, kế hoạch này nhằm hướng tới tái cơ cấu hiệu quả các khoản vay, đồng thời bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho công ty trong mảng kinh doanh cốt lõi và phụ trợ.

Phó tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Khắc Hải nói phương án phát hành này là tốt với hãng bởi giúp chuyển đổi từ vốn vay sang vốn chủ sở hữu. Cùng với đó, việc bán thêm cổ phần cho nhà đầu tư mới sẽ giúp Bamboo Airways có thêm tiền để trả nợ chủ tàu, ngân hàng, nhà cung cấp và có thể mang thêm tàu bay về thời gian tới.

Tại cuộc họp hôm nay, cổ đông cũng đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề tình hình tài chính, kế hoạch IPO, thông tin nhà đầu tư mới, chủ nợ của Bamboo Airways. Tuy nhiên, lãnh đạo hãng chưa thể giải đáp chi tiết các thông tin này.

Ông Hải chỉ cho biết với tình hình thị trường giai đoạn vừa qua, năm ngoái Bamboo Airways vẫn lỗ. Theo Phó tổng giám đốc Bamboo Airways, hãng sẽ công bố thông tin cụ thể hơn tại phiên họp thường niên sắp tới bởi hiện nay đang hoàn thiện báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.

Ông Hải nói rằng Bamboo Airways sẽ niêm yết cổ phiếu ngay khi đạt đủ các điều kiện ví dụ như trên HoSE là hai năm lãi liền trước đó. Còn về vấn đề nhà đầu tư mới, Bamboo Airways cũng chưa thể công bố thông tin do nhà đầu tư này vẫn chưa nắm trên 51% cổ phần.

Chủ tịch Bamboo Airways thông tin trong quý I, với việc đội tàu hoạt động hết công suất, hãng đã gần đạt điểm hòa vốn. Trong năm nay, Bamboo Airways dự kiến nhận thêm 6-8 tàu bay và 10 tàu giai đoạn 2024 - 2025.

"Bamboo Airways sẽ lên khỏi mặt đất từ năm 2024 và có lãi từ năm 2025", ông Trọng chia sẻ. Trên cơ sở này, ông nói năm 2026, 2027 là thời điểm thích hợp để IPO cổ phiếu Bamboo Airways.

bamboo-1681190277.jpg

Phiên họp bất thường tại trụ sở Bamboo Airways ở Hà Nội sáng 10/4. Ảnh: Anh Tú

Cập nhật ngày 2/3/2023: FLC thế chấp gần 155 triệu cổ phiếu Bamboo Airways tại OCB

HĐQT FLC vừa thông qua nghị quyết dùng gần 155 triệu cổ phiếu Bamboo Airways để đảm bảo cho nghĩa vụ tài chính của hãng tại OCB.

Ngoài gần 155 triệu cổ phiếu Bamboo Airways, FLC cũng sử dụng quyền tài sản phát sinh từ Dự án sân golf FLC Quảng Bình Golf Links để làm tài sản thế cho khoản vay tại Ngân hàng OCB chi nhánh Thăng Long. Dự án sân golf này do FLC làm chủ đầu tư.

Theo nghị quyết của FLC, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Chủ tịch Bamboo Airways và ông Doãn Hữu Đoàn, Phó chủ tịch FLC, kiêm Phó chủ tịch thường trực Bamboo Airways phải có trách nhiệm thực hiện đúng các cam kết đã gửi đến HĐQT công ty.

Đồng thời, HĐQT FLC cũng yêu cầu Bamboo Airways có cam kết bằng văn bản về việc thực hiện các thủ tục giải chấp để hoàn trả cho FLC các tài sản mà tập đoàn này đã sử dụng để đảm bảo cho nghĩa vụ tài chính cho Bamboo Airways trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi FLC có văn bản thông báo về nhu cầu sử dụng các tài sản trên.

