Nợ xấu ngân hàng tăng lên mức đáng lo ngại

ĐĂNG NGUYÊN

13/10/2023 16:58

Tổng số dư nợ xấu tại nhiều ngân hàng đã tăng vọt, phản ánh tình hình kinh doanh kém khởi sắc không chỉ của riêng ngành ngân hàng mà của cả nền kinh tế.

Nợ vay bất động sản tăng hơn 11.100 tỉ đồng - Ảnh 1.

Giữa dịch bệnh, nợ vay bất động sản quý 2 vẫn tăng mạnh - Ảnh: Đ.C.

Đây là số liệu mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố. Với tỷ lệ này, số dư nợ xấu của toàn hệ thống đến cuối tháng 7 là hơn 440.000 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu trên đã bao gồm cả 5 nhà băng đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Sài Gòn (SCB), Đông Á (Dong A Bank), Xây Dựng (CBBank), Đại Dương (OceanBank) và Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Nếu loại trừ 5 ngân hàng này ra, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các nhà băng hiện ở mức 1,92%.

Còn nếu tính nợ xấu nội bảng cộng thêm các khoản nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng (gồm các khoản được giữ nguyên nhóm, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn thành nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...), tỷ lệ này theo Ngân hàng Nhà nước, chiếm 6,16% (tương đương 768.000 tỷ đồng) so với tổng dư nợ tín dụng.

Đầu 2019, Chính phủ từng đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ngành ngân hàng về dưới 2%. Theo đó, tỷ lệ này cuối 2020 chỉ ở mức 1,69%, sau đó lên 2% vào cuối 2022.

Tuy nhiên, Covid-19 cộng với loạt biến cố kinh tế toàn cầu và trong nước khiến nợ xấu có xu hướng tăng liên tục 4 năm gần đây. Nhóm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó, thị trường bất động sản và trái phiếu "đóng băng" cộng với sự cố tại SCB vào tháng 10 năm ngoái là những yếu tố bất lợi, tác động lên nợ xấu của toàn hệ thống.

Chất lượng tín dụng của nhiều ngân hàng cũng đi xuống rõ rệt trong một năm trở lại đây. Bảy ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán có tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 6 vượt 3%, gồm NCB là 25,6%, ABBank 4,5%, BVBank 4,4%, VPBank 3,9%, VietBank 3,9%, OCB 3,18% và PGBank là hơn 3%.

Nếu không kiểm soát được nợ xấu dưới ngưỡng quan trọng 3%, các ngân hàng có thể bị giới hạn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, như không được mua trái phiếu doanh nghiệp, cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư kinh doanh cổ phiếu hay không được mua và nắm giữ cổ phiếu nhà băng khác...

Theo đánh giá của cơ quan quản lý, chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục chịu áp lực thời gian tới. Lãnh đạo một số nhà băng cho rằng nhiều khả năng nợ xấu sẽ đạt đỉnh vào quý III năm nay và có xu hướng giảm dần từ đầu năm sau.

Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận tình hình kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động khi diễn biến xung đột Nga - Ukraine trở nên phức tạp, gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng nguy cơ lạm phát, ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều nền kinh tế. Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro suy thoái, đặc biệt là sau sự cố liên quan đến một số ngân hàng tại Mỹ.

Hiện tại, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nợ quá hạn tăng, thị trường bất động sản ảm đạm khiến việc xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản càng thách thức.

Cập nhật ngày 28/7/2023: Nợ xấu tại nhiều ngân hàng tăng đáng lo ngại

Cập nhật báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho thấy, tổng số dư nợ xấu tính đến hết quý II/2023 của ngân hàng này tăng mạnh gần gấp 3 lần so với đầu năm, lên 3.912 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng gấp 5,6 lần lên thành 2.146 tỷ đồng; nợ nghi ngờ cũng tăng gần gấp 2,5 lần, lên gần 1.130 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ của ngân hàng vì thế đã tăng mạnh từ mức 0,84% hồi đầu năm lên mức 2,21%.

Tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank), tổng nợ xấu tại ngày 30/6/2023 ghi nhận mức 1.756 tỷ đồng, tăng vọt 58% so với đầu năm. Trong đó đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn của BaoVietBank tăng gấp đôi lên 1.523 tỷ đồng, nợ nghi ngờ cũng tăng 41% lên 154 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 3,34% lên tới 4,69%.

Tương tự, dư nợ xấu tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng tăng đến 61% so với hồi đầu năm, lên mức 3.820 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2023. Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh lên 4,55% thay vì mức 2,89% hồi đầu năm nay.

Không nằm ngoài xu hướng, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) ghi nhận nợ xấu tăng hơn 32% so với hồi đầu năm, lên khoảng 679 tỷ đồng, chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh 316% lên 175 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay dù vẫn ở mức thấp là 0,7%, nhưng đã tăng đáng kể so với tỷ lệ 0,55% vào đầu năm.

