Kết quả kinh doanh CTD (Coteccons): năm 2023 lãi hơn 69 tỷ đồng nhờ giảm dự phòng

HỒNG MƠ

31/01/2024 15:36

Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) vừa công bố kết quả kinh doanh quý gần nhất với số liệu đáng chú ý về doanh thu và lợi nhuận cùng nhiều thông số khác.

ctdhinh-snpy-1614070951.png

CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD)

Báo cáo tài chính quý II niên độ 2024 (tương đương quý IV/2023) cho thấy, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) có doanh thu khoảng 5.660 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ 2022, chủ yếu do hụt bớt doanh thu hợp đồng xây dựng.

Nhóm các chi phí thường xuyên được tiết giảm. Trong đó, chi phí tài chính cắt gần một nửa nhờ giảm dự phòng các khoản đầu tư. Bên cạnh đó, chi phí nhân viên và chi phí dự phòng cũng giảm mạnh.

Riêng khoản chi phí dự phòng, Coteccons cắt bớt một nửa dự phòng phải thu nợ khó đòi, từ gần 89 tỷ đồng về 48 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty đang thực hiện tái cấu trúc nên tổng chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tối ưu hơn trước, giảm một phần ba so với cùng kỳ năm trước đó.

Tổng lại, quý cuối năm 2023, CTD lãi sau thuế hơn 69 tỷ đồng, tăng gần 3,7 lần so với quý IV/2022. Đây là mức lợi nhuận cao nhất kể từ quý I/2021.

Lũy kế cả năm ngoái, công ty có hơn 16.500 tỷ đồng doanh thu và gần 190 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Doanh thu chỉ tăng 14% nhưng lợi nhuận vọt lên gấp gần 9 lần. Đây cũng là năm có lãi đậm nhất của doanh nghiệp kể từ 2021.

Coteccons thay đổi niên độ tài chính từ quý III/2023, bắt đầu từ tháng 7 năm trước và kết thúc vào tháng 6 năm sau. Như vậy nếu tính theo niên độ mới, công ty đã hoàn thành một nửa kế hoạch kinh doanh cả năm.

Tuy giảm các khoản phải thu khó đòi, doanh nghiệp này vẫn còn gần 1.700 tỷ đồng nợ xấu. 45% trong số đó đến từ Công ty Ngôi Sao Việt - thuộc Tân Hoàng Minh, từng bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm, Công ty Saigon Glory - chủ đầu tư dự án The Spirit of Saigon và Công ty Đầu tư Minh Việt - chủ đầu tư dự án Tricon Towers. CTD đã trích lập dự phòng toàn bộ khoản nợ của ba chủ đầu tư trên.

Thời gian qua, Coteccons khởi công một dự án căn hộ chung cư tại Bình Dương, cao ốc phức hợp ở Đà Nẵng, trung tâm logistic tại Yên Phong (Bắc Ninh) và cất nóc một dự án căn hộ chung cư tại TP HCM. Ngoài ra, doanh nghiệp này cùng công ty con Unicons cũng vừa khởi công nhà máy luyện và cán thép tại Hải Phòng, khu đô thị tại Long An và khu nhà ở đô thị tại Phú Thọ.

Năm trước, Coteccons dẫn đầu Liên danh Hoa Lư tham gia đấu thầu gói thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai), trị giá 35.000 tỷ đồng. Ông Bolat Duisenov nói dù rất buồn khi trượt nhưng gói thầu này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong kế hoạch kinh doanh của công ty nên không ảnh hưởng tương lai.

Sau thất bại trên, Coteccons vẫn muốn mở rộng sang xây dựng hạ tầng vì cho rằng lĩnh vực này nhiều tiềm năng và còn nhiều cơ hội cho công ty có thể nắm thị phần lớn. Ngoài ra, công ty này cũng lên kế hoạch mở rộng thêm mảng xây dựng nhà ở xã hội và năng lượng tái tạo. Song song đó, CTD cũng đang chuẩn bị tấn công thị trường nước ngoài.

Cập nhật quý 3/2023: Lợi nhuận cao nhất 3 năm qua

"Ông lớn" ngành xây dựng báo lợi nhuận sau thuế gần 67 tỷ đồng trong quý III, thoát lỗ so với cùng kỳ năm ngoái và cao nhất 10 quý.