Trước đây, FLC cũng đã nhiều lần dùng cổ phiếu Bamboo Airways để thế chấp cho các khoản vay tại OCB và một số ngân hàng khác. Năm 2020, FLC đã 5 lần dùng cổ phiếu hãng bay này để đảm bảo cho các khoản vay tại OCB với tổng khối lượng gần 155 triệu cổ phiếu. Trong đó, hồi tháng 12/2020 là lần thế chấp nhiều nhất với hơn 100 triệu cổ phiếu Bamboo Airways.

Đầu tháng này, Chủ tịch FLC Lê Bá Nguyên cho biết FLC đã đầu tư 4.015 tỷ đồng vào Bamboo Airways, tương ứng tỷ lệ 21,7% vốn điều lệ của hãng hàng không này. Hãng bay này chưa thể có lãi nên năm 2021, FLC đã phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư trên 373 tỷ đồng và tăng mạnh trích lập dự phòng 3.642 tỷ đồng cho năm ngoái. Trong thời gian tới, FLC cũng sẽ bán cổ phần sở hữu tại Bamboo Airways để phục vụ cho kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp.

Mới đây, đại diện Bamboo Airways cũng công bố đã tìm được nhà đầu tư mới thay cho nhóm liên quan cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Nhà đầu tư mới của hãng đã đồng ý kế thừa và chịu trách nhiệm các nghĩa vụ thực hiện thanh toán nợ gốc và lãi đối với các khoản vay trước đây. Các cổ đông cũ đã dùng cổ phần của hãng bay này để cầm cố, thế chấp tại ngân hàng.

Đồng thời, nhà đầu tư mới cũng hỗ trợ cho ông Quyết một khoản tiền riêng được nộp vào tài khoản phong tỏa của cơ quan cảnh sát điều tra để khắc phục hậu quả (nếu có) theo vụ án.

Cập nhật ngày 4/3/2023: FLC sẽ bán cổ phần phục vụ tái cấu trúc

Chủ tịch HĐQT FLC Lê Bá Nguyên cho biết tập đoàn này sẽ bán cổ phần sở hữu tại hãng hàng không Bamboo Airways trong quá trình tái cấu trúc.

Thông tin này vừa được ông Nguyên nói tại phiên họp bất thường của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC sáng 4/3. Theo Chủ tịch HĐQT FLC, năm nay, công ty dự kiến định hình lại các lĩnh vực cốt lõi với ba trụ cột chính gồm kinh doanh bất động sản, kinh doanh nghỉ dưỡng và M&A các dự án để tái cấu trúc các khoản vay, duy trì hoạt động kinh doanh.

Thời ông Trịnh Văn Quyết, FLC kinh doanh trong nhiều lĩnh vực trong đó có bất động sản; dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf; vận tải hàng không; đầu tư tài chính.

Theo ông Nguyên, thời gian tới FLC sẽ rà soát, đánh giá lại toàn bộ các khoản đầu tư các công ty con, công ty liên kết để có phương án tiếp tục đầu tư hoặc chuyển nhượng. Với Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), ông cho biết FLC đã có kế hoạch xem xét chuyển nhượng cổ phần đang sở hữu tại hãng bay này.

"Tuy nhiên, sau khi được đại hội đồng cổ đông ủy quyền, chúng tôi cũng cần xây dựng phương án đánh giá cụ thể bởi các chuyên gia tài chính, sau đó mới có thể đưa ra kế hoạch cụ thể. Sau đó, chúng tôi sẽ thực hiện công bố thông tin để các cổ đông được biết", ông Nguyên nói.

Ông cũng cho biết FLC đã đầu tư 4.015 tỷ đồng vào Bamboo Airways, tương ứng tỷ lệ 21,7% vốn điều lệ của hãng hàng không này. Tại báo cáo tài chính quý công bố gần nhất hồi tháng 10 năm ngoái, FLC vẫn ghi nhận Bamboo Airways là công ty liên kết.

