Rắc rối ở STB (Sacombank): cho 9 khách hàng vay gần nửa vốn tự có để rót vào cùng một dự án

ĐĂNG NGUYÊN

10/07/2023 21:25

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra các thiếu sót, vi phạm khi kiểm tra chất lượng một số hồ sơ cấp tín dụng tại nhiều ngân hàng, trong đó có NCB, Sacombank, Techcombank, BacABank.

Các vấn đề được phát hiện trong quy trình cấp tín dụng, chuyển nhóm nợ chưa đúng thời điểm, giải ngân khi dự án chưa đầy đủ pháp lý, số liệu báo cáo tài chính sai lệch, không kiểm soát được việc dùng vốn…

Đáng lưu ý, cơ quan thanh tra phát hiện có việc tập trung tín dụng cho 1 khách hàng, 1 dự án thông qua cho vay các khách hàng độc lập để tránh vi phạm quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra hồ sơ cấp tín dụng 16 khách hàng của Sacombank với tổng dư nợ đến tháng 8-2018 là 15.218 tỉ đồng.

Trong đó, Sacombank đã cho vay với 9 khách hàng gồm Công ty CP Him Lam Thủ Đô, Công ty CP đầu tư Hồng Bàng, Công ty CP ĐTXD Bảo Lộc, Công ty CP đầu tư TMDV Nam Thắng, Công ty CP TMXD Công Phúc, Công ty CP hạ tầng Bảo Tín, Công ty CP ĐTXD Việt Phú Mỹ, Công ty CP QLĐTXD Việt Hà, Công ty CP XDTMDVDL Hiệp với dư nợ tính đến cuối tháng 8-2018 là 9.262 tỉ đồng - chiếm 48,52% vốn tự có của Sacombank.

Theo cơ quan thanh tra, mục đích vay của 9 khách hàng nêu trên để nhận chuyển nhượng và đầu tư cùng 1 dự án. 

Các khách hàng này không có mối quan hệ liên quan theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, không trực tiếp thực hiện dự án mà vay để chuyển bên thứ 3 thông qua hình thức ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng các phân khu thuộc dự án.

Trong khi đó, việc thẩm định năng lực tài chính để thực hiện dự án chỉ dừng lại ở 9 khách hàng vay vốn, không thẩm định với đơn vị thực hiện dự án, tiềm ẩn rủi ro. Đến thời điểm thanh tra, dự án đang gặp nhiều khó khăn về pháp lý đất đai.

Nhiều thiếu sót, vi phạm đã được cơ quan thanh tra chỉ ra như: "Một số khách hàng cung cấp số liệu sai lệch giữa số liệu gửi Sacombank và cơ quan thuế. Sacombank cũng chưa kiểm soát chặt chẽ việc một số khách hàng cùng vay vốn tại ngân hàng này và ngân hàng khác để giải ngân cho hợp đồng chuyển nhượng phân khu thuộc dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An của Công ty SDI", thông báo kết luận nêu rõ.

Rủi ro về tài sản đảm bảo dùng thế chấp chung cho khoản vay của 9 khách hàng là toàn bộ các quyền tài sản/lợi ích từ dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An trong điều kiện dự án chưa có đầy đủ các hồ sơ pháp lý về quyền sở hữu dự án.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xử lý theo thẩm quyền đối với các khuyết điểm, vi phạm trong việc cấp tín dụng của các ngân hàng nêu trên.

Cập nhật ngày 17/3/2023: Vụ 47 tỉ đồng tiền khách gửi bỗng dưng biến mất, STB (Sacombank) chuyển Công an

Những ngày qua, bà Hồ Thị Thùy Dương (ngụ TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) đã có đơn gửi Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an kêu cứu về việc gửi tiền vào Sacombank tỉnh Khánh Hòa nhưng sau đó bị mất 47 tỉ đồng.

Tiếp đó, bà Dương gửi đơn kêu cứu đến Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an).

