Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (Mã: CTD).
Mở đầu cuộc đối thoại cùng cổ đông chiều 16/1, Chủ tịch HĐQT Coteccons Bolat Duisenov nhấn mạnh lại văn hóa minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, kể cả với những thông tin không tích cực. Vị lãnh đạo khẳng định không chỉ minh bạch với nhà đầu tư lớn hay trong nội bộ HĐQT, mà còn minh bạch với từng cổ đông và nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu CTD.
Kế toán trưởng Cao Thị Mai Lê cho biết hầu hết dự án Coteccons tham gia đều có giá trị lên đến vài nghìn tỷ đồng/hợp đồng, do đó việc thanh toán cần nhiều thời gian. Cũng vì vậy, khoản trích lập dự phòng lớn và khó giảm nhanh. "Tuy nhiên, con số nợ xấu 2.600 tỷ đồng là không đúng", bà bác bỏ tin đồn.
Bà cho biết Coteccons đã thành lập hội đồng thu hồi nợ và ban quản trị rủi ro để định kỳ đánh giá nợ xấu trên cơ sở sức khỏe tài chính của chủ đầu tư và tình hình vĩ mô của thị trường. Sau đó, theo nguyên tắc thận trọng và minh bạch, doanh nghiệp kết hợp với bộ phận kiểm toán để trích lập dự phòng.
"Hầu như Coteccons đã trích lập đầy đủ các khoản nợ xấu trên báo cáo tài chính. Cho nên có thể khẳng định một lần nữa con số nợ xấu 2.600 tỷ đồng là không đúng", bà Mai nhấn mạnh.
Báo cáo tài chính quý III/2022 cho thấy Coteccons có 1.146 tỷ đồng nợ xấu tính đến hết tháng 9/2022, trong đó số tiền trích lập dự phòng là 961 tỷ đồng.
Nói thêm về vấn đề này, Chủ tịch Bolat khẳng định trích lập dự phòng không có nghĩa là mất tiền, mà là lời cảnh báo để toàn hệ thống chú ý, tích cực theo đuổi các khoản tiền này. Riêng với khoản nợ 480 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh, ông cho hay đang xúc tiến để thu hồi. Tuy nhiên, Coteccons hiện tại không tham gia bất kỳ dự án nào của Tập đoàn FLC, còn hợp tác với Vạn Thịnh Phát tại dự án IFC One Tower cũng đã kết thúc với chi phí "rất tối thiểu".
Để hạn chế tình trạng khách hàng chậm trả, chiếm dụng vốn trong thời gian tới, Coteccons sẽ phát triển các nhóm khách hàng ít nguy cơ như những chủ đầu từng hợp tác, các dự án FDI và các chủ đầu tư lớn, có thương hiệu mạnh như Vingroup, Sungroup, BIM Group, Ecopark, Doji Land...
Cũng tại cuộc đối thoại, một cổ đông chất vấn ban lãnh đạo Coteccons về cơ hội trước các đối thủ trong thời gian tới.
"Tập đoàn Hòa Bình - đối thủ của Coteccons đang gặp khủng hoảng nội bộ. Coteccons có nghĩ đây là cơ hội của mình không, ít nhất là trong việc đoạt lại vị trí doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam xét theo doanh thu? Coteccons đánh giá như thế nào về sự trỗi dậy của 'hệ sinh thái Nguyễn Bá Dương' với những Ricons, Newtecons? Năm 2021, hai công ty này đã có doanh thu khoảng 20.000 tỷ đồng, vượt qua CTD, HBC", cổ đông này đặt câu hỏi.
Không trực tiếp nhắc tên các đối thủ khi trả lời, Chủ tịch Bolat cho rằng thị trường vẫn gọi CTD là công ty lớn nhất, nhưng ông muốn tự nhận mình là "một gã khổng lồ khiêm tốn".