Theo Chủ tịch FLC, hãng bay này chưa thể có lãi nên năm 2021, FLC đã phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư trên 373 tỷ đồng và tăng mạnh trích lập dự phòng 3.642 tỷ đồng cho năm ngoái.

Bamboo Airways cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên hồi đầu năm 2019 và là dự án ông Trịnh Văn Quyết dồn rất nhiều tâm huyết. Đến nay, Bamboo Airways đã sở hữu đội tàu bay 30 chiếc, phủ khắp mạng đường bay nội địa tới các sân bay trên toàn quốc và mạng bay quốc tế tới nhiều thị trường như Australia, châu Âu, Đông Nam Á, Bắc Á.

Sau khi ông Quyết bị bắt gần một năm trước, Cục Hàng không Việt Nam đã thông tin về tỷ lệ sở hữu của Bamboo Airways. Tại thời điểm đầu tháng 4/2022, theo cơ quan này, FLC góp hơn 3.580 tỷ đồng, tương đương 51,24% (ông Quyết nắm 30,3% vốn FLC, tương đương 1.088 tỷ đồng); ông Quyết góp hơn 2.800 tỷ đồng, tương đương 40,03%. Các cổ đông khác góp hơn 610 tỷ đồng, tương đương 8,73%. Như vậy, theo tính toán của Cục Hàng không, tổng vốn góp của cựu Chủ tịch FLC khoảng 3.890 tỷ đồng, chiếm 55,5% vốn Bamboo Airways.

Cập nhật ngày 6/1/2023: Bamboo Airways góp 15 tỷ thành lập công ty con Bamboo Airways Cargo

Bamboo Airways vừa công bố quyết định thành lập và ra mắt Bamboo Airways Cargo (BAC). Phó chủ tịch Bamboo Airways Doãn Hữu Đoàn được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT BAC.

Ông Đoàn cũng là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này. Phó tổng giám đốc Bamboo Airways Đặng Khắc Hải giữ chức Tổng giám đốc tại công ty vận chuyển hàng hóa.

BAC đặt trụ sở tại tầng 23 tòa tháp thương mại Bamboo Airways Tower, 265 Cầu Giấy, Hà Nội và có vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Trong đó, Bamboo Airways góp 15 tỷ đồng, tương đương 75% và 3 cổ đông cá nhân khác.

"Đây là hoạt động mới nhất trong chiến lược tổng thể xây dựng hệ sinh thái hàng không, phát triển các công ty thành viên, góp phần giúp hãng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới", đại diện Bamboo Airways cho biết.

Trước đó, Vietravel Airlines cũng ký kết hợp tác đầu tư và phát triển kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa hàng không (VUAir Cargo) với Asean Cargo Gateway (ACG).

Cụ thể, hãng này và ACG hợp tác đầu tư theo tỷ lệ góp vốn tương ứng là 51% và 49%, mục tiêu nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh hàng hóa, khai thác vận chuyển hàng hóa hàng không, đại lý hàng hóa cho các hãng hàng không trong khu vực.

Vietravel Airlines đánh giá thị trường hàng hóa hàng không còn khá nhiều tiềm năng, chưa được khai thác triệt để. Hãng cũng nhận thấy các cơ sở sản xuất sẽ dần dịch chuyển về khu vực các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu, châu Mỹ bên cạnh công xưởng lớn nhất thế giới là Trung Quốc.

Ngược lại, công ty cổ phần IPP Air Cargo của vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn lại rút khỏi cuộc chơi vận chuyển hàng hóa hàng không.

Hồi tháng 10, công ty này đã gửi công văn đến các bộ ban ngành xin dừng cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không. Lý do được Tổng giám đốc IPP Air Cargo Lê Hồng Thủy Tiên đưa ra là do xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang; kinh tế toàn cầu suy thoái ngày càng hiện hữu, kéo theo hàng loạt hệ lụy về lạm phát, lãi suất tăng, biến động về giá nhiên liệu.