Đến nay, C03 - Bộ Công an đã có phiếu chuyển đơn của bà Dương đến Công an tỉnh Khánh Hòa để điều tra. Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an cũng có văn bản về việc chuyển đơn của bà Dương đến Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

Liên quan đến vụ việc này, trưa nay 17-3, Sacombank đã có thông cáo báo chí. Theo đó, Sacombank khẳng định những thông tin khách hàng Hồ Thị Thùy Dương cung cấp là một chiều, chưa đầy đủ và không phản ánh đúng bản chất sự việc.

Sacombank đã kiểm tra toàn bộ hồ sơ và phát hiện có bằng chứng vay mượn, hợp tác làm ăn ngoài xã hội giữa bà Dương và một số cá nhân nguyên là cán bộ nhân viên phòng giao dịch Cam Ranh trong nhiều năm. Các bằng chứng này đã được các đối tượng liên quan cung cấp và Văn phòng thừa phát lại Khánh Hòa lập vi bằng ngày 16-10-2022.

Đối với 12 giao dịch mà bà Dương cho rằng mình bị mất tiền, Sacombank có đầy đủ chứng từ có chữ ký nhận tiền của bà Dương, bao gồm 9 phiếu nhận tiền mặt và 3 ủy nhiệm chi. Toàn bộ các tài liệu này đã được Sacombank chuyển giao cho Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa.

"Trong suốt quá trình xử lý vụ việc, Ban lãnh đạo Sacombank đã tổ chức nhiều buổi làm việc để giải đáp các vấn đề bà Dương vướng mắc. Đến ngày 26-12-2022, bà Dương chủ động liên hệ, đề nghị Sacombank tạm ứng hỗ trợ 15 tỉ đồng duy trì hoạt động kinh doanh trong quá trình chờ điều tra sự vụ.

Sacombank đã chấp nhận đề nghị này nhưng sau đó khách hàng thay đổi và không nhận tạm ứng nữa. Về phía ngân hàng, chúng tôi khẳng định không thoái thác trách nhiệm với khách hàng Hồ Thị Thùy Dương nói riêng và các khách hàng liên quan đến vụ việc xảy ra tại Phòng giao dịch Cam Ranh nói chung nhưng mọi việc cần xử lý tuân thủ quy trình và chờ kết luận từ cơ quan chức năng", Sacombank cho biết.

Ngân hàng này cũng cho hay ngay sau khi phát hiện sự vụ xảy ra tại Phòng giao dịch Cam Ranh vào tháng 10-2022, Sacombank đã báo cáo với Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa và chuyển sự vụ đến cơ quan có thẩm quyền để điều tra, khởi tố vụ án theo quy định pháp luật.

Đồng thời, ra quyết định sa thải các cá nhân vi phạm và bổ nhiệm nhân sự mới nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của Phòng giao dịch Cam Ranh.

Hiện sự vụ đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 137/QĐ-CKT ngày 18-11-2022 và khởi tố, bắt tạm giam các cá nhân liên quan nhằm phục vụ công tác điều tra.

Cập nhật ngày 28/3/2022: Thu hồi gần 72.000 tỷ nợ xấu sau 5 năm sáp nhập thêm SouthernBank

Từ một ngân hàng có năng lực tài chính tốt và phát triển ổn định, sau khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam năm 2015, STB phải đối diện với gần 97.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, chiếm 30% tổng tài sản. Chất lượng tài sản được cải thiện đáng kể.

Theo ban lãnh đạo, STB đã thu hồi gần 72.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó khoảng 60.000 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án tái cơ cấu. Theo BCTC quy mô trái phiếu bán cho VAMC giảm từ mức đỉnh hơn 43 ngàn tỷ (2017) về còn hơn 23.7 ngàn tỷ (2021). Sau khi hoàn thành việc tái cơ cấu trong năm 2022, Ngân hàng dự kiến bán 32,5% vốn cổ phần do VAMC đang quản lý cho hai đối tác nước ngoài.

