Cập nhật cổ phiếu SSB (SeABank): bán 100% vốn tại Tài Chính Bưu Điện (PTF) cho AEON Financial

CHIỀU THU

20/10/2023 14:17

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã SSB) chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Tài Chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) tương đương 100% vốn điều lệ PTF cho AEON Financial Service Co., Ltd. - thành viên của AEON Group - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, với giá 4,300 tỷ đồng.

Công ty Tài Chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) thành lập vào tháng 10/1998, là một trong những tổ chức tín dụng phi ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam và được SeABank nhận chuyển nhượng 100% vốn góp từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vào năm 2018.

Sau khi chuyển giao cho SeABank và tiến hành tái cơ cấu, PTF đã tập trung xây dựng và cung cấp nhiều loại hình cho vay với thủ tục nhanh gọn; đa dạng hóa sản phẩm với lãi suất cho vay hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu thiết yếu, đa dạng từ khách hàng.

Bên cạnh đó, PTF còn tập trung phát triển mạng lưới, mở rộng đối tác kinh doanh, đặc biệt ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển sản phẩm dịch vụ, số hóa quy trình nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng. Để đảm bảo cơ chế vận hành an toàn và lành mạnh, PTF cũng đã tiến hành kiện toàn chất lượng đội ngũ nhân sự, xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản trị. Hiện tại PTF có vốn điều lệ 1.550 tỷ đồng, tổng số nhân sự gần 2.000 nhân sự và phục vụ gần 200.000 khách hàng tại 30 tỉnh thành phố trên cả nước.

Việc chuyển nhượng 100% vốn góp của PTF cho AEON Financial Service sẽ giúp SeABank có thêm nguồn lực để tăng cường năng lực tài chính, mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở các phân khúc trọng tâm, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ được yêu thích nhất.

Sau khi ký kết hợp đồng, hai bên sẽ xin ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền cũng như sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để hoàn tất giao dịch chuyển nhượng

Cập nhật ngày 3/1/2023: sắp bán 95 triệu cổ phiếu cho quỹ ngoại

Hội đồng quản trị Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank, SSB) vừa thông qua phương án chào bán riêng lẻ gần 95 triệu cổ phiếu (tương ứng 4,63% cổ phần đang lưu hành và hơn 3,7% sau phát hành) cho Norwegian Investment Fund (Norfund) của Na Uy.

Mức giá chào bán dự kiến không thấp hơn giá trị sổ sách của SeABank (12.861 đồng mỗi cổ phiếu) và không vượt quá 120% mức trung bình giá cổ phiếu SSB trong 30 phiên gần nhất (37.032 đồng mỗi cổ phiếu). Dự kiến nhà băng này thu về tối thiểu hơn 1.200 tỷ đồng từ việc phát hành.

Toàn bộ lượng cổ phần chào bán cho Norfund sẽ bị hạn chế chuyển nhượng một năm. Việc thực hiện dự kiến trong năm nay hoặc thời điểm khác do Hội đồng quản trị quyết định.

Cùng với nội dung phát hành riêng lẻ, SeABank cũng thông qua việc tạm khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 1,2877% để đảm bảo "room" ngoại sau phát hành không vượt quá 5%.

SeABank là một trong số ít những ngân hàng hiện chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài. Vấn đề này được các cổ đông SeABank nhắc tới liên tục trong phiên họp thường niên những năm gần đây.

Năm 2018, cổ đông chiến lược nước ngoài là Tập đoàn Société Générale đã thoái toàn bộ phần vốn sở hữu tại SeABank. Cổ đông này bắt đầu đầu tư và sở hữu 15% vốn của SeABank từ năm 2008. Những năm sau đó, Société Générale tiếp tục mua thêm để nâng sở hữu tại SeABank lên mức tối đa 20%.

Sau khi Société Générale thoái vốn, SeABank khóa room ngoại về mức 0%, sau đó nâng lên 5% từ tháng 8/2021.

Cập nhật ngày 3/1/2023: SeABank có Tổng giám đốc mới

Ông Loic Faussier, quốc tịch Pháp, được Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) bổ nhiệm làm tổng giám đốc từ ngày 3/1, trong thời hạn hai năm.

