Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

MĂNG GIANG

11/04/2024 07:54

Thay vì xu hướng giảm đồng loạt như trước, một số ngân hàng tăng nhẹ lãi suất tiết kiệm trong bối cảnh tiền gửi dân cư có dấu hiệu chững lại. Từ đầu tháng 4 đến nay, có 6 nhà băng tăng lãi suất tiết kiệm, gồm VPBank, SHB, Eximbank, HDBank, MSB và Kienlongbank.

money-bank2-1622804044.jpeg

Cập nhật ngành Ngân hàng 

VPBank tăng mạnh nhất, điều chỉnh từ 0,1% đến 0,5% ở tất cả kỳ hạn. Kỳ hạn tăng cao nhất là 12 tháng, từ mức 4,2% lên 4,7% một năm khi gửi tại quầy, và từ 4,3% lên 4,8% khi gửi trực tuyến.

Tại một số nhà băng khác cũng tăng lãi suất như MSB, SHB, Eximbank, HDBank, mức tăng phổ biến 0,2% và thường chỉ áp dụng cho một số kỳ hạn.

Tuy nhiên, số lượt giảm lãi suất vẫn chiếm áp đảo. Trong vài tuần qua, có hơn 10 nhà băng hạ lãi suất, gồm hai nhà băng quốc doanh Vietcombank, VietinBank (giảm 0,1-0,2% ở tất cả kỳ hạn). Bên cạnh đó, các nhà băng tư nhân như Techcombank, ACB, TPBank, VIB, Sacombank, SeABank, ABBank, BVBank, SCB, Oceanbank, CBBank giảm từ 0,1% đến 0,5%.

Hiện, mức lãi suất cao nhất hệ thống cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng là 5,8%, áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng. Còn với khoản tiền gửi kỳ hạn không quá 12 tháng, lãi suất cao nhất là 5,3% tại NamABank và VietBank.

Xu hướng lãi suất bắt đầu có sự phân hóa thay vì giảm đồng loạt như trước. Sự thay đổi này diễn ra trong bối cảnh tiền gửi chảy vào hệ thống ngân hàng có dấu hiệu chững lại.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, ước tính đến 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023 trong khi cùng thời điểm năm ngoái tăng gần 1,2%. Tuy nhiên, thanh khoản của các ngân hàng vẫn rất dồi dào.

Về phía đầu ra, sau hai tháng tăng trưởng âm, tín dụng vào nền kinh tế tính đến hết quý I đã tăng trở lại. Có một số nhà băng dư nợ cho vay vẫn đang giảm nhưng tại nhiều đơn vị khác, tăng trưởng tín dụng đã đạt 3-5% so với đầu năm. Tính đến 28/3, dư nợ tín dụng đạt 13,79 triệu tỷ đồng, tăng 0,9% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng cũng được các lãnh đạo nhà băng dự báo trở nên tích cực hơn trong hai quý cuối năm.

Lãnh đạo giới ngân hàng cho rằng mặt bằng lãi suất tiết kiệm vẫn duy trì ở mức thấp ít nhất đến giữa năm nay, sau đó có thể đảo chiều tăng nhẹ khi nhu cầu tín dụng đi lên. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất tiết kiệm khó quay lại mức cao như giai đoạn 2022.

Thành viên cập nhật ngày 27/12/2023: Lãi suất tiết kiệm giảm mạnh song người dân vẫn gửi vì chưa biết đầu tư gì khác

Làn sóng hạ lãi suất tiết kiệm vẫn chưa dừng lại. Một tuần gần đây, có hơn 10 đơn vị giảm thêm lãi suất huy động.

Tại Vietcombank, lãi suất các khoản tiền gửi dưới 12 tháng giảm gần 1% trong tháng qua. Biểu lãi suất tiền gửi một tháng của nhà băng này thậm chí về dưới 2% một năm. Đây là mức lãi suất huy động thấp nhất từ trước đến nay của Vietcombank.

Từ khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành vào tháng 3 và tháng 4/2023, làn sóng giảm lãi suất diễn ra mạnh. Từ đó, đà giảm nối tiếp và kéo dài đến tận giữa tháng 12 năm nay, đưa lãi suất huy động từ mức "khủng" trượt về "đáy". 

