Agribank giảm mạnh lãi suất cho vay bất động sản

ĐĂNG NGUYÊN

17/02/2023 13:57

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa có những động thái đầu tiên về việc giảm lãi suất cho vay trong lĩnh vực bất động sản nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn.

 

 

Cụ thể, những khách hàng có dư nợ vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm 31/1 gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 hoặc do ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô sẽ được Agribank xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất.

Trong đó, khoản vay kinh doanh bất động sản có thể được điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng, nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ.

Thời gian thực hiện điều chỉnh lãi suất tối đa đến 31/12. Thời gian áp dụng lãi suất điều chỉnh kéo dài từ 31/1 đến hết ngày 31/12/2024.

Dự kiến trong năm 2023, Agribank sẽ dành hơn 100.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng doanh nghiệp, khách hàng xuất nhập khẩu, ngành y tế, giáo dục. Đồng thời ngân hàng này cũng giảm lãi suất đối với các đối tượng khách hàng thuộc lĩnh vực ngành nghề gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh…

Theo Agribank, qua 3 năm đại dịch Covid-19, đặc biệt do ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới và trong nước 6 tháng cuối năm 2022, thị trường bất động sản tại Việt Nam có nhiều biến động khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn.

Điều này có ảnh hưởng đến hoạt động của các ngành nghề liên quan, nhà đầu tư, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ngân hàng.

Nhà băng này cho biết đang chủ động làm việc với các khách hàng kinh doanh bất động sản đã được cấp tín dụng và thường xuyên giám sát về tình hình, tiến độ triển khai dự án, kế hoạch bán hàng, doanh thu, dòng tiền, đánh giá khả năng trả nợ, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của khách hàng để kịp thời có giải pháp tháo gỡ cụ thể (cho vay bổ sung, cơ cấu lại thời hạn trả nợ…).

Trước đó, trong năm 2022, Agribank cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn như thực hiện chính sách cơ cấu nợ, hỗ trợ lãi suất 2%/năm; chủ động tiết giảm 2.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ gần 2,2 triệu khách hàng; triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất quy mô 160.000 tỷ đồng.

Bên cạnh Agribank, trong vài ngày gần đây, hàng loạt ngân hàng khác như MB, VietinBank, SeABank, Sacombank…cũng đã công bố chương trình giảm lãi suất hay các gói cho vay ưu đãi để hỗ trợ khách hàng.

Cập nhật ngày 10/4/2022: Agribank đang là ngân hàng có giá trị bất động sản thế chấp lớn hệ thống

Ngân hàng Agribank đang nhận thế chấp khối bất động sản khổng lồ. Đến cuối năm 2021, giá trị sổ sách các tài sản thế chấp tại ngân hàng mẹ Agribank đạt tới 2,3 triệu tỷ, tăng hơn 262.000 tỷ đồng.

Ghi nhận trong báo cáo tài chính riêng lẻ kiểm toán năm 2021, Agribank cho biết trong năm vừa qua nhà băng này đã thu về 46.713 tỷ đồng thu nhập lãi thuần (lãi cho vay trừ lãi đi vay), tăng tương ứng gần 8% so với năm liền trước.

agri-bds-1649688316.jpeg

Agribank đang là ngân hàng có giá trị bất động sản thế chấp lớn hệ thống.

Chính số tăng trưởng từ hoạt động cho vay này cùng việc lãi thuần từ hoạt động kinh doanh vàng, ngoại hối tăng 60% năm vừa qua là nguyên nhân chính giúp tổng thu nhập hoạt động của Agribank đạt trên 60.700 tỷ đồng, tăng 7%.

Dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng hơn 3.300 tỷ, tương đương cao hơn 18% so với năm 2020, nhờ việc tiết giảm đáng kể chi phí hoạt động so với năm trước mà lợi nhuận trước thuế của nhà băng này vẫn đạt 14.502 tỷ đồng, tăng 12% so với năm liền trước.

Khoản lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp nhà băng này ghi nhận được trong năm qua cũng là 11.611 tỷ, cao hơn 12%.

Trên báo cáo tài chính riêng ngân hàng mẹ, đến cuối năm 2021, Agribank có tổng tài sản đạt 1,694 triệu tỷ đồng, tăng 8,1% so với cuối năm 2020. Trong đó, 2 chỉ tiêu tài chính quan trọng nhất là cho vay khách hàng đạt 1,314 triệu tỷ và tiền gửi khách hàng 1,545 triệu tỷ đồng, tăng lần lượt 8,4% và 9,8% so với một năm trước đó.

Đáng chú ý, dù không phải ngân hàng có tổng tài sản và số dư cho vay khách hàng lớn nhất hệ thống (sau BIDV), cũng không phải ngân hàng có giá trị tài sản thế chấp lớn nhất (sau VietinBank), Agribank lại là nhà băng có giá trị bất động sản thế chấp lớn hệ thống.