"Nếu là một công ty mà cũng so sánh mình với người khác thì không lẽ lúc nào chúng ta cũng phải tìm cách thay đổi và không được là chính mình. Tôi muốn nói với các bạn một lần nữa, chúng tôi biết rõ mình cần phải làm gì, làm như thế nào để xây dựng công ty lớn mạnh. Tầm nhìn của chúng tôi sẽ không thay đổi chỉ vì người ta nói 'nhìn con nhà người ta kìa'. Chúng tôi có cách riêng của mình và con người của chúng tôi chia sẻ tầm nhìn đó", ông Bolat nói.
Tổng giám đốc Võ Hoàng Lâm cũng thừa nhận thường xuyên nhận được câu hỏi tương tự từ khách hàng, đối tác. Ông nhấn mạnh CTD đang xây dựng tầm nhìn chiến lược đến năm 2025 và khẳng định: "Nếu chúng ta 'ăn mày quá khứ' thì chúng ta sẽ yếu đi và không đủ năng lượng tiến về phía trước", ông chia sẻ.
Hiện nhà thầu này đang triển khai khoảng 65 dự án khắp cả nước, nổi bật trong số này có nhà máy Lego, nhà máy Vinfast, Diamond Crown tại Hải Phòng, Ecopark...
Ông Lâm cho biết đến nay tổng doanh thu năm 2022 được ghi nhận khoảng 14.500 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch và đang tiếp tục cập nhật trong những ngày sắp tới. Lợi nhuận không được tiết lộ cụ thể nhưng được biết "đạt như dự kiến". Trước đó, doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 20 tỷ đồng.
Về kế hoạch năm nay, ban lãnh đạo Coteccons cho hay đang thảo luận và đặt ra những con số thận trọng dựa trên giá trị hợp đồng để lại (backlog) khoảng 17.000 tỷ đồng, dự kiến doanh thu tăng 10-20% so với kế hoạch năm trước.
Cập nhật ngày 17/11/2022: CTD (Coteccons) đã trích lập đầy đủ các khoản phải thu từ Vạn Thịnh Phát
Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) vừa có thông cáo giải thích về những thông tin lan truyền không chính xác về triển vọng kinh doanh cũng như việc giá cổ phiếu sụt giảm gần đây.
Doanh nghiệp tin rằng những bất ổn về địa chính trị thế giới và các thông tin tiêu cực từ thị trường bất động sản đã tác động lên thị trường chứng khoán gần đây. VN-Index giảm hơn 40% kể từ đỉnh năm 2022 và cổ phiếu CTD cũng giảm mạnh.
Về hoạt động kinh doanh, Coteccons vẫn ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng 25,5% lên trên 8.300 tỷ đồng và có lãi tăng 16% lên 315 tỷ đồng. Tính riêng quý III, doanh thu tăng 191% và lãi gộp tăng 96% so với cùng kỳ.
Công ty giải thích lãi gộp không tăng tương ứng với mức tăng của doanh thu bởi biến động về giá đầu vào như nguyên vật liệu xây dựng, cộng thêm các chi phí huy động và thuê nhân công tăng mạnh.
Về hoạt động xây dựng, Coteccons khẳng định các dự án đang thi công không liên quan đến các chủ đầu tư như một số tin đồn trên thị trường.
Riêng các công trình đã hoàn thành từ năm 2020 về trước có liên quan đến chủ đầu tư Vạn Thịnh Phát, Coteccons đã thực hiện trích lập dự phòng toàn bộ cho các dự án này. Bao gồm khoản phải thu đối với dự án Alpha Hill là 34 tỷ đồng (đã trích lập 34 tỷ) và khoản phải thu đối với dự án IFC Tower One là 7,9 tỷ (đã thực hiện trích lập 7,9 tỷ).
Về danh mục trái phiếu, Coteccons thông tin 100% khoản đầu tư là trái phiếu có tài sản đảm bảo và cam kết mua lại từ tổ chức uy tín, danh mục đầu tư đa dạng với hơn 6 tổ chức phát hành. Các trái phiếu trong danh mục nắm giữ không liên quan đến các tổ chức phát hành theo như một số nguồn tin không chính xác.
Danh mục trái phiếu đang nắm giữ có thỏa thuận mua lại với kỳ hạn không quá 1 năm hưởng lãi suất từ 7,5-12% vẫn đang được các tổ chức phát hành thanh toán cả lãi và gốc đầy đủ. Công ty đã thu về 469 tỷ đồng so với số trái phiếu nắm giữ cuối quý II.