Ngoài động thái của Ngân hàng Nhà nước, trên thực tế đà giảm lãi suất kéo dài xuất phát từ sự dư thừa "tiền trong kho", khi cầu tín dụng yếu và rủi ro lên cao.

Sau giai đoạn chạy đua lãi suất, các ngân hàng gánh hậu quả vì huy động giá vốn cao nhưng cho vay khó. Chi phí trả lãi tăng nhanh hơn thu nhập từ tín dụng khiến lợi nhuận nhiều nhà băng sụt giảm. 

Huy động vốn vào song ngân hàng cũng chùn tay cho vay khi nợ xấu tăng nhanh. Vấn đề đau đầu nhất với các ngân hàng hiện nay là nợ xấu tăng và xử lý tài sản đảm bảo khó khăn. Đối với các khoản vay tín chấp, việc đòi nợ rất khó. 

Dư nợ tín dụng thời gian qua tăng thấp và ảm đạm tại phần lớn ngân hàng. Tính đến ngày 13/12, tín dụng tăng 9,87% so với cuối năm 2022, cách khá xa so với định hướng tăng trưởng cả năm.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), mặt bằng lãi suất huy động đã giảm sâu về trước Covid-19 và ít dư địa để giảm thêm. Tuy nhiên, trong giai đoạn nền kinh tế đang phục hồi, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ được ưu tiên. Đồng thời, việc duy trì lãi suất huy động thấp trong thời gian đủ lâu cũng là điều kiện cần để kéo mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống.

Thành viên cập nhật ngày 1/12/2023: Lãi suất tiền gửi tiết kiệm xuống thấp kỷ lục, xuống dưới 3%

Lãi suất gửi kỳ hạn 1 tháng giảm về 2,4%, kỳ hạn 3 tháng xuống 2,7% một năm - mức thấp nhất hệ thống và cũng là kỷ lục của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank). Động thái của "ông lớn" Vietcombank thường mang tính tiên phong và định hướng cho thị trường.

Các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn từ 1 tháng đến 3 tháng vào đầu tháng 3 được hưởng lãi suất lên tới 6% một năm thì hiện còn chưa đến một nửa. Cụ thể, lãi suất khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại Vietcombank giảm về 2,4%, kỳ hạn 3 tháng xuống 2,7% một năm.

Lãi suất các khoản tiền gửi kỳ hạn dài hơn hơn, từ 12 tháng đến 24 tháng, hiện cũng thấp hơn cả gửi 1-3 tháng hồi đầu năm. Với kỳ hạn dài 12 tháng đến 24 tháng, lãi suất cao nhất tại Vietcombank còn 4,8% trong khi đầu năm 7-8% một năm.
So với đầu năm, lãi suất gửi tiền các kỳ hạn của Vietcombank đã giảm 3-3,5% so với quý I. Bên cạnh đó, nhà băng này cũng không còn cộng lãi suất khi gửi online mà áp dụng mức ngang nhau khi gửi tại quầy và trực tuyến.

Vietcombank là một trong 4 ngân hàng quốc doanh có số dư tiền gửi trên 1 triệu tỷ đồng, nhiều nhất hệ thống ngân hàng. Năm nay, "ông lớn" này nằm trong nhóm khó tăng trưởng tín dụng nhất.

Tính đến hết tháng 9, trong khi số dư tiền gửi của khách hàng tại Vietcombank tăng 7% thì dư nợ cho vay chỉ tăng thấp 2,7%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của ngành.

Thành viên cập nhật ngày 3/10/2023: Lãi suất tiền gửi tiết kiệm xuống thấp kỷ lục

Từ 3/10, lãi suất niêm yết cao nhất tại Vietcombank giảm về còn 5,3%, thấp hơn giai đoạn Covid-19 (quanh mức 5,8% một năm). Còn khoản tiền gửi từ 1 đến dưới 12 tháng dao động 3-4,3% một năm.

Động thái của "ông lớn" Vietcombank thường mang tính tiên phong và định hướng cho thị trường. Tại 3 ngân hàng quốc doanh còn lại là Agribank, BIDV và VietinBank, sau lần điều chỉnh trong tháng 9, hiện lãi suất cao nhất ở mức 5,5% một năm.

