Định giá cổ phiếu GMD (Gemadept): Xuất nhập khẩu yếu, giá mục tiêu 61.500 đồng/cp

SSI & VNDirect & Agribank

05/06/2023 13:14

SSI hạ khuyến nghị GMD (Gemadept) do rủi ro suy giảm đối với thương mại Việt Nam nói chung và ước tính đối với GMD trong năm 2023.

gmd-1616127514.png

Gemadept là doanh nghiệp khai thác cảng tư nhân hàng đầu Việt Nam

Xuất nhập khẩu yếu vẫn là xu hướng chính Gần đây, công ty đã tổ chức một cuộc họp với chuyên viên phân tích và đây là một số điểm chính.

• Tổng sản lượng container thông qua Việt Nam trong Q1/2023 giảm 15% svck do nhu cầu bên ngoài yếu. Tổng sản lượng của GMD đạt 600 nghìn TEU trong Q1/2023 (-23% svck), doanh thu hợp nhất đạt 901 tỷ đồng (+2% svck) và LNTT đạt 302 tỷ đồng (-11% svck).

• Kế hoạch kinh doanh 2023: Công ty đặt kế hoạch LNTT đạt 1.100 tỷ đồng (-13% svck), ban lãnh đạo cho rằng công ty có khả năng đạt kết quả cao hơn so với mức giả định cơ sở này. Kế hoạch này chưa bao gồm khoản lãi bất thường từ việc bán Cảng Nam Hải Đình Vũ dự kiến ghi nhận vào BCTC Q2/2023. Ước tính khoản lãi bất thường này là 1.500 tỷ đồng, dựa trên giả định tổng giá trị định giá cảng là 2.500 tỷ đồng.

• Về vốn đầu tư: Công ty giữ nguyên kế hoạch tập trung vốn cho 2 dự án cảng: Nam Đình Vũ – Giai đoạn 3 (hoàn thành năm 2024 với chi phí kế hoạch là 100 triệu USD) và Gemalink – Giai đoạn 2 (hoàn thành năm 2025, kế hoạch chi phí đầu tư là 300 triệu đồng).

Hơn nữa, công ty có kế hoạch thực hiện một M&A khác với giá trị ước tính 50 triệu USD. Theo đó, tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2023-2025 là khoảng 450 triệu USD, phù hợp với ước tính của chúng tôi về khoản đầu tư của GMD trong cùng giai đoạn.

Chi phí vốn có thể là một vấn đề mà ban lãnh đạo phải giải quyết trong môi trường lãi suất cao như hiện nay. Tuy nhiên, khoản lợi nhuận sắp tới từ việc bán cảng Nam Hải Đình Vũ (ước tính tổng giá trị của cảng là 2,5 nghìn tỷ đồng) là một sự tiếp ứng về vốn rất kịp thời cho GMD.

• Về phương án tăng vốn, công ty chưa được UBCK chấp thuận phương án phát hành thêm. Ban lãnh đạo đang cân nhắc không phát hành thêm và thay vào đó sẽ tìm nguồn tài trợ khác.

• Về triển vọng năm 2023, ban lãnh đạo nhận thấy khả năng phục hồi mạnh sẽ diễn ta ra từ Q3/2023, do đây là mùa cao điểm của xuất khẩu. Sản lượng tháng 4 và tháng 5 cải thiện nhẹ so với quý 1, nhưng vẫn rất yếu. Các lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu có thể sẽ ghi nhận sự phục hồi tốt hơn trong nửa cuối năm 2023.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng tình trạng kinh tế suy yếu hiện tại ở Mỹ/Châu Âu vẫn tiếp diễn và có thể chưa phục hồi cho đến nửa cuối năm 2024 trong kịch bản kém tích cực.

• Về việc tăng mức trần phí cảng container, vốn đã được giữ nguyên từ năm 2018, ban lãnh đạo nhận thấy một số động thái từ cơ quan chức năng nhưng không kỳ vọng sẽ có bất kỳ thay đổi nào trước năm 2024. Phí cảng ở Việt Nam thấp hơn các cảng trong khu vực, nhưng việc điều chỉnh có thể cần thêm thời gian do lo ngại về kiểm soát lạm phát từ chính phủ.

• Về việc thoái các mảng hoạt động không cốt lõi, công ty đang đàm phán với các bên mua tiềm năng về dự án trồng cao su, trong khi các dự án bất động sản tại khu vực trung tâm TP.HCM hiện chưa có trong kế hoạch thoái vốn.

