Cập nhật cổ phiếu LPB (LPBank): tăng vốn điều lệ lên 25.576 tỷ đồng

ĐĂNG NGUYÊN

02/01/2024 15:33

Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ của LPBank từ 20.576 lên hơn 25.576 tỷ đồng. Sau tăng vốn điều lệ, LPBank tiếp tục nằm trong top những ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

lpb-1614050634.jpg

 

Cụ thể, ngân hàng phát hành hơn 328,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 19%, đồng thời, phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá trị tương đương 5.000 tỷ đồng.

Mục tiêu của việc tăng vốn điều lệ của LPBank là nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động và khả năng cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của đơn vị trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh thị trường nhiều khó khăn hiện nay, việc tăng vốn tạo cơ sở, điều kiện để đơn vị tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, LPBank xác định đổi mới sáng tạo là một trong những giá trị cốt lõi, từ đó, nỗ lực ứng dụng công nghệ tiên tiến vào việc thực hiện chuỗi giá trị của ngân hàng.

Trong 2023, ngân hàng triển khai loạt dự án như chuyển đổi hệ thống ngân hàng lõi theo giải pháp T24 do Tập đoàn Temenos (Thụy Sỹ) cung cấp; triển khai nền tảng Quản trị dữ liệu Datalake/DataWarehouse, nền tảng ngân hàng hợp kênh (Omni channel), phát hành thẻ ghi nợ quốc tế phi vật lý LPBank Air Card...

Tính đến cuối quý ba năm 2023, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 365.450 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Trong đó, tăng trưởng tín dụng đạt 11,8%, đạt trên 263.644 tỷ đồng.

30/10/2023 - Cập nhật cổ phiếu LPB: cho Hưng Thịnh vay 5.000 tỷ đồng

Hợp đồng tín dụng 5.000 tỷ đồng được LPBank ký cùng Tập đoàn Hưng Thịnh vào 30/10 tại Hà Nội nhằm cụ thể hóa cam kết hợp tác toàn diện trước đó.

Cụ thể, gói tín dụng 5.000 tỷ đồng là nguồn vốn LPBank tài trợ cho các dự án bất động sản của Tập đoàn Hưng Thịnh và các công ty thành viên, giải ngân theo tiến độ cụ thể để tiếp tục xây dựng và phát triển các dự án.

Theo ông Hồ Nam Tiến - Tổng giám đốc LPBank, gói vay tín dụng 5.000 tỷ đồng là minh chứng cụ thể cho cam kết hợp tác toàn diện. Ngân hàng sẽ đồng hành cũng tập đoàn tháo gỡ những khó khăn về vốn, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định hoạt động và sớm vượt qua giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế.

Còn ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh đánh giá gói tín dụng của LPBank giúp gỡ nút thắt về vốn cho các doanh nghiệp trong tập đoàn cùng hàng trăm nhà thầu tại các dự án đang triển khai.

Ông Trung cũng nhấn mạnh, nguồn vốn sẽ tác động tốt đến thị trường bất động sản, góp phần tạo ra hàng chục nghìn công ăn việc làm cho người lao động, tạo ra những ngôi nhà vừa túi tiền cho người dân, nhất là các gia đình trẻ, qua đó thúc đẩy phục hồi kinh tế.

22/6/2023 - Cập nhật cổ phiếu LPB: bổ nhiệm ông Hồ Nam Tiến làm Tổng giám đốc

Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn chấp thuận việc bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) đối với ông Hồ Nam Tiến từ ngày 21/6.

Ông Tiến sinh năm 1971, trình độ Thạc sỹ ngân hàng. Ông đã có 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và giữ vai trò quản lý cấp cao tại các tổ chức, định chế tài chính. Ông gia nhập LPBank từ năm 2010 và đã có 13 năm đảm nhận các vị trí lãnh đạo cấp cao.

Tân CEO của LPBank được Hội đồng quản trị kỳ vọng sẽ dẫn dắt nhà băng hoàn thành các mục tiêu chiến lược giai đoạn 2023-2028. Trong đó, chuyển đổi số, số hóa hoạt động ngân hàng được đặc biệt chú trọng để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính chất lượng và tối đa hóa lợi ích cho khách hàng. Trong phiên họp thường niên năm nay, LPBank đặt mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Giữa tháng 3, ông Phạm Doãn Sơn, người gắn bó với LPBank từ năm 2008, đã xin từ nhiệm vị trí CEO vì lý do cá nhân. Sự thay đổi nhân sự cấp cao của ngân hàng diễn ra chỉ vài tháng kể từ khi ông Nguyễn Đức Thụy lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Ông Thụy được bầu vào Hội đồng quản trị LPBank từ cuối tháng 4/2021 và làm Phó chủ tịch ngân hàng khoảng một tuần sau đó. Cuối năm 2022, ông Thụy được bầu vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Năm nay, LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm ngoái. Ngân hàng cũng trình kế hoạch tăng vốn hơn 11.000 tỷ đồng thông qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu (tăng vốn thêm 3.300 tỷ đồng) và phát hành tăng vốn (hơn 8.000 tỷ đồng).