Thông tin trên được công bố trong báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) quý I năm tài chính 2024, tương ứng quý III/2023 thông thường. Doanh nghiệp này vừa đổi năm tài chính, bắt đầu từ tháng 7 năm trước và kết thúc vào tháng 6 năm sau.

Lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt gần 67 tỷ đồng, trong khi CTD từng lỗ 3,5 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận của công ty này cải thiện năm quý liên tiếp, đến nay đã đạt mức lãi cao nhất kể từ quý IV/2020.

Lãi sau thuế tăng mạnh nhờ cải thiện được doanh thu và lợi nhuận gộp. Trong kỳ, Coteccons có hơn 4.100 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 33%. Lợi nhuận gộp tăng gấp 3 lần lên hơn 100 tỷ đồng, nâng biên lãi gộp lên 2,43%. Ban lãnh đạo cho biết thêm, chính sách trích lập dự phòng các dự án rủi ro mà CTD thực hiện những năm trước đã giảm nhẹ ảnh hưởng của những tác động về chi phí nhân công, nguyên vật liệu xây dựng và các yếu tố vĩ mô lên chi phí giá vốn trong kỳ.

Sau quý I niên độ tài chính 2024, công ty hoàn thành gần một phần tư kế hoạch cả năm. CTD đề mục tiêu có gần 17.800 tỷ đồng doanh thu và 274 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy kế hoạch trên tăng mạnh so với niên độ 2023, nhưng ban lãnh đạo doanh nghiệp này nói được đưa ra theo hướng thận trọng.

Nhìn chung, kết quả kinh doanh của Coteccons ngược chiều xu hướng chung của ngành xây dựng. Trong thời gian dài, nhiều doanh nghiệp rơi vào thế gọng kìm: không có hợp đồng mới và khó đòi nợ cũ do thị trường bất động sản đóng băng, chi phí nguyên vật liệu tăng cao làm đội giá vốn.

Trong phiên họp thường niên hồi giữa tháng 10, Chủ tịch Bolat Duisenov cho rằng thị trường xây dựng chưa khởi sắc nhiều khi kinh tế vĩ mô chưa cải thiện đáng kể và bất động sản còn gặp khó, ngay cả ở các thành phố lớn. Tuy nhiên ông nhận thấy tín hiệu khả quan là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng, các dự án xây dựng lớn về công nghiệp cũng đã được khởi công.

Coteccons cũng có nợ khó đòi khi phải trích dự phòng tổng cộng gần 1.200 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khó đòi, tương đương gần 10% tổng các khoản phải thu ngắn hạn. Bên cạnh đó, công ty có dự nợ vay tài chính không thay đổi đáng kể, trong khi tổng nợ phải trả giảm 7% về hơn 12.200 tỷ đồng.

Về tài sản, Coteccons tiếp tục là một trong những doanh nghiệp có lượng tiền nhàn rỗi dồi dào. Tính đến cuối tháng 9, tiền và tương đương tiền tăng 18% lên gần 2.225 tỷ đồng. Nhờ lãi suất tiền gửi mà công ty ghi nhận hơn 101 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, tăng 22%. Ngoài ra, công ty có gần 1.854 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Trong đó, đầu tư chứng khoán khoảng 237 tỷ đồng và tạm dự phòng cho khoản lỗ hơn 15 tỷ.

Thời gian trước, Coteccons dẫn đầu Liên danh Hoa Lư tham gia đấu thầu gói thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai), trị giá 35.000 tỷ đồng. Ông Bolat Duisenov nói dù rất buồn khi trượt nhưng gói thầu này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong kế hoạch kinh doanh của công ty nên không ảnh hưởng tương lai.

Sau thất bại trên, Coteccons vẫn muốn mở rộng sang xây dựng hạ tầng vì cho rằng lĩnh vực này nhiều tiềm năng và còn nhiều cơ hội cho công ty có thể nắm thị phần lớn. Ngoài ra, công ty cũng lên kế hoạch mở rộng thêm mảng xây dựng nhà ở xã hội và năng lượng tái tạo. Song song đó, CTD cũng đang chuẩn bị tấn công thị trường nước ngoài.

