Khó khăn chồng chất với ngành hàng không vẫn đè nặng giá cổ phiếu HVN, VJC và ACV

HỒNG QUÝ

09/11/2021 09:52

Sau đợt dịch lớn kéo dài suốt nhiều tháng giữa năm 2021, mô hình phục hồi chữ V của hàng không Việt đã không xuất hiện như kỳ vọng.

hvn2-1622608600.jpeg

 

Mô hình phục hồi chữ V của hàng không Việt đã không xuất hiện

Dù dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát tại Việt Nam và Chính phủ chuyển hướng sang các biện pháp "chung sống với dịch bệnh", số lượng chuyến bay vẫn không thể phục hồi mạnh mẽ do những hạn chế về quy định.

Hoạt động hàng không bắt đầu sụt giảm từ cuối tháng 5, song đỉnh điểm là các tháng 8 và tháng 9. Cụ thể, ghi nhận trong tháng 9, các hãng hàng không Việt Nam chỉ vận chuyển được khoảng 18.000 khách, giảm 99% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó quốc tế đạt 6.000 khách, giảm 64%, nội địa đạt 12.000 khách, giảm 99%.

Lũy kế 9 tháng năm 2021, các hãng vận chuyển được 13,3 triệu khách, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó quốc tế là 103.000 khách, giảm 96%, nội địa là 13,2 triệu khách, giảm 35%.

Thay vì tăng chuyến gấp đôi sau mỗi tháng như năm 2020, hàng không những tháng cuối năm 2021 đang ghi nhận đà phục hồi chậm do đợt dịch mới diễn ra phức tạp, buộc cơ quan chức năng, nhà chức trách hàng không và lãnh đạo từng địa phương phải thận trọng trong việc nới quy định khai thác các chuyến bay.

Cụ thể, thay vì để các hãng hàng không tự quyết định về số lượng chuyến bay khai thác như năm 2020, Cục Hàng không đang phải áp dụng kế hoạch khai thác các chuyến bay khứ hồi trên các đường bay áp dụng từ ngày 21/10 đến ngày 30/11 năm 2021 với tần suất hạn chế.

Ba đường bay gồm trục: TP.HCM - Hà Nội, TP.HCM - Đà Nẵng và Hà Nội - Đà Nẵng đang có tần suất khai thác là 6 chuyến khứ hồi/ngày cho mỗi đường bay (Vietnam Airlines 2 chuyến/ngày, Vietjet Air 2 chuyến/ngày, Bamboo Airways 1 chuyến/ngày, Pacific Airlines 1 chuyến/ngày).

Với các đường bay khác, tần suất hiện không quá 1 chuyến khứ hồi/ngày trên mỗi đường bay đối với mỗi hãng hàng không. Đối với Vietravel Airlines, hãng được xem xét khai thác với tần suất 1 chuyến khứ hồi/ngày trên mỗi đường bay từ tháng 11.

 

Không chỉ gặp khó trong việc tăng chuyến, các hãng bay còn khó lấp đầy mỗi chuyến bay khi hành khách vẫn phải đáp ứng nhiều yêu cầu từ cơ quan chức năng để di chuyển đường hàng không. Các địa phương chưa thống nhất phương án đón khách bay nội địa cũng khiến hành khách ngần ngại khi quyết định đặt vé, đặc biệt là tới những địa phương yêu cầu cách ly tập trung, cách ly trả phí.

Thực tế, thống kê cho thấy dù các hãng bay có được tự do quyết định lượng chuyến bay khai thác, hàng không Việt năm 2021 cũng không thể phục hồi thần tốc như năm 2020 do thiếu khách bay.

Theo Cục Hàng không, sau 5 ngày triển khai thực hiện thí điểm (từ ngày 10/10 đến ngày 14/10), 4 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines đã thực hiện 98 chuyến bay một chiều (trong tổng số 200 chuyến bay theo như kế hoạch được Bộ GTVT phê duyệt) trên 16 đường bay (trong 20 đường bay theo kế hoạch), đi/đến trên 16/22 cảng hàng không, sân bay và vận chuyển tổng số 5.924 hành khách.

Tuy nhiên, Cục Hàng không cho biết tỷ lệ chuyến bay đã thực hiện còn thấp (49%) do nhiều chuyến bay số lượng khách đặt chỗ không nhiều, thậm chí không có khách. Nguyên nhân được nhà chức trách hàng không đưa ra là do hãng hàng không chỉ có thể mở triển khai bán vé trên hệ thống kèm các điều kiện vận chuyển hành khách sau khi có các văn bản chính thức từ Bộ GTVT và Cục Hàng không nên trong hai ngày đầu (ngày 10/10 và 11/10) hành khách chưa kịp tiếp cận thông tin chuyến bay và không chủ động lập kế hoạch di chuyển.

