Kết quả kinh doanh VCB (Vietcombank): năm 2023 lợi nhuận lần đầu vượt 41.000 tỷ, tiếp tục đứng đầu ngành

CHIỀU THU

08/01/2024 09:43

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất với kết quả doanh thu và lợi nhuận đáng chú ý.

vcb3-1617631120.jpeg

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank - mã VCB)

Trong Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 tổ chức ngày 6/1, Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết lợi nhuận trước thuế của ngân hàng năm 2023 đã tăng 10,2% so với năm liền trước, hoàn thành 100,3% kế hoạch năm 2023.

Trong năm 2022 trước đó, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế 37.368 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank năm 2023 ước đạt gần 41.200 tỷ đồng.

Với kết quả trên, Vietcombank đã xác lập kỷ lục mới về lợi nhuận trong ngành ngân hàng và nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì khoảng cách lớn với các nhà băng trong nhóm Big 4 như BIDV, VietinBank và Agribank.

Lãnh đạo Vietcombank cho biết thêm trong năm 2023, ngân hàng đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch năm. Trong đó, huy động vốn thị trường 1 đạt 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2022; dư nợ tín dụng đạt 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 10,6%.

Đặc biệt, chất lượng tín dụng của ngân hàng được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu xấp xỉ 0,97% - thuộc nhóm thấp nhất hệ thống. Dư quỹ dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng cũng là 34.338 tỷ đồng, và tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt mức 185%.

Chia sẻ về công tác cho vay của nhà băng, ông Tùng cho biết năm 2023 ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay nhưng kiên định không hạ chuẩn. Đồng thời, nhà băng cũng đã chủ động điều chỉnh lãi suất cho vay.

Theo đó, Vietcombank đã có 46 đợt giảm lãi suất với doanh nghiệp SME và lĩnh vực ưu tiên trong năm, 8 lần giảm lãi suất cho vay với khách hàng doanh nghiệp. Mức giảm lãi gần 5.900 tỷ đồng cho gần 290.000 khách hàng với quy mô dư nợ hơn 1,1 triệu tỷ đồng. Để có cơ sở giảm lãi suất vay, ngân hàng cũng đã có 13 đợt giảm lãi suất huy động.

Về định hướng kinh doanh năm 2024, lãnh đạo Vietcombank nhận định triển vọng kinh tế thế giới 2024 được dự báo “hạ cánh mềm” bởi các rủi ro giảm tốc vẫn lấn át động lực tăng trưởng. Điểm sáng là triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ lạc quan hơn triển vọng kinh tế thế giới.

Trong bối cảnh đó, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng ít nhất 10%, tổng tài sản tăng từ 8% trở lên, tín dụng tăng từ 12% và trong hạn mức Ngân hàng Nhà nước giao, tỷ lệ nợ xấu tối đa 1,5%.

Với mục tiêu tăng lợi nhuận tối thiểu 10%, lợi nhuận trước thuế kế hoạch năm 2024 của ngân hàng này vào khoảng 45.300 tỷ đồng.

Cũng trong năm nay, Vietcombank cho biết sẽ triển khai đúng tiến độ các biện pháp hỗ trợ khi phương án nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém được phê duyệt.

Trước đó, vào tháng 4/2023, Vietcombank từng hé lộ về việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém nhưng chưa tiết lộ danh tính. Hiện, 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu, gồm DongABank và 3 ngân hàng mua bắt buộc là CBBank, Oceanbank và GPBank. Cuối năm 2022, SCB cũng là ngân hàng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Kết quả kinh doanh VCB (Vietcombank) quý III/2023: lợi nhuận hơn 9.000 tỷ đồng, đứng đầu toàn hệ thống

Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, VCB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III với lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng.

Trong ba tháng gần nhất, nhà băng này lãi trước thuế hơn 9.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm Vietcombank lãi trước thuế gần 30.000 tỷ, tăng hơn 18% và tiếp tục giữ ngôi đầu lợi nhuận toàn hệ thống ngân hàng. Động lực tăng trưởng chính đến từ việc giảm chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro tín dụng.

Trong quý III, Vietcombank ghi nhận gần 12.600 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tương tự các ngân hàng khác, ảnh hưởng của giai đoạn chi phí vốn cao tác động đến "nồi cơm chính" là hoạt động tín dụng. Chi phí lãi và các khoản tương đương của Vietcombank tăng hơn 56%, trong khi các khoản thu từ lãi chỉ tăng 17%.

