Cổ phiếu VMD (Dược phẩm Vimedimex) - công ty nhập khẩu vaccine - tăng 40% chỉ trong một tuần

MĂNG GIANG

16/08/2021 10:44

Thông tin được phép nhập khẩu vaccine Sputnik V về Việt Nam giúp vốn hóa của Dược phẩm Vimedimex tăng 40% trong tuần vừa qua.

Trong tuần giao dịch 9-13/8, cổ phiếu VMD của Công ty CP Y Dược phẩm Vimedimex gây chú ý khi có 5 phiên tăng trần liên tiếp để leo lên mức đỉnh lịch sử 34.500 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 40% trong tuần. Thanh khoản được cải thiện mạnh lên hàng chục nghìn cổ phiếu/phiên và luôn dư mua trần.

Dù đã tăng mạnh, giá trị vốn hóa doanh nghiệp chỉ đạt hơn 530 tỷ đồng, ở mức thấp so với một số đơn vị lớn trong ngành như Dược Hậu Giang, Imexpharm,Traphaco…

Được cấp phép nhập khẩu vaccine

Diễn biến tích cực trên sàn chứng khoán đến ngay sau thông tin Thủ tướng đã giao Bộ Y tế chủ trì hỗ trợ Dược phẩm Vimedimex nhập khẩu vaccine Sputnik V về Việt Nam.

Bà Trần Mỹ Linh, Tổng giám đốc của Dược phẩm Vimedimex trả lời trên truyền thông rằng công ty Royal Strategics Partners (UAE) đã đồng ý bán và ký hợp đồng nhập khẩu với Y Dược phẩm Vimedimex 10 triệu liều vắc xin Covid-19 Janssen (Johnson & Johnson's Janssen); 5 triệu liều vắc xin Pfizer và 10 triệu liều vắc xin Covid-19 Sputnik V.

Các bên đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để nộp vào Bộ Y tế xin cấp phép nhập khẩu và đơn hàng đầu tiên dự kiến về Việt Nam cuối tháng 8/2021, nếu được Bộ Y tế phê duyệt cấp phép nhập khẩu kịp thời.

Duoc pham Vimedimex,  Nhap khau vaccine,  Vaccine Sputnik V, anh 1

Cổ phiếu VMD vừa đạt đỉnh lịch sử (giá đã điều chỉnh cổ tức). Đồ thị: TradingView.

Dược phẩm Vimedimex bắt đầu đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán vào tháng 9/2010 và từng được giao dịch rất sôi động. Tuy nhiên, thời gian sau, cổ phiếu này ít được chú ý khi thanh khoản rơi về mức thấp, chỉ vài nghìn cổ phiếu được mua bán mỗi phiên.

Vào đầu tháng 6 vừa qua, VMD cũng ghi nhận chuỗi 5 phiên liên tiếp tăng kịch trần khi Vimedimex nằm trong danh sách 36 đơn vị được cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vaccine, kinh doanh dịch vụ bảo quản vaccine được Bộ Y tế công bố.

Doanh thu lớn nhất ngành dược

Dược phẩm Vimedimex tiền thân là công ty Xuất nhập khẩu Y tế được thành lập năm 1984 và cổ phần hóa vào năm 2006 với vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Đến nay công ty có vốn điều lệ hơn 154 tỷ đồng, tương đối nhỏ trong ngành y tế nước nhà.

Cơ cấu cổ đông khá cô đặc khi phần lớn khi 5 cổ đông lớn đã nắm giữ hơn 75% vốn điều lệ. Trong đó Công ty CP Dược Phẩm Vimedimex 2 và Tổng công ty Dược Việt Nam sở hữu lần lượt là 45,3% và 10,2% vốn.

Các cổ đông lớn còn lại là ông Trần Kiên Cường, ông Lê Xuân Tùng và bà Trần Thị Đoan Trang sở hữu lần lượt 7,1%, 7,4% và 5,2%. Trong đó ông Lê Xuân Tùng là con trai Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Loan. Bà Loan đồng thời nắm giữ chức vụ chủ tịch Vimedimex Group và Vimedimex 2.

Ngoài dược phẩm, nữ doanh nhân này còn được biết đến với vai trò lãnh đạo ở nhiều công ty trong lĩnh vực khác như đang là Chủ tịch Chứng khoán Hòa Bình (HBS) hay từng Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Việt Á (VietABank) giai đoạn 2011-2013.

Ở lĩnh vực bất động sản, Vimedimex Group nơi bà Loan giữ vai trò chủ tịch HĐQT cũng đang sở hữu thương hiệu bất động sản Vimefulland với hàng loạt dự án như Iris Garden, Eden Rose, The Emerald, The Lotus Center... chủ yếu thuộc khu vực TP Hà Nội.

Trở lại với Dược phẩm Vimedimex, quy mô doanh thu của công ty liên tục mở rộng được mở rộng gấp 3 lần lên khoảng 18.200 tỷ đồng trong năm ngoái và là đơn vị có doanh thu lớn nhất ngành dược phẩm Việt Nam.

Cộng doanh thu của nhóm công ty hàng đầu khác như Dược Hậu Giang (hơn 4.200 tỷ), Pymepharco, Traphaco, Dược phẩm Imexpharm cũng chỉ đạt tổng cộng hơn 9.500 tỷ đồng, tức chỉ mới bằng phân nửa Vimedimex.

Sự khác biệt này chủ yếu do Vimedimex là công ty chuyên về phân phối dược phẩm, nhất là thuốc nhập khẩu, trong khi các đơn vị còn lại đặt trọng tâm ở phân khúc sản xuất thuốc (biên lợi nhuận tốt hơn). Một công ty khác hoạt động tương tự trong phân khúc nhập khẩu dược phẩm là Dược liệu Trung ương 2 cũng có quy mô doanh thu gần 15.300 tỷ đồng trong năm ngoái.

Tuy nhiên cũng bởi mô hình phân phối dược phẩm, biên lợi nhuận của Vimedimex ở mức rất thấp. Lợi nhuận sau thuế hàng năm của của công ty hàng năm chỉ quanh 30 tỷ đồng, riêng năm ngoái ghi nhận mức lãi kỷ lục hơn 37 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm 2021, công ty báo cáo doanh thu 7.604 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, nhờ tiết giảm chi phí giúp lợi nhuận sau thuế vẫn tăng nhẹ 3% lên hơn 19 tỷ đồng, hoàn thành 51% kế hoạch năm.

Nhờ lợi nhuận tương đối ổn định, Dược phẩm Vimedimex duy trì tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt đều đặn 20% (cổ đông cứ sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 2.000 đồng mỗi năm).

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: [email protected]. Trân trọng.