Là một trong những ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) ghi nhận nợ có khả năng mất vốn tăng đến 80% sau nửa đầu năm, lên mức 2.438 tỷ đồng. Tổng số dư nợ xấu theo đó cũng tăng mạnh 65% lên thành 5.656 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank), nợ xấu sau 6 tháng qua cũng tăng thêm gần 12,7% kéo tỷ lệ nợ xấu lên mức 2,77% tính đến hết tháng 6/2023.

Vừa công bố báo cáo tài chính với nhiều điểm sáng như lợi nhuận hoàn thành hơn một nửa kế hoạch năm cùng sự hồi phục của dòng tiền gửi không kỳ hạn (CASA), nhưng Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng ghi nhận số liệu nợ xấu gia tăng sau nửa đầu năm.

Tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng này từ mức 0,9% hồi cuối năm 2022 đã tăng nhẹ lên 1,07% tại thời điểm cuối quý II/2023; trong khi đó tỷ lệ bao phủ nợ xấu từ 125% vào cuối năm trước nay lại giảm còn 115,8%.

Theo Techcombank, nợ xấu tăng nhẹ chủ yếu từ nhóm khách hàng bán lẻ do tăng trưởng dư nợ cho vay không thế chấp của ngân hàng và kinh tế tăng trưởng chậm lại cùng khó khăn của ngành bất động sản. Đồng thời, tác động từ phân loại lại nợ theo Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), chủ yếu liên quan đến dư nợ vay mua nhà tại các ngân hàng khác cũng khiến nợ xấu tại ngân hàng này nhích tăng. Nếu loại bỏ tác động của CIC, tỷ lệ nợ xấu của Techcombank được kiểm soát ở mức 0,9%.

Cập nhật ngày 24/5/2022: Nợ xấu cao đáng lo ngại trong mảng bất động sản, vay tiêu dùng, BOT...

Sáng 24-5, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã báo cáo tính đến 31-12-2021, toàn hệ thống đã xử lý được 380.200 tỉ đồng nợ xấu, bằng 47,9% số nợ xấu theo nghị quyết số 42 tại thời điểm 15-8-2017. Trong số này có 148.000 tỉ đồng do khách hàng tự trả nợ (chiếm 38,93%), cao hơn so với mức 22,8% trung bình năm từ 2012-2017. 

Đồng thời kết quả xử lý, bán, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của tổ chức tín dụng và VAMC đạt 77.200 tỉ đồng, chiếm 20,3%.

Trong bối cảnh thế giới diễn biến khó lường, lạm phát gia tăng, đại dịch vẫn còn ảnh hưởng tới kinh tế, doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, bà Hồng cho biết nợ xấu có xu hướng gia tăng.

Trường hợp đánh giá thận trọng đến hết năm 2021, tỉ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao 6,31%; nợ xấu chưa xử lý vẫn ở mức cao 412.700 tỉ đồng, tỉ lệ khách hàng tự trả giảm do dịch COVID-19 tác động đến tài chính.

Đến hết ngày 15-8-2022, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo nghị quyết số 42 sẽ không được áp dụng, việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

"Việc này sẽ kéo dài quá trình xử lý nợ xấu, không khuyến khích, huy động được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng" - bà Hồng đánh giá. Vì vậy Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của nghị quyết số 42 đến ngày 31-12-2023; nghiên cứu và đề xuất quy định liên quan đến xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo để trình Quốc hội.

Đánh giá cao những kết quả trong xử lý nợ xấu với nhiều hình thức đa dạng, nợ xấu cơ bản được kiểm soát, nhưng trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh - chủ nhiệm ủy ban - cho rằng kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro. 

Đáng chú ý, một số lĩnh vực có nợ xấu chiếm tỉ trọng cao như bất động sản (chiếm 18,4%); cho vay tiêu dùng (chiếm 25,8%); BOT, BT giao thông (3,92%)...

Cập nhật ngày 8/8/2021: Nợ vay bất động sản tăng hơn 11.100 tỉ đồng

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, các doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn gia tăng vay vốn ngân hàng để đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước ghi nhận đến ngày 30-6-2021, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 672.224 tỉ đồng, tương đương 29 tỉ USD.

Đáng lưu ý, tổng nợ vay đầu tư các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà 166.561 tỉ đồng, chiếm 24,8%; và tổng nợ vay đầu tư kinh doanh bất động sản khác khoảng 190.756 tỉ đồng, chiếm 28,3% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Bên cạnh đó, tổng nợ vay đầu tư các dự án văn phòng, cao ốc cho thuê khoảng 54.946 tỉ đồng; nợ vay đầu tư các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất khoảng 27.464 tỉ đồng; nợ vay đầu tư các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 26.204 tỉ đồng.

Tương tự, nợ vay đầu tư các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 53.582 tỉ đồng; nợ vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán đạt 99.547 tỉ đồng; nợ vay mua đất nền khoảng 53.164 tỉ đồng.