Thu từ dịch vụ cũng giảm so với cùng kỳ, trong khi hoạt động ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh giữ nhịp tương đương.

Điểm sáng trong việc quản lý chi phí giúp chi phí hoạt động của Vietcombank quý III giảm gần 18%, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng nhẹ so với năm trước lên hơn 10.500 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng giảm gần 50%, xuống còn gần 1.500 tỷ đồng.

Kết quả lũy kế 9 tháng cũng tương tự. Các hoạt động kinh doanh chính của ngân hàng không chênh lệch quá nhiều so với cùng kỳ, thu nhập lãi thuần tăng nhẹ lên hơn 40.000 tỷ, thu từ dịch vụ gần 4.000 tỷ đồng. Nhờ giảm chi phí hoạt động và dự phòng, Vietcombank báo lãi trước thuế tăng hơn 18%.

Đến cuối quý III, tổng tài sản của ngân hàng ghi nhận hơn 1,7 triệu tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng đến cuối tháng 9 tăng gần 4% so với đầu năm.

Kết quả kinh doanh VCB (Vietcombank) quý II/2023: tiếp tục khẳng định vị thế số 1 

Kết thúc quý II/2023, Vietcombank tiếp tục khẳng định vị thế số 1 tại thị trường với các kết quả kinh doanh vượt trội. Chất lượng tín dụng được kiểm soát hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 0.83%; tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức cao (~ 386%).

Lợi nhuận trước thuế trong quý II tiếp tục dẫn đầu thị trường, đạt 9,2 nghìn tỷ VND (tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm 2022).

Vietcombank tiếp tục tiên phong trong việc giảm lãi hỗ trợ khách hàng với các chương trình hỗ trợ lãi suất với quy mô lên đến 1,8 nghìn tỷ VND.

Đặc biệt, trong quý II/2023, Vietcombank đã được Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá là một trong 20 doanh nghiệp có chỉ số phát triển bền vững tốt nhất tại Việt Nam. Thành tích này là sự ghi nhận những nỗ lực không ngừng của Vietcombank trong các cam kết góp sức cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện chiến lược phát triển bền vững, đề cao tính minh bạch, trách nhiệm và kiến tạo giá trị chung cho cộng đồng.

Với kết quả kinh doanh vượt trội, sự chuyển dịch mạnh mẽ trong quản trị điều hành theo các thông lệ tốt nhất, sự minh bạch hóa thông tin và chất lượng công tác quan hệ nhà đầu tư (IR - Investors Relations)... Vietcombank đã và đang khẳng định vững chắc vị thế ngân hàng số 1 tại Việt Nam, từng bước vươn tầm khu vực và thế giới.

Kết quả kinh doanh VCB (Vietcombank) quý 1/2023: Lợi nhuận tăng trưởng gần 13%

Theo báo cáo tài chính quý I, lợi nhuận hợp nhất trước thuế và sau thuế của Vietcombank đạt 11.221 tỷ đồng và 8.992 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Đại hội cổ đông thường niên vừa qua, cổ đông Vietcombank đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu lợi nhuận lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 15% so với năm 2022. Trước đó, ngân hàng này ghi nhận mức lãi hợp nhất trước thuế 37.368 tỷ đồng trong năm 2022. Như vậy, năm 2023, Vietcombank dự kiến lãi tối thiểu khoảng 43.000 tỷ đồng.

Với kết quả đạt được, ban lãnh đạo ngân hàng tự tin sẽ hoàn thành và vượt các mục tiêu kinh doanh đề ra.

Tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank trong quý I đến từ diễn biến tích cực của của hoạt động kinh doanh cốt lõi và việc cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Cụ thể, trong kỳ vừa qua, thu nhập lãi thuần của Vietcombank đạt hơn 14.200 tỷ, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2022. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 12,1%, đạt 1.706 tỷ đồng. Các hoạt động kinh doanh khác mang về cho ngân hàng 1.083 tỷ, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ bất ngở giảm mạnh hơn 46%, xuống còn 1.456 tỷ đồng.