Trước khi ông Loic Faussier được bổ nhiệm, ghế Tổng giám đốc của SeABank đã để trống nửa năm, tính từ khi bà Lê Thu Thủy từ nhiệm vào tháng 7/2022. Khi đó, ông Loic Faussier được cử làm Phó tổng giám đốc cao cấp phụ trách điều hành ngân hàng.

Ông Loic Faussier sinh năm 1972 tại Pháp, có hai bằng thạc sĩ ngành Tài chính và Luật kinh doanh. Ông có hơn 25 năm làm việc tại các tổ chức tài chính, ngân hàng lớn ở Pháp, Hong Kong, Nhật Bản.

Tại Việt Nam, ông từng là Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB) trước khi chuyển sang công tác tại SeABank. Ngoài vị trí phó tổng giám đốc, ông từng là thành viên độc lập Hội đồng quản trị SeABank nhiệm kỳ 2018-2023.

Ông Loic Faussier đang sở hữu 200.000 cổ phiếu SSB, tương ứng giá trị thị trường khoảng 6,6 tỷ đồng. Số cổ phiếu này được ông mua thông qua chương trình phát hành ưu đãi cho người lao động năm ngoái.

Từ nay, ban điều hành SeABank gồm Tổng giám đốc và 9 Phó tổng giám đốc.

Cập nhật ngày 27/7/2022: 4 phó tổng giám đốc Ngân hàng SeABank đồng loạt bán hơn 9 triệu cổ phiếu SSB

4 Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - SSB) đăng ký "giảm tỷ lệ sở hữu". Các giao dịch này dự kiến được thực hiện từ 28/7 đến 26/8, thông qua hình thức khớp lệnh hoặc thoả thuận.

Cụ thể, Phó tổng giám đốc Hoàng Mạnh Phú muốn bán hơn 3 triệu cổ phiếu SSB trên tổng hơn 6,8 triệu cổ phiếu nắm giữ, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu về 0,193% nếu giao dịch thành công. Ông Lê Quốc Long và ông Vũ Đình Khoán cũng đăng ký giao dịch hơn 2,9 triệu cổ phiếu, đưa tỷ lệ sở hữu về tương ứng 0,23% và hơn 0,19%.

Giao dịch còn lại là của bà Đặng Thu Trang với khối lượng đăng ký 116.400 cổ phiếu.

Ước tính, 4 lãnh đạo này đăng ký bán ra hơn 9 triệu cổ phiếu SSB với tổng giá trị thị trường gần 287 tỷ đồng (theo mức giá 31.650 đồng mỗi cổ phiếu SSB, chốt phiên 25/7). Sau khi rớt mạnh về dưới 28.000 đồng, giá cổ phiếu SSB gần đây hồi phục lên vùng 31.000 đồng, tăng 14% so với đầu tháng 6.

Đại diện SeaBank cho biết, đây đều là những lãnh đạo cấp cao, có thâm niêm và cam kết làm việc lâu dài cũng như tiếp tục nắm giữ lượng lớn cổ phiếu SSB. Ngoài ra, cuối quý III/2022 ngân hàng này dự kiến phát hành 59,4 triệu cổ phiếu ESOP theo chương trình lựa chọn cho người lao động để ghi nhận hiệu quả công việc và đóng góp của các cán bộ quản lý và nhân viên.

Ở chiều ngược lại, vào đầu tháng 7, bà Nguyễn Thị Nga – Phó chủ tịch SeABank đăng ký mua vào 2,8 triệu cổ phiếu SSB và dự kiến nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 3,4% (hơn 68,1 triệu cổ phiếu).

Trong tháng 7, nhà băng này vừa có thay đổi nhân sự cấp cao khi con gái bà Nga là bà Lê Thu Thuỷ thôi làm tổng giám đốc. Thay vào đó, Phó tổng giám đốc Faussier Loic Michel Marc được Hội đồng quản trị SeABank cử phụ trách điều hành từ 11/7. Tuy thôi chức tổng giám đốc nhưng bà Lê Thu thuỷ vẫn đảm nhiệm cương vị Phó chủ tịch hội đồng quản trị.

