Giao dịch cổ đông lớn CTD (Coteccons): VinaCapital đã bán 1,3 triệu cp khi Coteccons trục trặc

ĐĂNG NGUYÊN

02/08/2023 08:11

Theo báo cáo giao dịch vừa công bố , các quỹ do VinaCapital quản lý đã bán ra tổng cộng 1,3 triệu cổ phiếu CTD của Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã CTD) trong ngày 1/8.

Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của cả nhóm VinaCapital tại Coteccons đã giảm từ 3,9 triệu cổ phiếu, chiếm 5,26 % xuống còn 2,6 triệu cổ phiếu, chiếm 3,51 % vốn tại CTD. Như vậy, Vinapital không còn là cổ đông lớn tại Coteccons.

Tạm tính theo giá CTD đóng cửa phiên diễn ra giao dịch 1/8 (66.900 đồng/cp), các nhóm quỹ thuộc Vinacapital có thể thu về hơn 87 tỷ đồng từ việc bán bớt cổ phiếu. Trong phiên quỹ ngoại này giảm sở hữu, cổ phiếu CTD đã giảm kịch sàn. So với thời điểm cuối tháng 7, cổ phiếu này đã “bay hơi” gần 19%.

Trong một diễn biến liên quan, vào ngày 31/7, VOF Investment Limited – quỹ thuộc VinaCapital quản lý cũng thông báo bán ra 600.000 cổ phiếu của CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD để giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 5,26%.

Trước đó, CTD và nhiều cổ phiếu nhóm xây dựng khác đã nổi sóng cùng câu chuyện liên quan tới gói thầu số 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách” thuộc đại dự án sân bay Long Thành với vốn đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mới đây Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã công bố danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu gói thầu số 5.10 sân bay Long Thành nhưng không có tên của liên danh Hoa Lư do Coteccons đứng đầu.

Liên danh Vietur do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại xây dựng ICISTAS thuộc Tập đoàn IChoding của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu là đơn vị duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đối với gói thầu trên. Liên danh này còn có sự tham gia của nhiều nhà thầu trong nước như Ricons, Newtecons, SOL E&C, Vinaconex, ATAD, Phục Hưng Holdings, Hawee, Hancorp.

Cập nhật ngày 5/7/2022: Chủ tịch Bolat Duisenov bị nhà đầu tư ngoại tranh mua

Nhà đầu tư nước ngoài tranh mua cổ phần công ty xây dựng đầu ngành lên mức tối đa 49%, dẫn đến lãnh đạo chỉ mua được 57% lượng đăng ký.

Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Xây dựng Coteccons (CTD), vừa thông báo hoàn tất mua vào 441.700 cổ phiếu CTD, theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận từ 3/6 đến 2/7. Giao dịch giúp người đứng đầu doanh nghiệp tăng sở hữu lên trên 1 triệu cổ phiếu, chiếm 1,28% vốn.

Vị này trước đó đăng ký mua đến 730.000 cổ phiếu CTD nhưng chỉ thực hiện được khoảng 57% lượng đăng ký. Việc này là do một số nhà đầu tư nước ngoài khác đã mua kịch biên độ tỷ lệ sở hữu, dẫn đến ông Bolat Duisenov không được mua thêm.

Thực tế tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại nhà thầu xây dựng này liên tục được gia tăng kể từ cuối tháng 5 đến nay, từ mức gần 45% lên kín room ngoại 49% vào ngày 1/7. Hiện tại nhà đầu tư nước ngoài đã không thể mua thêm mã chứng khoán này.

Trong thời gian cá nhân này gom thêm cổ phần, thị giá CTD đã có chiều hướng biến động quanh vùng giá 50.000-58.000 đồng, ở vùng đáy tích lũy do ảnh hưởng của xu hướng chung. Tính trung bình số tiền ông đã chi ra khoảng dưới 25 tỷ đồng.

Coteccons đang dần trở lại guồng quay khi trúng thầu nhiều dự án lớn. Khối lượng trúng thầu trong quý I được thông báo đạt gần 10.000 tỷ đồng và ngay trong quý II tiếp tục nhận được gói thầu đại dự án Diamond Crown tại Hải Phòng.