Vietcombank không thuyết minh chi tiết về nguyên nhân sụt giảm của nguồn thu quan trọng này, song hầu hết các khoản thu nhập dịch vụ của ngân hàng đến từ hoạt động thanh toán và các dịch vụ khác.

Tổng hợp các mảng kinh doanh, tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank đạt 18.517 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ 2022. Trong khi chi phí hoạt động tăng 17% lên 5.274 tỷ đồng, với chi lương và phụ cấp cho nhân viên chiếm một nửa (2.626 tỷ đồng).

Sau khi khấu trừ chi phí hoạt động, lãi thuần của Vietcombank trong quý I đạt 13.243 tỷ đồng, tăng 8,3%. Đây là cầu phần chính giúp lợi nhuận trước thuế tăng trưởng trong quý I.

Trong kỳ vừa qua, Vietcombank đã trích 2.022 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm hơn 11% so với quý I/2022. Qua đó, đóng góp 252 tỷ trong 1.271 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế tăng thêm của ngân hàng.

Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của Vietcombank đạt hơn 1,846 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với hồi đầu năm.

Dư nợ cho vay khách hàng đạt trên 1,174 triệu tỷ, tăng 2,5%. Trong đó, nợ xấu tăng 27,1% lên 9.942 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,68% hồi đầu năm lên 0,85%.

Như vậy, không nằm ngoài xu hướng chung của toàn ngành, nợ xấu của Vietcombank cũng tăng trong quý I.

Kết quả kinh doanh VCB (Vietcombank): năm 2022 lãi gần 36.800 tỷ đồng, cao kỷ lục

Với mức lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 39% so với năm 2021, ngân hàng mẹ Vietcombank đã thu về khoản lãi gần 36.800 tỷ đồng trong năm 2022, cao nhất từ trước đến nay.

Đây là thông tin được lãnh đạo Vietcombank báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác Đảng và nhiệm vụ kinh doanh năm 2023 tổ chức ngày 9/1.

Cụ thể, Vietcombank cho biết trong bối cảnh năm 2022 diễn ra với nhiều biến động phức tạp của thị trường, nhà băng này vẫn hoàn thành hầu hết chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã đặt ra.

Trong đó, hoạt động huy động vốn đã được ngân hàng điều hành phù hợp với với nhu cầu tăng trưởng tín dụng thực tế.

Tính đến cuối năm 2022, số dư huy động vốn thị trường 1 (ngân hàng với khách hàng) của Vietcombank đã đạt xấp xỉ 1,26 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2021 và hoàn thành 100% kế hoạch đã đặt ra. Trong đó, tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn bình quân đạt 34%, tăng 1,8 điểm % so với năm 2021; huy động vốn bán buôn tăng 10,4%; huy động vốn bán lẻ tăng 8%.

Ở chiều ngược lại, số dư tín dụng của ngân hàng này cũng đã vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng vào cuối năm, tăng 19% so với năm 2021.

Cũng trong năm 2022, ngân hàng đã kiểm soát tốt chất lượng tín dụng với dư nợ nhóm 2 (Nợ cần chú ý) đến cuối năm ở mức 3.289 tỷ đồng, tương đương 0,29% tổng dư nợ, giảm 0,08 điểm % so với năm 2021 (0,36%). Trong khi đó, tổng số dư nợ xấu đến cuối năm 2022 của nhà băng này là 7.662 tỷ đồng, tương đương 0,67%, thấp hơn đáng kể so với kế hoạch được giao.

Với số dư nợ xấu kể trên, lãnh đạo Vietcombank cho biết hiện nhà băng này đang dành tới hơn 35.600 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro, tương đương với tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng lên tới 465%, cao nhất hệ thống ngân hàng.

Với các chỉ tiêu tài chính kể trên, lãnh đạo Vietcombank cho biết ngân hàng đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 39% năm nay và vượt 19% so với kế hoạch. Với mức tăng trưởng kể trên, ngân hàng mẹ Vietcombank đã thu về hơn 36.775 tỷ đồng lãi trước thuế năm qua, là mức lãi cao nhất nhà băng này từng ghi nhận được cũng như toàn hệ thống ngân hàng.

Tại nhóm công ty con và công ty liên doanh liên kết, Vietcombank cũng cho biết 9 công ty con của ngân hàng đều hoạt động hiệu quả năm vừa qua với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 976 tỷ đồng. Trong đó, 5/9 công ty hoàn thành trên 100% kế hoạch.