Kết quả kinh doanh CTD (Coteccons): quý 3/2022 doanh thu tăng 191% song vẫn lỗ 37 tỷ

CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.113 tỷ, tăng 191% so với cùng kỳ năm ngoái - giai đoạn đỉnh điểm của dịch COVID-19 và giãn cách xã hội ảnh hưởng nhiều tới tiến độ xây dựng các dự án.

Giá vốn hàng bán lên tới 3.081 tỷ, không tăng tương ứng với tốc độ tăng của doanh thu do giá cả nhân công và nguyên vật liệu tăng cao khiến biên lợi nhuận giảm từ 1,57% cùng kỳ năm ngoái xuống 1,06% kỳ này.

Chi phí quản lý doanh nghiệp (chủ yếu là chi phí dự phòng) tăng 14% so với quý III/2021 lên 103 tỷ khiến công ty lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 37 tỷ.

Trong kỳ, Coteccons ghi nhận khoản lợi nhuận khác gần 34 tỷ chủ yếu do hoàn nhập chi phí công trình phải trả lớn hơn chi phí thực tế phát sinh và một phần từ hoàn nhập chi phí dự phòng bảo hành công trình. Do đó, Coteccons chỉ còn lỗ ròng 3,5 tỷ đồng quý III, cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 12 tỷ.

Luỹ kế 9 tháng, Coteccons đạt 8.307 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ còn 1,8 tỷ sau hai quý thua lỗ, quý III/2021 có lãi 87,5 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh CTD (Coteccons): quý 2/2022 lỗ vì khoản nợ khó đòi từ Tân Hoàng Minh

Trích lập dự phòng hơn 240 tỷ đồng cho khoản nợ khó đòi từ dự án D’Capitale của Tân Hoàng Minh khiến Coteccons quý II lỗ gần 24 tỷ đồng.

Trong quý vừa qua, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) có doanh thu tăng gần 29% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 3.280 tỷ đồng. Cộng với tiết giảm chi phí, doanh nghiệp này có lãi gộp hơn 215 tỷ đồng, tăng trên 60%. Biên lãi gộp nhích lên gần 6,6% so với mức 5,3% cùng kỳ 2021. Doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng mạnh tới 3,2 lần so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ lãi cho vay và đầu tư góp vốn.

Tuy nhiên quý II, công ty này vẫn lỗ hơn 23,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 45 tỷ đồng. Lợi nhuận giảm hơn 153% do chi phí doanh nghiệp bị đội lên gần 3 lần, trong đó dự phòng nợ phải thu tăng đột biến.

Một trong những khoản khiến "ông lớn" ngành xây dựng này phải trích lập dự phòng nặng nhất là dự án D'Capitale (Hà Nội) của Công ty Ngôi sao Việt - thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Dự án đã được bàn giao và đưa vào sử dụng từ năm 2019. Công tác thu hồi nợ đến nay chưa thành công nên Coteccons phải trích lập dự phòng 242 tỷ đồng cho dự án này trong quý II/2022, nâng số trích lập dự phòng lũy kế từ năm 2020 đến nay lên mức 484 tỷ đồng.

Thời gian qua, lãnh đạo Coteccons cho biết công ty phải đối mặt khó khăn, thách thức khi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt tín dụng bất động sản. Vụ việc tại Tân Hoàng Minh khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị thắt chặt, ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng.

Gián đoạn chuỗi cung ứng, xung đột, căng thẳng địa chính trị khiến giá nguyên, nhiên vật liệu leo thang trong nửa cuối 2021 và đầu năm nay cũng đang tiếp tục đè nặng lên các nhà thầu xây dựng nói chung. Dư âm của đại dịch còn ảnh hưởng đến sự phân bổ lao động, dẫn đến thiếu hụt nhân công tại các thành phố lớn, khiến chi phí lao động tăng cao.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Coteccons ghi nhận hơn 5.193 tỷ đồng doanh thu nhưng chỉ lãi sau thuế hơn 5,4 tỷ đồng. Doanh thu tăng không đáng kể, lợi nhuận quý II lại giảm mạnh trên 18 lần nên công ty hiện mới hoàn thành hơn một phần ba chỉ tiêu doanh thu cả năm. Quý I, doanh nghiệp này lãi 29 tỷ đồng, vượt 45% so với kế hoạch lợi nhuận 20 tỷ đồng trong năm nay.