Dựa trên nhận định của lãnh đạo Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, đại diện IPP Air Cargo cho rằng tình hình biến động và bất ổn của thị trường hàng hóa toàn cầu hiện nay cũng như dự báo khó khăn của ngành vận chuyển hàng hóa trong vài năm tới do biến động giá nhiên liệu, nguy cơ suy thoái kinh tế diện rộng.

 

Cập nhật ngày 16/8/2022: ông Dương Công Minh - chủ tịch Sacombank vào cuộc

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank - chủ nợ cũ của FLC - sẽ làm cố vấn cấp cao cho HĐQT Bamboo Airways. Thông tin vừa được Bamboo Airways cho biết trưa nay, vài ngày sau khi HĐQT kiện toàn và bầu chủ tịch mới cho hãng hàng không này.

Ông Dương Công Minh là một doanh nhân có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và bất động sản. Ông là nhà sáng lập và lãnh đạo cấp cao của nhiều đơn vị tên tuổi như Công ty cổ phần Him Lam, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)...

Theo Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways Nguyễn Ngọc Trọng, việc ông Dương Công Minh trở thành cố vấn cao cấp HĐQT có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình cải tổ, kiện toàn bộ máy quản trị và lãnh đạo cấp cao của hãng, hướng tới chinh phục các mục tiêu lớn một cách bền vững trong giai đoạn phát triển mới.

flc-duongcongminh-1660629199.jpg

Ông Dương Công Minh (trái) và Chủ tịch Bamboo Airways Nguyễn Ngọc Trọng. Ảnh: BAV

 

Sau khi thôi mọi chức vụ tại Bamboo Airways hồi cuối tháng 7, cựu Chủ tịch Đặng Tất Thắng cũng hé lộ việc đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc chuyển giao Bamboo Airways với nhà đầu tư mới.

Sacombank cũng từng là một trong những đơn vị cấp tín dụng hàng đầu cho hệ sinh thái của FLC và ông Trịnh Văn Quyết. Tài sản thế chấp chủ yếu của ông Quyết với các khoản vay này là hàng trăm triệu cổ phần Bamboo Airways. Báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn FLC cho biết, đến ngày 30/6, FLC và các công ty thành viên đã tất toán xong khoản nợ hơn 1.800 tỷ đồng với Sacombank.

Ông Lê Thái Sâm, người mới vào Hội đồng quản trị FLC, đã cho công ty này vay không cần tài sản đảm bảo hơn 620 tỷ đồng. 

HĐQT hãng hàng không đã bầu bổ sung thêm 4 thành viên gồm: ông Lê Bá Nguyên, Lê Thái Sâm, Nguyễn Mạnh Quân và Doãn Hữu Đoàn. Sau đó, Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Trọng được bầu giữ chức chủ tịch, ông Đoàn làm Phó chủ tịch thường trực và ông Nguyên làm phó chủ tịch.

Ông Đoàn và ông Sâm cũng là hai thành viên mới được bầu bổ sung vào HĐQT FLC sau phiên họp bất thường đầu tháng 7. Trong đó, ông Sâm là người cho FLC vay tín chấp hơn 620 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay theo 4 hợp đồng có thời hạn 12 tháng, lãi suất 7% mỗi năm.

Hiện Bamboo Airways khai thác gần 170 chuyến bay một ngày với xấp xỉ 40 đường bay nội địa và 12 đường bay quốc tế. Thời gian tới, Bamboo Airways sẽ tiếp tục xúc tiến, mở mới các đường bay quốc tế đến thị trường châu Á, châu Âu, châu Úc và xa hơn là châu Mỹ. Hãng cũng đặt mục tiêu tăng đội bay lên 35 chiếc vào cuối năm 2022, 42 chiếc vào năm 2023 và 100 chiếc vào năm 2028.

Cập nhật ngày 15/8/2022: người cũ Nguyễn Ngọc Trọng được bầu làm Chủ tịch HĐQT

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, lãnh đạo gắn bó với Bamboo Airways từ những ngày đầu thành lập, vừa được bầu làm chủ tịch hãng bay này.