Trong đó, ngân hàng dự kiến phát hành cho cổ đông hiện hữu 500 triệu cổ phiếu (5.000 tỷ đồng), phát hành 10 triệu cổ phiếu (100 tỷ đồng) theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu (3.000 tỷ đồng) cho nhà đầu tư nước ngoài.

lpb-ceo-lpbank-1911-1687357957-1687423513.jpg

Ông Hồ Nam Tiến, tân Tổng giám đốc LPBank.  

Cập nhật ngày 15/5/2023: chính thức đổi tên từ LienVietPostBank thành LPBank

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - LPB) cho biết đã nhận được quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc cho phép ngân hàng đổi tên viết tắt tiếng Anh từ LienVietPostBank thành LPBank.

Đây là một sự kiện quan trọng của ngân hàng, việc đổi sang tên viết tắt mới - LPBank - được đánh giá là nắm bắt đúng xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay, tên viết tắt rút gọn nhất có thể, dễ đọc, dễ nhớ.

Kế hoạch đổi tên kể trên trước đó đã được ban lãnh đạo LienVietPostBank trình cổ đông và được thông qua tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. HĐQT cho biết từ năm 2011 đến nay, ngân hàng đã sử dụng tên viết tắt, tên viết tắt tiếng Anh chính thức là LienVietPostBank và được dùng trên tất cả văn bản pháp lý, các kênh truyền thông.

Tuy nhiên, tên gọi này có nhược điểm là quá nhiều ký tự, khó phát âm, khó nhớ, dẫn đến khó nhận biết, hiệu ứng truyền thông không cao. Hơn nữa, xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay là sử dụng tên viết tắt dưới dạng rút gọn nhất có thể, dễ đọc, dễ nhớ.

Do đó, HĐQT ngân hàng trình cổ đông kế hoạch đổi tên viết tắt thành LPBank.

Cùng với việc đổi tên này, ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, cho biết ngân hàng cũng đặt mục tiêu chiến lược thay đổi mạnh mẽ, toàn diện, từng bước trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu thị trường trong giai đoạn 2023-2028.

Trong thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện thay đổi toàn diện hệ thống logo và nhận diện thương hiệu thành LPBank nhằm đồng bộ hóa các dịch vụ, sản phẩm.

Về hoạt động kinh doanh, năm nay, ban lãnh đạo LienVietPostBank trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2022. Trong đó, chỉ tiêu tổng tài sản dự kiến tăng 11,4%, đạt 375.000 tỷ đồng vào cuối năm. Các chỉ tiêu huy động vốn thị trường 1 (khách hàng tổ chức và cư dân), dư nợ tín dụng thị trường 1 dự kiến tăng lần lượt 17,9% và 16%, đạt 295.740 tỷ đồng và 273.490 tỷ đồng.

Ngân hàng dự kiến chi trả cổ tức với tỷ lệ 12% cho năm 2023.

Cập nhật ngày 29/04/2021: đề xuất phát hành thêm 469 triệu cổ phiếu

Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ thường niên của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Viêt (LPB) vào ngày 29/04/2021 tại TP. HCM. Chương trình chính của đại hội bao gồm kế hoạch kinh doanh năm 2021 của ngân hàng và việc bầu 1 thành viên mới vào HĐQT.

Kế hoạch năm 2021 bao gồm: 

(1) tăng trưởng tín dụng 20,3% - tuy nhiên, ngân hàng lưu ý rằng có thể điều chỉnh tăng trưởng tín dụng kế hoạch năm 2021 sau khi nhận được hạn mức tín dụng bổ sung từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN); (2) tăng trưởng huy động 15% và (3) LNTT năm 2021 là 3,2 nghìn tỷ đồng (+31,9% YoY).

LPB đề xuất phát hành tổng cộng 469 triệu cổ phiếu, trong đó:

129 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2020 ở mức 12% (so với kế hoạch 8% được đưa ra tại ĐHCĐ 2020 cho năm tài chính 2020). Kế hoạch cổ tức năm 2021 là 10%; tuy nhiên, hình thức cổ tức không được nêu cụ thể.

LPB cũng đề xuất phát hành khoảng 67 triệu cổ phiếu để huy động vốn mới thông qua phát hành riêng lẻ; 265 triệu cổ phiếu thông qua phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu với giá không thấp hơn 10.000 đồng/CP và  35 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/CP với thời gian hạn chế giao dịch 1 năm.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, mã LPB)

LPB tiền thân là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt (LienVietBank) được thành lập theo Giấy phép thành lập và hoạt động số 91/GP-NHNN ngày 28/03/2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cổ đông sáng lập của LienVietPostBank là Công ty Cổ phần Him Lam, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) và Công ty dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO).

Năm 2011, với việc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (nay là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) góp vốn vào LienVietBank bằng giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) và bằng tiền mặt, Ngân hàng Liên Việt đã được Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép đổi tên thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt.

Cùng với việc đổi tên này, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam chính thức trở thành Cổ đông lớn nhất của LienVietPostBank.

Hiện nay, với số vốn điều lệ hơn 12.385 tỷ đồng và mạng lưới phủ khắp toàn quốc, LienVietPostBank là một trong các Ngân hàng Thương mại Cổ phần lớn nhất tại Việt Nam.

LienVietPostBank định hướng xây dựng thương hiệu mạnh trên cơ sở phát huy nội lực, hoạt động minh bạch, gắn xã hội trong kinh doanh.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: [email protected]. Trân trọng.