Đáng chú ý, tại hội nghị này, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank, cho biết trong năm vừa qua, ngân hàng đã xây dựng xong phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém. Trong năm nay, đây cũng là một trong sáu trọng tâm mà Vietcombank dự kiến tập trung triển khai.

Cũng trong năm 2023, Vietcombank dự kiến tăng trưởng tín dụng đạt 12,8%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5% tổng dư nợ, và lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12%.

Liên quan tới hoạt động tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương ngày 3/1, lãnh đạo Chính phủ cho biết hiện Thủ tướng đã phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021-2025, trong đó hoàn thiện khung khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng...

Chính phủ cũng đã báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị cơ chế xử lý với nhóm ngân hàng yếu kém và Ngân hàng Sài Gòn (SCB); tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Trong đó, 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mua lại bắt buộc là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank).

Riêng SCB, lãnh đạo Chính phủ cho biết từ giữa tháng 10, NHNN đã đưa đơn vị này vào diện kiểm soát đặc biệt nhằm ổn định hoạt động, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.

Kết quả kinh doanh VCB (Vietcombank): 9 tháng 2022 lợi nhuận 24.939 tỷ đồng, tăng 29%

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (HOSE: VCB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022.

Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 3/2022 đạt 7.566 tỷ đồng, tăng 31,9% so với quý 3/2021. Động lực tăng trưởng chính đến từ thu nhập lãi thuần tăng 31% so với cùng kỳ, đạt 13.664 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi 1.587 tỷ đồng, tăng 35,3%.

Vietcombank tăng chi phí dự phòng rủi ro lên 2.778 tỷ đồng, tăng 10,6% so với quý 3/2021. Tuy nhiên, do giảm chi phí dự phòng của 2 quý trước nên chi phí dự phòng rủi ro 9 tháng ở mức 7.785 tỷ đồng, giảm 2,8% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 24.939 tỷ đồng, tăng 29% so với 9 tháng đầu năm 2021. Năm 2022, Vietcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế tối thiểu tăng 12% so với kết quả năm 2021, tương đương 30,675 tỷ đồng. Như vậy, Ngân hàng đã thực hiện được hơn 81% mục tiêu sau 9 tháng.

Kết quả kinh doanh VCB (Vietcombank): quý 2/2022 tưng bừng  

Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm với lãi trước thuế hơn 17.300 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài mức lợi nhuận kỷ lục 17.300 tỷ, Vietcombank còn "khoản để dành" khủng từ quỹ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Nhà băng này tạo kỷ lục mới của hệ thống ngân hàng khi đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên hơn 500% vào cuối quý II. Có nghĩa là cứ mỗi 1 đồng nợ xấu, Vietcombank trích lập dự phòng hơn 5 đồng.

Nửa đầu năm, ngân hàng này cũng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao khi dư nợ cho vay khách hàng đến tháng 6 tăng 14,6% so với đầu năm lên 1,1 triệu tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng với tốc độ chậm hơn (5%) lên 1,195 triệu tỷ. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 0,64% hồi đầu năm xuống 0,61%.

Nửa đầu năm, thu nhập lãi thuần (chủ yếu từ hoạt động tín dụng) tăng 17% so với cùng kỳ lên 24.770 tỷ. Mỗi mảng kinh doanh khác của Vietcombank mang về lợi nhuận hàng nghìn tỷ, ngang ngửa với kết quả kinh doanh của cả một ngân hàng top dưới.

Luỹ kế 6 tháng, lĩnh vực thế mạnh kinh doanh ngoại hối của Vietcombank thu về lợi nhuận gần 3.000 tỷ, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động dịch vụ ngược lại ghi nhận mức lãi thuần giảm hơn 10% xuống 3.400 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác đi ngang ở mức 1.365 tỷ.

Kết quả kinh doanh VCB (Vietcombank) quý 1/2022: lợi nhuận 9.950 tỷ, tăng 15%

Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra sáng 29/4, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank đã chia sẻ các thông tin liên quan kết quả kinh doanh quý I/2022 của Vietcombank.