Sáng 13/8, Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã tổ chức phiên họp bất thường kiện toàn HĐQT. Ông Lê Bá Nguyên, Lê Thái Sâm, Nguyễn Mạnh Quân và Doãn Hữu Đoàn được bổ sung vào HĐQT Bamboo Airways thay cho các thành viên đã miễn nhiệm.

HĐQT Bamboo Airways cũng đã họp và thống nhất bầu ông Nguyễn Ngọc Trọng giữ chức chủ tịch.

Sinh năm 1957, ông Nguyễn Ngọc Trọng đã gắn bó với hãng hàng không này từ ngày đầu thành lập và cũng là Phó tổng giám đốc đầu tiên của Bamboo Airways từ năm 2018. Hồi tháng 4, ông được bổ nhiệm làm phó chủ tịch hãng sau biến cố của các lãnh đạo cấp cao.

Tân Chủ tịch Bamboo Airways là Thạc sĩ Khoa học kỹ thuật của Đại học Hàng không tại Liên Xô cũ, được đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên ngành và quản lý tại Mỹ, Pháp, Thuỵ Sỹ, Úc và Ireland.

Ông có hơn 40 năm kinh nghiệm công tác chuyên sâu trong lĩnh vực hàng không và từng giữ nhiều chức vụ quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp như Vietnam Airlines, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Máy bay (VAECO), Công ty TNHH MTV Nhiên liệu Hàng không Việt Nam (SKYPEC), Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không sân bay Nội Bài (NASCO)...

Hai phó chủ tịch Bamboo Airways là ông Lê Bá Nguyên và ông Doãn Hữu Đoàn, trong đó ông Đoàn giữ vai trò Phó chủ tịch thường trực. Trước đó, ông Nguyên được bầu làm Chủ tịch HĐQT FLC từ đầu tháng 7. Còn ông Đoàn đang là thành viên HĐQT FLC. Đầu tuần này, ông vừa được bổ nhiệm chức Phó tổng giám đốc thường trực tại Bamboo Airways.

bamboo-trong-ct-1660524690.jpg

Tân Chủ tịch Nguyễn Ngọc Trọng (giữa) và 4 thành viên vừa được bầu bổ vào HĐQT Bamboo Airways sáng 13/8. Ảnh: BAV

Như vậy, sau khi kiện toàn, HĐQT Bamboo Airways có 5 thành viên gồm Chủ tịch Nguyễn Ngọc Trọng, hai phó chủ tịch Lê Bá Nguyên, Doãn Hữu Đoàn và hai thành viên là ông Nguyễn Mạnh Quân - Tổng giám đốc Bamboo Airways và ông Lê Thái Sâm - thành viên HĐQT FLC.

Cùng với đó, đại hội đồng cổ đông Bamboo Airways cũng thống nhất bầu 3 thành viên ban kiểm soát gồm ông Trần Anh Tuấn – Trưởng Ban Kiểm soát, ông Phạm Văn Phùng và ông Nguyễn Đăng Khoa – thành viên Ban Kiểm soát.

"Việc bầu bổ sung các nhân sự cấp cao nằm trong kế hoạch kiện toàn bộ máy lãnh đạo để đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, tối ưu hoá lợi ích của cổ đông và các bên liên quan, hướng tới chinh phục các mục tiêu lớn một cách bền vững trong giai đoạn phát triển mới của hãng", Bamboo Airways cho biết.

Hiện Bamboo Airways khai thác gần 170 chuyến bay một ngày với xấp xỉ 40 đường bay nội địa và 12 đường bay quốc tế. Thời gian tới, Bamboo Airways sẽ tiếp tục xúc tiến, mở mới các đường bay quốc tế đến thị trường châu Á, châu Âu, châu Úc và xa hơn là châu Mỹ. Hãng cũng đặt mục tiêu tăng đội bay lên 35 chiếc vào cuối năm 2022, 42 chiếc vào năm 2023 và 100 chiếc vào năm 2028.