Nửa đầu năm, SeABank công bố lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 2.800 tỷ đồng, tăng 180% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,65% vào cuối năm ngoái xuống 1,6% vào cuối quý II. Trong 6 tháng đầu năm, nhà băng này đã phát hành 211,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và thêm 109,7 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Thông qua hai đợt phát hành này, vốn điều lệ của SeABank tăng từ gần 16.600 tỷ đồng lên hơn 19.800 tỷ đồng.

Cập nhật ngày 26/6/2021: MobiFone sắp bán hết cổ phiếu SeABank (SSB)

Hội đồng thành viên Tổng công ty viễn thông MobiFone mới đây đã phê duyệt phương án chuyển nhượng cổ phần tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - SSB).

Theo đó, từ nay đến hết năm 2021, MobiFone muốn bán toàn bộ 8.781 cổ phiếu SSB theo phương thức khớp lệnh trên sàn. Giá khởi điểm chào bán được doanh nghiệp đưa ra là 40.050 đồng/cổ phiếu.

Giá khởi điểm không thấp hơn giá tham chiếu bình quân 30 ngày liên tiếp trước ngày phê duyệt phương án thoái vốn và giá tham chiếu trước ngày phê duyệt phương án 1 ngày.

Ước tính theo mức giá này, MobiFone có thể thu về khoảng 350 triệu đồng. Trong khi đó, kết phiên 25/6, giá cổ phiếu SSB đứng ở mức 40.100 đồng/cổ phiếu.

mobifone ban co phan seabank anh 1

MobiFone ước tính thu về 350 triệu đồng từ đợt thoái vốn cổ phiếu SeABank. Ảnh: SSB.

Năm 2016, MobiFone từng chào bán hơn 33,4 triệu cổ phiếu SeABank với mức giá khởi điểm 9.600 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên không có nhà đầu tư nào đăng ký mua.

Hai năm sau, cụ thể là đầu năm 2018, MobiFone tiếp tục rao bán số cổ phần này và bất ngờ nhận được lượng đăng ký mua cao gấp đôi, giúp doanh nghiệp bán thành công gần hết và ước thu về hơn 330 tỷ đồng.

Cuối tháng 6, SeABank được tiết lộ là một trong 3 ngân hàng sẽ cho Vietnam Airlines vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng, giải ngân trong giai đoạn tháng 6-7.

Giới thiệu về SeABank (mã SSB)

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) có trụ sở chính tại 198 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội, SeABank được biết đến là một trong nhóm dẫn đầu các ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam về qui mô vốn điều lệ, mạng lưới hoạt động, mức độ nhận biết thương hiệu và tốc độ tăng trưởng ổn định.

Thành lập từ năm 1994, hiện nay, vốn điều lệ của SeABank là gần 20.403 tỷ đồng, tổng tài sản đạt hơn 231 nghìn tỷ đồng và một mạng lưới hoạt động trên khắp 3 miền đất nước với 180 chi nhánh và điểm giao dịch.

Sứ mệnh 
Phục vụ với sự tận tâm, nhiệt huyết để mang đến cuộc sống hạnh phúc hơn và một tương lai thịnh vượng cho cộng đồng.

Tầm nhìn
Trở thành ngân hàng được yêu thích nhất tại Việt Nam, cung cấp đầy đủ, đa dạng các sản phẩm và dịch vụ tài chính với trải nghiệm tốt nhất cho mọi đối tượng khách hàng. SeABank cam kết minh bạch thông tin và mang tới dịch vụ hoàn hảo cùng lợi ích cao nhất cho khách hàng, nhà đầu tư, đảm bảo sự phát triển bền vững của Ngân hàng 

Chiến lược phát triển
Xây dựng và phát triển SeABank trở thành ngân hàng bán lẻ tiêu biểu tại Việt Nam là chiến lược phát triển cốt lõi của SeABank trong thời gian tới. Trong chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ, SeABank sẽ tập trung đặc biệt vào khách hàng cá nhân, đồng thời phát triển mảng doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như doanh nghiệp lớn. Các sản phẩm, dịch vụ của SeABank được thiết kế đa dạng phù hợp với nhu cầu và năng lực tài chính của từng đối tượng và phân khúc khách hàng.

Phương châm hoạt động
Phát triển toàn diện, an toàn, hiệu quả và bền vững đóng góp vào sự phồn thịnh của nền kinh tế và xã hội đất nước.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: [email protected]. Trân trọng.