Masan (MSN) lỗ hơn 5.600 tỷ sau 2 năm nhận chuỗi VinMart

HỒNG MƠ

29/03/2022 10:09

Trong năm 2022, Masan tiếp tục hướng đến mở rộng mạng lưới bán lẻ theo mô hình mini-mall tại các vị trí đắc địa nhất nhằm gia tăng doanh thu và lợi nhuận.

vre-vinmart4-1617179112.jpeg
MSN sau tiếp quản VRE: đưa VinMart/VinMart+ thành “chiến mã” của bán lẻ Việt Nam

Masan Group lỗ hơn 5.600 tỷ đồng kể từ khi gia nhập thị trường bán lẻ

Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 với doanh thu đạt 88.628 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế lên tới 11.489 tỷ đồng, cao gấp 5 lần năm trước.

Trong các mảng kinh doanh, ‘sản phẩm tiêu dùng có thương hiệu’ tiếp tục là trụ cột khi đem về khoảng 5.000 tỷ đồng lợi nhuận. Tuy nhiên, tính trên doanh thu, mảng bán lẻ tiêu dùng là số một khi mang về hơn 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mảng bán lẻ tiêu dùng năm qua vẫn lỗ 1.446 tỷ đồng, sau khi năm 2020 lỗ 4.186 tỷ đồng.

 

Như vậy, trong 2 năm sau khi nhận chuyển nhượng VinMart và VinMart+ từ tập đoàn Vingroup (nay đổi tên thành WinMart, WinMart+), Masan Group đã lỗ tổng cộng hơn 5.600 tỷ đồng từ bán lẻ. Theo Masan, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên việc duy trì hoạt động kinh doanh ổn định.

Masan Group đã tích cực chuyển đổi siêu thị và cửa hàng thành các điểm bán trong chiến lược ‘Point of Life’. Từ giữa năm 2021, doanh nghiệp đã bắt đầu đưa các cửa hàng Techcombank vào bên trong các siêu thị WinMart, đồng thời biến Phúc Long trở thành công ty con, và đặt các kiosk Phúc Long ngay bên trong siêu thị Winmart.

Trong năm 2022, Masan tiếp tục hướng đến mở rộng mạng lưới bán lẻ theo mô hình mini-mall tại các vị trí đắc địa nhất nhằm gia tăng doanh thu và lợi nhuận.

 

vre-vinmart2-1617179112.jpeg
 

 

Cập nhật ngày 21/7/2021: Phát hiện 4 cửa hàng Vinmart+ của Masan (MSN) vi phạm về niêm yết giá bán

Ngày 21/7, đoàn công tác theo Quyết định số 1949 của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có báo cáo có kết quả kiểm tra, kiểm soát sơ bộ thị trường, giá cả hàng hóa tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Theo đó, trong ngày 21/7, đoàn công tác chia 3 tổ để đi giám sát 39 cửa hàng, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị tại TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.

Kết quả, tại Đồng Nai, tổ 3 của đoàn công tác phát hiện 4 cửa hàng Vinmart+ có dấu hiệu không niêm yết giá bán hàng hóa theo quy định. Thành viên tổ công tác đã phối hợp với Cục QLTT tỉnh Đồng Nai tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định.

Hàng hóa tại các siêu thị MM Mega Market, Big C, Co.opmart, lottemart, Aeon mall, Bách Hóa Xanh, Satrafoods trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đều có niêm yết giá.

Các mặt hàng được bày bán dồi dào chủ yếu là rau, củ, quả, thực phẩm chế biến, thịt, cá tươi sống, thịt đông lạnh... Mặt hàng trứng gà, trứng vịt nhiều nơi vẫn thiếu hàng, giá tăng cao.

Vinmart + vi pham ve niem yet gia ban anh 1

Hàng hóa dồi dào tại siêu thị Big C Đồng Nai. Ảnh: DMS.

Ngoài ra, đoàn công tác cho biết tại các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Cà Mau, thị trường hàng hóa bình thường, chưa có tình trạng mua bán dự trữ lương thực, thực phẩm. Giá bán vẫn ổn định chưa có tình trạng găm hàng nâng giá quá mức trên địa bàn.

Tại tỉnh Long An, đoàn công tác cho biết sức mua tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị giảm, nguồn thực phẩm tươi sống đáp ứng như cầu tiêu dùng, giá có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, các loại hàng hóa đóng gói (mì gói, cháo, cá hộp…), có dấu hiệu khan hiếm tại tất các các cửa hàng tiện lợi, siêu thị trên địa bàn tỉnh.

Tại Cà Mau, mặt hàng mì ăn liền Hảo Hảo tại một số địa phương tạm hết hàng do nhu cầu của người tiêu dùng tăng; mặt hàng trứng vịt tại một số địa phương không đủ cung ứng cho người tiêu dùng.

"Theo thông tin của các cơ sở sẽ cung ứng hàng kịp thời nhu cầu người dân trong khoảng 2-3 ngày tới", đại diện đoàn công tác cho biết.