Cập nhật ngày 27/7/2021: Bamboo Airways của FLC mong hành khách thông cảm vì tạm dừng tất cả chuyến bay

Theo thông báo của Bamboo Airways, hãng này đã tạm dừng khai thác tất cả các chuyến bay thường lệ do hãng khai thác từ ngày 26-7 đến hết ngày 7-8-2021.

Còn các hãng Vietjet, Pacific Airlines dù chưa có thông báo chính thức nhưng thực tế cũng đã tạm dừng khai thác các chuyến bay chở khách thường lệ do có ít hành khách đi lại bởi ảnh hưởng đại dịch COVID-19.

Như vậy, hiện nay chỉ còn Vietnam Airlines và Vasco khai thác trên một số đường bay còn được phép khai thác như Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Điện Biên, Hà Nội - Nha Trang, TP.HCM - Đà Nẵng, TP.HCM - Buôn Ma Thuột.

Trong thông báo phát ra, Bamboo Airways đưa ra lý do dừng khai thác các chuyến bay thương mại trong thời gian trên là do dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng và khó kiểm soát, hàng loạt tỉnh thành phố lớn trên cả nước đã áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng, số ca mắc mới COVID-19 liên tục xuất hiện trong cộng đồng.

Bamboo Airways mong hành khách thông cảm vì những thay đổi bất khả kháng trong giai đoạn dịch diễn biến phức tạp này. Đồng thời hãng đề nghị hành khách liên hệ ngay với hãng để được hỗ trợ về chính sách vé hủy cho những hành trình bay bị ảnh hưởng. 

Theo Cục Hàng không Việt Nam, ngoài các đường bay đã dừng để phòng chống dịch, hiện nay các hãng hàng không vẫn được khai thác các đường bay đi, đến các địa phương chưa triển khai chỉ thị 16 như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Điện Biên, Đắk Lắk…

Tuy nhiên, do 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, hành khách đi lại khó khăn, phải thực hiện các quy định y tế, cách ly tập trung nên ít người đi máy bay. Do vậy, các hãng tạm dừng khai thác khi không có khách.

Trước đó, do ảnh hưởng dịch COVID-19 và theo đề nghị của các địa phương, từ ngày 22-7 Bộ Giao thông vận tải cho dừng khai thác các đường bay Cần Thơ - Hà Nội và ngược lại, Phú Quốc - Hà Nội và ngược lại.

Với đường bay Hà Nội - TP.HCM và ngược lại khai thác tối đa 2 chuyến khứ hồi chở khách/ngày, giao Vietnam Airlines thực hiện.

Mặc dù vậy, từ ngày 22-7 tới 27-7, Vietnam Airlines chỉ thực hiện được 1 chuyến bay từ Tân Sơn Nhất ra Hà Nội. 

Lý do là từ 0h ngày 22-7, Hà Nội tổ chức cách ly tập trung đối với toàn bộ người về từ các địa phương có dịch đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 của Thủ tướng nhưng chỉ mới bố trí được chỗ cách ly tập trung cho khách đi 1 chuyến bay từ TP.HCM đến Hà Nội vào ngày 22-7.

Đến nay Vietnam Airlines vẫn phải dừng khai thác 2 chuyến bay/ngày chiều TP.HCM ra Hà Nội. Còn chiều Hà Nội vào TP.HCM, hãng này vẫn khai thác 2 chuyến/ngày. Trên các chuyến bay này, hãng chở y bác sĩ vào các tỉnh phía Nam chống dịch và hành khách có nhu cầu đi lại, đồng thời kết hợp chở hàng hóa.

Giới Thiệu Bamboo Airways

Thành lập năm 2017 và chính thức cất cánh ngày 16/01/2019, Bamboo Airways là hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam xác định theo đuổi mục tiêu cung cấp dịch vụ hàng không định hướng chuẩn quốc tế.