Câu chuyện phục hồi của STB là triển vọng tích cực cho doanh nghiệp. Tổng tỷ lệ nợ quá hạn của ngân hàng (gồm trái phiếu VAMC, lãi dự thu, khoản phải thu và nợ xấu nhóm 3-5) giảm còn 12.3% tính đến cuối 2021 so với mức cao nhất được ghi nhận hồi 2017 là 27,7%.

STB đang giao dịch tương ứng với P/B 2021 đạt 1.85x, so với trung vị ngành là 1,9x, nhưng tài sản không sinh lời vẫn cao hơn so với tổng vốn chủ sở hữu; ROE năm 2021 của ngân hàng là 10.8% – thấp hơn nhiều so với trung vị ngành là 16.8%.

Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu STB cần theo dõi sát sao tiến trình tái cơ cấu của ngân hàng.

Cập nhật ngày 11/11/2021: STB (Sacombank) bán 5 lô đất cho SCR (TTC Land) với giá 1.942 tỷ, thấp hơn giá khởi điểm

Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, SCR) cho biết đơn vị thành viên là Tổng công ty Bất động sản công nghiệp Thành Thành Công đã thắng đấu giá 5 lô đất có diện tích 29,3 hecta tại tỉnh Bình Dương để nâng quỹ đất kho xưởng cho thuê lên 50 hecta.

Lô đất này trước đấu giá thuộc quyền sở hữu của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), nằm trong khu công nghiệp Sóng Thần có quy mô 178 hecta.

Đây là bất động sản được Sacombank nhiều lần mang ra đấu giá với mức khởi điểm ban đầu hơn 2.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần không thành công, giá khởi điểm trong đợt chào bán cuối tháng 10 chỉ còn 1.942 tỷ đồng và giá trúng khoảng 2.000 tỷ đồng.

Phía công ty thành viên của TTC phải thanh toán và Sacombank sẽ bàn giao bất động sản trong vòng 6 tháng kể từ ngày đấu giá thành công. Phía thắng đấu giá tự thực hiện các thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu, sử dụng tài sản và thuế, phí liên quan.

Đại diện TTC Land nhận định, các lô đất nằm ở vị trí đắc địa nên có thể mang lại nguồn thu lớn và ổn định trong tương lai. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp này đã bắt tay với các công ty thành viên của Tập đoàn TTC để phát triển tổng quỹ đất mới lên đến 320 hecta.

Chín tháng đầu năm, TTC Land có doanh thu hợp nhất hơn 1.570 tỷ đồng, tăng 4,5 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 233 tỷ đồng, tăng gần 3 lần và vượt 1% kế hoạch cả năm.

Cập nhật ngày 29/9/2021: thanh lý các khoản nợ nghìn tỷ

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) mới đây đã có thông báo về việc tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Phương Nghi phát sinh từ năm 2012.

Tính đến ngày 19/7, tổng giá trị của khoản nợ là hơn 1.005,4 tỷ đồng, bao gồm 424,4 tỷ đồng nợ gốc và gần 581 tỷ đồng nợ lãi.

Khoản nợ được bảo đảm bằng gần 40,9 triệu cổ phiếu BVB của Ngân hàng Bản Việt (Vietcapital Bank). Trong đó, số cổ phiếu BVB này thuộc sở hữu của Công ty CP Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (Saigon NIC) - cổ đông lớn nhất tại Vietcapital Bank hiện nay.

Sacombank đưa ra giá khởi điểm cho khoản nợ này là 905,4 tỷ đồng, thấp hơn 100 tỷ đồng so với giá trị nợ gốc và lãi phải trả.

Số cổ phiếu BVB dùng để thế chấp cho khoản nợ kể trên cũng là toàn bộ cổ phiếu ngân hàng Vietcapital Bank mà Saigon NIC nắm giữ.