Từ báo cáo gần đây nhất, thương mại Việt Nam nói chung chưa được cải thiện nhiều, với tổng giá trị thương mại trong 5 tháng đầu năm 2023 giảm 14,7% so với cùng kỳ, nhưng tăng nhẹ +5% so với tháng trước trong tháng 5. Đặc biệt, kim ngạch nhập khẩu vẫn giảm 18% svck trong tháng 5 và đây được coi là tín hiệu xấu cho xuất khẩu trong nửa cuối năm 2023 do phần lớn giá trị nhập khẩu của Việt Nam là các nguyên vật liệu cho sản xuất.  

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 tăng 5% so với tháng trước là một dấu hiệu tích cực. Vì vậy, hiện tại chúng tôi vẫn giữ nguyên ước tính cho GMD, nhưng có thể điều chỉnh giảm ước tính nếu xuất khẩu không cải thiện hơn trong những tháng tới trong năm 2023. Giả định tổng sản lượng cảng cho GMD là 2,7 triệu TEU, -10% svck trong năm 2023 và 3,4 triệu TEU, +22% svck trong năm 2024. Các mức phí dự kiến sẽ duy trì ổn định trong giai đoạn này.

Do không có thay đổi về giả định, SSI duy trì giá mục tiêu 1 năm là 61.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, chúng tôi hạ khuyến nghị xuống KHẢ QUAN (từ MUA), do rủi ro suy giảm đối với thương mại Việt Nam nói chung và ước tính đối với GMD trong năm 2023.

SSI có thể điều chỉnh giảm ước tính và giá mục tiêu trong trường hợp hoạt động xuất/nhập khẩu của Việt Nam chưa có dấu hiệu phục hồi vào Q3/2023. Trong ngắn hạn, thông tin về việc hoàn tất thương vụ thoái vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ và khoản lợi nhuận lớn từ thương vụ sẽ được ghi nhận trong Q2/2023 sẽ là động lực giúp tăng giá cổ phiếu.

Về dài hạn, SSI nhận thấy sự phục hồi trở lại từ mức nền thấp được thiết lập trong năm 2023 sẽ là yếu tố hỗ trợ chính cho giá cổ phiếu.

Cập nhật ngày 15/5/2022: VNDirect nâng khuyến nghị  cổ phiếu GMD (Gemadept) lên Khả quan, giá mục tiêu 64.400 đồng/cp

Năm 2021 sẽ là năm bản lề để GMD - Gemadept bước vào giai đoạn tăng trưởng mới 2 chữ số, nhờ sự đóng góp của siêu cảng Gemalink và giai đoạn 2 của cảng Nam Đình Vũ. Theo báo cáo mới nhất, GMD (Gemadept) trong quý 1/2022 ghi nhận lợi nhuận 319,16 tỷ, tăng 85,7%.

Với đà này, Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng LN ròng tăng trưởng kép 23,0% giai đoạn 2022-26 nhờ các kế hoạch đầu tư hưởng lợi từ thị trường cảng biển và vận tải biển. Nâng khuyến nghị lên Khả quan với giá mục tiêu 64.400 VND/cp (+22,2%) do nâng dự báo tăng trưởng kép LN ròng giai đoạn 2022-26.

Kế hoạch tăng vốn để tài trợ cho các dự án mở rộng công suất

GMD sẽ phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 3:1 và giá chào bán 20.000 VND/cp. Nếu thành công, GMD sẽ thu về 2.009 tỷ đồng để tài trợ cho dự án Nam Đình Vũ giai đoạn 2 (800 tỷ) và Gemalink giai đoạn 2 (1.000 tỷ). GMD đang đàm phán để thoái 24% vốn tại Gemalink. GMD đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế (LNTT) 1.200 tỷ (+48,9% svck) theo kịch bản tích cực, tuy nhiên chúng tôi kỳ vọng LNTT 2022 có thể tăng 55,7% svck đạt 1.255 tỷ chủ yếu nhờ đóng góp của Gemalink (275 tỷ).

Duy trì dự phóng EPS 2022-23 và nâng dự phóng tăng trưởng kép LN ròng 2022-26 thêm 2,7%

VNDirect duy trì mức dự phóng EPS 2022-23 trên nhiều yếu tố phức hợp. Chúng tôi kỳ vọng triển vọng dài hạn tươi sáng hơn cho GMD nhờ các dự án đầu tư hưởng lợi từ thị trường cảng biển & vận tải biển sôi động của Việt Nam, qua đó chúng tôi nâng dự phóng tăng trưởng kép 2022-26 từ 4,3% lên 9,9%, giúp tăng trưởng kép LN ròng 2022-26 tăng từ 20,3% lên 23,0%.