Với nhóm ngân hàng tư nhân, một vài nhà băng top dưới như BaoVietBank, LPBank, ABBank, CBBank cũng vừa giảm sâu lãi suất tiết kiệm trong những ngày đầu tháng 10. Trong khi cuối năm ngoái, lãi suất tăng "nóng", có thời điểm lên 11-12% một năm.

Tính tới 3/10, lãi suất niêm yết cao nhất hệ thống ngân hàng là 7% một năm, xuất hiện duy nhất tại DongABank với khoản tiền gửi online, kỳ hạn 13 tháng. Còn với khoản tiền gửi từ 12 tháng trở xuống, lãi suất cao nhất tại DongABank là 6,75% một năm.

Hiện các khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, niêm yết lãi suất từ 6% một năm trở lên chỉ còn hơn chục nhà băng như Oceanbank, BacABank, SCB, VietCapitalBank, LPBank, Sacombank, NCB, CBBank, VietBank, NamABank, HDBank, PVComBank, VietABank, BaoVietBank, DongABank.

Hơn 20 nhà băng còn lại đưa lãi suất niêm yết cho kỳ hạn 12 tháng về dưới 6% một năm. Mức lãi suất 6-6,5% có xuất hiện tại một số đơn vị nhưng ở các kỳ hạn dài từ 18 tháng trở đi.

Nhóm niêm yết lãi suất thấp nhất thị trường, không quá 5,5% một năm gồm khoảng chục đơn vị, bao gồm 4 nhà băng quốc doanh và một số ngân hàng tư nhân như VPBank, MSB, Techcombank, SeABank, GPBank, ABBank...

Động thái này sẽ giúp các nhà băng tiết giảm chi phí đầu vào, từ đó có thể kéo giảm lãi suất cho vay với khách hàng. Xu hướng này được cho là phù hợp với mục tiêu giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Lãi suất huy động trên thị trường liên tục giảm vài tháng qua trong bối cảnh hệ thống ngân hàng "thừa tiền" vì tăng trưởng tín dụng ảm đạm. Tính đến cuối tháng 9, tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ đạt khoảng 5,73%, bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước và hơn một phần ba mục tiêu định hướng cả năm.

Cách đây ba năm, môi trường lãi suất thấp giai đoạn Covid-19 từng khiến dòng tiền muốn tìm kiếm lợi nhuận, chảy sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản.

Dưới đây là mức lãi suất tiết kiệm ngân hàng sắp xếp từ cao tới thấp được niêm yết chính thức (cho khoản tiền dưới 1 tỷ đồng), không tính thỏa thuận thực tế của ngân hàng với khách quen, VIP, gửi tiền giá trị lớn.

Lãi suất huy động là gì?

Lãi suất huy động là mức lãi suất được các ngân hàng hay tổ chức tín dụng đưa ra nhằm huy động vốn tiền gửi. Đây là mức quy định tỷ lệ lãi mà ngân hàng phải trả cho khách hàng khi họ gửi tiền vào ngân hàng. Nói đơn giản hơn, lãi suất huy động chính là lãi suất khách hàng nhận được khi gửi tiền tiết kiệm. Vì thế, nó còn được gọi là lãi suất tiết kiệm.

Ngân hàng sẽ đưa ra lãi suất huy động riêng dựa trên mức trần lãi suất do nhà nước quy định. Tuỳ thuộc vào số tiền và kỳ hạn gửi mà mỗi ngân hàng sẽ có các mức lãi suất huy động khác nhau.

Trần lãi suất huy động là gì?

Trần lãi suất huy động (lãi suất trần) là mức lãi suất cao nhất và thấp nhất được ngân hàng nhà nước quy định cho các khoản tiền gửi của khách hàng. Theo đó, các tổ chức tài chính căn cứ vào mức lãi suất trần này để điều chỉnh mức lãi suất huy động hoặc cho vay sao cho hợp lý.

Lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng không được vượt quá phạm vi lãi suất trần. Nếu không tuân thủ sẽ áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: [email protected]. Trân trọng.