Tuy nhiên kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp vẫn rất dè dặt. Cổ đông đã thông qua mục tiêu doanh thu hợp nhất tăng trưởng 65% lên 15.010 tỷ đồng nhưng chỉ tiêu lợi nhuận lại về đáy 20 tỷ đồng, giảm tiếp 17% so với năm liền trước.

Ông Bolat Duisenov lý giải giá vật liệu tăng khiến nhiều đơn vị cắt giảm chi phí nhưng Coteccons vẫn cần đảm bảo chất lượng và đảm bảo bàn giao đúng tiến bộ. Ngoài ra Coteccons cần phải lập dự phòng tài chính bởi nhìn thấy nợ xấu phát sinh.

Dù vậy nhìn về dài hạn, tăng trưởng của cổ phiếu ngành xây dựng được kỳ vọng vẫn tích cực khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản dân cư tại Việt Nam vẫn rất lớn. Đặc biệt là tiến độ đầu tư công và các nút thắt của thị trường bất động sản được tháo gỡ, dư địa cho tăng trưởng theo đó cũng được rộng mở.

Cập nhật ngày 31/5/2022: sau khi xin lỗi cổ đông, Chủ tịch Bolat Duisenov sẽ mua vào 

Ông Bolat Duisenov dự kiến chi 37 tỷ đồng để mua 730.000 cổ phiếu CTD trong giai đoạn thị giá dao động quanh vùng thấp nhất 2 năm.

Giao dịch của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons được thực hiện từ 3/6 đến 2/7, bằng phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Tỷ lệ sở hữu của doanh nhân này tăng từ 0,72% lên 1,6% nếu giao dịch thành công.

Cuối năm ngoái, ông Bolat cũng đăng ký gom khối lượng tương đương nhưng chỉ thành công 540.000 cổ phiếu vì "điều kiện thị trường không phù hợp". Khi kế hoạch mua vào được công bố, cổ phiếu này lập tức cắt đứt chuỗi giảm bốn ngày trước đó bằng một phiên chạm trần. Đà tăng kéo dài trong suốt một tháng ông Bolat đăng ký giao dịch, đưa giá từ vùng 68.000 đồng lên gần 97.000 đồng.

Giá cổ phiếu sau đó còn chạm mốc 113.000 đồng, cao nhất trong vòng ba năm trở lại đây, trước khi chịu áp lực điều chỉnh mạnh vì xu hướng chung của thị trường trong nước cộng với kế hoạch lợi nhuận thận trọng. Cổ phiếu này xuống dưới 43.000 đồng cách đây hai tuần, sau đó hồi phục dần theo đà tăng của VN-Index, lên 51.000 đồng như hiện tại.

Người đứng đầu Coteccons cho biết từ khi trở thành người đứng đầu công ty này, thường xuyên nhận được hàng trăm tin nhắn than phiền của cổ đông, thậm chí một số còn đe dọa, mỗi lúc cổ phiếu giảm sâu. Ông cho rằng thị trường chứng khoán không dành cho những người lướt sóng ngắn hạn, đồng thời khuyên nhà đầu tư nhìn vào dài hạn bởi thị trường xây dựng đang sôi động trở lại và tự tin giá CTD sẽ tăng vào cuối năm.

Trong thông báo đăng ký mua cổ phiếu chiều 30/5, ông Bolat tiếp tục kêu gọi cổ đông "kiên nhẫn và đồng hành cùng công ty".

Cập nhật ngày 25/4/2022: Chủ tịch Bolat Duisenov xin lỗi cổ đông khi cổ phiếu mất nửa giá

Ông Bolat Duisenov nói rằng "rất tiếc" khi nhiều cổ đông Coteccons đang trải qua đợt giảm giá hơn 45%, nhưng khuyên họ nên kiên trì nhìn vào dài hạn.

Cổ phiếu của Công ty cổ phần Xây dựng Cottecons (CTD) tính ba tuần trở lại đây giảm đến 45%, xuống vùng giá thấp nhất một năm.