Cập nhật ngày 31/3/2021: MSN sau tiếp quản VRE: đưa VinMart/VinMart+ thành “chiến mã” của bán lẻ Việt Nam

Kể từ khi tiếp quản hệ thống siêu thị VinMart cuối năm 2019, tập đoàn Masan đã mạnh tay thực hiện nhiều thay đổi mang tính chiến lược nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động.

Trong quý gần nhất, công ty VinCommerce (sở hữu hệ thống VinMart/VinMart+ và các nông trại VinEco) đã đạt lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) dương với lợi nhuận 16 tỷ đồng.

Dù vậy, VinMart có lãi chỉ là bước đầu tiên trong quá trình chuyển đổi mô hình. Mục tiêu của Masan là kết hợp VinCommerce với Masan Consumer (dưới thương hiệu The CrownX), tạo nên mảnh ghép đầu tiên trong chiến lược xây dựng nền tảng Point-of-Life. Đây là nền tảng Masan xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về các sản phẩm độc đáo, mới lạ, tiện dụng và những trải nghiệm tiêu dùng phù hợp với sở thích cá nhân.

Từng bước xây dựng Point-of-Life, Masan Group đã mở rộng sang một số lĩnh vực và ngành hàng mới trong 2 năm qua. Nổi bật là thương vụ mua kiểm soát công ty bột giặt Net (Netco), để bước chân vào thị trường sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình trị giá hơn 3 tỷ USD.

Sau khi mua lại cổ phần, ưu tiên hàng đầu của Masan là tích hợp Netco với hệ thống phân phối gồm 300.000 điểm bán lẻ truyền thống và nền tảng thương mại hiện đại gồm 3.000 siêu thị và siêu thị mini trên cả nước.

Năm ngoái Masan MEATLife tiếp tục công bố sở hữu 51% cổ phần của công ty 3F Việt, doanh nghiệp cung cấp thịt gia cầm hàng đầu tại thị trường phía Nam, nhằm xây dựng tiếp một thương hiệu thịt gia cầm vững mạnh, sau thịt mát MEATDeli.

Các thương vụ này bổ sung vào danh mục hàng hóa đa dạng do tập đoàn Masan sản xuất trên các kệ của hệ thống siêu thị VinMart. Đây là điều khác biệt lớn nhất của VinMart so với các hệ thống bán lẻ hiện đại còn lại trên thị trường.

Bản thân tập đoàn Masan là một trong những nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam trước khi tiếp quản hệ thống bán lẻ hiện đại VinMart/VinMart+. Danh mục các sản phẩm của Masan trải rộng, từ gia vị, thực phẩm tiện lợi, thịt chế biến, đồ uống cho tới thịt mát với quy mô doanh thu 1 tỷ USD năm ngoái.

Sở hữu và vận hành cả 2 mảng sản xuất và phân phối tới tay người tiêu dùng, Masan Group rõ ràng đang có lợi thế lớn để hiện thực hóa tham vọng trở thành tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu.

Đầu tiên, Masan Consumer sẽ mang tới tính ổn định cao nhất về nguồn cung các sản phẩm chất lượng cao cho VinMart/VinMart+. Quan trọng hơn, việc kết nối trực tiếp giữa sản xuất và người tiêu dùng sẽ gia tăng hiểu biết sâu sắc của Masan về nhu cầu của người tiêu dùng. Chính hệ thống bán lẻ hiện đại VinCommerce giúp Masan nhanh chóng thu thập được phản hồi khách hàng đối với các sản phẩm mới, qua đó đưa ra các điều chỉnh phù hợp. Đây cũng chính là triết lý “đặt người tiêu dùng làm trọng tâm” của Masan. Bên cạnh đó, VinCommerce cũng có thể phát triển cho mình các sản phẩm nhãn riêng, tạo nên lợi thế cạnh tranh so với các nhà bán lẻ khác.

Trong lúc đó, VinMart vẫn duy trì hệ thống hàng nhãn riêng như VinEco (rau, củ, quả công nghệ cao), VinMart Home (bông vải sợi và hóa mỹ phẩm), VinMart Care (mỹ phẩm chăm sóc cơ thể), VinMart Cook (thực phẩm chế biến), VinMart Goods (đồ dùng gia đình).

Đây là chiến lược phổ biến của các nhà bán lẻ hiện đại không chỉ tại thị trường Việt Nam. Từ BigC, Co.opmart đến Lotte Mart đều từng phát triển hàng nhãn riêng như một chiến lược gia tăng lợi nhuận dựa trên sự tin tưởng của người tiêu dùng vào các nhà bán lẻ. Tuy vậy, nếu không phải là một nhà bán lẻ am hiểu về sãn xuất, hàng nhãn riêng cũng tiềm ẩn các rủi ro như phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng gia công của các nhà sản xuất, rủi ro về chất lượng sản phẩm nếu không được kiểm soát kỹ.

Với việc tham gia vào lĩnh vực bán lẻ hiện đại và tập trung vào lĩnh vực nhu yếu phẩm, có thể nói rằng Masan đã thực hiện những bước đầu đúng đắn và sở hữu hầu hết các yếu tố quan trọng để xây dựng nền tảng Point of Life ứng dụng công nghệ, tích hợp xuyên suốt từ offline đến online nhằm phục vụ các nhu cầu thiết yếu của gần 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: [email protected]. Trân trọng.