Cụ thể, vị lãnh đạo ngân hàng cho biết tính đến hết tháng 3, Vietcombank có tổng tài sản tăng 3,4%, với dư nợ tín dụng tăng 7% và huy động vốn tăng 3,8%. Vietcombank ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng mẹ là 9.650 tỷ, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021.

Nếu hợp nhất kết quả kinh doanh của các công ty con, khoản lãi trước thuế nhà băng này ghi nhận được là hơn 9.950 tỷ đồng quý I. So với cùng kỳ năm trước, mức lợi nhuận hợp nhất này đã tăng hơn 15%.

Ông Phạm Quang Dũng cho biết phần lợi nhuận tăng thêm này có đóng góp từ việc Vietcombank đã thu hồi được 3.000 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn tại CBBank. Vì vậy, ngân hàng đã tiến hành hoàn nhập dự phòng với khoản nợ này, giúp lợi nhuận quý I/2022 gia tăng.

Trong năm nay, Vietcombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12%, tương đương gần 30.700 tỷ đồng. Như vậy, sau quý đầu năm, ngân hàng đã hoàn thành gần 1/3 kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Ông Dũng cũng cho biết Vietcombank sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức với phần lợi nhuận còn lại của năm 2019 và 2020.

Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1% cho cổ đông. Sau phát hành, vốn điều lệ ngân hàng dự kiến tăng thêm gần 8.566 tỷ và đạt 55.891 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết việc tăng vốn điều lệ sẽ tạo điều kiện để Vietcombank mở rộng quy mô kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và đầu tư các dự án chuyển đổi nhằm nâng cao năng lực quản trị.

Bên cạnh kế hoạch kinh doanh, ban lãnh đạo Vietcombank đã trình cổ đông kế hoạch tham gia tái cơ cấu 1 tổ chức tín dụng yếu kém theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc.

Vietcombank cho rằng việc nhận chuyển giao bắt buộc 1 ngân hàng sẽ giúp ngân hàng mở rộng quy mô kinh doanh, khách hàng, mạng lưới… và mang lại lợi ích cho cổ đông.

Bên cạnh đó, nếu tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, Vietcombank sẽ được áp dụng một số biện pháp hỗ trợ theo quy định, như được ưu tiên cho vay vượt 15-25% vốn tự có; cho vay trung dài hạn bằng ngoại tệ đối với các dự án trọng điểm; tăng thị phần phục vụ các dự án vốn tín dụng quốc tế trong suốt thời gian tổ chức tín dụng chưa hết lỗ luỹ kế…

Với các ngân hàng tham gia tái cơ cấu, NHNN cũng sẽ không giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm nếu ngân hàng đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định. Ngân hàng nhận chuyển giao sẽ được phát hành trái phiếu dài hạn cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; được dùng toàn bộ lợi nhuận sau trích quỹ để trả cổ tức bằng cổ phiếu tăng vốn (trong các năm xử lý lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao).

Sau khi được nhận chuyển giao bắt buộc, tổ chức tín dụng yếu kém sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng TNHH MTV do Vietcombank sở hữu 100% vốn nhưng không hợp nhất kết quả kinh doanh vào báo cáo tài chính của Vietcombank.

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng không góp vốn vào ngân hàng yếu kém này trong thời gian ngân hàng còn lỗ lũy kế; Vietcombank không phải chịu trách nhiệm về thanh khoản và các nghĩa vụ tài chính của ngân hàng yếu kém trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc.

Chia sẻ về kế hoạch này, ông Phạm Quang Dũng cho biết ban lãnh đạo đang triển khai các thủ tục cần thiết đề trình cơ quan có thẩm quyền phương án nhận chuyển giao bắt buộc.

Không tiết lộ tên ngân hàng mà Vietcombank dự kiến nhận chuyển giao nhưng vị chủ tịch cho biết đơn vị này đang nằm trong danh sách các ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt của NHNN.

“Thời gian xử lý tổ chức tín dụng yếu kém sẽ phụ thuộc vào tình hình tài chính của đơn vị này. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ theo quy định mà ngân hàng nhận được, thời gian xử lý sẽ không quá 8-10 năm'', ông Dũng nhấn mạnh.

Kết quả kinh doanh VCB (Vietcombank): cả năm 2021 lãi hơn 27.000 tỷ, đầu bảng ngành ngân hàng

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 với kết quả kinh doanh có tăng trưởng, nhưng vẫn duy trì quan điểm "thận trọng" khi tiếp tục đẩy lỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức kỷ lục 424%.