6 tháng đầu năm, công ty thắng thầu 39 dự án với tổng giá trị xây dựng hơn 16.000 tỷ đồng và cũng bàn giao cho khách hàng 14 dự án. Ngoài ra, CTD có danh mục đầu tư ngắn hạn hơn 3.000 tỷ đồng gồm tiền gửi ngân hàng và trái phiếu nhiều kỳ hạn. Theo ban lãnh đạo, điều này cho phép công ty tăng tỷ suất lợi nhuận thu nhập tài chính bình quân và phòng ngừa rủi ro về khả năng thanh toán.

Nhận xét về ngành xây dựng, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho rằng biên lợi nhuận của ngành này đang chịu nhiều áp lực khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và lượng cung bất động sản trên thị trường nhà ở suy giảm, cũng như tác động lan tỏa từ đầu tư công chưa đạt kỳ vọng.

Tuy nhiên trong dài hạn, đơn vị này kỳ vọng tích cực vào tăng trưởng của cổ phiếu ngành xây dựng khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản dân cư tại Việt Nam vẫn rất lớn. Khi tiến độ đầu tư công đạt kế hoạch và các nút thắt của thị trường bất động sản được tháo gỡ, dư địa tăng trưởng của các công ty ngành xây dựng sẽ được rộng mở.

Kết quả kinh doanh CTD (Coteccons): quý 1/2022 doanh thu và lợi nhuận đều giảm

Quý đầu năm, Coteccons ghi nhận doanh thu thuần 1.912 tỷ đồng và lãi sau thuế 29 tỷ đồng, lần lượt giảm hơn 25% và 46% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với kế hoạch lợi nhuận 20 tỷ đồng được thông qua thì công ty đã vượt 45%.

Ban lãnh đạo Coteccons đánh giá kết quả này khả quan hơn những quý trước và cho biết nếu không trích lập dự phòng cho nợ xấu của 16 dự án từ 2019 để lại thì lợi nhuận mục tiêu là 115 tỷ đồng. Công ty vẫn tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là xây dựng, đồng thời triển khai các dự án trong lĩnh vực hạ tầng.

Ba tháng đầu năm, giá trị hợp đồng ký mới đạt 10.000 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh CTD (Coteccons): quý IV/2021 kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lỗ 63,3 tỷ đồng

Theo đó, trong quý IV/2021, CTD ghi nhận doanh thu đạt 2.918,25 tỷ đồng, giảm 31,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế âm 63,3 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 34,87 tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý, trong kỳ công ty kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp âm. Cụ thể, lợi nhuận gộp giảm 253,4 tỷ đồng so với cùng kỳ về âm 3,02 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 51% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 28,43 tỷ đồng lên 84,22 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 50,7%, tương ứng giảm 189,1 tỷ đồng về 183,7 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng thêm 38,6 tỷ đồng lên 41,4 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Coteccons cho biết, doanh thu mảng xây dựng của tập đoàn giảm mạnh 1.339 tỷ đồng, giảm 31,5% so với cùng kỳ năm trước; trong khi chi phí nguyên vật liệu, nhân công tăng cao. Đồng thời, ban điều hành đã lập dự phòng cho các công trường có rủi ro cao dẫn đến lỗ gộp từ hoạt động xây dựng 3 tỷ đồng.

Ngoài ra, diễn biến của dịch bệnh Covid-19 càng trở nên phức tạp hơn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nói chung, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, bất động sản, các lĩnh vực kinh doanh của phần lớn khách hàng Coteccons. Trong kỳ, đơn vị phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 111 tỷ khiến lợi nhuận sau thuế giảm tương ứng.

Luỹ kế trong năm 2021, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 9.087,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 24,29 tỷ đồng, lần lượt giảm 37,6% và 92,7% so với cùng kỳ.