Trên hành trình sải cánh vươn xa, chiến lược cốt lõi của Bamboo Airways là kết nối các vùng đất tiềm năng, góp phần quảng bá sâu rộng và hiệu quả giá trị tốt đẹp của văn hoá, con người Việt Nam tới bạn bè thế giới. Hãng đã và đang phát triển mạng đường bay nội địa và quốc tế rộng khắp, kết nối 21/22 sân bay nội địa Việt Nam, đồng thời mạnh mẽ sải cánh tới các sân bay trọng điểm của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu…  

Bamboo Airways đặt nhiệm vụ trọng tâm trong việc không ngừng duy trì và nâng tầm dịch vụ theo mô hình hàng không truyền thống (full service). Đến nay, Hãng đã và đang vững vàng ở vị thế một trong ba hãng hãng không lớn nhất Việt Nam, với ba thế mạnh nội tại nổi bật là: Dịch vụ hàng không chất lượng, hiếu khách – Mạng đường bay liên vùng, liên châu lục tăng trưởng mạnh mẽ – Tỷ lệ bay đúng giờ dẫn đầu ngành hàng không Việt Nam.

Hãng xây dựng những chính sách về hạng vé rất đa dạng và linh hoạt bao gồm: Bamboo Economy, Bamboo Premium, Bamboo Business. Trong đó, mỗi hạng vé đều bao gồm 2 nhóm giá là Flex (Linh hoạt) và Smart (Thông minh). Riêng hạng vé Bamboo Economy có thêm 2 nhóm giá Saver (Tiết kiệm) và Saver Max (Tiết kiệm tối đa).

Mỗi nhóm giá tương ứng với các nhóm quyền lợi khác nhau: số cân hành lý, suất ăn; quyền đổi tên, đổi hành trình, thời gian bay; quyền chọn chỗ, ưu tiên check-in, sử dụng phòng chờ thương gia; tích lũy điểm trong chương trình khách hàng thân thiết Bamboo Club… Nhờ đó, khách hàng dễ dàng lựa chọn hạng vé phù hợp, thỏa mãn tối đa nhu cầu và ngân sách cá nhân.

Tại mặt đất, Bamboo Airways triển khai hệ thống phòng chờ thương gia First Lounge by Bamboo Airways sang trọng, chuyên biệt với quy mô lớn nhất trong các hãng bay tư nhân Việt Nam. Không gian các Phòng chờ được thiết kế sang trọng với nhiều phân khu tiện ích, đáp ứng đa dạng nhu cầu nghỉ ngơi, làm việc… của khách hàng. 

Đội ngũ tiếp viên hàng không trên mỗi chuyến bay chính là các “đại sứ thương hiệu” của Bamboo Airways trên bầu trời, lan tỏa tinh thần hiếu khách và sự tận tâm của Hãng tới khách hàng. Với tâm niệm “những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được trái tim”, các tiếp viên hàng không Bamboo Airways luôn chào đón hành khách với nụ cười rạng rỡ và bàn tay trang trọng đặt trên ngực trái. Trong suốt hành trình bay, nhu cầu và cảm xúc của hành khách luôn được lắng nghe, chăm sóc và hỗ trợ ở mức cao nhất.

Với tỉ lệ hài lòng khách hàng trên các chuyến bay luôn ghi nhận ở mức cao, chất lượng dịch vụ hàng không của Bamboo Airways đã được đông đảo khách hàng và truyền thông đánh giá tích cực. Những giải thưởng hàng không danh giá như: Hãng hàng không có dịch vụ tốt nhất, Hãng hàng không khu vực hàng đầu châu Á, Đoàn tiếp viên xuất sắc nhất châu Á, Hãng hàng không cấp tiến nhất châu Á…, là minh chứng rõ nét cho sự ghi nhận của cộng đồng dành cho dịch vụ của Bamboo Airways.

 

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: [email protected]. Trân trọng.