Trong phiên họp thường niên ngày 25/4/2022, một cổ đông Coteccons cho biết đã đầu tư cổ phiếu này trong ba năm và chỉ chưa đầy một tháng, khoản đầu tư đã "bốc hơi" 75% vì sử dụng đòn bẩy tài chính nên bị công ty chứng khoán bán giải chấp.

"Tôi chưa bán một cổ phiếu nào. Tôi tin tưởng chủ tịch nhưng cổ phiếu từ 100.000 về 54.000 đồng thì tin sao được nữa", cổ đông than phiền.

Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons nói "rất tiếc và rất xin lỗi" khi không chỉ cổ đông này mà nhiều nhà đầu tư khác cũng đang có trải nghiệm không vui với cổ phiếu CTD. Ông cho biết từ khi trở thành người đứng đầu công ty này, thường xuyên nhận được hàng trăm tin nhắn than phiền của cổ đông, thậm chí một số còn đe doạ, mỗi lúc cổ phiếu giảm sâu.

Theo ông Bolat, thị trường chứng khoán không dành cho những người lướt sóng ngắn hạn. Ông khuyên nhà đầu tư nhìn vào dài hạn bởi thị trường xây dựng đang sôi động trở lại và tự tin giá cổ phiếu sẽ tăng vào cuối năm.

Ngoài giá cổ phiếu, nhiều cổ đông Coteccons chưa hài lòng với mục tiêu tăng trưởng năm nay. Theo đó, công ty đặt kế hoạch doanh thu 15.010 tỷ đồng, tăng 65% so với năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 17%, đạt 20 tỷ đồng – thấp hơn những giai đoạn thị trường đóng băng.

"Cuối năm ngoái, ông Bolat nhấn mạnh Coteccons đã bước sang một trang mới đầy tham vọng nhưng kế hoạch kinh doanh 2022 thể hiện sự vô lý với thông điệp này", một cổ đông chia sẻ tại phiên họp thường niên chiều 25/4.

Một cổ đông khác phân tích, lợi nhuận này chỉ tương đương 0,1% doanh thu, trong khi các công ty cùng ngành đều đưa ra mức 1-2%. Bên cạnh đó, công ty có lượng tiền mặt hơn 3.000 tỷ đồng nên chỉ cần gửi tiết kiệm ngân hàng cũng có lợi nhuận trên 200 tỷ đồng một năm. Hai điều này cộng thêm các thông tin về hợp đồng chuyển tiếp (backlog) và ký mới đều khả quan nên mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận thấp nhất trong vòng 15 năm qua là "rất khó hiểu".

Ông Bolat cho biết đã đoán trước con số 20 tỷ đồng sẽ vấp phải sự phản ứng của cổ đông, nhưng đây là thực tế và ban lãnh đạo phải chấp nhận. Mục tiêu lợi nhuận đi lùi vì công ty đánh giá thị trường có nhiều yếu tố khó lường như dịch bệnh làm chậm dòng tiền của chủ đầu tư, giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, sự cạnh tranh quyết liệt khiến nhiều đối thủ sẵn sàng bỏ giá thấp để trúng thầu, ưu tiên các phúc lợi để giữ chân nhân sự...

Theo bà Cao Thị Mai Lê – Kế toán trưởng Coteccons, mục tiêu lợi nhuận còn tính đến việc trích lập dự phòng cho nợ xấu của 16 dự án từ 2019 để lại. Nếu không làm việc này, lợi nhuận mục tiêu là 115 tỷ đồng.

Bà Lê nói thêm, backlog năm ngoái là 25.000 tỷ đồng nhưng thời gian triển khai dự án, đặc biệt là những dự án cao tầng thường kéo dài 2-3 năm nên luôn có khoảng lùi lớn trong việc ghi nhận. Đây là mốc thời gian lý tưởng nếu dự án khởi công ngay, còn trường hợp chủ đầu tư vướng các thủ tục pháp lý, thời gian phải kéo dài hơn.