Trên thị trường, cổ phiếu CTD cũng vừa trải qua chuỗi giảm giá liên tục, mất hơn 70% so với mức đỉnh hồi đầu năm.
Cập nhật ngày 23/8/2022: thắng thầu lớn xây nhà máy 1 tỷ USD cho Lego
Công ty Xây dựng Coteccons và Công ty TNHH Lego Manufacturing Việt Nam (LMV) vừa thông báo sẽ hợp tác triển khai xây dựng tổ hợp nhà máy sản xuất đầu tiên của Lego tại Việt Nam.
Tổng mức đầu tư của nhà máy khoảng hơn 1 tỷ USD (bao gồm cả phần đầu tư cho sản xuất năng lượng mặt trời) trên khu đất rộng 44 ha. Đây là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Lego với mục tiêu tạo ra 4.000 cơ hội việc làm trong vòng 15 năm tới.
Về phần xây dựng, Coteccons là tổng thầu đảm nhận toàn bộ các hạng mục xây dựng, kết cấu, cơ điện và hoàn thiện cho cho phân khu 1-5 với diện tích sàn xây dựng đến 163.000 m2 (GFA).
Gói thầu bao gồm một tòa nhà văn phòng, trung tâm năng lượng, tòa nhà đúc khuôn và dịch vụ, cơ sở đóng gói, nhà kho High Bay và toàn bộ cơ sở hạ tầng ngoài trời, các tiện ích vành đai, khu vực giữ xe, cảnh quan và các tòa nhà chức năng khác.
Trước đó vào cuối năm 2021, tập đoàn đồ chơi hàng đầu thế giới cũng ký kết hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) để thuê đất xây nhà máy tỷ đô tại tỉnh Bình Dương.
Nhà máy mới của Lego dự kiến lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái và VSIP sẽ đại diện xây dựng một dự án năng lượng mặt trời kế bên. Nhờ vậy, mạng lưới điện mặt trời sẽ sản xuất đủ năng lượng tái tạo đáp ứng 100% yêu cầu hàng năm của nhà máy.
Việc đặt sản xuất tại Việt Nam cũng giúp mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu khi các nhà máy được đặt ở các khu vực gần với những thị trường chính.
Tổng thầu dự án cho biết nhà máy mới sẽ là văn phòng kiểu flagship của Lego về trải nghiệm làm việc, thiết kế theo ý tưởng nhà máy tương lai mới, điều chỉnh theo nhu cầu cụ thể cho LMV.
Tập đoàn đồ chơi nước ngoài đã chính thức được cấp giấy phép đầu tư dự án tại tỉnh Bình Dương từ tháng 3. Đây là dự án với số vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất do một doanh nghiệp Đan Mạch thực hiện tại Việt Nam.
Đây là nhà máy thứ 6 của tập đoàn trên toàn cầu và thứ 2 tại châu Á. Nhà máy tại Việt Nam còn là dự án đầu tư lớn nhất từ trước tới nay của Lego và cũng là nhà máy lớn nhất tại Việt Nam được đầu tư trong năm 2022.
Dự án nhà máy Lego dự kiến được triển khai vào nửa cuối năm 2022 và bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024.
Cập nhật ngày 6/3/2021: CTD - Coteccons bổ sung nhân sự cấp cao và cơ cấu lại ban điều hành
Theo thông tin chính thức từ phía Coteccons thì đơn vị này vừa công bố bổ nhiệm các nhân sự cấp cao đều là những cái tên nổi bật trong ngành xây dựng.
Đầu tiên là ông Chris Senekki – Nguyên Tổng Giám Đốc Công ty xây dựng Tuner Việt Nam được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám Đốc Coteccons.
Ông Chris Senekki
Ông Chris Senekki có hơn 22 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, nổi bật với nhiều dự án quốc tế và trong nước như: khu dầu khí Qatar, Cảng, bến du thuyền và sân bay quốc tế Cyprus (Síp), Porsche Autohaus (HCM), khách sạn Hilton Saigon… Dự kiến ông Chris Senekki sẽ chính thức gia nhập Coteccons vào giữa tháng 4/2021.