Với kế hoạch đề ra trong năm 2021 là doanh thu 17.413 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 340 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính, Công ty chỉ hoàn thành 7,1% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính tới 31/12/2021, tổng tài sản của CTD tăng 3,8% so với đầu năm lên 14.692,8 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn đạt 8.326,8 tỷ đồng, chiếm 56,7% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 3.285,4 tỷ đồng, chiếm 22,4% tổng tài sản; tồn kho đạt 1.558,2 tỷ đồng, chiếm 10,6% tổng tài sản.

Điểm đáng lưu ý, trong năm 2021, Công ty ghi nhận dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi là 661,3 tỷ đồng so với đầu năm 494,5 tỷ đồng; dự phòng giảm giá hàng tồn kho là 28,2 tỷ đồng so với đầu năm là 30 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh CTD (Coteccons): 9 tháng 2021 doanh thu giảm 40%, lợi nhuận giảm 76%

Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons vừa công bố báo cáo tài chính quý III với việc bất ngờ lỗ ròng gần 12 tỷ đồng và là lần đầu tiên công ty xây dựng đầu ngành này thua lỗ từ khi lên sàn năm 2010 đến nay.

Kết quả kém khả quan này là do quy mô hoạt động bị thu hẹp đáng kể khi doanh thu tiếp đà giảm mạnh hơn 61% so với cùng kỳ chỉ còn 1.070 tỷ đồng. Lợi nhuận theo đó rơi mạnh về 17 tỷ đồng (bằng vỏn vẹn 1/10 cùng kỳ) và biên lãi gộp tương ứng còn 1,6%.

Doanh thu tài chính có mức tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 77 tỷ đồng (nhờ khoản lãi chậm thanh toán), đồng thời chi phí quản lý doanh nghiệp cũng được tiết giảm 12%. Tuy nhiên điều này là chưa đủ và khiến doanh nghiệp báo lỗ chỉ sau một năm về tay Kusto Group.

Lãnh đạo công ty lý giải diễn biến này là do diễn biến của dịch bệnh trong quý III càng trở nên phức tạp hơn và giá cả nguyên vật liệu xây dựng leo thang, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản, xây dựng nói riêng, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của tập đoàn.

Thực tế hàng loạt doanh nghiệp bất động sản, xây dựng khác cũng gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn vừa qua, lợi nhuận nhiều đơn vị suy giảm đáng kể. Đơn cử như lợi nhuận Xây dựng Hòa Bình giảm 90%, lãi ròng Vinaconex giảm 95%...

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu Coteccons giảm từ mức 10.332 tỷ đồng xuống còn 6.189 tỷ đồng, tức giảm 40%. Lợi nhuận sau thuế rơi về mức gần 88 tỷ, giảm 76% so với 9 tháng đầu năm ngoái.

Về các chỉ tiêu khác, tổng tài sản ghi nhận đến cuối quý vừa qua là hơn 13.000 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Trong đó, khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất là phải thu ngắn hạn của khách hàng với gần 6.319 tỷ đồng.

Doanh nghiệp vẫn duy trì cấu trúc tài chính an toàn với tổng giá trị tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kì hạn là gần 3.000 tỷ đồng, nhưng đã giảm 8% so với đầu năm.

Một điểm đáng lưu ý khác là khoản phải thu về cho vay tăng đột biến lên 719 tỷ (cuối quý II chỉ là 20 tỷ đồng). Đây là các khoản đầu tư trái phiếu vào Công ty Thiết bị điện (Thibidi), Novaland, Biwase và Vinpearl.

 

Kết quả kinh doanh CTD (Coteccons): Quý 2/2021 doanh thu giảm 36%, lãi sau thuế giảm 71%

Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) vừa công bố kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất quý II/2021 với sự suy giảm mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận.

Cụ thể, quý II/2021, doanh thu thuần của CTD đạt 2.550 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 134,7 tỷ đồng, giảm 44,7% Biên lãi gộp vì vậy giảm từ 6,1% xuống còn 5,3%.

