Phân tích cổ phiếu TPB (Ngân hàng TPBank): giá mục tiêu xuống 21.800 đồng/cp

VNDirect & VCBS & Bảo Việt

16/08/2023 10:30

Trong nửa cuối năm 2023, kỳ vọng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank, mã TPB) sẽ có kết quả kinh doanh tốt hơn

tpb-bank-1617879374.jpeg

TPB (TPBank) là ngân hàng trẻ tư nhân năng động, tích cực đổi mới trong sản phẩm và công nghệ. Với nỗ lực chuyển đổi số và tiên phong trong thiết kế sản phẩm, TPB đang đạt được những thành tựu đáng kể.

Tác động tiêu cực bởi chi phí vốn dâng cao

Thu nhập lãi (NII) trong Q2/23 giảm 10,0% svck do (1) tín dụng tăng trưởng 11,8% svck và (2) NIM của Q2/23 giảm 0,9 điểm % svck xuống còn 3,4% do chi phí vốn (CoF) tăng 2,48 điểm % svck trong môi trường lãi suất cao, trong khi lợi suất tài sản (AY) chỉ tăng 1,47 điểm % svck.

Thu nhập ngoài lãi giảm 23% svck trong Q2/23 do không còn 265 tỷ đồng lãi từ hoàn nhập một lần dự phòng chứng khoán sẵn sàng để bán (AFS) như trong Q2/22. Nhìn chung, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của TPB đạt 3.917 tỷ đồng, giảm 14,3% svck trong Q2/23.

Bộ đệm dự phòng giúp giảm thiểu tác động tiêu cực

CIR (tỷ lệ chi phí trên thu nhập) của TPB trong Q2/23 tăng lên 49,3% từ mức 38,5% trong Q2/22, do TOI thấp hơn trong khi chi phí hoạt động tăng 9,5% svck. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng CIR của TPB sẽ cải thiện từ nửa cuối năm 2023 trở đi do (1) NH đã giảm 4% tổng số nhân viên kể từ đầu năm trong 6T23, (2) NH tiếp tục phát triển công nghệ giao dịch sinh trắc học.

Trong bối cảnh chi phí tăng, TPB giảm chi phí dự phòng 43% svck trong Q2/23 bằng cách sử dụng bộ đệm dự phòng, dẫn đến LLR (tỷ lệ bao phủ nợ xấu) của Q2/23 là 60,9% (Q1/23 là 83,9%). Chất lượng tài sản trong Q2/23 suy giảm, với tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,2% (Q1/23: 1,4%). Nhìn chung, LN ròng của TPB giảm 25,3% svck xuống còn 1.732 tỷ đồng trong Q2/23.

Triển vọng cuối năm tươi sáng hơn

Trong nửa cuối năm 2023, chúng tôi kỳ vọng TPB sẽ có kết quả kinh doanh tốt hơn do (1) tăng trưởng tín dụng cuối năm 2023 tăng tốc đạt 13,9% sv đầu năm từ mức 6,8% sv đầu năm trong 6T23 nhờ môi trường lãi suất thấp; (2) NIM mở rộng 0,1-0,2 điểm % so với 6T23 nhờ hai chính sách cắt giảm lãi suất gần đây sẽ có hiệu lực hoàn toàn từ nửa cuối năm trở đi trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng tăng tốc; và (3) giảm áp lực trích lập nhờ TT02 cho phép giữ nguyên nhóm nợ và cơ cấu lại nợ.

Cho cả năm 2023, LN ròng của TPB có thể đạt ~6.000 tỷ đồng (-4,1% svck) với kỳ vọng NIM và tăng trưởng tín dụng lần lượt là 3,6% và 13,9% sv đầu năm.

Giá mục tiêu thấp hơn là 21.800 đồng

VNDirect hạ 12,3%/4,4% dự phóng EPS cho năm 2023–24 với giả định rằng (1) NIM thay đổi -23/+14 điểm cơ bản và (2) chi phí tín dụng biến động -0,5%/+0,4% so với dự báo trước đó. Ngoài ra, chúng tôi đã điều chỉnh chi phí vốn từ 14,1% lên 14,5% do hệ số beta cao hơn, trong khi lãi suất phi rủi ro và phần bù rủi ro thấp hơn do CDS của Việt Nam thu hẹp so với đầu năm. Do đó, giảm giá mục tiêu xuống còn 21.800 đồng, thấp hơn 2,2%.