Riêng trong quý IV, thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng trưởng thấp khoảng 3% so với cùng kỳ. Lãi từ dịch vụ và ngoại hối ghi nhận mức tăng lần lượt là 17% và 24%.

Trong bối cảnh quý cuối năm ghi nhận sự chững lại từ thu nhập hoạt động, Vietcombank tiết giảm chi phí hoạt động 11% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng giảm 5% so với cùng kỳ. Nhờ đó, nhà băng lãi trước thuế hơn 8.000 tỷ trong quý IV, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét cả năm, thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng 17% và lãi dịch vụ, lãi ngoại hối đều tăng trưởng ở mức vừa phải 12%. Hoạt động thu hồi nợ ghi nhận mức tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động của Vietcombank tăng 10%, đồng thời chi phí dự phòng rủi ro tiếp tục tăng 18% so với năm ngoái.

Sau một năm 2020 lợi nhuận đi ngang vì đẩy dự phòng nợ xấu lên mức kỷ lục, năm 2021, Vietcombank lãi trước thuế hợp nhất gần 27.400 tỷ, tăng trưởng 19% - tiếp tục giữ ngôi quán quân ngành.

Còn nếu tính riêng ngân hàng mẹ, Vietcomank lãi trước thuế 26.456 tỷ đồng, lần đầu tiên sau nhiều năm xếp sau nhà băng khác, cụ thể là VPBank (38.000 tỷ) nhờ ghi nhận khoản thu nhập bất thường từ việc bán vốn FE Credit.

Tính đến cuối 2021, dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank tăng 14% so với đầu năm. Tiền gửi huy động tăng 10%. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất tăng nhẹ từ 0,62% hồi đầu năm lên 0,64% do nợ nhóm 4 tăng mạnh.

Hiện nay với mỗi 100 đồng nợ xấu, Vietcombank đang dự phòng rủi ro lên tới 424 đồng. Với tỷ lệ nợ tái cơ cấu vì Covid-19 ở mức thấp, nhà băng đã trích dự phòng đầy đủ trước thời hạn yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Kết quả kinh doanh VCB (Vietcombank): 9 tháng lợi nhuận 19.300 tỷ, tăng 21%, đứng đầu hệ thống

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với lãi trước thuế tăng 15% so với cùng kỳ, đạt gần 5.740 tỷ đồng.

Trong quý vừa qua, thu nhập lãi thuần chủ yếu từ hoạt động tín dụng của Vietcombank tăng hơn 20% lên hơn 10.400 tỷ đồng, lãi từ ngoại hối tăng 13% lên 1.770 tỷ. Tuy nhiên, lãi thuần từ dịch vụ của Vietcombank lại giảm nhẹ 10% xuống 1.130 tỷ.

Thu nhập hoạt động trong quý III tăng 14%. Chi phí hoạt động tăng hơn 9% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng hơn 24%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietcombank lãi trước thuế hơn 19.300 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ, đứng đầu bảng hệ thống ngân hàng.

Thu nhập lãi thuần 9 tháng qua cũng tăng 22%, thu từ dịch vụ tăng 40%, lãi thuần ngoại hối tăng 8%, lãi khác giảm nhẹ. Do đó, tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank tăng trên 20% lên 41.840 tỷ.

 

Chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng lần lượt 15% và 33% so với cùng kỳ, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 20%.

Tính đến hết tháng 9, dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng tăng 11% so với đầu năm lên 936.340 tỷ, tiền gửi huy động chỉ tăng 7% đạt 1,08 triệu tỷ.

Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 0,62% hồi đầu năm lên 1,15%. Bên cạnh đó, nợ nghi ngờ (tuy chưa vào diện nợ xấu nhưng quá hạn từ 10 ngày đến dưới 90 ngày) cũng tăng mạnh 125% so với đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm về mức 240% nhưng vẫn thuộc top cao nhất hệ thống.

Kết quả kinh doanh VCB (Vietcombank) 6 tháng 2021: lãi hơn 14.000 tỷ, tăng 30%

Tại Hội nghị sơ kết công tác Đảng và hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của Vietcombank, Tổng giám đốc Phạm Quang Dũng đã có những chia sẻ về tình hình hoạt động kinh doanh từ đầu năm của nhà băng này.