Trong quý, doanh thu tài chính giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 47 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý tăng tới 72% (lên 122 tỷ đồng). Cộng với việc ghi nhận khoản lỗ 7,5 tỷ đồng trong công ty liên doanh liên kết, CTD báo lãi trước thuế chỉ 59 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 199 tỷ đồng.

Kết thúc quý II, lãi sau thuế đạt 44,8 tỷ, giảm tới 71,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Giải trình về kết quả này, CTD cho biết, việc lợi nhuận suy giảm là kết quả của việc chịu ảnh hưởng bất lợi từ nền kinh tế vốn đã khó khăn từ 2020. Qua năm 2021, diễn biến dịch bệnh trở nên phức tạp hơn đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới lĩnh vực bất động sản – xây dựng.

Việc chi phí quản lý tăng tới 72% là do trong năm 2021, CTD trích dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi. Ngoài ra, tập đoàn còn trích trước chi phí phải trả cho cán bộ nhân viên tương ứng với các khoản lương bổ sung và các khoản thưởng sẽ chi vào cuối năm theo thời gian làm việc thực tế đến thời điểm báo cáo, thay vì ghi nhận chi phí treo thực tế tại thời điểm phát sinh so với trước đây.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của CTD đạt 5.119 tỷ đồng, giảm 32%; lãi trước thuế đạt 128 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ.

Dòng tiền kinh doanh 6 tháng dương 220 tỷ đồng, nhưng dòng tiền đầu tư âm 786 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 178 tỷ đồng dẫn đến tiền và tương đương tiền tại thời điểm 30/6/2021 giảm khoảng một nửa, xuống còn 652 tỷ đồng.

Về tài sản, tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản của CTD đạt 13.576 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu kỳ. Cơ cấu tài sản ghi nhận sự tăng lên của khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, đạt 3.015 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ so với đầu kỳ. Đây là lượng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn 3 tháng – 1 năm.

Các khoản phải thu ngắn hạn có sự suy giảm nhẹ xuống 6.963 tỷ đồng, giảm 9%; tồn kho giảm 5%, xuống 1.419 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 30/6/2021 là 5.230 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu kỳ. Nợ ngắn hạn chiếm đa số với 5.225 tỷ đồng. CTD không ghi nhận khoản nợ vay trong kỳ, tuy nhiên, báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy công ty đã vay 338 tỷ đồng và đã tất toán với khoản lãi phải trả 950 triệu đồng. Vốn chủ sở hữu của CTD tại cùng thời điểm đạt 8.345 tỷ đồng, giảm 0,6% so với đầu kỳ.

Kết quả kinh doanh CTD (Coteccons): quý 1/2021 Lợi nhuận giảm mạnh 56% xuống còn 54,4 tỷ đồng

Coteccons (CTD) đã công bố BCTC hợp nhất quý 1/2021, ghi nhận doanh thu giảm mạnh từ 3.547 tỷ (quý 1/2020) xuống còn 2.563 tỷ đồng. Theo giải trình, doanh thu trong kỳ giảm chủ yếu từ mảng xây dựng giảm gần 28% so với cùng kỳ, đây là kết quả của việc chịu ảnh hưởng của nền kinh tế khó khăn kéo dài từ năm 2020, nhiều dự án BĐS vẫn chưa hoạt động trở lại bình thường như thời điểm trước dịch Covid-19.

Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp thu về 120 tỷ đồng, giảm hơn 38% so với quý 1/2020. Biên lãi gộp tương ứng vào mức 4,67%, thấp hơn đáng kể so với mức 5,46% cùng kỳ.

Về hoạt động tài chính, trong kỳ Coteccons bắt đầu phát sinh chi phí lãi vay (vào khoảng 993 triệu đồng). Song song, chi phí quản lý tiếp tục ghi nhận tăng khiến lợi nhuận ròng giảm hơn nửa, chỉ còn 54,5 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2020 lãi hơn 123 tỷ đồng). Đây cũng là quý đầu năm Công ty ghi nhận lãi thấp nhất từ trước đến nay.

Theo Coteccons, chi phí quản lý tăng gần 10% so Công ty thực hiện trích trước chi phí phải trả cho cán bộ nhân viên, tương ứng với các khoản lương bổ sung và các khoản thưởng theo thời gian làm việc thực tế phù hợp với quy chế lương thưởng, ngân sách năm 2021 của Tập đoàn, thay vì ghi nhận chi phí theo thực tế thời điểm phát sinh so với trước đây.