Cụ thể, đến cuối năm 2021, giá trị sổ sách các tài sản thế chấp tại ngân hàng mẹ Agribank đạt tới 2,327 triệu tỷ, tăng hơn 262.000 tỷ đồng, tương đương 13% so với cuối năm 2020. Tổng giá trị tài sản thế chấp tại nhà băng này hiện cao hơn 77% so với số dư cho vay khách hàng cùng thời điểm.

Trong khối tài sản nhận thế chấp hơn 101 tỷ USD quy đổi này, riêng tài sản nhận thế chấp là bất động sản đã có giá trị trên 2,018 triệu tỷ đồng, chiếm 87% tổng giá trị tài sản thế chấp tại Agribank và tăng gần 10% so với năm liền trước.

Hiện Agribank cũng là nhà băng duy nhất có giá trị bất động sản thế chấp vượt mốc 2 triệu tỷ đồng.

Ngoài ra, ngân hàng này hiện có khoảng 139.200 tỷ đồng tài sản thế chấp là động sản; gần 100.000 tỷ là giấy tờ có giá của khách hàng và các tổ chức tín dụng khác; cùng khoảng 70.200 tỷ là giá trị các tài sản đảm bảo khác.

Sở hữu khối tài sản thế chấp là bất động sản lớn nhất hệ thống, thời gian gần đây, Agribank cũng là ngân hàng có hoạt động sôi nổi nhất trên thị trường xử lý nợ và thanh lý tài sản đảm bảo. Trong đó, hầu hết khoản nợ, tài sản mà ngân hàng này rao bán đều là bất động sản hoặc có tài sản đảm bảo bằng bất động sản.

Cập nhật ngày 28/3/2022: Ngân hàng Agribank lại rao bán hàng nghìn m2 đất và biệt thự để xử lý nợ

Trong thông báo mới nhất, Agribank cho biết ngân hàng đang rao bán 3.071,2 m2 đất và nhà ở gắn liền tại số 309 Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Đây là tài sản của ông Trần Đình Tấn và bà Phạm Thị Thu Nga dùng làm tài sản thế chấp cho khoản vay của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Quốc tế Thái Dương và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ V.Life theo các hợp đồng tín dụng hai bên đã ký từ năm 2018-2019.

Phía ngân hàng cho biết tại thời điểm đấu giá, căn nhà rộng 96 m2 trên lô đất đã xuống cấp và không còn nguyên hiện trạng. Một phần diện tích lô đất phía sau gần bờ sông nằm trong dự án chống sạt lở bán đảo Bình Quới - Thanh Đa đã bị chính quyền địa phương cưỡng chế bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Với hiện trạng này, Agribank đưa ra giá khởi điểm cho lô đất là gần 167 tỷ đồng, chưa bao gồm các loại thuế, phí.

 

Được biết, đây không phải lần đầu lô đất này được mang ra bán đấu giá, tháng 4/2021, chính Agribank cũng từng rao bán lô đất này với giá 198 tỷ đồng nhưng không có nhà đầu tư nào quan tâm.

Không riêng lô đất kể trên, chỉ trong một tuần qua, Agribank đã phát đi hàng chục thông báo về việc bán đấu giá các lô đất và khoản nợ được đảm bảo bằng hàng nghìn m2 đất để xử lý nợ.

Trong đó, ngân hàng đang rao bán khoản nợ của Nông trường Sông Hậu (TP Cần Thơ) với dư nợ đến ngày 30/3/2021 là 349 tỷ đồng (dư nợ gốc là 97 tỷ và dư nợ lãi là hơn 252 tỷ đồng).

Khoản nợ được đảm bảo bằng toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của Nông Trường Sông Hậu tại TP Cần Thơ, giá khởi điểm là 98,5 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc Agribank chấp nhận mất gần như toàn bộ tiền lãi trong khoản cho vay này để thu hồi nợ gốc.

Ngân hàng cũng đang rao bán khoản nợ của Công ty CP Đầu tư xây dựng PMC phát sinh từ tháng 9/2012 với giá trị 32,2 tỷ đồng (đến ngày 31/5/2021). Trong đó, khoản nợ được đảm bảo bằng 261,6 m2 đất tại số 11 Bùi Thế Mỹ, phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM. Giá khởi điểm ngân hàng đưa ra là 20,6 tỷ đồng, thấp hơn gần 40% so với giá trị khoản vay.

Cũng trong thời gian tới, Agribank sẽ mang khoản nợ của 3 khách hàng là Công ty CP Đầu Tư và Sản Xuất Kiến An; ông Lê Văn Nam và ông Lại Hữu Phong với tổng giá trị tạm tính đến ngày 9/8/2021 là 61,8 tỷ đồng ra đấu giá. Tài sản đảm bảo là 2 lô đất với tổng diện tích 2.743,1 m2 tại huyện Hóc Môn, TP.HCM. Giá khởi điểm là 46,7 tỷ đồng, tương đương 75% giá trị nợ.

Không chỉ mang hàng nghìn m2 đất ra bán đấu giá, Agirbank cũng đang rao bán nhiều biệt thự là tài sản đảm bảo cho các khoản vay để thu hồi nợ.