Tiềm năng tăng giá bao gồm (1) NIM cao hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá bao gồm (1) tăng trưởng tín dụng yếu hơn dự kiến và (2) dự phòng nợ xấu cao hơn dự kiến.

Cập nhật ngày 1/6/2022: khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG, định giá 32.961 đồng/cp

Triển vọng

(1) Tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở mức trung bình ngành, khoảng 18%: TPB tập trung vào nhóm khách hàng trẻ “high-tech” yêu thích trải nghiệm công nghệ trong khi thu nhập vẫn còn khiêm tốn hơn nhóm khách hàng trung niên giàu có, do đó thu nhập và dư nợ vay bị ảnh hưởng nhiều hơn do dịch bệnh.

(2) Tăng cường các điểm livebank nhằm giảm chi phí vật lí và nhân sự: TPB phát triển nhiều điểm giao dịch ngân hàng sống “livebank” giúp giảm chi phí thuê địa điểm và nhân sự giải quyết các giao dịch cơ bản như rút/ gửi tiền, chuyển tiền tại quầy…

Chiến lược tập trung vào nhóm khách hàng trẻ giúp tăng trưởng CASA, bệ đỡ duy trì chi phí huy động trong áp lực lãi suất huy động có kì hạn tăng nhẹ. Giai đoạn 2015 – 2021, TPB chứng kiến CASA tăng trưởng bốn lần, từ gần 7500 tỷ lên gần 31 nghìn tỷ đồng.

Nhờ sự tập trung trong chuyển đổi số hóa và tiên phong trong thiết kế sản phẩm giao dịch 0 đồng, TPB thu hút chủ yếu nhóm khách hàng cá nhân trẻ, yêu thích trải nghiệm công nghệ và tiết kiệm chi phí giao dịch. Theo chia sẻ của Ban Lãnh đạo ngân hàng, TPB là ngân hàng đầu tiên có thể thực hiện 2 triệu giao dịch/ phút, liên kết với nhiều ngân hàng và đối tác trên nền tảng giao dịch online, đáp ứng nhu cầu giao dịch của giới trẻ, đặc biệt trong các ngày ưu đãi mua sắm như Black Friday,…

TPB tự tin về công nghệ số tiên phong của mình luôn có lợi thế nhất định, bỏ xa đối thủ đang thiết kế các sản phẩm tương tự. Đội ngũ IT của TPB tự triển khai được các dự án số như eKYC không cần nhân viên trực tiếp hỗ trợ,…

Khuyến nghị:

TPB là ngân hàng trẻ tư nhân năng động, tích cực đổi mới trong sản phẩm và công nghệ. Với nỗ lực chuyển đổi số và tiên phong trong thiết kế sản phẩm, TPB đang đạt được những thành tựu đáng kể.

Dự phóng của VCBS dựa trên một số giả định chủ yếu sau: (1) Tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 18% cho năm 2022. (2) Lợi suất sinh lời của tài sản sinh lãi đạt 7,64% năm 2022. (3) Chi phí vốn đạt 3,56%, NIM giảm nhẹ, đạt 4,2%. (4) Tỷ lệ nợ xấu thời điểm cuối năm 2022 là 1,5%. (5) Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 152,6%, tương đương năm 2021.

Như vậy, VCBS ước tính TPB có thể đạt 7.969 tỷ đồng LNTT năm 2022 (+31,97% yoy), tương đương EPS đạt 4.030 đồng/cổ phiếu và BVPS đạt 20.278 đồng/cổ phiếu.

Chúng tôi sử dụng mẫu so sánh bao gồm các ngân hàng niêm yết có hiệu quả kinh doanh tương đồng để thực hiện việc định giá: Với hệ số nhân P/B trung vị 1,6x, mức định giá hợp lý của TPB cho năm 2022 là 32.454 đồng/cổ phiếu.

Phương pháp thu nhập thặng dư (RI) thì Giá cổ phiếu TPB là 33.469.

