Đánh giá cổ phiếu GMD (Gemadept): VNDirect khuyến nghị KHẢ QUAN và tăng giá mục tiêu lên 30%

VNDirect & SSI & Rồng Việt

08/12/2023 08:52

VNDirect khuyến nghị KHẢ QUAN và tăng giá mục tiêu lên 30% dù giá cổ phiếu đã tăng 54% kể từ báo cáo gần nhất. Động lực chính tăng giá mục tiêu là mức cải thiện sản lượng container và biên LN gộp trong năm 2024-2025. P/E trượt 12T là 9,9 lần, thấp hơn so với trung bình các doanh nghiệp trong khu vực (17,2 lần) và trung bình các cảng nội địa (11 lần).

gmd-gemalink-1616127514.jpg

GMD - Gemadept: Lạc quan về triển vọng của Gemalink

Việc bán Cảng Nam Hải mang lại kết quả tốt  

GMD dự kiến bán 99,98% cổ phần ở cảng Nam Hải (NH). Cảng Nam Hải đã hoạt động kém hiệu quả trong thời gian dài do những thay đổi trong luồng hàng hải của Cụm Hải Phòng. GMD có thể di dời đội tàu của mình đến Nam Đình Vũ (NĐV) và tăng hiệu suất tổng thể.

Giao dịch này sẽ mang lại cho GMD lợi nhuận một lần, tuy nhiên, do thiếu thông tin nên chúng tôi chưa đưa giao dịch này vào dự phóng của mình.

Triển vọng tươi sáng hơn nhờ sự phục hồi của hoạt động xuất nhập khẩu

Hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam cho thấy các dấu hiệu phục hồi trong T10, mức tăng trưởng dương lần lượt 5,5%/5,9% svck trong 2023, mức cao nhất kể từ T10/2022. Hiệu suất khai thác cảng tổng thể của GMD trong Q3/23 đạt 29,8%, cải thiện so với mức 23,6%/ 27,6% trong Q1/23 và Q2/23.

Sản lượng container sẽ tăng, tương ứng với hoạt động xuất nhập khẩu cải thiện trong năm 2024-25 nhờ: 1) sản xuất nội địa cải thiện và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng; 2) nhu cầu nhập khẩu của Mỹ phục hồi sớm hơn do lạm phát gần đây hạ nhiệt.

Dự thảo thông tư tăng giá xếp dỡ có thể được thông qua trong nửa đầu năm 2024

Hiện tại, giá xếp dỡ container ở Việt Nam thấp hơn đáng kể so với các doanh nghiệp trong khu vực. Việc tăng giá là cần thiết do: 1) cảng biển là ngành thâm dụng vốn; và 2) tăng 10% giá xếp dỡ là mức hợp lý cho Việt Nam để duy trì vị thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực.

Do đó, dự thảo thông tư có thể được phê duyệt trong nửa đầu năm 2024, từ đó làm tăng giá xếp dỡ trung bình của GMD lên 5,0%/10,0% svck.

Cập nhật ngày 18/1/2023: SSI khuyến nghị MUA, tăng giá mục tiêu lên 57.400 đồng/cp

SSI khuyến nghị MUA cổ phiếu GMD và điều chỉnh tăng giá mục tiêu 1 năm lên 57.400 đồng/cổ phiếu (từ 45.200 đồng/cổ phiếu).

GMD đã thông qua chủ trương thoái toàn bộ vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ. SSI đánh giá giao dịch thoái vốn này sẽ mang lại tác động tích cực đối với cổ phiếu GMD, do có thể mang lại khoản lợi nhuận đột biến cho năm 2023, và giúp dự án cảng Nam Đình Vũ Giai đoạn 2 tăng sản lượng nhanh hơn.

Trong bối cảnh khó khăn của ngành cảng biển trong năm 2023, GMD có thể tìm cách duy trì tăng trưởng sản lượng, tái cấu trúc hoạt động kinh doanh tại khu vực cụm cảng Hải Phòng vốn có tính cạnh tranh cao bằng cách tập trung nguồn lực vào cảng Nam Đình Vũ và đồng thời sử dụng tiền thu được từ giao dịch thoái vốn cho các dự án mới đầu tư để giảm bớt gánh nặng tài chính trong môi trường lãi suất cao.

Trong kịch bản cơ sở, ước tính LNTT năm 2023 sẽ tăng 85% so với cùng kỳ lên 2,4 nghìn tỷ đồng.