Cũng liên quan tới dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản, theo Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, tính đến cuối 6 tháng năm nay, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản đạt 192.203 tỉ đồng.

Theo đó, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đạt 176.828 tỉ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020.

Số liệu của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam ghi nhận trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước nhóm các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng giá trị phát hành đạt 4.950 tỉ đồng.

Ngoài ra, trong quý 2, có 2 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế của Tập đoàn Vingroup đạt 500 triệu USD và trái phiếu xanh của Công ty cổ phần Bất động sản BIM đạt 200 triệu USD. Lãi suất phát hành trái phiếu bất động sản dao động từ 9,5-11%/năm.

Nợ xấu là gì?

Nợ xấu (Non-Performing Loan - NPL) là những khoản nợ đã quá hạn chưa thanh toán hơn 90 ngày, tính từ ngày đến hạn đầu tiên chưa thực hiện nghĩa vụ khoản vay. Các khoản nợ hiện nay được phân thành 5 nhóm, đánh số từ 1 - 5. Trong đó, nợ xấu là các khoản nợ từ nhóm 3 - 5.

Tại Việt Nam, các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng vẫn thường xuyên thực hiện phân loại nợ, đồng thời thực hiện trích lập dự phòng với các khoản thuộc nhóm nợ xấu. Tuy nhiên, đây là các khoản nợ nội xấu nội bảng. Ngoài các tổ chức này, Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (viết tắt là CIC) hiện đang thực hiện tiếp nhận thông tin về lịch sử tín dụng của các tổ chức tín dụng trong nước. Bạn có thể truy cập vào dữ liệu của trung tâm này để tra cứu và tìm hiểu thông tin hoàn toàn miễn phí.

Trong năm 2022 vừa qua, nợ xấu của nền kinh tế đang có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng đến hoạt động hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng đang gặp phải thách thức lớn trong bối cảnh suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất huy động tăng cao.

Nguyên nhân gây ra nợ xấu

Cá nhân, doanh nghiệp có nợ xấu phát sinh do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do kế hoạch và phương án quản lý tài chính:

Thẻ tín dụng thanh toán trễ hạn hoặc không được thanh toán phần tối thiểu.

Khoản vay không được thanh toán các phí phạt do chậm thanh toán.

Người vay không đủ khả năng thanh toán cho các khoản vay: thấu chi, thẻ tín dụng, các khoản mua trả góp,...

Người vay liên quan đến kiện tụng nên không còn khả năng trả nợ.

Dù với nguyên nhân gì, người vay bị nợ xấu đều chịu hậu quả nặng nề, ít nhất trong hoạt động hỗ trợ tín dụng của các NHTM.

Phân loại nợ xấu

Nợ nhóm 1 - Nợ đủ tiêu chuẩn. Nhóm 1 bao gồm các khoản nợ như sau:

Khoản nợ trong hạn thanh toán và được NH đánh giá có khả năng thu hồi nợ.

Khoản nợ quá hạn tối đa 9 ngày và được NH đánh giá có khả năng thu hồi nợ quá hạn và thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi còn lại đúng hạn.

Nợ nhóm 2 - Nợ cần chú ý. Các khoản nợ thuộc nhóm này bao gồm: Khoản nợ quá hạn từ 10 đến 90 ngày; Khoản nợ được cơ cấu nợ lần đầu còn trong kỳ hạn.

Nợ nhóm 3 - Nợ dưới tiêu chuẩn. Các khoản nợ dưới tiêu chuẩn bao gồm: Khoản nợ quá hạn trên 90 ngày đến 180 ngày; Khoản nợ được cơ cấu nợ lần đầu còn quá hạn tối đa 29 ngày theo lịch trả nợ đã cơ cấu; Khoản nợ được cơ cấu thời gian trả nợ lần thứ hai; Khoản nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không còn đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng tín dụng.

Nợ nhóm 4 - Nợ nghi ngờ. Nhóm này bao gồm các khoản nợ: Khoản nợ quá hạn từ 181 - 360 ngày; Khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 30 đến dưới 90 ngày so với hạn trả nợ đã được gia hạn; Khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần hai quá hạn dưới 30 ngày theo lịch trả nợ đã cơ cấu.

Nợ nhóm 5 - Nợ có khả năng mất vốn. Các khoản nợ được ngân hàng xếp vào nhóm có khả năng mất vốn bao gồm: Khoản nợ quá hạn trên 360 ngày; Khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạ từ 90 ngày trở lên so với thời hạn cơ cấu lại lần đầu; Khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần hai đã quá hạn thanh toán 30 ngày so với thời hạn được cơ cấu; Khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần ba trở lên, dù đã quá hạn hay chưa; Trong số các nhóm này, nợ nhóm 3 - 5 được xếp vào nhóm nợ xấu.

Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: [email protected]. Trân trọng.