Sử dụng kết hợp 2 phương pháp định giá P/B và thu nhập thặng dư RI với tỷ trọng cân bằng, VCBS ước tính TPB có thể đạt 7.969 tỷ đồng LNTT năm 2022 (+31,97% yoy) và khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG đối với cổ phiếu TPB với giá trị hợp lý năm 2022 là 32.961 đồng/cổ phiếu.

Cập nhật ngày 9/4/2021: Triển vọng KQKD lạc quan, giá hấp dẫn

Triển vọng tăng trưởng tín dụng mạnh hơn và NIM mở rộng; mở rộng cơ sở khách hàng vững chắc; Chi phí tín dụng thấp.  

Tín dụng của TPB trong quỹ đạo tăng trưởng cao

TPB là một trong những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất năm 2020. Tín dụng năm 2020 của TPB tăng 30,7% YoY lên 134.296 tỷ. Trong đó, cho vay khách hàng tăng mạnh 25,5% YoY lên 119,991 tỷ, trong khi đầu tư TPDN tăng mạnh 134,0% YoY lên 11.305 tỷ.

Trong danh mục cho vay cá nhân, cho vay mua nhà ở tăng 22,0% YoY lên 25,6 nghìn tỷ, là động lực tăng trưởng chính. Trong khi đó, dư nợ cho vay mua ô tô được đi ngang 17,5 nghìn tỷ (-0,2% YoY), nhằm khống chế hình thành nợ xấu sau nhiều năm tích cực mở rộng.

Huy động tăng trưởng tốt

Về phía nguồn vốn, tiền gửi của khách hàng Quý 4/2020 tăng trưởng tốt 25,4%, chủ yếu nhờ tiền gửi không kỳ hạn. Kết quả là, CASA đã tăng lên 19,4% Quý 4/2020 so với 16,9% Quý 3/2020 và 16,5% Quý 4//2019.

Có được điều đó là nhờ phần nào được thúc đẩy bởi sự mở rộng cơ sở khách hàng vững chắc và năng lực thu hút CASA mạnh mẽ nhờ vào nền tảng ngân hàng kỹ thuật số mạnh mẽ. Đến cuối Quý 4/2020, tập khách hàng của TPB tăng vững chắc 21,9% YoY lên 3,6 triệu, trong đó khách hàng cá nhân là 3,5 triệu (+21,9% YoY), trong khi khách hàng doanh nghiệp là 51.306 (+5,5% YoY).

Bên cạnh đó, TPB đã tích cực phát hành giấy tờ có giá trong Quý 4/2020 để tăng cường vốn trung và dài hạn. 

TPB là một trong số ít ngân hàng có NIM mở rộng năm 2020

NIM của TPB đã tăng đáng kể lên 11 bps YoY lên 4,32% năm 2020 từ 4,21% năm 2019, do chi phí vốn giảm nhờ chi phí tiền gửi và chi phí vay liên ngân hàng thấp hơn đã bù đắp nhiều hơn cho sự sụt giảm lợi suất tài sản sinh lãi. NIM của TPB đã tăng mạnh từ mức thấp 3,89% Quý 3/2020 lên mức cao nhất từ trước đến nay là 4,50% trong Quý 4/2020. Thu nhập từ lãi ròng (NII) Quý 4/2020 tăng ấn tượng 39% YoY lên 2.088 tỷ; tựu chung, NII năm 20 đạt 7.289 tỷ (+29,4% YoY).

Thu nhập ngoài lãi (NoII) tăng trưởng khiêm tốn 4,2% YoY Trong đó, thu nhập từ phí thuần tăng 8,0% YoY lên 1.267 tỷ (chiếm 41,1% NoII), chủ yếu được thúc đẩy bởi các dịch vụ thanh toán và tiền mặt mạnh mẽ (+35% YoY), trong khi hoa hồng banca không tăng trưởng đáng kể.