SSI khuyến nghị MUA cổ phiếu GMD và điều chỉnh tăng giá mục tiêu 1 năm lên 57.400 đồng/cổ phiếu (từ 45.200 đồng/cổ phiếu).

Cập nhật ngày 9/4/2021: Lạc quan về triển vọng của Gemalink

Theo GMD, Gemalink (GML) hiện đang phục vụ ba tuyến dịch vụ của CMA-CGM và APL, như dự kiến trước đó, do CMA-CGM có cổ phần tại cảng.

GMD kỳ vọng sản lượng thông lượng của GML sẽ đạt 1,2 triệu TEU vào cuối năm nay (~ 80% công suất giai đoạn 1), qua đó giúp cảng này có lãi trong ngay trong năm đầu hoạt động nhờ dòng chảy thương mại mạnh mẽ của Việt Nam, khối lượng cam kết từ các cổ đông cũng như các tuyến dịch vụ hàng hải mới trong thời gian sắp tới.

Chúng tôi cho rằng mục tiêu khối lượng của GML là khá thách thức. Kể từ khi chính thức đi vào hoạt động cho đến nay, GML phục vụ 20 chuyến tàu từ các hãng tàu nêu trên (hình 2), trung bình khoảng hai chuyến mỗi tuần. Dữ liệu lịch sử cho thấy mỗi tàu mẹ cập cảng tại một cảng tại Cái Mép - Thị Vải thường xếp dỡ 3-4.000 TEU (tổng khối lượng thông lượng tại Cái Mép vào năm 2020: 4,4 triệu TEU từ 1.470 lượt tàu container), chúng tôi ước tính rằng có khoảng 70-80 nghìn TEU được xếp dỡ tại GML trong Q1-2021. Do đó, chúng tôi ước tính GML sẽ cần thu hút thêm khoảng 3-4 tuyến dịch vụ hàng hải mới để đạt được mục tiêu đề ra.

Khi cảng GML chính thức bắt đầu hoạt động vào cuối tháng 1, chúng tôi cho rằng GML cũng đã bắt đầu ghi nhận doanh thu và chi phí. Do đó, GML có thể phát sinh lỗ trong Q1-2021 do thông lượng container thấp.

Nếu cảng GML hoạt động theo như kế hoạch của GMD, GML sẽ triển khai giai đoạn hai trong năm nay, tăng thêm 900K TEU công suất thông qua việc xây dựng (mở rộng cầu cảng chính, cầu cảng cho xà làn và tàu trung chuyển) và đầu tư thêm trang thiết bị (ví dụ: cẩu bờ và RTG). Thời gian xây dựng sẽ kéo dài khoảng 1,5 năm, giai đoạn 2, theo đó, sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023. Nguồn vốn cho giai đoạn này khoảng 220 triệu USD, có thể từ vay nợ. Tuy nhiên, cơ cấu tài trợ khác cho giai đoạn này có thể là nợ kết hợp phát hành riêng lẻ cho (các) hãng tàu quốc tế khi các hãng này cũng đang quan tâm đến việc sở hữu cổ phần tại GML. Trên thực tế, GMD cũng đang đàm phán chuyển nhượng cổ phần tại GML với các hãng vận tải container quốc tế trong kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu tại GML từ 65% xuống 51%.

Môi trường cạnh tranh thấp trong thời gian sắp tới. Dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ được cho là đối thủ mới đáng chú ý nhất. Tuy nhiên, dự án dù đã được phê duyệt đồ án quy hoạch tổng thể nhưng đã bị đình trệ khá lâu và hiện đang tìm kiếm nhà đầu tư / phát triển mới. Do quá trình phát triển dự án cần nhiều thời gian, chúng tôi cho rằng khó có thêm một bến cảng mới tại Cái Mép - Thị Vải trong vài năm tới.

Nam Đình Vũ (NDV) Giai đoạn 2 dự kiến sẽ ​​khởi công trong năm nay; Các cảng phía Bắc của GMD ghi nhận ​​kết quả tích cực trong 2T-2021

Cùng với GML, GMD cũng xem xét mở rộng NDV. Tiến trình nâng cấp này bị trì hoãn một năm do covid-19. Nhưng, GMD ước tính sẽ mất một năm để hoàn thành việc mở rộng và do đó, giai đoạn 2 dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động trong nửa cuối năm 2022.