Trong đó có căn biệt thự tại Lô G01, Khu nhà ở cán bộ, công nhân viên, phường An Phú, quận 2 và lô đất 514,4 m2 tại phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP.HCM, cùng là tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoàng Triều. Giá khởi điểm cho 2 tài sản kể trên lần lượt là 43 tỷ và 33,33 tỷ đồng.

Cùng với đó, khoản nợ 105,5 tỷ của Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu nông sản Quốc Tế với nhiều tài sản thế chấp cũng đang được ngân hàng rao bán với giá khởi điểm chỉ hơn 73 tỷ đồng.

Trong đó, tài sản thế chấp cho khoản nợ này bao gồm 3 căn biệt thự tại 603/2A; 605 và 605A Trường Chinh, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.HCM; 4.156,6 m2 đất tạị ấp Quí Thạnh, xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và toàn bộ máy móc, thiết bị đi kèm thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu nông sản Quốc Tế.

Cập nhật ngày 26/12/2021: Ngân hàng Agribank rao bán 2.000 m2 đất quận 1, TP.HCM

Ngân hàng Agribank - chi nhánh Trung Tâm Sài Gòn vừa có thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản của Công ty TNHH Phát triển địa ốc Sài Gòn Mới để thu hồi nợ vay.

Trong đó, tài sản được mang ra đấu giá là 6 quyền sử dụng đất và nhà ở, tài sản gắn liền trên đất có cùng địa chỉ tại số 20-20A1 đường Trần Cao Vân, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM.

Các lô đất có diện tích 280-340 m2, với tổng diện tích hơn 1.940 m2, Agribank đưa ra giá khởi điểm cho tài sản này là gần 430 tỷ đồng, tương đương hơn 221 triệu đồng/m2.

Theo tìm hiểu, giá bán bình quân của các lô đất có tài sản gắn liền trên đất là nhà ở tại mặt tiền đường Trần Cao Vân hiện dao động trong khoảng 250-325 triệu đồng/m2.

Trong đó, các lô bất động sản diện tích trên dưới 300 m2 như 6 lô đất đang được Agribank rao bán đều có mức giá trên 300 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, giá bán bình quân các khu vực lân cận như mặt tiền đường Mạc Đĩnh Chi, giáp Trần Cao Vân cũng dao động trong khoảng 310 triệu/m2.

Nếu bán theo giá thị trường kể trên, Agribank có thể thu về trên dưới 600 tỷ đồng từ giao dịch thanh lý tài sản này.

Ngan hang rao ban 2.000 m2 dat quan 1,  TP.HCM gia gan 430 ty dong anh 1

Quận 1, TP.HCM là một trong những khu vực có giá đất đắt đỏ bậc nhất Việt Nam. Ảnh: Chí Hùng.

Cũng tại TP.HCM, Agribank đang rao bán 2 quyền sử dụng đất có tổng diện tích hơn 2.000 m2 tại TP Thủ Đức với giá khởi điểm 58 tỷ đồng. Đây là tài sản bảo đảm của khoản vay Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thiết kế Xây dựng Phú Cường phát sinh tại ngân hàng.

Tương tự, nhà băng này cũng đang rao bán một loạt khoản nợ cũng như tài sản đảm bảo cho các khoản nợ để xử lý, thu hồi nợ xấu.

Trong đó, Agribank AMC rao bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Kỹ thuật và TM Trường Hải vay vốn tại Agribank Chi nhánh Tây Hồ. Giá trị ghi sổ của khoản nợ tạm tính đến hết tháng 6 năm nay là 81,5 tỷ đồng, bao gồm 43,7 tỷ tiền VNĐ và hơn 1,655 triệu USD (quy đổi ra tiền Đồng là 37,8 tỷ).

Đây là khoản nợ đã được Công ty Trường Hải vay tại Agribank trong giai đoạn 2011-2017. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là lô đất rộng 30.300 m2 và tài sản gắn liền trên đất tại xã Ngọc Sơn, Tứ Kỳ, Hải Dương.

Giá khởi điểm Agribank AMC đưa ra cho khoản nợ này là 51,5 tỷ đồng, tương đương 63% giá trị khoản nợ.

Agribank Chi nhánh Tây Hà Nội cũng đang rao bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu vay từ năm 2010 với tổng giá trị đến cuối tháng 8/2021 là gần 90,2 tỷ đồng.

Nợ gốc của khoản vay này là gần 47 tỷ và nợ lãi là 43,2 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là khoản vay tín chấp và không có tài sản bảo đảm. Giá khởi điểm cho khoản nợ được ngân hàng đưa ra là gần 83 tỷ đồng, tương đương 92% giá trị nợ gốc và lãi.

Ngoài ra, trong tháng 12, Agribank còn đang đấu giá nhiều khoản nợ và tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu đã bị ngân hàng thu hồi với giá trị từ vài chục cho tới vài trăm tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo chủ yếu cho các khoản nợ này là bất động sản và tài sản gắn liền trên đất như nhà ở, nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất…

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: [email protected]. Trân trọng.