"Chúng tôi đã tính dự án nào chủ đầu tư có thể đúng tiến độ và cái nào chậm tiến độ khi xây dựng kế hoạch. Mục tiêu 2022 chỉ là những backlog khả thi", bà Lê chia sẻ, đồng thời thông tin thêm trong giai đoạn thấp điểm của ngành (quý I và quý II), công ty có thể hoàn thành 40% chỉ tiêu cả năm.

Theo ông Bolat, thông điệp "bước sang một trang mới" cuối năm ngoái không mâu thuẫn với mục tiêu tăng trưởng năm nay. Thời điểm phát ra thông điệp này, công ty mới hoàn thành giai đoạn ổn định sau những biến động về nhân sự thượng tầng kéo theo nhiều thay đổi khác ở bên dưới.

Sau khi xây lại nền móng, ông Bolat cho biết Coteccons vừa giữ mảng chủ lực là xây dựng dân dụng, vừa mở rộng sang các mảng khác như hạ tầng, năng lượng sạch và M&A các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Mục tiêu của công ty vào năm 2025 là doanh thu 3 tỷ USD và vốn hoá thị trường 1 tỷ USD.

Cập nhật ngày 24/11/2021: Chủ tịch mua lô cổ phiếu CTD trị giá 50 tỷ

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) Bolat Duisenov vừa thông báo sẽ mua vào 740.000 cổ phiếu với mục đích đầu tư từ ngày 26/11 đến 24/12. Theo thị giá hiện tại, tạm tính lô cổ phiếu CTD ở mức 68.000 đồng, số tiền chủ tịch nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam cần chi khoảng hơn 50 tỷ đồng.

Đây là lần đầu tiên ông Bolat Duisenov đăng ký mua vào cổ phiếu CTD. Khi giao dịch hoàn tất, số cổ phần Coteccons ông Bolat Duisenov nắm giữ là 0,9%.

Động thái này được đưa ra khi diễn biến giá cổ phiếu CTD trên sàn chứng khoán đang ảm đạm. Sau khi đạt mốc hơn 75.000 đồng vào cuối tuần trước, cổ phiếu CTD liên tục giảm trong 4 phiên gần đây và hiện ở vùng giá 68.000 đồng.

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá trị vốn hóa của Coteccons trên sàn giảm hơn 10% trong khi thị trường chứng khoán sôi động với việc VN-Index đã tăng hơn 30% so với thời điểm kết thúc năm 2020.

Quý III vừa qua, Coteccons lần đầu tiên báo lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Doanh thu thuần của công ty này xuống mức thấp nhất trong 8 năm qua còn 1.070 tỷ đồng, kéo theo khoản lỗ sau thuế 12 tỷ đồng.

Lãnh đạo công ty lý giải diễn biến này là do dịch bệnh trong quý III phức tạp hơn và giá cả nguyên vật liệu xây dựng leo thang, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản, xây dựng nói riêng, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của tập đoàn.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu Coteccons giảm từ mức 10.332 tỷ đồng xuống còn 6.189 tỷ, tức giảm 40%. Lợi nhuận sau thuế rơi về mức gần 88 tỷ, giảm 76% so với 9 tháng đầu năm ngoái.

 

Năm 2021, cổ đông công ty đặt kế hoạch 17.413 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, 340 tỷ đồng lãi sau thuế. Với kết quả trên, doanh nghiệp mới thực hiện được 35,5% mục tiêu doanh thu và chưa tới 25% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Dù đối diện khó khăn, lãnh đạo Coteccons cho rằng công ty cũng có những tín hiệu khả quan trong quý III khi dòng tiền kinh doanh tiếp tục được duy trì ở mức dương sau hơn 4 năm âm liên tục.

Ông Duisenov trở thành chủ tịch của Coteccons từ tháng 10/2020 sau khi nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương từ nhiệm. Doanh nhân người Kazakhstan cũng là CEO Kusto Việt Nam, nhóm cổ đông ngoại có tỷ lệ cổ phần lớn nhất tại Coteccons.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: [email protected]. Trân trọng.