Ghi nhận tại báo cáo thường niên năm 2020 của nhà băng này, trong tổng số 317,1 triệu cổ phiếu BVB lưu hành, có gần 40,9 triệu cổ phiếu (12,89% vốn) bị phong toả và hơn 42,4 triệu cổ phiếu khác (13,38% vốn) bị hạn chế chuyển nhượng.

Sacombank thanh ly loat khoan no nghin ty anh 1

Sacombank đang tích cực thanh lý các khoản nợ, tài sản đảm bảo đi kèm để thu hồi nợ xấu. Ảnh: T.L.

Gần 40,9 triệu cổ phiếu BVB bị phong tỏa là số cổ phiếu được Saigon NIC thế chấp tại Sacombank từ năm 2012 và được định giá 515 tỷ đồng, tương đương 12.600 đồng/cổ phiếu khi đó.

Đến cuối năm 2015, Sacombank định giá lại lô cổ phiếu này và xác định giá trị hợp lý còn 450 tỷ, tương đương 11.000 đồng/cổ phiếu.

Tháng 7/2020, Vietcapital Bank đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM với giá tham chiếu 10.700 đồng/cổ phiếu. Từ đó đến nay, thị giá cổ phiếu này vẫn giữ xu hướng tăng, hiện phổ biến giao dịch trên mức 20.000 đồng/đơn vị. Như vậy, giá trị thị trường của lô 40,9 triệu cổ phiếu đang là tài sản đảm bảo cho khoản nợ tại Sacombank là trên 850 tỷ đồng.

Ngoài lô cổ phiếu BVB đang cầm cố tại Sacombank, Saigon NIC chính là chủ đầu tư dự án Khu nhà ở cao tầng và vui chơi thể dục thể thao Tiểu khu 3 - Khu dân cư Bình Trị Đông (quận Bình Tân, TP.HCM). Dự án này cũng được dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay trị giá hơn 5.927 tỷ đồng tại Sacombank hồi năm 2012.

Đến cuối năm 2018, Sacombank đã mang toàn bộ dự án này gộp với một phần thửa đất số 122, tờ bản đồ số 107, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân để rao bán với giá 6.029 tỷ đồng.

Ngoài khoản nợ nói trên, Sacombank cũng đang mang hơn chục khoản nợ khác với giá trị từ vài chục tỷ cho tới vài nghìn tỷ đồng ra bán đấu giá. Trong đó, tài sản đảm bảo của hầu hết khoản nợ là cổ phiếu các công ty đang niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc dự án bất động sản tại TP.HCM.

Trong đó có khoản nợ 596 tỷ đồng của Công ty CP Đầu tư Địa ốc Vạn Phát, được thế chấp bằng 40 triệu cổ phiếu Công ty CP Bất động sản Đô Thành (DTR); khoản nợ 1.143 tỷ của Công ty TNHH Bất động sản Phước Trí, với tài sản đảm bảo là dự án 7.016m2 tại số 201-203 Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình, TP.HCM).

Sacombank cũng đang rao bán khoản nợ 2.402 tỷ đồng của loạt Công ty Bất động sản Quang Vinh; Công ty Nam Đô Long và 3 cá nhân liên quan, với tài sản bảo đảm là 25,2 triệu cổ phần Công ty CP Dịch vụ Du lịch Quốc tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Vũng Tàu Intourco).

Khoản nợ 1.217 tỷ của Công ty CP Tư vấn Đầu tư Bất động sản Minh Dương với tài sản đảm bảo là dự án chung cư 3.103m2 tại 212B/C79 Nguyễn Trãi (quận 1, TP.HCM); khoản nợ 474 tỷ của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ được thế chấp bằng lô đất 21-23 Nguyễn Biểu (quận 5, TP.HCM)…

Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (tên giao dịch: Sacombank, mã STB)

STB là một ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam, thành lập vào năm 1991. Năm 2012, Sacombank có vốn điều lệ là 14.176 tỷ đồng, được coi là ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ và hệ thống chi nhánh lớn nhất Việt Nam.