Chúng tôi tin vào động lực để GMD mở rộng NDV, mặc dù hiệu suất hiện tại sử dụng thấp (sản lượng thông lượng ước tính năm 2020: 260k TEU, tương đương với tỷ lệ sử dụng ~ 50%) đến từ các dịch vụ mới sắp được thiết lập tại đây. Theo GMD, NDV đã thu hút thành công hai dịch vụ mới từ CMA-CGM và ZIM, nâng tổng số lượt tàu cập cảng TB hàng tuần lên chín chuyến/tuần(hình 5). Do đó, khối lượng container trong 2 tháng đầu năm 2021 của cụm cảng GMD ở miền Bắc đã tăng trưởng khá mạnh mẽ (hình 4). Trong khi đó, Cảng Nam Hải Đình Vũ (NHDV) hiện đang đối mặt với tình trạng tắc nghẽn do bến này đã đạt mức công suất toàn dụng ( khối lượng thông lượng dự kiến ​​năm 2020: 535k TEU). Công suất bổ sung từ NDV Giai đoạn 2 sẽ giúp NHDV giải quyết vấn đề này.

Về khung giá xếp dỡ container, GMD dự kiến ​​giá sàn sẽ tăng thêm 10% trong vài tháng tới từ mức hiện tại là 36 USD / TEU sau khi được Bộ GTVT phê duyệt. Chúng tôi lưu ý là dự thảo điều chỉnh khung giá dịch vụ hàng hải (bao gồm giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển) đã được đề xuất vào quý 4 năm ngoái nhưng vẫn chưa được phê duyệt.

Nhận định của chuyên viên phân tích

Mặc dù các cảng phía bắc của GMD đang cho thấy sự phục hồi đáng khích lệ, nhưng chúng tôi lo ngại về khả năng sinh lời thấp tại GML trong ngắn hạn có thể làm giảm lợi nhuận Q1-2021 của GMD. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng khối lượng thông lượng sẽ cải thiện tích cực tại GML cũng như cảng NDV vào cuối năm 2021 và xa hơn vào năm 2022 nhờ các dịch vụ vận chuyển mới được thành lập.

Do đó, Công ty Chứng khoán Rồng Việt khuyến nghị tích lũy GMD khi giá cổ phiếu suy yếu trong trường hợp KQKD Q1-2021 kém khả quan. Chúng tôi đang xem xét cập nhật dự phóng và định giá của GMD.

Gemadept (Mã GMD)

Gemadept được thành lập vào năm 1990, tiên phong cùng đất nước khởi nghiệp và trở thành một trong ba công ty đầu tiên được chính phủ chọn thí điểm cổ phần hoá vào năm 1993. Từ năm 2002, Gemadept chính thức được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trải qua hành trình phát triển suốt 3 thập kỷ, tự hào là doanh nghiệp đi đầu, mở ra những con đường kết nối hàng hóa Việt Nam ra với thế giới. Gemadept, kiên định, mạnh mẽ vươn lên trong vai trò nhà khai thác Cảng và Logistics hàng đầu cả nước.

Ngày nay, nói đến Gemadept là nói đến mạng lưới Cảng và Logistics quy mô, hiện đại bậc nhất tọa lạc tại những vị trí huyết mạch của nhiều tỉnh thành trong cả nước và vươn sang các quốc gia trong khu vực. Càng tự hào hơn khi nói đến Gemadept là nói đến người bạn đồng hành đáng tin cậy hàng nghìn khách hàng, đối tác trong và ngoài nước đã tin tưởng, ủng hộ Gemadept trong suốt những năm qua.   

Với quy mô hàng chục công ty con và công ty liên doanh liên kết, đặc biệt với những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế đất nước, Gemadept nhiều năm liền được vinh danh trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Top 1000 doanh nghiệp đóng góp nhiều nhất vào ngân sách quốc gia, Top doanh nghiệp Logistics hàng đầu Việt Nam, Top 50 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam do Forbes bình chọn, v.v…

Vững vàng tiến vào kỷ nguyên phát triển mới, Gemadept tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu, nâng cao năng lực cốt lõi; tăng cường đội ngũ CBCNV vững chuyên môn, giỏi nghiệp vụ và đầy nhiệt huyết; đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới, quy mô và phạm vi cung cấp dịch vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại và cải tiến chất lượng dịch vụ nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh, đồng thời mang đến những giá trị vượt trội cho khách hàng, đối tác, cổ đông… Song song đó, Công ty luôn chú trọng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chăm lo đời sống CBCNV, đóng góp vào ngân sách quốc gia, thực hiện các công tác xã hội, từ thiện, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, v.v… chung tay xây dựng đất nước Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững.

VNDirect & SSI & Rồng Việt
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: [email protected]. Trân trọng.