Một tên tuổi lớn cũng vừa được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng Giám Đốc Coteccons là Tiến Sĩ (TS) Phan Hữu Duy Quốc – Nguyên Phó đại diện của Shimizu Việt Nam, chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng với 19 năm kinh nghiệm tại Nhật Bản, là một trong những nhân sự chủ chốt tham gia xây dựng Metro số 1, cầu Bình Khánh (cao tốc Bến Lức – Long Thành). Ông Quốc còn là Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam Khóa 8 và là chuyên gia Hội Đồng Nghiệm Thu Nhà Nước cho các công trình trọng điểm.
TS Phan Hữu Duy Quốc
Cùng ngày, công ty cũng bổ nhiệm 2 ông Võ Hoàng Lâm – Tổng Giám Đốc công ty Unicons và ông Nguyễn Ngọc Lân – Giám Đốc khối Xây Lắp Coteccons làm Phó Tổng Giám Đốc Coteccons. Cùng với ông Phạm Quân Lực và ông Micheal Trần đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám Đốc trước đó, Coteccons đã bổ sung thêm nhiều chuyên gia và hoàn thiện bộ máy lãnh đạo rất mạnh về chuyên môn xây dựng.
Bên cạnh đó, mục tiêu phát triển mở rộng kinh doanh, ổn định đội ngũ và duy trì hoạt động trong qua trình chuyển giao giữa Ban điều hành mới và cũ cũng đóng vai trò quan trọng, ông Võ Thanh Liêm – Quyền Tổng Giám Đốc đã hoàn thành nhiệm kỳ kết nối chuyển đổi tại Công ty trong 6 tháng vừa qua với nhiều chuyển biến tích cực. Ông Liêm và Ban Giám Đốc Coteccons đã cùng thống nhất không kéo dài thêm nhiệm kỳ của mình. Suốt nhiệm kỳ Quyền Tổng Giám đốc, ông Võ Thanh Liêm đã chứng tỏ bản thân là một lãnh đạo đầy nhiệt huyết cả trên phương diện thương trường và phương diện tinh thần đối với Coteccons.
Với kinh nghiệm quản lý chuyên nghiệp, ông đã đưa các dự án của Coteccons về đích đúng hoặc vượt tiến độ, song hành với đảm bảo an toàn và chất lượng hàng đầu. Trong bức thư tạm biệt, ông bày tỏ sự trân trọng lớn lao tới những đóng góp suốt hơn 16 năm qua của nhiều thế hệ cán bộ nhân viên, đồng thời khẳng định tình cảm đặc biệt và sự tự hào của ông dành cho Coteccons.
Ban lãnh đạo Coteccons từng chia sẻ với báo chí, công ty sẽ thúc đẩy mọi người cùng nỗ lực bước lên và không phụ thuộc vào một vài cá nhân, lấy sức mạnh của tập thể là nền móng cho các bước tăng trưởng và nâng cao giá trị cho khách hàng. Coteccons sẽ xây dựng bộ máy nhân sự gồm nhiều chuyên gia với nhiều thế mạnh khác nhau như ông Phạm Quân Lực, ông Võ Hoàng Lâm, ông Nguyễn Ngọc Lân am hiểu về kỹ thuật xây dựng và đã gắn bó với Coteccons gần 20 năm. Ông Micheal Trần mạnh về phát triển dự án, 2 nhân sự mới bổ sung là ông Chris Senekki có nhiều năm kinh nghiệm trong mảng quản lý dự án quốc tế và đặc thù, còn TS Phan Hữu Duy Quốc am hiểu về kỹ thuật xây dựng hạ tầng, đặc biệt là công trình ngầm đô thị, tất cả đều có kinh nghiệm xây dựng quốc tế. Các chuyên gia này sẽ cùng tạo nên một hệ sinh thái ngành xây dựng vững chắc về chuyên môn và mang chất lượng quốc tế cho Coteccons.