Trong những năm đầu mới thành lập, Sacombank là một tổ chức tín dụng nhỏ với vốn điều lệ khoảng 3 tỷ đồng. Trong những năm 1995-1998, với sáng kiến phát hành cổ phiếu đại chúng (Sacombank là một trong những công ty đầu tiên phát hành cổ phiếu đại chúng ở Việt Nam), Sacombank đã có thể nâng vốn từ 23 tỷ lên 71 tỷ đồng.

Phát hành cổ phiếu đại chúng cũng trở thành kênh huy động vốn dài hạn chính cho Sacombank trong những giai đoạn sau này. Đặc biệt trong giai đoạn 2000-2006, khi thị trường chứng khoán Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, đây cũng là giai đoạn Sacombank bùng nổ phát triển về vốn và các chi nhánh. Các cổ đông chính của Sacombank bao gồm có các cổ đông tổ chức và cổ đông gia đình. Các tổ chức chủ yếu gồm ANZ, IFC, Dragon Capital và REE là các đối tác chiến lược của Sacombank. Mỗi tổ chức này nắm giữ từ trên 5% đến trên 10% vốn cổ phần của Sacombank và có những đóng góp đáng kể vào việc phát triển của Sacombank.[cần dẫn nguồn] Cổ đông gia đình chính là gia đình ông Nguyễn Hiếu Bằng, chủ tịch hội đồng quản trị của Sacombank, nắm khoảng 15% vốn chủ sở hữu của Sacombank. 

Hiện tại Sacombank kinh doanh trong các lĩnh vực chính sau đây: huy động vốn, tiếp nhận vốn vay trong nước; cho vay, hùn vốn và liên doanh, làm dịch vụ thanh toán giữa các khách hàng; Huy động vốn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn của các tổ chức, dân cư dưới các hình thức gửi tiền có kỳ hạn, không kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi, tiếp nhận vốn đầu tư và phát triển của các tổ chức trong nước, vay vốn của các tổ chức tín dụng khác, cho vay ngắn hạn, trung hạn, dài hạn đối với các tổ chức và cá nhân, chiết khấu các thương phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá, hùn vốn và liên doanh theo pháp luật; Làm dịch vụ thanh toán giữa các khách hàng; Kinh doanh vàng bạc, ngoại tệ, thanh toán quốc tế; Huy động vốn từ nước ngoài và các dịch vụ ngân hàng khác trong mối quan hệ với nước ngoài khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Trong lần nâng mức xếp hạng vừa qua, Moody’s cho biết, các mức xếp hạng tín nhiệm của Sacombank có thể gia tăng trong tương lai khi Ngân hàng tiếp tục cải thiện đáng kể khả năng hoàn trả nợ vay thông qua thanh lý tài sản có vấn đề, nhận về tiền mặt, tăng trích lập dự phòng và được Ngân hàng Nhà nước cho phép tăng vốn.

Theo Moody’s, khả năng thanh khoản và huy động vốn của Sacombank luôn là điểm mạnh nhờ mạng lưới kinh doanh rộng khắp và nền tảng khách hàng cá nhân bền vững.

Bên cạnh đó, Ngân hàng ít phụ thuộc vào nguồn vốn nhạy cảm với biến động thị trường như nhận/gửi tiền liên ngân hàng, chỉ chiếm khoảng 3% tổng tài sản và là mức thấp nhất trong các ngân hàng Việt Nam được Moody’s xếp hạng.

Những kết quả đạt được cùng với sự đánh giá tích cực của Moody’s cho thấy, Sacombank thực sự chuyển mình cả về nội lực cũng như năng lực tài chính sau thời gian tập trung tái cơ cấu.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: [email protected]. Trân trọng.