Nâng khuyến nghị lên Khả quan với giá mục tiêu 64.400 VND/cp

Công ty Chứng khoán VNDirect nâng giá mục tiêu dựa trên (1) chuyển mô hình dự báo sang năm 2022, và (2) nâng tăng trưởng kép lợi nhuận 2022-25 từ 20,3% lên 23,0%.

 

Rủi ro tăng giá gồm (1) sản lượng và phí dịch vụ tăng cao hơn dự kiến, và (2) thoái vốn tài sản ở mức giá cao hơn dự kiến.

Rủi ro giảm giá gồm (1) bất ổn từ chính sách zero-covid của Trung Quốc hay địa chính trị có thể ảnh hưởng giao thương toàn cầu, và (2) xây dựng Gemalink giai đoạn 2 chậm hơn dự kiến.

Cập nhật ngày 18/3/2021: Bắt đầu hái quả từ Cảng Gemalink, giá mục tiêu 40.000 đ/cp

Mảng dịch vụ khai thác cảng, Mảng Logistic và cho thuê văn phòng: Sự tăng trưởng của mảng dịch vụ này được dự kiến sẽ duy trì trong tương lai do: (1) nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng lên nhờ xu hướng mở thương mại của Chính Phủ Việt Nam và (2) nhu cầu sử dụng kho lạnh để chứa các mặt hàng thực phẩm/thủy sản tăng lên trong thời gian tới.

Về mảng Logistic, hiện GMD đã thoái bớt vốn tại 2 công ty là Gemadept Logistic Holding và Gemadept Shipping Holding từ năm 2019, tỷ lệ sở hữu hiện tại lần lượt là 49,1% và 50%. Do vậy, dự báo tăng trưởng lợi nhuận của 2 công ty này cũng sẽ được dự phóng duy trì ở mức trung bình khoảng 30%, phù hợp với xu hướng tăng trưởng của ngành.

Về Triển vọng ngành cảng biển - logistic năm 2021, được đánh giá là đón nhận Cơ hội tứ phía

Cảng Gemalink – Động lực tăng trưởng của GMD

Cảng nước sâu Gemalink là dự án cảng có quy mô lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải với tổng diện tích lên tới 72ha, chiều dài cầu bến chính là 1.150m và bến tàu feeder là 370m. Giai đoạn 1 của dự án bao gồm cầu bến chính dài 800m cho tàu mẹ và bến tàu feeder dài 260m trên diện tích kho bãi 33ha. Khả năng xếp dỡ của cảng trong giai đoạn 1 là 1,5 triệu Teus/năm. Tổng năng lực toàn dự án là 2,4 triệu Teus/năm.

gmd-gemalink-1616127514.jpg

Cảng nước sâu Gemalink là dự án cảng có quy mô lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải

Cảng Gemalink sẽ có lợi thế cạnh tranh vượt trội nhờ vị trí thuận lợi, nằm ngay cửa sông với mớn nuớc sâu nhất, thuận tiện cho việc quay trở tàu; có cầu bến chính dài nhất; là cảng nuớc sâu duy nhất khu vực Cái Mép - Thị Vải được thiết kế có bến chuyên dụng cho tàu feeder kết nối khu vực TP. HCM và ÐBSCL; có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải tới 200.000 DWT …và có nguồn hậu thuẫn mạnh mẽ từ các hãng tàu hàng đầu thế giới và khu vực.

Cảng Gemalink giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động từ Q1/2021, dự kiến sẽ đạt được hơn 56% công suất thiết kế trong năm đầu tiên hoạt động và lấp đầy công suất vào năm 2024. Với công suất thiết kế giai đoạn 1 đạt 1.500.000 TEUs/năm, nguồn cung của khu vực CM-TV sẽ được gia tăng đáng kể sau khi GML đi vào hoạt động.

Vừa qua, hãng tàu CMA-CGM đã quyết định giảm tỷ lệ sở hữu đối với Gemalink xuống 12,75%. Tuy nhiên, với việc có CMA-CGM là cổ đông lớn, Agriseco Research tin rằng Gemalink sẽ được hưởng lợi do: (1) các đơn hàng của hãng tàu này với cảng TCIT sẽ có xu hướng chuyển dần sang Gemalink và (2) hỗ trợ nguồn cung từ Ocean Alliance.