Cụ thể, CEO Vietcombank cho biết trong nửa đầu năm qua, trước diễn biến bất thường của nền kinh tế do tác động của dịch Covid-19, Vietcombank đã phải thực hiện các định hướng phù hợp nhằm thực hiện đa mục tiêu vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa chia sẻ khó khăn với khách hàng, nhưng vẫn bám sát tình hình thực tiễn để đưa ra các quyết sách đảm bảo tăng trưởng hiệu quả, bền vững.

Trong 6 tháng đầu năm, chỉ tiêu huy động vốn thị trường của nhà băng này đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với cuối năm 2020. Trong khi đó, dư nợ tín dụng đạt trên 920.000 tỷ đồng, tăng 9,8%.

Trong đó, tín dụng chuyển dịch theo hướng hiệu quả, tín dụng bán lẻ tiếp tục tăng trưởng cao ở mức 11,9% và chiếm 54,8% tổng dư nợ tín dụng. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ.

Cũng trong nửa đầu năm, Vietcombank tiếp tục duy trì là tổ chức tín dụng có quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường, lên đến 430.000 tỷ đồng.

Với mức tăng trưởng tín dụng kể trên, Vietcombank đã gần chạm trần hạn mức tín dụng 10,5% được Ngân hàng Nhà nước giao từ đầu năm. Lãnh đạo Vietcombank cho biết nhà băng đã xin nới hạn mức tín dụng cả năm lên 14% và đang chờ NHNN phê duyệt.

Một lãnh đạo Vietcombank cho biết với các chỉ tiêu tài chính như trên mức lợi nhuận nửa đầu năm của ngân hàng đã đạt trên 14.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tăng trưởng đến cả từ việc tăng trưởng tín dụng và các khoản thu ngoài lãi.

Vị lãnh đạo ngân hàng này cũng cho biết với đà kinh doanh và tình hình dịch bệnh hiện nay, mục tiêu lợi nhuận 25.000 tỷ đồng cả năm của ngân hàng có thể đạt được. Tuy nhiên, con số cũng sẽ phụ thuộc vào các đợt điều chỉnh giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng trước ảnh hưởng của dịch bệnh.

Kết quả kinh doanh VCB (Vietcombank) quý 1/2021: tiếp tục dẫn đầu hệ thống ngân hàng về lợi nhuận

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu hệ thống ngân hàng về lợi nhuận. Hai mảng kinh doanh cốt lõi nhất là tín dụng và dịch vụ đều tăng trưởng rất tốt.

Cụ thể, trong quý I/2021, tín dụng Vietcombank tăng 3,8%, cao nhất trong khối ngân hàng TMCP có vốn nhà nước. Thu nhập lãi thuần đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 11,5%, chủ yếu do giá vốn ngày càng rẻ, chi phí trả lãi giảm tới gần 21%. Chỉ số LDR (cho vay trên tổng huy động) lên đến 85% so với mức dưới 81% cuối năm ngoái cho thấy hiệu suất sử dụng vốn của ngân hàng đang ở mức tối ưu, giúp cải thiện biên lãi thuần.

Đặc biệt, lãi thuần từ dịch vụ của Vietcombank đột ngột tăng vọt lên 3.437 tỷ đồng trong quý I/2021, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo tài chính không nêu chi tiết, song nhiều khả năng, lợi nhuận từ hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với FWD đã được ghi nhận.

Lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh cũng đạt tới 80 tỷ USD trong khi cùng kỳ lỗ 54 tỷ USD. Riêng mảng kinh doanh ngoại hối giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, song vẫn đạt trên 1.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Tất cả các lĩnh vực kinh doanh đều có lãi trong khi chi phí hoạt động giảm 2% khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước trích lập dự phòng rủi ro quý I/2021 của Vietcombank lên tới gần 11 nghìn tỷ đồng, tăng gần 49% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thêm vào đó, chi phí dự phòng rủi ro trong quý của ngân hàng chỉ chiếm 2.274 tỷ đồng (tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái). Sau trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank lên tới 8.631 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái.   

Tính đến cuối tháng 3/2021, tổng tài sản của Vietcombank đạt 1.279.000 tỷ đồng, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do ngân hàng chủ động giảm huy động tiền gửi để tối ưu hiệu quả nguồn vốn.  