Kế hoạch năm 2021: doanh thu tăng 20% và LNST tăng 2%

Cổ đông đã phê duyệt kế hoạch cho năm 2021 với doanh thu đạt 17.400 tỷ đồng (+20% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 340 tỷ đồng (+2% YoY).

Ban lãnh đạo chia sẻ LNST sơ bộ quý 1/2021 đạt 55 tỷ đồng (-56% YoY), hoàn thành 16% kế hoạch cả năm của CTD.

Cổ đông thông qua chia cổ tức tiền mặt cho năm tài chính 2020 ở mức 1.000 đồng/CP (tương ứng lợi suất cổ tức 1,6%), thấp hơn mức 3.000 đồng/CP được thanh toán trong 2 năm trước. Kế hoạch ESOP năm 2021 cũng đã được phê duyệt.

Cổ đông thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu không chuyển đổi với tổng giá trị tối đa là 1.000 tỷ đồng của CTD, nhằm chuẩn bị vốn cho kế hoạch đa dạng hóa sang các dự án cơ sở hạ tầng cũng như xây dựng EPC cho ngành năng lượng, theo ban lãnh đạo.

Cổ đông cũng bầu 3 thành viên HĐQT mới để thay thế 2 thành viên đã từ nhiệm trong năm 2020 và bầu 1 thành viên ban kiểm soát mới.

Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng các thay đổi này sẽ củng cố quyền kiểm soát của Kusto đối với hoạt động kinh doanh của CTD.

Còn theo Công ty Chứng khoán FPTS, dù triển vọng ngành xây dựng dân dụng năm 2021 tích cực, CTD sẽ hồi phục chậm trong năm 2021. Thêm nữa, khả năng phát triển kinh doanh của Ban lãnh đạo CTD hiện nay vẫn cần theo dõi thông qua giá trị hợp đồng xây dựng ký mới trong năm 2021.

Bên cạnh nhiều lãnh đạo cao cấp rời đi, quy mô nhân sự của CTD trong năm 2020 cũng giảm mạnh khoảng 27% (từ 2.272 xuống 1.659 người tại cuối năm), dẫn tới cho doanh nghiệp phải tuyển lại nhiều vị trí quan trọng như giám đốc dự án, chỉ huy trưởng, chỉ huy phó, chuyên viên pháp chế… 

Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (Mã chứng khoán CTD)

CTD là công ty xây dựng được thành lập ngày 24/08/2004 từ quá trình cổ phần hóa một công ty thành viên thuộc Tổng công ty Fico. Từ số vốn điều lệ ban đầu chỉ 15,2 tỷ đồng, sau hơn 5 năm, khi Coteccons niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (đầu năm 2010), vốn điều lệ đã tăng lên tới 307,5 tỷ đồng, tức gấp 20 lần.  

Coteccons là Tổng thầu thi công công trình The Landmark 81 - Công trình cao nhất Đông Nam Á và cao thứ 14 trên Thế giới.

Hơn một năm về trước, nhóm cổ đông lớn Kusto group đã lên nắm quyền kiểm soát công ty thay thế cho ban lãnh đạo cũ dưới thời nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương. Sau đó Coteccons đã định hướng sẽ không tập trung toàn lực cho mảng cốt lõi là xây dựng, mà hướng đến xây dựng hệ sinh thái bao gồm xây dựng là chủ lực, cùng với tài chính xây dựng, M&E, cơ sở hạ tầng… Doanh nghiệp cũng lấn sang lĩnh vực tổng thầu các dự án năng lượng tái tạo; mở rộng hợp tác mảng đầu tư khu công nghiệp.

Coteccons cũng đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ các công ty trong ngành và đặc biệt là các doanh nghiệp từ nhóm cựu chủ tịch Nguyễn Bá Dương. Đáng kể như Newtecons lần lượt thế chân làm nhà thầu tại loạt dự án lớn như Masterise Homes, One Central Saigon, Masteri Waterfront…

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: [email protected]. Trân trọng.