Trong tương lai, GMD có thể sẽ giảm tỷ lệ sở hữu với cảng Gemalink và nhường lại cho một shipping line khác nhằm đem lại lượng hàng ổn định cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay chưa có các thông tin cụ thể về cấu trúc deal chuyển nhượng. Các tin tức về chuyển nhượng Gemalink (nếu có) sẽ là động lực tăng trưởng giá cổ phiếu trong ngắn hạn.

Kỳ vọng cảng Gemalink bắt đầu có lãi vào năm 2022 với sản lượng dự tính đạt hơn 1 triệu TEUs tương đương 70% công suất thiết kế giai đoạn 1. Giá khai thác dịch vụ cảng trung bình ở khu vực Cái Mép – Thị Vải sẽ được dự phóng tăng 10% vào năm 2021 và 2023, sau đó tăng 3% cho các năm sau đó.

Gemalink sẽ tận dụng được tốc độ tăng trưởng nhanh (19-25%) của nhóm cảng Cái Mép Thị Vải - thuộc Khu vực Bà Rịa Vũng Tàu. Với nhiều lợi thế từ các cầu cảng dài và khu vực nước sâu thuận lợi, tốc độ tăng trưởng sản lượng trung bình tới năm 2025 của cảng Gemalink được dự phóng ở mức 24%.

Theo quy định, cảng Gemalink sẽ được hưởng lợi thuế suất 0% trong 4 năm đầu, 8% trong 7 năm tiếp theo, sau đó, áp dụng mức 15%.

Giai đoạn 2 của cảng Gemalink được kỳ vọng sẽ đóng góp thêm 900.000 TEUs vào cho toàn dự án, nâng tổng công suất thiết kế lên 2,4 triệu TEUs, dự kiến sớm được xây dựng và đi vào hoạt động vào năm 2025 sau khi doanh nghiệp đã đạt được tối đa công suất giai đoạn đầu tiên.

 

Rủi ro

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 có thể sẽ ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng của các nền kinh tế, khiến việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn và dẫn đến tình trạng thiếu hụt container rỗng, làm giảm khả năng khai thác của doanh nghiệp.

Cụm cảng phía Bắc có thể sẽ tiếp tục ghi nhận sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà cảng, ngoài ra việc quyết định nâng giá sàn dịch vụ bốc dỡ có thể khiến GMD phải giảm giá thành ở một số dịch vụ khác để giữ khách.

Rủi ro về quản lý khai thác cảng, có thể xảy ra trong quá trình hoạt động

Agriseco Research khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu GMD với mức giá mục tiêu tới cuối năm là 40.000 đ/cp theo phương pháp chiết khấu FCFF. Trường hợp Gemadept có lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu Gemalink cũng sẽ tạo cơ sở tăng giá trong ngắn hạn đối với giá cổ phiếu.

Trước đó, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng khuyến nghị tích lũy GMD nếu giá cổ phiếu đi xuống trong trường hợp KQKD Q1-2021 kém khả quan. Rồng Việt cho hay đang xem xét cập nhật dự phóng và định giá của GMD.

Gemadept (Mã GMD)

GMD là doanh nghiệp khai thác cảng tư nhân hàng đầu Việt Nam với hệ thống cảng được trang bị hiện đại và trải dọc 3 miền đất nước. Đội ngũ lãnh đạo lâu năm, giàu chuyên môn được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì được vị thế số 1 trong ngành.

GMD hiện đang quản lý vận hành hệ thống cảng ở Hải Phòng, Quảng Ngãi, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm cảng Phước Long ICD, Nam Hải ICD, Nam Hải Đình Vũ, Nam Hải, Dung Quất, Nam Đình Vũ. Bên cạnh đó, GMD và đối tác CMA-CGM đang xúc tiến triển khai dự án cảng Gemalink Cái Mép - Thị Vải.

GMD là một trong số ít các công ty logistics Việt Nam có thể cung cấp dịch vụ logistics trọn gói nhờ sở hữu hệ thống dịch vụ khép kín, từ cảng biển, kho hàng và các phương tiện vận tải nằm tại các vị trí kinh tế trọng điểm trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

GMD có diện tích trồng rừng cao su ở Campuchia là 10.000 ha.

GMD sở hữu hai dự án Saigon Gem (Quận 1 - Thành phố Hồ Chí Minh) và khu phức hợp Gemadept (Viêng Chăn - Lào).

SSI & VNDirect & Agribank
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: [email protected]. Trân trọng.