 

HVN: Điều chỉnh giảm giá mục tiêu  

Điều chỉnh giảm giá mục tiêu 5% còn 27.400 đồng/CP và duy trì khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG dành cho Tổng CT Hàng không Việt Nam (HVN). Giá cổ phiếu HVN đã giảm 18% trong 3 tháng qua. 

Giá mục tiêu thấp hơn chủ yếu đến từ việc cắt giảm 77% và 73% EBITDAR dự báo vào năm 2021 và 2022.

Trong năm 2021, dự báo HVN sẽ ghi nhận lỗ 11.000 tỷ đồng - tương đương 102% khoản lỗ của năm 2020.

Khoản lỗ lớn hơn chủ yếu do giả định biên LN gộp ở mức âm 24% do dự báo giá vé máy bay vẫn ở mức thấp; trong khi đó, chi phí nhiên liệu sẽ tăng lên.

Dự báo lỗ khoảng lỗ 3.000 tỷ đồng vào năm 2022 - cao hơn 10% so với dự báo trước đó - và giảm dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023/2024/2025 lần lượt là 94%/46%/55%, chủ yếu là do tốc độ phục hồi chậm hơn các chuyến bay quốc tế trong bối cảnh đòn bẩy hoạt động kinh doanh và tài chính cao của HVN.

VJC: Điều chỉnh giảm giá mục tiêu 17%

Điều chỉnh giảm giá mục tiêu 17% và duy trì khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG dành cho Hàng không VietJet (VJC).  

Giá mục tiêu thấp hơn là điều chỉnh giảm lần lượt 121%/10% dự báo LNST năm các năm 2021/2022 đối với mảng vận tải (không bao gồm lãi từ bán máy bay) xuống còn -188 tỷ đồng/1,9 nghìn tỷ đồng trong hai năm kể trên.

Tác động tiêu cực của việc giảm dự báo LNST của mảng này được bù đắp một phần nhờ cập nhật mô hình định giá mục tiêu đến giữa năm 2022 (so với cuối năm 2021 trước đây) và giảm chi phí vốn CSH từ 11,5% xuống 10,7%.

Năm 2021, dự báo LNST sau lợi ích CĐTS báo cáo là 73 tỷ đồng. Loại trừ thu nhập tài chính dự báo là 2,4 nghìn tỷ đồng (chủ yếu đến từ các khoản đầu tư ngoài hàng không) và lãi từ bán máy bay, dự báo LNST cốt lõi của VJC ở mức âm 2 nghìn tỷ đồng - gần bằng khoản lỗ KQKD cốt lõi trong năm 2020.

Trong giai đoạn 2022-2031, điều chỉnh giảm 18% dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS báo cáo, chủ yếu là do dự báo phục hồi kéo dài hơn đối với mảng vận tải quốc tế của VJC.

Ngành hàng không của Việt Nam sẽ phục hồi như đã thể hiện với đà phục hồi mạnh mẽ sau những đợt dịch bệnh và những cú shock kinh tế trong quá khứ. Tuy nhiên, diễn biến phục hồi có thể mất nhiều thời gian hơn trước đây do các diễn biến không đồng đều của dịch COVID-19 trên toàn cầu.

Yếu tố hỗ trợ (rủi ro): Các chuyến bay quốc tế nối lại nhanh hơn/(chậm hơn) so với dự kiến; giá dầu thấp hơn (cao hơn) kéo dài.

ACV: giảm giá mục tiêu 13%

Duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN cho Tổng CT Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nhưng giảm giá mục tiêu 13%.

Giá mục tiêu thấp hơn chủ yếu do giảm dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2021-2030 cho ACV 14%, phản ánh quan điểm kém tích cực hơn đối với đà phục hồi trong sản lượng hành khách của ACV trong bối cảnh dịch COVID-19 tái bùng phát tại Việt Nam gần đây và một số biến thể COVID-19 trên toàn cầu.

Dự báo doanh thu của ACV đạt 8,900 tỷ đồng (+15% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 3,300 tỷ đồng (+103% YoY) trong năm 2021.

Lợi nhuận của ACV sẽ chủ yếu nhờ các mảng kinh doanh cốt lõi phục hồi từ mức cơ sở thấp của năm 2020 và 508 tỷ đồng lãi từ đánh giá lại tỷ giá trong năm 2021 so với khoản lỗ 861 tỷ đồng trong năm 2020.

ACV có vị thế tốt để duy trì tình hình tài chính ổn định – dù dịch COVID-19 kéo dài hơn dự kiến. ACV có số dư tiền mặt ròng trị giá 18.000 tỷ đồng tính đến cuối quý 1/2021 trong khi chi phí phi tiền mặt chiếm khoảng 40% tổng chi phí năm 2020 của công ty.

Rủi ro: vốn XDCB cao hơn dự kiến, trì hoãn mở rộng công suất sân bây có thể ảnh hưởng tăng trưởng lưu lượng hành khách, tiến độ tiêm chủng chậm tại các thị trường nguồn khách du lịch của Việt Nam.

HỒNG QUÝ
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: [email protected]. Trân trọng.