Mức giá mục tiêu được tính toán dựa trên sự kết hợp của hai phương pháp Chiết khấu lợi nhuận thặng dư (Residual Income) và phương pháp So sánh P/B, với tỷ trọng là 40% và 60%.
Tóm tắt luận điểm đầu tư: Tăng trưởng tín dụng của BIDV đang có dấu hiệu phục hồi. Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản hợp nhất đạt trên 1.762 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,23% so với đầu năm, cho vay khách hàng đạt trên 1,326 triệu tỷ đồng, tăng 11,56% so với đầu năm, tốc độ tăng tương đương thực hiện cùng kỳ các năm trước dịch bệnh (năm 2019 trở về trước) và tích cực hơn mức thực hiện cùng kỳ năm 2020, trong đó dư nợ tăng trưởng tốt ở các phân khúc khách hàng Bán lẻ, SME… kỳ vọng sẽ giúp NIM cao hơn.
Chất lượng tài sản được cải thiện (Nợ xấu xu hướng giảm và dự phòng trên nợ xấu tăng). BIDV có những cải thiện về chất lượng tài sản thông qua việc xử lý các tài sản có vấn đề và tăng rất mạnh tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro trong 2 năm gần đây, dự phòng trên nợ xấu tăng mạnh giúp BIDV có khả năng đề kháng tốt hơn với rủi ro dịch bệnh so với nhiều ngân hàng khác.
Thu nhập năm 2021 tăng trưởng ấn tượng bất chấp đại dịch: Lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt 10.879 tỷ đồng tăng trưởng 51,11% so với năm 2020, thu nhập lãi thuần năm 2021 đạt 46.818 tỷ đồng tăng mạnh 30,79% so với năm 2020.
BID được chấp thuận tăng vốn từ LNCPP lên tới 10.000 tỷ. Theo tờ trình của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ngân hàng muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 25,77% để tăng vốn điều lệ thêm 10.365 tỷ lên gần 50.590 tỷ đồng. Số cổ phiếu phát hành tối đa gần 1,037 tỷ, lấy từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2019 và lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2020. Thời gian phát hành dự kiến trong năm nay hoặc năm sau. Trong 2 năm tới NHNN sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống 65% và tỷ lệ sở hữu nước ngoài còn lại sẽ là 15%.
Rủi ro đầu tư: Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi, vì thế rủi ro lớn nhất khi đầu tư đến từ việc các dự phóng định giá bị sai lệch. Do là ngân hàng nhà nước nên BIDV phải thực thi các chính sách hỗ trợ DN ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhiều hơn các NHTM khác do vậy có thể ảnh hưởng tới các giả định của chúng tôi.
Cập nhật ngày 9/10/2021: Ngân hàng BIDV kiến nghị Chính phủ cho chia cổ tức tăng vốn
HĐQT BIDV đã thông qua phương án tăng vốn bằng việc chia cổ tức và phát hành cổ phiếu để chào bán. Tuy nhiên, đến nay ngân hàng vẫn chưa nhận được phê duyệt của cơ quan quản lý.
Đây là một trong 3 kiến nghị được ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV đưa ra tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng đại diện giới doanh nhân Việt Nam.
Cụ thể, tại buổi làm việc, ông Lâm đã có kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ cho BIDV và các tổ chức tín dụng Nhà nước. Đặc biệt là thông qua phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm nâng cao năng lực tài chính cho các nhà băng này.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, BIDV đã trình và được cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng, tương đương cao hơn 20,6% vốn điều lệ đến cuối năm 2020.
Sau đợt này, vốn điều lệ ngân hàng dự kiến tăng lên mức 48.524 tỷ đồng.
Trong đó, phương án này gồm phát hành tổng cộng 488,8 triệu cổ phiếu để chia trả cổ tức năm 2019-2020 với tổng tỷ lệ 12,2% (mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhân về 12,2 cổ phiếu mới). Thời gian thực hiện dự kiến diễn ra trong quý III-IV năm nay.
Sau đợt tăng vốn này, BIDV sẽ phát hành tiếp 341,5 triệu cổ phiếu mới để chào bán công khai hoặc chào bán riêng lẻ, tương đương 8,5% vốn điều lệ thời điểm chào bán.
Thời gian thực hiện đợt tăng vốn lần 2 này sẽ điễn ra trong giai đoạn 2021-2022, sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Theo lãnh đạo nhà băng này, toàn bộ phần vốn tăng thêm dự kiến được sử dụng để bổ sung vốn kinh doanh, đảm bảo sử dụng vốn có hiệu quả, an toàn, tối đa hóa lợi ích cho các cổ đông. Trước đó, BIDV cũng đã tăng vốn lên 40.220 tỷ đồng từ việc phát hành cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và ghi nhận khoản thặng dư vốn cổ phần 14.292 tỷ.
Tuy nhiên, phương án tăng vốn kể trên của BIDV đến nay vẫn chưa nhận được phê duyệt từ phía cơ quan quản lý. Trong khi đó, nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh như VietinBank, Vietcombank, Agribank đều đã được chấp thuận tăng vốn.
Ngoài kiến nghị kể trên, Tổng giám đốc BIDV cũng đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét chỉnh sửa bổ sung Luật giao dịch điện tử năm 2005.
Lý do cho đề xuất này là sau hơn 15 năm thực hiện, các quy định trong Luật giao dịch điện tử đã tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, phạm vi điều chỉnh hiện không áp dụng với một số lĩnh vực như bất động sản. Điều này gây khó khăn cho các ngân hàng khi triển khai sản phẩm số hoá, dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử...
Cuối cùng, ông Lê Ngọc Lâm kiến nghị sớm luật hoá Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, dự kiến hết hiệu lực vào tháng 8/2022.