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã VCB)

VCB được thành lập và chính thức đi vào hoạt động ngày 01/4/1963 với tổ chức tiền thân là Cục Ngoại hối (trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Là ngân hàng thương mại nhà nước đầu tiên được Chính phủ lựa chọn thực hiện thí điểm cổ phần hoá, Vietcombank chính thức hoạt động với tư cách là một ngân hàng thương mại cổ phần vào ngày 02/06/2008 sau khi thực hiện thành công kế hoạch cổ phần hóa thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Ngày 30/6/2009, cổ phiếu Vietcombank (mã chứng khoán VCB) chính thức được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Trải qua 58 năm xây dựng và trưởng thành, Vietcombank đã có những đóng góp quan trọng cho sự ổn định và phát triển của kinh tế đất nước, phát huy tốt vai trò của một ngân hàng đối ngoại chủ lực, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế trong nước, đồng thời tạo những ảnh hưởng quan trọng đối với cộng đồng tài chính khu vực và toàn cầu. Từ một ngân hàng chuyên doanh phục vụ kinh tế đối ngoại, Vietcombank ngày nay đã trở thành một ngân hàng đa năng, hoạt động đa lĩnh vực, cung cấp cho khách hàng đầy đủ các dịch vụ tài chính hàng đầu trong lĩnh vực thương mại quốc tế; trong các hoạt động truyền thống như kinh doanh vốn, huy động vốn, tín dụng, tài trợ dự án…cũng như mảng dịch vụ ngân hàng hiện đại: kinh doanh ngoại tệ và các công vụ phái sinh, dịch vụ thẻ, ngân hàng điện tử…

Sở hữu hạ tầng kỹ thuật ngân hàng hiện đại với việc chuyển đổi thành công hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking) vào đầu năm 2020, Vietcombank có nhiều lợi thế trong ứng dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý tự động các dịch vụ ngân hàng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng điện tử dựa trên nền tảng công nghệ cao. Không gian giao dịch công nghệ số cùng các dịch vụ ngân hàng số đa tiện ích cung cấp cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp như: VCB Digibank, VCB Pay, VCB - iB@nking, VCB CashUp... đã, đang và sẽ tiếp tục thu hút đông đảo khách hàng bằng sự tiện lợi, nhanh chóng, an toàn, hiệu quả, tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cho đông đảo khách hàng.

Sau hơn nửa thế kỷ hoạt động trên thị trường, Vietcombank hiện là một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam. Vietcombank hiện có gần 600 chi nhánh/phòng giao dịch/văn phòng đại diện/đơn vị thành viên trong và ngoài nước gồm: Trụ sở chính tại Hà Nội; 116 Chi nhánh; 474 phòng giao dịch; 04 Công ty con ở trong nước (Công ty Cho thuê tài chính, Công ty chứng khoán, Công ty Kiều hối, Công ty Cao ốc Vietcombank 198); 03 Công ty con ở nước ngoài (Công ty Vinafico Hongkong, Công ty chuyển tiền Vietcombank tại Mỹ, Ngân hàng con tại Lào); 01 Văn phòng đại diện tại TP. HCM; 01 Văn phòng đại diện tại Singapore, 01 Văn phòng đại diện tại Mỹ ; 03 Đơn vị sự nghiệp: Trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; 01 Trung tâm xử lý tiền mặt tại Hà Nội và 01 Trung tâm xử lý tiền mặt tại Tp. Hồ Chí Minh; 03 Công ty liên doanh, liên kết. Về nhân sự, Vietcombank hiện có trên 20.000 cán bộ nhân viên. Bên cạnh đó, Vietcombank còn phát triển một hệ thống Autobank với hơn 2.500 máy ATM và trên 60.000 đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ trên toàn quốc. Hoạt động ngân hàng còn được hỗ trợ bởi mạng lưới 1.249 ngân hàng đại lý tại 102 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới…

Với bề dày hoạt động và đội ngũ cán bộ có năng lực, nhạy bén với môi trường kinh doanh hiện đại, mang tính hội nhập cao, Vietcombank luôn là sự lựa chọn hàng đầu của các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn và của đông đảo khách hàng cá nhân.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: [email protected]. Trân trọng.