Nợ xấu (NPL) được khống chế tốt 

Cuối Quý 4/2020, nợ xấu của TPB có xu hướng giảm xuống 1,18% (-60 bps QoQ; -11 bps YoY) sau khi đạt mức cao 1,87% Quý 1/2020 nhờ vào tích cực xóa nợ xấu của TPB, bằng chứng là tỷ lệ writeoff tăng lên 0,91% năm 2020 từ 0,61% năm 2019. Nợ xấu Nhóm 2 cũng giảm đáng kể xuống 1,35% (-60 bps QoQ; -66 bps YoY).

Cơ cấu nợ xấu theo nhóm khách hàng - Nợ xấu từ cá nhân Quý 4/20 là 0,94% (-44 QoQ; +5 bps YoY), trong đó nợ xấu từ cho vay mua nhà là 0,09% (-6 bps QoQ; không đổi YoY), nợ xấu cho vay mua xe là 0,30% (-19 QoQ & YoY). Nợ xấu từ các doanh nghiệp lớn và DNVVN được kiểm soát chặt chẽ, có xu hướng giảm xuống 0,05% Quý 4/2020 (từ 0,06% trong Quý 4/2019) và 0,18% Quý 4/2020 (từ 0,33% trong Quý 4/2019).

Chi phí dự phòng tăng lên 1.783,3 tỷ (+37,4% YoY), tương ứng với chi phí tín dụng cao 1,65% trong năm 2020 từ mức 1,50% năm 2019. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu theo đó được tăng cường từ 98% năm 2019 lên 134,2% năm 2020.

Định giá TPB

Sau khi giá cổ phiếu ngành ngân hàng tăng mạnh so với đầu năm, giá cổ phiếu của TPB đang underperform so với toàn ngành ngân hàng, chỉ tăng 5,6% và do đó, chỉ nhỉnh hơn so với VCB (-0,1% YTD) và BID (-6,1% YTD).

Với nền tảng cơ bản đang tốt dần lên, Bảo Việt tin rằng mức định giá hiện tại của TPB (P/B năm 2021 là 1,38x với mức ROAE 23,2%) là hấp dẫn.

TPB giao dịch ở mức P/B năm 2021 là 1,38x, hấp dẫn so với mức trung bình ngành là 1,78x. Bảo Việt khuyến nghị OUTPERFORM với giá mục tiêu 1 năm theo phương pháp thu nhập thặng dư là 33.968 đồng/ cp.

Bên cạnh nền tảng ngân hàng số ưu việt, Công ty Chứng khoán Bảo Việt ưa thích TPB với sự kết hợp của lợi nhuận ròng tăng trưởng tích cực, ROAE mạnh mẽ, chất lượng tài sản được cải thiện.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank, mã TPB)

TPBank là một trong những ngân hàng tư nhân nhanh chóng phát triển và được đánh giá là một trong những ngân hàng tiên tiến nhất tại Việt Nam. Ngân hàng TPBank được thành lập vào năm 2008 với trụ sở chính tại thành phố Hà Nội.

Với sứ mệnh trở thành ngân hàng tiên tiến và sáng tạo, TPBank đã đầu tư mạnh vào công nghệ và inovative, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng điện tử tiên tiến như ngân hàng trực tuyến, thanh toán điện tử và ví điện tử. Ngoài ra, TPBank cũng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính truyền thống bao gồm tiền gửi, cho vay và thẻ tín dụng.

TPBank là một trong những ngân hàng tư nhân nhanh chóng phát triển nhất tại Việt Nam, với mạng lưới gồm hơn 300 điểm giao dịch và 24/7 trực tuyến với khách hàng trên toàn quốc. TPBank cũng có mặt tại nhiều quốc gia khác nhau thông qua mạng lưới các đối tác toàn cầu.

Với phương châm "khách hàng là trung tâm", TPBank cam kết cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính chất lượng cao nhất để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, và luôn chú trọng đến việc cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

VNDirect & VCBS & Bảo Việt
Quý vị có nhu cầu Hợp tác hoặc Mua lại mạng xã hội đã cấp phép này, xin gọi 0924.113837 hoặc liên hệ qua email: [email protected]. Trân trọng. 
Chang Vy

Chang Vy

10:32 16/08/2023

TPB này trầm quá, bạn bè cũng ko thấy ai xài thẻ hay tài khoản của bank này là sao nhỉ.